Những điều làm nên sự khác biệt giữa thất bại và thành công

Đăng ngày:

Câu chuyện về thành công – thất bại luôn là một chủ đề khơi gợi hứng thú cho nhiều người. Vậy đâu là những yếu tố quan trọng dẫn đến sự khác biệt giữa hai kết quả này?

Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao hai người hoạt động trong cùng một lĩnh vực, có khởi đầu và chiến lược như nhau nhưng chỉ một người thành công còn người kia lại thất bại? Điều gì làm nên sự khác biệt này? Câu trả lời nằm ở tư duy của họ, thường được nuôi dưỡng bởi 9 yếu tố sau. 

1. Mục đích

Thành công thường chỉ đến từ 20% cách bạn thực hiện công việc và 80% còn lại phụ thuộc vào lý do bạn làm việc đó. Vì vậy, trước khi bắt đầu bất cứ việc gì, hãy tự hỏi bản thân về mục đích của bạn. Ví dụ, nếu bạn muốn thành lập một doanh nghiệp, hãy thử đặt những câu hỏi như “Tại sao tôi muốn xây dựng doanh nghiệp?”, “Việc này sẽ mang lại cho tôi lợi ích gì?”, “Nó sẽ thay đổi cuộc sống của tôi như thế nào?”… Trả lời những câu hỏi trên sẽ giúp bạn xác định mục tiêu cụ thể và nỗ lực chinh phục chúng. Ngoài ra, trong quá trình theo đuổi mục tiêu, bạn có thể tự nhắc nhở bản thân về nguy cơ thất bại hay hậu quả của việc bỏ cuộc. Điều này tạo điều kiện cho bạn luôn giữ vững ý chí và duy trì động lực để gặt hái thành công.

cô gái nón đỏ suy nghĩ về sự thất bại

Ảnh: Pexels/Antoni Shkraba

2. Tấm lòng biết cho đi

Bất kể mục tiêu của bạn là gì, nó đều nên xuất phát từ mong muốn giúp đỡ người khác thay vì chỉ tập trung vào bản thân bạn. Chẳng hạn, nếu bạn muốn kinh doanh, sản phẩm hay dịch vụ mà bạn mang lại nên đáp ứng nhu cầu và giải quyết được vấn đề của người tiêu dùng. Đây là cách giúp bạn thu hút sự chú ý và tin tưởng từ người khác, từ đó tiến tới thành công. Để hình thành tư duy này, hãy tập thói quen cho đi, dù chỉ là một đóng góp nhỏ cho những người có hoàn cảnh khó khăn xung quanh bạn. 

3. Niềm tin

Sự khác biệt giữa người thành công và người thất bại còn nằm ở niềm tin của họ. Nếu người thành công thường tin rằng họ sẽ đạt được mục tiêu, người có xu hướng gặp thất bại thường lo ngại sẽ “trắng tay” ngay cả khi chưa bắt đầu. Một mẹo nhỏ để bạn có thể nuôi dưỡng niềm tin là bắt đầu ngày mới bằng cách đọc to những câu nói truyền cảm hứng cho bản thân. Hành động này sẽ tiếp thêm năng lượng cho bạn để tiến lên, cũng như thúc đẩy sức mạnh ý chí và năng lực tự chủ. Bên cạnh đó, bạn có thể đọc sách, xem video và nghe podcast về những bài học thành công hoặc chủ động kết bạn với những người thành công trong cuộc sống để được tiếp thêm động lực. 

cô gái nghe podcast về bài học thất bại và thành công

Ảnh: Unsplash/Kateryna Hliznitsova

4. Sự cam kết

Không phổ biến như những yếu tố khác, nhưng sự cam kết giữ một vai trò quan trọng trong việc hình thành tư duy của người thành công. Bởi lẽ, những ràng buộc trong cam kết đối với mục tiêu sẽ giúp bạn duy trì nỗ lực để vượt qua khó khăn và không bỏ cuộc ngay cả khi vấp ngã. Ngoài ra, sự cam kết còn có khả năng nâng cao tinh thần trách nhiệm của bạn trong hành trình theo đuổi mục tiêu. 

5. Khả năng tập trung

Gắn liền với sự cam kết là khả năng tập trung. Đây là yếu tố giúp bạn thể hiện quyết tâm phải hoàn thành một công việc cụ thể và tránh bị phân tâm bởi những tác nhân bên ngoài. Để tăng khả năng tập trung, bạn chỉ nên chọn một công việc cần hoàn thành và làm chủ nó, thay vì ôm đồm tất cả cùng một lúc. Bên cạnh đó, bạn không nên so sánh bản thân với người khác mà hãy tập trung vào mục tiêu của bản thân, vì mỗi người trong chúng ta đều sở hữu một nhịp điệu riêng.

