Lifestyle / Bí quyết sống

Bạn đang bộc lộ sự tự hào đúng mực hay đó là dấu hiệu của lòng vị kỷ?

Sự tự hào là cần thiết khi giúp ta cảm thấy tự tin và tiếp thêm động lực làm việc. Nhưng có phải nó luôn là biểu hiện tốt?

Hầu hết mọi người đều nhìn nhận sự tự hào là thái độ tích cực khi nó tạo động lực thúc đẩy chúng ta làm việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu không biết cách kiểm soát, tự hào quá mức có thể được xem là hình thức của sự kiêu ngạo. Do đó, có thể nói tự hào tồn tại hai thái cực, tốt và xấu. Điều chúng ta cần làm là giữ cho nó được ở trạng thái cân bằng, không quá tự ti về bản thân nhưng cũng không tự cao tự đại. Dưới đây là những biểu hiện khác nhau cơ bản của sự tự hào “lành mạnh” và “không lành mạnh” mà bạn nên biết.

Tự tin vừa đủ

Đầu tiên, người có sự tự hào đúng mực chỉ tự tin vừa đủ về thành công của bản thân. Sau đó, họ sẽ cố gắng làm việc để đạt được mục tiêu tiếp theo. Trong khi đó, người tự cao thường biến thành tích đạt được trở thành công cụ cạnh tranh. Họ mong muốn duy trì sự chú ý và mọi người phải nhìn thấy, khen ngợi thành công của mình.

Sự tự hào 1
Tự hào chỉ đơn giản là tự tin vào công việc của bản thân mà không quá trông chờ vào lời ngợi khen từ người khác. (Ảnh: Unsplash)

Biết khen ngợi người khác

Biểu hiện khác nhau thứ hai là cách họ phản ứng lại với thành công của người khác. Người có sự tự hào “lành mạnh” không chỉ nhìn thấy thành công của bản thân mà còn sẵn lòng khen ngợi người khác. Trái lại, những người tự phụ thường chỉ tập trung vào điểm tốt của mình và không có thói quen khen ngợi ai hơn mình.

Sự tự hào và lòng vị kỷ 2
Người tự phụ thường không có thói quen khen ngợi điểm tốt của người khác. (Ảnh: Unsplash)

Cố gắng vì công việc chung

Thái độ làm việc của hai kiểu người này cũng có nhiều điểm khác biệt. Nếu như người tự hào “lành mạnh” làm việc với thái độ cầu tiến, luôn cố gắng để đạt kết quả tốt nhất cho tất cả những việc mình làm thì người vị kỷ lại chỉ muốn mọi người tập trung vào thành quả của bản thân. Họ chẳng mấy quan tâm đến tiến độ chung của công việc. Không những vậy, họ cũng không hay giúp đỡ người khác, thay vào đó, họ chỉ làm việc vì bản thân mình.

Sự tự hào và lòng vị kỷ 3
Người tự hào luôn mong muốn kết quả tốt nhất cho công việc mình làm. (Ảnh: Unsplash)

Thành thật, không phô trương

Cuối cùng, người có sự tự hào vừa phải chỉ nói thật về thành tích của người khác. Họ không có thói quen nói dối hay xu nịnh bất cứ ai. Về bản thân mình, họ hoàn toàn không thêu dệt những câu chuyện thành công để đổi lấy sự tán dương. Một cách trái ngược, sự kiêu hãnh không lành mạnh làm cho mọi người phóng đại, thậm chí nói dối về những gì họ đã làm. Ngay cả trước khi cố gắng thực hiện điều gì đó, họ thường chỉ tìm những công việc thu hút sự chú ý và dễ đem về thành công cho họ nhất.

Sự tự hào và lòng vị kỷ 4
Người tự hào vừa phải thường có thói quen khiêm tốn về chính mình và khi khen ngợi người khác. (Ảnh: Unsplash)

Tóm lại, hãy để sự tự hào dừng lại ở mức độ là động lực giúp ta cố gắng. Đừng nên để sự ngưỡng mộ bản thân và lời khen ngợi của mọi người trở thành mục đích chính của mọi việc. Bên cạnh đó, bạn nên biết nhìn nhận ưu điểm ở người khác, có thái độ học hỏi và góp ý xây dựng vì thành quả công việc chung.

Sự tự hào và lòng vị kỷ 5
Bạn nên xây dựng thái độ tự tin vừa phải để đem lại hiệu quả tốt cho công việc và duy trì mối quan hệ xã hội tốt đẹp với những người xung quanh. (Ảnh: Unsplash)

Xem thêm:

Lòng kiêu ngạo chính là hiện thân của nỗi sợ hãi và cướp đi sự tự tin của bạn

6 thói quen xấu khiến bạn luôn rơi vào tình trạng mệt mỏi

Nhóm thực hiện

Thùy Dung (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Truthinsideofyou)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)