Làm sao để sống tích cực không màng tuổi tác ngày một tăng?
Dẫu biết sinh – lão – bệnh – tử là quy luật bất biến của cuộc đời, nhưng tuổi thanh xuân là thứ mà ai cũng cố gắng tìm cách lưu giữ. Bởi vì, chúng ta luôn bị ám ảnh bởi những âu lo, rằng khi tuổi tác ngày một tăng, nếp nhăn trên mặt sẽ xuất hiện nhiều hơn, cơ thể không còn linh hoạt hay trí nhớ bắt đầu suy giảm.
Thay vì nhìn nhận lão hóa như một điều tiêu cực, chúng ta có thể chấp nhận những điều tốt đẹp đi kèm với tuổi tác cũng như thực hành những phương pháp tích cực để có thể vui sống và làm chậm quá trình già đi của cơ thể.
Sau đây là một vài phương pháp để bạn có thể vui sống mà không phải lo lắng về tuổi tác.
1. Tìm kiếm cảm hứng từ cuộc sống xung quanh
Theo Hiệp Hội Tâm Lý Hoa Kỳ (APA), trong một cuộc nghiên cứu với người lớn tuổi, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, khi chúng ta thực hiện một “cuộc dạo bộ cảm hứng” (awe walk – tản bộ với tâm thế khám phá những góc nhìn mới kể cả đối với những thứ vốn quen thuộc và bình thường, bằng cách chủ động quan sát và cảm nhận những chi tiết hiện diện trong không gian hay bối cảnh xung quanh), chúng ta sẽ gia tăng cảm giác phấn khởi và cảm thấy kết nối với xã hội nhiều hơn so với một cuộc dạo bộ chỉ hòa mình vào thiên nhiên. Các cuộc dạo bộ tiến hành một tuần một lần, mỗi lần kéo dài 15 phút, những người cao tuổi được yêu cầu chụp ảnh lại bản thân và tự đánh giá cảm xúc của họ sau mỗi lần đi dạo. Kết quả là những người này cảm thấy tích cực hơn, được kết nối với cộng đồng và giảm thiểu những cảm giác tiêu cực.
Cuộc nghiên cứu trên đã chỉ ra rằng, việc để ý đến những sự vật, sự kiện thúc đẩy niềm hứng khởi sẽ mang lại những tác dụng tích cực, đặc biệt là với người lớn tuổi.
2. Tham gia vào các hoạt động xã hội và gắn kết cộng đồng
Một cuộc nghiên cứu vào năm 1996 với hơn 12.000 người Thụy Điển cho thấy, những người tham gia vào các sự kiện mang tính văn hóa, xã hội có xu hướng sống lâu và khỏe mạnh hơn những người không tham gia. Kể từ đó, nhiều cuộc nghiên cứu khác cũng đã được thực hiện và chứng minh rằng những người tham gia vào các hoạt động xã hội như đi nhà thờ, đến rạp chiếu phim, nhà hàng hay tham gia các sự kiện thể thao đều sống lâu và khỏe mạnh. Một trong những lý do để lý giải cho việc này là các hoạt động trên làm gia tăng kết nối xã hội, cải thiện các mối quan hệ và tăng cường cảm giác được thuộc về trong cộng đồng, vốn là những yếu tố đi liền với sự tích cực và sức khỏe tinh thần. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa còn giúp rèn luyện tư duy nhạy bén hơn. Vì vậy, tham gia vào các sự kiện trên sẽ giúp bạn đánh tan nỗi lo tuổi tác và sống yêu đời hơn.
3. Kích thích các giác quan
Nhiều người cho rằng, không gian sống có thể giúp đẩy lùi sự lão hóa. Thật ra, ý kiến này hoàn toàn có cơ sở khoa học. Cũng giống như cơ bắp sẽ teo đi nếu chúng ta không luyện tập, khả năng nhận thức cũng sẽ bị hao mòn nếu các giác quan không được kích thích. Khi sống trong một không gian với sắc màu u tối, đơn điệu cùng với những món nội thất nhàm chán, trí não cũng trở nên kém sắc bén hơn.
Sự nhạy bén của các giác quan con người giảm dần theo tuổi tác. Thủy tinh thể của đôi mắt có xu hướng dày lên và ngả màu vàng, khiến ánh sáng ít lọt vào mắt hơn. Khứu giác, vị giác và thính giác cũng dần dần trở nên kém nhạy bén. Vì vậy, hãy khiến cho không gian sống của bạn trở nên rực rỡ hơn với nhiều màu sắc, tác phẩm nghệ thuật, cây cối và những yếu tố kích thích giác quan khác để vừa làm chậm quá trình lão hóa, vừa mang lại cho bạn nhiều niềm vui.
4. Tự mua hoa cho bản thân
Trong một nghiên cứu của Sage Journals, khi được tặng hoa hay nhìn vào các loài thực vật, con người có xu hướng cải thiện trí nhớ, tâm trạng và khả năng tập trung. Có khả năng, điều này là kết quả từ quá trình tiến hóa của loài người khi quan sát thực vật. Từ xưa, khi con người biết được loài hoa nào sẽ cho ra quả gì, họ sẽ ghi nhớ địa điểm của loài hoa đó để sau này tìm kiếm hoa quả dễ dàng và nhanh hơn những loài thú khác.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hoạt động làm vườn còn giúp nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi. Vì vậy, việc tự mua hoa cho bản thân hoặc trồng cây tại nơi bạn sinh sống sẽ giúp bạn sống tươi trẻ hơn trong những giai đoạn sau của cuộc đời.
