Lifestyle / Bí quyết sống

Sự tử tế trong tình yêu là có đạo đức yêu thương?

Phải chăng, người tử tế đi đến đâu cũng đem lại bình yên và hạnh phúc cho chính mình và mọi người?

“Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình, chỉ lặng nhìn mà không nói năng, dù buốt trái tim, dù buốt trái tim” – Trịnh Công Sơn.

Nhạc sĩ của mọi lứa tuổi, mọi thế hệ qua các bài hát vừa sâu lắng và tha thiết vừa chất chứa nhiều tâm trạng nỗi niềm đã khuyên chúng ta muốn yêu phải nhìn thấu đáo, không phán xét; cho dù lòng đầy tâm trạng xót xa, ta vẫn cần kiên nhẫn vượt qua. Đó chính là sự tử tế trong tình yêu mà các giảng sư, thiền sư nghiên cứu Đạo Phật cũng khuyên chúng ta. Sự tử tế trong tình yêu chính là đạo đức, sự thấu hiểu, sẻ chia như trong bài giảng của thiền sư, giảng sư Thích Minh Niệm.

Sự tử tế trong tình yêu là có đạo đức yêu thương?

Sự tử tế trong tình yêu là có đạo đức yêu thương

Không yêu cuồng, sống vội, chia tay nhanh: Các thiền sư khuyên chúng ta khi yêu cũng cần tập thiền, nghĩa là yêu chậm, tìm hiểu kỹ, không cuồng si, vội vã, bất chấp tất cả rồi sau đó nhận ra những mặt yếu của người kia liền bỏ chạy cũng nhanh như lúc đến. Hoặc cũng không nên thường xuyên đề cập đến những lỗi lầm, khó khăn, điểm yếu của người thương mà để cho cả hai bên có một khoảng thời gian thích hợp điều chỉnh và hòa nhập.

Không có những mong đợi vô lý: vì một số quan niệm cũ mà nhiều cha mẹ hay ép con phải theo sự nghiệp của mình hay chồng vợ yêu cầu bạn đời phải hy sinh phục vụ cho sự phát triển của cá nhân mình mà không có thời gian để chăm sóc và phát triển bản thân họ, đến lúc mình phát triển rồi lại coi khinh và bỏ rơi họ. Để không có mong đợi vô lý, hãy chân thành cởi mở chia sẻ những thuận lợi, gian khó của cuộc sống.

Không dùng mưu kế, trừng phạt hay tỏ ra nạn nhân với người thương: trong giao tiếp giữa cha mẹ, con cái hay vợ chồng người yêu, có những lúc hai bên không đạt được những mong muốn, không nên vì thế mà giận dỗi, trừng phạt hay kêu ca tỏ ra nạn nhân bởi những thái độ đó dễ gây cảm giác, mệt mỏi, chán nản, coi thường và thất vọng.

Không đồng nhất tình yêu thương với sự ràng buộc: Dù yêu thương tha thiết, ai cũng cần tự do, cần được tự suy nghĩ, khám phá, quyết định cuộc đời mình. Có những lúc mê muội người ta yếu đuối quá, muốn để chủ quyền cuộc đời người ta vào tay mình thì mình cũng nên từ chối. Đỉnh cao của tình yêu là tôn trọng chính con người mình yêu thương và hiểu rằng mình chỉ là người đóng góp, sẻ chia chứ không thể sống thay người đó bởi yêu thương là phải là tự nhận thức, tự chủ và tự giác chứ không phải ép buộc.

Không dùng tiền bạc, sắc đẹp ra mua chuộc tình yêu như một cuộc trao đổi mua bán rồi từ đó sử dụng người yêu như cách mình muốn. Không dùng tài sản, con cái, sự nghiệp ra ràng buộc nhau vào bẫy tình yêu hay hôn nhân. Bởi đứa trẻ, tài sản hay sự thành đạt chỉ có thể giữ được thân xác nhưng không phải tâm hồn, sự tự nguyện hay vui vẻ. Tình yêu thương không phải là bổn phận, chịu đựng, cam chịu, phục tùng. Để trong ấm ngoài êm, họ chịu đựng im lặng để mình khỏi phản ứng dữ dội nhưng rồi khi hết năng lượng, họ sẽ vùng vẫy hoặc bỏ đi.