cô gái tập trung làm việc để không thất bại

Ảnh: Pexels/Nataliya Vaitkevich


Xem thêm

• 5 khoảnh khắc nổi bật khiến Jennie (BLACKPINK) trở thành hình mẫu lý tưởng của tình yêu, phong cách, và tinh thần sống tích cực

• 7 bí quyết quản lý tài chính của những người phụ nữ thành công

• 3 “bẫy tâm lý” khiến bạn luôn đưa ra quyết định sai lầm


6. Tính kiên nhẫn

Trên con đường dẫn tới thành công có thể xuất hiện nhiều chướng ngại khiến bạn chùn bước. Khi đó, tính kiên nhẫn sẽ mang đến sức mạnh giúp bạn vượt qua khoảng thời gian khó khăn này, vì đây là khả năng giữ bình tình và chịu đựng những thử thách hay tình huống gây nản lòng. Có nhiều cách để rèn luyện tính kiên nhẫn, nhưng trên hết, bạn cần tin tưởng bản thân và tận hưởng quá trình theo đuổi mục tiêu. Một lời khuyên khác giúp bạn trở nên kiên nhẫn hơn là tiến hành chia mục tiêu lớn thành các mục tiêu nhỏ và lần lượt chinh phục chúng. Sau mỗi lần đạt được một cột mốc quan trọng, hãy dành thời gian để tự khen thưởng bản thân vì đã không bỏ cuộc. Ngoài ra, đừng vội trách mình vì không thể làm tốt hơn kỳ vọng, vì điều này chỉ khiến bạn chìm trong cảm giác thất bại và mất niềm tin vào chính bạn.

7. Lòng can đảm

Trước khi gặt hái được “quả ngọt”, bạn có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Song, hãy tự nhắc nhở bản thân rằng thất bại duy nhất là bỏ cuộc, từ đó can đảm vươn lên để học hỏi và trưởng thành. Để nuôi dưỡng lòng can đảm, bạn có thể đọc tiểu sử về những tấm gương không chịu bỏ cuộc khi đối mặt với nghịch cảnh, chẳng hạn như tác giả của loạt truyện Harry Potter J. K. Rowling hay “nữ hoàng truyền hình” Oprah Winfrey. J. K. Rowling từng bị nhiều nhà xuất bản từ chối trước khi thành công vang dội với Harry Potter. Với Oprah Winfrey, bà từng có tuổi thơ gian khó, nhưng nghị lực phi thường đã đưa bà trở thành một trong những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng bậc nhất thế giới. Trong trường hợp bạn cảm thấy muốn từ bỏ, hãy thử xem những bộ phim truyền động lực hoặc nghe những kênh podcast mang lại thông điệp tích cực để vực dậy tinh thần. 

cô gái đọc sách trên giường

Ảnh: Pexels/Nataliya Vaitkevich

8. Tư duy sáng tạo

Tư duy sáng tạo là một yếu tố quan trọng làm nên sự khác biệt giữa thất bại và thành công. Do đó, trong quá trình chinh phục mục tiêu, bạn cần có khả năng tư duy, tìm tòi và khám phá những ý tưởng tiến bộ, độc đáo. Nếu chỉ làm theo hoặc sao chép người khác, bạn sẽ mãi “dậm chân tại chỗ” và trở thành một bản sao của họ. 

Trái với lầm tưởng của nhiều người rằng tư duy sáng tạo là khả năng bẩm sinh, bạn hoàn toàn có thể phát triển kỹ năng này thông qua học tập và rèn luyện. Một trong những cách đơn giản nhưng hiệu quả là tự đặt những câu hỏi tạo điều kiện cho bạn mở mang đầu óc. “Làm thế nào để thực hiện công việc này hiệu quả hơn?”, “Làm thế nào để giải quyết vấn đề này?”… là những câu hỏi quen thuộc nhưng khá hữu ích bạn có thể thử để rèn luyện tư duy sáng tạo. 

9. Tinh thần học hỏi

Thay vì chỉ “tự thân vận động”, bạn có thể tìm ai đó đã thành công trong lĩnh vực của bạn và học hỏi từ họ. Những bài học thực tế về sự thành công hay thậm chí thất bại của những người đó vừa trang bị kiến thức cho bạn, vừa giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Ngoài ra, vì thế giới luôn thay đổi từng giây, nên bạn phải không ngừng học hỏi và trau dồi kinh nghiệm. Và đừng quên áp dụng những gì bạn học được vào thực tiễn cuộc sống, thay vì chỉ thụ động ghi nhớ chúng nhé!

cô gái ngồi học để không thất bại

Ảnh: Pexels/George Milton

Trên thực tế, việc một người thất bại hay thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, bao gồm cả may mắn. Tuy nhiên, nắm bắt và làm chủ những yếu tố quan trọng nêu trên sẽ tạo điều kiện cho bạn thuận lợi “đạp gió rẽ sóng”, tiến tới thành công. 

Nhóm thực hiện

Bài viết: Khiết Minh

Tham khảo: Forbes

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more