5. Quay ngược thời gian
Vào năm 1981, nhà tâm lý học tại Harvard, Ellen Langer, đã thử nghiệm một nghiên cứu có tên là “nghiên cứu ngược chiều kim đồng hồ” với những người đàn ông trên 70 tuổi. Trong vòng 5 ngày, họ phải sống trong một tu viện được thiết kế trông giống như năm 1959, được trang bị các loại vật dụng cổ điển như radio, ti vi đen trắng thay vì những thiết bị hiện đại. Các quyển sách được trưng bày đều là những quyển sách nổi tiếng vào những thập niên trước. Kể cả các chương trình ti vi hay âm nhạc được bật cũng giữ đúng tinh thần của thời điểm đó.
Những người đàn ông sống trong môi trường đó được đối đãi như họ đang sống trong độ tuổi 50 chứ không phải độ tuổi 70 như hiện tại. Họ phải tự mình xách túi, thảo luận về những tin tức hay bàn luận về thể thao của hàng chục năm trước. Và để đảm bảo mọi thứ chân thực nhất, xung quanh đó không được trang bị gương hay hình ảnh để họ tạm quên đi tuổi tác thật của mình và giữ suy nghĩ mình đang trẻ lại vài chục tuổi.
Sau khi hoàn thành cuộc nghiên cứu, những người đàn ông đứng thẳng hơn, linh hoạt hơn và tầm nhìn của họ cũng tốt hơn. Cho đến năm 2010, một cuộc thí nghiệm tương tự đã được thực hiện bởi đài BBC, lần này những người tham gia đều là những người nổi tiếng lớn tuổi. Kết quả của cuộc thí nghiệm này cũng khả quan tương tự như nghiên cứu của Ellen Langer. Từ đó, Ellen đưa ra kết luận, chúng ta có thể giữ suy nghĩ của mình trẻ hơn, từ đó cơ thể của chúng ta cũng sẽ tuân theo cách nghĩ đó và đẩy lùi sự lão hóa.
Chúng ta không cần phải ứng dụng hoàn toàn thí nghiệm của Ellen vào đời sống. Thay vào đó, bạn chỉ cần ghé thăm những địa điểm yêu thích mà đã lâu bạn chưa tới, hoặc tìm đọc những quyển sách hay tạp chí ngày xưa trong lúc thưởng thức những bản nhạc xưa cũ. Tuy những việc làm này không mang lại nhiều tác động như các cuộc thí nghiệm nêu trên, nhưng bạn cũng có dịp kết nối lại với phiên bản trẻ hơn của mình và phần nào cảm thấy trẻ lại khi nhớ về kỷ niệm xưa.
6. Tối ưu hóa sự linh hoạt
Tập thể dục được cho là cách để chúng ta duy trì sức khỏe và sự tươi tắn ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu chỉ ra rằng, vận động giúp chúng ta tăng kích thước hồi hải mã (hippocampus), một bộ phận của não đóng vai trò quan trọng trong việc ghi nhớ và học tập. Khi tuổi tác ngày một tăng, kích thước hồi hải mã cũng nhỏ lại, làm suy giảm trí nhớ và có nguy cơ dẫn đến chứng mất trí nhớ. Trong một cuộc nghiên cứu khác với những người lớn tuổi, tập thể dục giúp hồi hải mã tăng 2%, tương đương với việc ngăn ngừa lão hóa đến hai năm.
Không chi có tác dụng đối với khả năng nhận thức, vận động cũng mang đến nhiều niềm vui trong cuộc sống, những môn thể thao như bơi lội, leo núi hoặc khiêu vũ sẽ giúp chúng ta không cảm thấy nhàm chán khi chúng ta già đi.
7. Cập nhật những công nghệ mới
Người ta cho rằng xã hội trở nên xa cách hơn khi chúng ta quá phụ thuộc vào công nghệ. Thật ra, một vài nghiên cứu chỉ ra rằng, khi những người lớn tuổi sử dụng thành thục công nghệ, họ có xu hướng khỏe mạnh hơn. Lý do là vì Internet tạo ra một kết nối xã hội rộng rãi, đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc đảm bảo sức khỏe tinh thần, đặc biệt là với người lớn tuổi. Trong các cuộc nghiên cứu khác, những người không thể sử dụng công nghệ thành thục cảm thấy mất kết nối với thế giới và thiếu động lực. Vì vậy, khi người lớn tuổi học cách sử dụng công nghệ, chức năng nhận thức của họ được gia tăng, họ cảm thấy kết nối hơn với cộng đồng cũng như cảm thấy độc lập và tự chủ hơn trong cuộc sống.
Cho dù chúng ta có ở độ tuổi nào, niềm vui sống vẫn là yếu tố quan trọng nhất để lưu giữ sự trẻ trung và linh hoạt. Do đó, dù không thể kiểm soát được số tuổi tăng lên theo từng năm nhưng chúng ta vẫn có thể duy trì sự trẻ trung của tinh thần bằng cách duy trì lối sống tích cực, từ đó làm chậm quá trình lão hóa.
Chúc bạn luôn tìm thấy niềm vui và luôn giữ tinh thần tươi trẻ.
Bài: Hoàng Tân
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: TED