Lifestyle / Bí quyết sống

Sử dụng sức mạnh ngôn từ để thay đổi cuộc sống của bạn

Ngôn từ xuất hiện từ khi chúng ta bắt đầu quá trình xây dựng ý thức, trở thành phương tiện diễn đạt suy nghĩ, cảm xúc của bản thân và đồng thời, chúng còn là công cụ giao tiếp giữa người với người. Nếu bạn biết cách tận dụng sức mạnh ngôn từ, chúng sẽ làm cho cuộc sống của bạn thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Có thể bạn không để ý, những từ ngữ mang ý nghĩa tiêu cực có thể rút cạn nguồn năng lượng khi mình sử dụng chúng. Đó là lý do vì sao khi than vãn bằng những từ như “mệt mỏi”, “chán nản”, bạn cũng tự động mất hết tinh thần làm việc. Chính vì vậy, nguồn năng lượng tích cực hay tiêu cực trong ngôn từ cũng tác động rất lớn đến cuộc sống của chúng ta.

Tuy nhiên, chịu đựng trạng thái tiêu cực không phải lúc nào cũng kinh khủng như chúng ta vẫn thường nghĩ, có đôi lúc, nó cũng mang đến vài lợi ích khác nữa. Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, việc rơi vào trạng thái không mong muốn có thể cải thiện trí nhớ, tăng khả năng thích nghi với những tình huống khó khăn, phát triển kỹ năng giao tiếp. Bởi vì khi tâm trạng trở nên tồi tệ, chúng ta sẽ cố gắng chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành trạng thái tích cực, thúc đẩy bản thân thay đổi để tìm kiếm những điều tốt đẹp. Đồng thời, chúng ta cũng cảm thấy vui vẻ và tràn đầy hy vọng vào tương lai khi đã vượt qua những điều tồi tệ ấy.

Như bạn thấy đó, chúng ta có được sức mạnh từ chính lời ăn tiếng nói, thế nên, đừng để những từ ngữ tiêu cực cai trị cảm xúc của bản thân. Thay vào đó, chúng ta hãy tận dụng sức mạnh ngôn từ, biến chúng thành chìa khóa thành công cho cuộc sống.

“Giới hạn về mặt ngôn từ của tôi chính là giới hạn sự hiểu biết của tôi về thế giới”.

– Ludwing Wittgenstein –

 

Mở rộng vốn từ vựng

cô gái đọc sách trau dồi ngôn từ
Ảnh: Pexels/Cristian Benavides

Tiếng Anh trung bình có khoảng 500.000 từ vựng, nhưng thực chất mọi người chỉ sử dụng khoảng 2.000 từ mà thôi. Tương tự như tiếng Anh, tiếng Việt nổi tiếng với kho từ vựng phong phú nhưng mỗi ngày chúng ta chỉ dùng những từ ngữ quen thuộc. Việc thiếu hụt vốn từ vựng cũng khiến chúng ta không hiểu trọn vẹn cảm xúc của mình và người khác. 

Với vốn từ vựng phong phú, chúng ta có khả năng diễn đạt linh hoạt, nói ra cảm xúc, suy nghĩ của mình cụ thể và rõ ràng hơn. Thay vì sử dụng “hạnh phúc” để miêu tả trạng thái vui vẻ, bạn có thể tìm kiếm những từ ngữ miêu tả cụ thể hơn như sung sướng, mãn nguyện, phấn khởi, hân hoan… Thông qua đó, người khác có thể hiểu rõ hơn về những gì bạn muốn thể hiện và đồng thời, chúng còn giúp bạn giao tiếp hiệu quả hơn.

Phương pháp mở rộng vốn từ được nhiều người đề cử nhất chính là đọc. Việc đọc không chỉ giúp bạn “thu hoạch” thêm nhiều từ vựng mới lạ mà nó còn giúp bạn hiểu được ngữ cảnh để sử dụng chúng. Khi bắt gặp một từ vựng mới lạ nào đó mà mình cảm thấy hay, bạn có thể “take-note” trong điện thoại hoặc ghi chép vào sổ tay và nếu có thể, hãy cố gắng áp dụng nó ngay vào cuộc sống.

Hiểu được sức mạnh ngôn từ

cô gái sử dụng sức mạnh ngôn từ
Ảnh: Pexels/Charlotte May

Bạn không thể tận dụng sức mạnh của ngôn từ nếu như chưa hiểu rõ về nó. Như đã đề cập ở trên, nếu bạn sử dụng những từ ngữ tiêu cực, cuộc sống sẽ ngày càng bế tắc và đầy ảm đảm. Ngược lại với tiêu cực, những từ ngữ tích cực khiến cuộc sống bạn tươi vui và thăng hoa hơn.

Sức mạnh của ngôn ngữ còn to lớn hơn nữa khi nó không chỉ thay đổi bản thân mà còn tác động đến mọi người xung quanh. Đã bao giờ bạn rơi nước mắt khi đọc được áng văn buồn, bật cười khi nghe thấy lời nói đùa của ai đó, tràn đầy năng lượng trước những câu nói truyền cảm hứng? Tất cả những điều đó đều là sức mạnh của ngôn từ. Chúng không chỉ là công cụ để chúng ta giao tiếp hằng ngày, bày tỏ tâm tư, tình cảm, miêu tả sự vật sự việc nào đó. Thực chất, chúng ta có thể tận dụng ngôn từ như là liều thuốc chữa lành nỗi đau, nhưng cũng có người lựa chọn biến chúng thành lưỡi dao bén nhọn làm tổn thương người khác.

