5 sự thật ít người biết về những chú chó dịch vụ
Không giống những vật nuôi trong nhà bình thường, chó dịch vụ cần được quan tâm một cách đặc biệt hơn. Chú chó đặc biệt này còn có nhiều điều thú vị khác.
Tại Việt Nam, khái niệm chó dịch vụ dường như còn khá xa lạ nhưng ở Mỹ, những chú chó này giữ một vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ những người khuyết tật. Không giống với những vật nuôi trong nhà khác, chó dịch vụ cần được chăm sóc và đối xử một cách đặc biệt hơn. Việc chưa hiểu rõ về chó dịch vụ có thể dẫn đến nhiều phiền toái cho cả chú chó và người chủ sở hữu chúng. Dưới đây là 5 sự thật mà các nhà huấn luyện và những người đang phải sống dựa vào chó dịch vụ mong muốn mọi người lưu ý.
Chó dịch vụ khác với những chú chó trị liệu hay chó hỗ trợ tinh thần
Theo định nghĩa của ADA (Americans with Disabilities Act – Đạo luật Khuyết tật ở Mỹ), chó dịch vụ là “chó được huấn luyện riêng để làm việc hoặc thực hiện nhiệm vụ cho người khuyết tật”. Theo đó, mỗi con chó dịch vụ sẽ có một công việc khác nhau tùy theo yêu cầu của người quản lý. Jennifer Boan, người quản lý quỹ và truyền thông hàng năm của Paws With a Cause, một tổ chức phi lợi nhuận đào tạo chó dịch vụ chia sẻ: Tổ chức của cô cung cấp cho khách hàng một chú chó có thể báo động trong trường hợp khẩn cấp, trái lại, một số chú chó khác lại không được huấn luyện kỹ năng này.
Động vật trị liệu và động vật hỗ trợ tinh thần không có quyền theo quy định của ADA như chó dịch vụ. Chúng có thể bao gồm nhiều loài khác nhau như vẹt, chuột… và được đăng ký ở Pet Partners, một tổ chức chuyên về cải thiện cuộc sống thông qua động vật trị liệu. Động vật trị liệu thường được dùng trong bệnh viện trẻ em, nhà điều dưỡng và trung tâm cho chăm sóc cựu chiến binh. Trong khi đó, động vật hỗ trợ cảm xúc có thể giúp điều trị các căn bệnh lo âu, trầm cảm.
Đừng làm xao lãng chó dịch vụ
Nhờ sự giúp đỡ của cô chó dịch vụ Jubilee, Ariel Wolf đã có cuộc sống tốt hơn sau khi bị tổn thưởng mô liên kết. Tuy nhiên, có một vấn đề khác xảy ra với Jubilee và Wolf. Sở hữu vẻ ngoài đáng yêu, cô chó nhỏ này thu hút nhiều sự chú ý của mọi người xung quanh. Wolf chia sẻ: “Khi mọi người tương tác với Jubilee, nó sẽ tìm cách đáp lại. Nhưng sau đó, nó sẽ bị phân tâm và không còn chú ý đến việc giúp đỡ tôi nữa”. Do đó, khi bắt gặp một chú chó dịch vụ, dù có bị ấn tượng đến đâu, chúng ta vẫn nên để chúng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Bên cạnh đó, chó dịch vụ cũng cần nhận được sự tôn trọng và quan tâm đúng mực. Cuộc sống của Ishanti Holmes, người được chẩn đoán mắc bệnh đa xơ cứng khi cô ở quân đội, đã thay đổi hoàn toàn sau khi có Kaydet. Kaydet giúp đỡ cô rất nhiều trong việc di chuyển và hỗ trợ chữa trị chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Holmes cho biết: “Chó không phải là một robot. Chúng không hoàn hảo. Khi bạn nhìn và nói chuyện với nó, nó sẽ cố gắng làm cho bạn thoải mái. Nhưng chúng vẫn cần được nghỉ ngơi và được tôn trọng”.