Sự tử tế trong tình yêu cũng chính là lòng tốt?

Thấu hiểu mình và người mình thương yêu: Ai cũng cần thương mình và làm chủ bản thân mình trước khi có thể yêu thương sẻ chia với người khác. Ai cũng phải thừa nhận mình muốn gì và cần gì ở người mình thương yêu. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần hiểu xem người thương yêu của mình muốn gì và cần gì ở mình để chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua gian khó của cuộc sống.

Thể hiện tình yêu thương bằng sự sẻ chia: Yêu thương là giúp người thương bớt khổ, bằng sự có mặt, khả năng lắng nghe nỗi khổ niềm đau của người thương, giúp đỡ người thương vượt qua khó khăn và phát triển những ước mơ hoài bão. Tuy nhiên sự giúp đỡ phải tự nguyện, vui vẻ không ấm ức, nài ép, ràng buộc để hai bên cảm thấy được tôn trọng, không có cảm giác bị lợi dụng, xiếng xích.

Có khả năng trao đi yêu thương: Một người vừa bị tình phụ, không có khả năng yêu thương bởi người đó đã hoàn toàn suy sụp, không còn đủ năng lượng tích cực để trao đổi yêu thương. Một người vừa bị phá sản cũng không có khả năng chia sẻ trách nhiệm về tài chính. Do đó, để có khả năng trao đi yêu thương, chúng ta nên khỏe mạnh và vững vàng cả về thể chất, vật chất lẫn tinh thần.

Thay đổi bản thân để làm người thương bớt khổ: “Hay nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình” nghĩa là khi yêu có những lúc chúng ta phải hi sinh, nhập cuộc, dấn thân, đôi khi phải hạ cái tôi xuống để nâng đỡ người đó lên, giúp đỡ người thương cùng thay đổi để hòa hợp với mình. Lẽ dĩ nhiên, mỗi người một cuộc đời, mỗi người phải tự lo cho những vấn đề cuộc đời mình nhưng đôi khi người thương yêu của mình quá đuối sức, cần mình đưa tay giúp đỡ, hỗ trợ trong một thời điểm, một hoàn cảnh và chúng ta ở bên là để cho đi yêu thương và giúp đỡ.

Vượt qua tự ái: Yêu thương tôn trọng bản thân khác với tự ái. Bởi tự ái là việc quá nuông chiều bản thân, đặt cái tôi lên trên tất cả mọi thứ. Vì vậy, để là người tử tế trong tình yêu, chúng ta cần tránh việc luôn cho mình là đúng nhất và người kia không biết gì. Tránh việc cố tình làm việc nọ việc kia để thỏa mãn lòng tham, sự tự hào, tự ái của mình nhưng lại nhân danh tình yêu thương, tránh ép người thương phải thực hiện những ước mơ của mình, không nghe theo thì nói người ta ích kỷ, bướng bỉnh, tránh cố tình làm con cái hay người thương phụ thuộc vào mình, tranh quyền quyết định của con hay của vợ chồng mình. Khi sự tự ái lên cao đến mức độ kiểm soát thì tình yêu đó thực ra là ích kỷ, và rất dễ tàn héo.

Sau tất cả, sự tử tế được thể hiện qua lòng tốt và đạo đức trong tình yêu bạn đã dành cho người mình thương yêu như cha mẹ, con cái, người yêu, vợ chồng, mối quan hệ có thể đi đến hạnh phúc hoặc không có kết quả tốt hơn cho mình và người mình yêu thương bạn vẫn là người chiến thắng và không bao giờ có cảm giác hối tiếc. Bởi lẽ dĩ nhiên của cuộc sống, người tử tế đi đến đâu cũng đem lại bình yên và hạnh phúc cho chính mình và mọi người, dù vậy bạn có đi đến đâu vẫn luôn có người yêu thương và cần đến bạn.

Xem thêm 

6 cách hâm nóng tình yêu đôi lứa

Bài học tình yêu từ cuốn sách “Những tiểu thư Hồi giáo”

Tin đi đừng sợ, tình yêu đẹp chưa hề “tuyệt chủng”

Nhóm thực hiện

Bài Thanh Phạm, Nguồn: Bài giảng của thiền sư, giảng sư Thích Minh Niệm
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)