Người phê bình thầm lặng

Người phê bình được nhắc đến ở đây không phải là những người luôn phàn nàn về bạn, mà thực chất chính là “tòa án lương tâm” trong bạn. “Tòa án lương tâm” là nơi phơi bày, phê phán những lỗi sai mà bạn mắc phải, cũng là nơi khen ngợi khi bạn làm tốt việc gì đó. Đừng cố gắng “bỏ ngoài tai” tiếng nói của “tòa án lương tâm”, đó chính là những chân lý, lẽ phải giúp chúng ta trở thành con người tốt đẹp hơn.

Khi lắng nghe “tòa án lương tâm”, bạn sẽ biết được thế nào là đúng, thế nào là sai và phải làm gì để bản thân đi đúng hướng. Nếu bạn lắng nghe thật kỹ tiếng nói bên trong mình, chắc chắn bạn sẽ ngày càng trưởng thành hơn. Đừng bao giờ để “tòa án lương tâm” im lặng mà thay vào đó, hãy nuôi dưỡng nó bằng những việc làm hữu ích để nó luôn dành lời ngợi khen cho bạn. Khi nhận được lời tán thưởng từ “tòa án lương tâm” như: bạn thật giỏi, bạn thông minh, sáng tạo và bạn xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp trong cuộc sống, hẳn bạn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng tích cực và tiếp tục hành động để thay đổi bản thân mình.

cô gái suy nghĩ về ngôn từ
Ảnh: Unsplash/Anthony Tran

Thay đổi những câu hỏi

Có đôi lúc, khi gặp phải vấn để nan giải hay bản thân rơi vào trạng thái chán nản, bạn thường phủ nhận bản thân mình bằng những câu nói như: “Mình không làm được việc này đâu” và đây cũng là lý do vì sao bạn mãi không thể hoàn thành công việc. Đừng để bản thân mình “đầu hàng” trước khi “lâm trận”, hãy thay đổi những lời phủ nhận ấy thành câu khẳng định: “Mình có thể làm được” hoặc tự tiếp thêm năng lượng bằng cách tự vấn bản thân: “Hôm nay mình sẽ hoàn thành công việc nào trước đây?”. Tự hỏi bản thân, đưa ra đáp án và mang câu trả lời ấy thành một bản kế hoạch áp dụng vào cuộc sống. Ngày qua ngày, bạn sẽ nhận thấy bản thân mình dần thay đổi tốt đẹp hơn, chạm đến được thành công từ những điều nhỏ nhặt ấy.

Hãy xem trách nhiệm là đặc quyền

Thay vì nói “phải làm việc gì đó”, bạn hãy nói “nên/hãy làm điều gì đó”. Vì từ “phải” sẽ mang đến cảm giác ép buộc, khiến bạn cảm thấy áp lực và nặng nề hơn. Ngược lại, từ “nên” sẽ giúp bạn cảm giác như đây là một điều gì đó rất thú vị mà mình may mắn có được, không còn nhìn thấy gánh nặng trách nhiệm trên vai nữa. Còn với từ “hãy”, nó “truyền lửa” cho bạn, như một lời kêu gọi mau chóng bắt tay vào làm việc.

Vậy nên, khi áp dụng những mẹo nhỏ này vào lối nói chuyện thường ngày, bạn có thể thay đổi cách suy nghĩ về trách nhiệm, không còn cảm giác quá nặng nề, gây áp lực cho bản thân. Đừng nản lòng khi chưa đạt được kết quả như bản thân mong đợi, cứ từng bước luyện tập rồi cuộc sống của bạn sẽ dần thay đổi.

Chỉ phản hồi, đừng phản ứng

hai cô gái nói chuyện về ngôn từ
Ảnh: Pexels/Amina Filkins

Chúng ta có thể sẽ nhận lấy tổn thương nếu phản ứng gay gắt trước một tình huống nào đó. Chẳng hạn như khi bạn không ngần ngại buông những lời “sát muối” vào trái tim người khác chỉ để bộc phát cơn tức giận của bản thân mình. Đến khi “ngọn lửa” dần lụi tàn, bạn sẽ nhận ra hành động của bản thân đã làm tổn thương người khác và điều đó khiến bạn nhận lấy kết quả tương tự như thế.

Thay vì phản ứng ngay lập tức trước lời nói hay hành động của ai đó, chúng ta hãy dành thời gian để nhìn nhận và sau đó đưa ra phản hồi tỉnh táo nhất. Việc lập tức phản ứng trong cơn nóng giận hoặc không thể kiểm soát lý trí của mình là hành động sai lầm mà bạn có thể hối hận về sau. Hãy cố gắng áp chế sự kích động của bản thân mình, dùng khoảng thời gian suy nghĩ này làm dịu bớt cơn tức giận nhất thời và giúp bạn xem xét kỹ vấn đề một cách chín chắn. Từ đó, bạn có thể dựa vào sức mạnh ngôn từ để đưa ra phản hồi tốt nhất.

“Lời nói là thứ vũ khí có thể truyền năng lượng và cứu lấy sự sống nhưng nó cũng mang lại sự tuyệt vọng và giết chết chúng ta”.

– H.S. Crow –

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Hồng Tuyết

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: learningmind

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)