Chó dịch vụ không cần giấy phép khi hoạt động
Một số người có thể nghi ngờ về khả năng “làm việc” của chó dịch vụ và yêu cầu một giấy chứng nhận mỗi khi chúng xuất hiện ở đám đông. Tuy nhiên, theo ADA, ngoài được tiêm phòng và có chính sách bảo vệ, chó dịch vụ không cần bất cứ giấy phép nào để giúp đỡ người khuyết tật. Các trường hợp bán giấy chứng nhận động vật dịch vụ trực tuyến không được sự công nhận của ADA cũng như Bộ Tư pháp. Để tránh xung đột và bảo vệ vật nuôi của mình, một số người đã mang theo thẻ hoặc giấy tờ liên quan.
Chó dịch vụ không phải là trò tiêu khiển
Holmes chia sẻ: “Tôi học cách kiên nhẫn nhưng không phải lúc nào tôi cũng đồng ý khi có người muốn chụp ảnh Kaydet. Tôi đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu ý muốn của họ, song chúng tôi không có mặt ở đây để giải trí cho mọi người. Tôi đã khiến một số người cảm thấy khó chịu vì không để Kaydet chụp ảnh với một cô bé. Nhưng đó là do cha mẹ của cô ấy đã cố ý chế giễu, đùa cợt, khiến tôi cảm thấy tồi tệ về Kaydet”.
Trong trường hợp của Jubilee, nó là một con chó năng động và hoạt bát. Jubilee liên tục vẫy đuôi chào mọi người nên nó thường trở thành tâm điểm chú ý. Tuy nhiên, Wolf nói rằng cô ước mọi người sẽ tôn trọng không gian riêng của mình hơn. Có lần, mọi người đã làm phiền cô khi cô đang ăn tối với gia đình chỉ vì muốn hỏi về Jubilee. Wolf nói: “Tôi hiểu rằng mọi người cũng yêu quý Jubilee như tôi vậy. Tôi không ngại trả lời câu hỏi từ mọi người, ngay cả khi đó là câu hỏi tôi đã nghe cả trăm lần trong ngày nhưng tôi cần sự riêng tư. Tôi không muốn bị chú ý chỉ bởi vì tôi có một chú chó dịch vụ”. Wolf hy vọng mọi người có thể dùng cảm nhận của mình để đối xử với người khuyết tật và những chú chó đặc biệt này: “Nếu bạn không thích người khác hỏi về bệnh án của mình, đừng làm điều tương tự với chúng tôi. Nếu bạn không chụp ảnh cùng người lạ hoặc ôm họ mà không xin phép, hãy làm như thế với những chú chó dịch vụ”.
Người điều khiển chó dịch vụ luôn tìm cách không làm phiền người khác
Chó là một loài động vật đáng yêu, song không phải ai cũng có thể đến gần nó một phần vì sợ, phần vì bị dị ứng. Đó là lý do vì sao Wolf luôn chải chuốt gọn gàng cho Jubilee và liên tục quan sát những người xung quanh cô. Wolf kể lại: “Vài tháng trước, một cậu bé đã giấu giếm sự sợ hãi và đứng nép sau cha mình khi gặp Jubilee. Khi đó, tôi đã ra lệnh cho Jubilee ra sau lưng tôi và nằm xuống sàn. Tôi nghĩ rằng cách này thể hiện sự tôn trọng với những người xung quanh. Sẽ thật là ích kỷ nếu tôi đặt lợi ích của mình lên trên sự thoải mái của người khác”.
Mary Margaret Callahan, giám đốc chương trình cấp cao của Pet Partners cho biết: “Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta có thể trở thành đối tác tốt hơn với bất kỳ loài động vật nào trên thế giới nếu có thể hiểu ngôn ngữ cơ thể của chúng. Đối với những người nuôi chó dịch vụ, điều quan trọng là phải chú ý đến biểu cảm, cử chỉ của động vật, đồng thời quan sát phản ứng của những người xung quanh để có cách ứng xử cho phù hợp”.
—
Xem thêm:
Những bức ảnh hài hước về động vật của cuộc thi Comedy Wildlife
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến vật nuôi và động vật hoang dã như thế nào?
Thùy Dung (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Huffingtonpost)