Sức mạnh kỳ diệu của những ký ức hạnh phúc
Ghi nhớ những khoảng thời gian vui vẻ, hạnh phúc có thể giúp bạn bảo vệ và nâng cao sức khỏe tinh thần.
Một loạt các tài liệu nghiên cứu gần đây cho thấy việc nhớ lại những ký ức hạnh phúc có thể là một “liều thuốc” hiệu quả giúp chữa trị căng thẳng và trầm cảm.
Vào năm 2017, có một nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Nature Human Behavior: Một số người đã được yêu cầu đặt một bàn tay chìm trong nước đá, đây là một thử thách có thể gây ra sự căng thẳng. Ngay lập tức sau đó, họ được hướng dẫn nhớ lại những ký ức hạnh phúc hoặc những ký ức trung lập. Kết quả là, nồng độ hormone gây căng thẳng cortisol tăng lên đều đặn đối với những người nhớ lại ký ức trung lập, còn những người liên tưởng đến khoảng thời gian hạnh phúc thì nồng độ cortisol không thay đổi.
Các nhà nghiên cứu đã lặp lại thí nghiệm với một nhóm thứ hai. Lần này, họ tiến hành quét não trong khi người tham gia bắt đầu phần nhớ lại. Họ phát hiện ra rằng một số khu vực của vỏ não trước trán – những khu vực liên quan đến điều tiết cảm xúc và kiểm soát nhận thức – đã trở nên tích cực hơn khi mọi người nhớ lại những ký ức vui vẻ, hạnh phúc.
Một nghiên cứu năm 2019 từ Đại học Cambridge ở Anh cho thấy việc ghi nhớ các sự kiện mang cảm xúc tốt đẹp một cách chi tiết có liên quan đến khả năng phòng tránh bệnh trầm cảm do căng thẳng đầu đời ở những người trẻ. Adrian Askelund – tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi quan tâm đến khả năng phục hồi, tại sao một số người không mắc các triệu chứng trầm cảm sau khi trải qua các sự kiện tồi tệ. Sau nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng những người nhớ lại các sự kiện tích cực cụ thể hơn từ quá khứ của họ sẽ có sức khỏe tinh thần tốt hơn ngay cả sau khi bị căng thẳng”.
Askelund cho biết “ký ức cụ thể”, trái ngược với “ký ức chung”, là ký ức có thể được cố định theo thời gian và địa điểm, gợi lại những sự kiện kéo dài dưới một ngày. Ví dụ, nhớ lại một bữa ăn vui vẻ với bạn bè là một kỷ niệm cụ thể. Những người bị trầm cảm có xu hướng nhớ lại những ký ức phân loại, đó là những ký ức chung không cố định về thời gian hay địa điểm và thiếu những đặc điểm xác định.
Ký ức về những trải nghiệm hạnh phúc, đặc biệt là những trải nghiệm liên quan đến giao tiếp xã hội, dường như có lợi cho mọi người vì chúng có khả năng giúp chúng ta nhìn nhận bản thân tốt hơn. Quay trở lại 30 năm trước, các nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng những người bị trầm cảm thường nhớ lại nhiều sự kiện tiêu cực. Thậm chí, họ có thể tái hiện lại những khoảng thời gian không hạnh phúc còn tồi tệ hơn so với thực tế. Tất cả những điều này hỗ trợ cho một lý thuyết trầm cảm phổ biến, được gọi là lý thuyết “bộ nhớ cạnh tranh”, cho rằng bộ não của mỗi người đều có quyền “truy cập” vào những suy nghĩ tích cực và tiêu cực, nhưng những người bị trầm cảm có xu hướng bị hút về những cái tiêu cực. Theo thời gian, việc kích hoạt các con đường tinh thần tiêu cực này ngày càng được củng cố, trong khi đó, con đường tinh thần tích cực sẽ bị suy yếu dần.
Dựa trên lý thuyết bộ nhớ cạnh tranh này, một số nhà nghiên cứu đã khám phá liệu đào tạo trí nhớ tích cực có thể giúp bảo vệ những người có nguy cơ mắc trầm cảm hay không. Một nghiên cứu năm 2018 ở Anh đã phát hiện ra rằng việc luyện tập để gợi lại những ký ức vui vẻ, hạnh phúc đã giảm đáng kể các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Những người trong nghiên cứu trước tiên đã học cách xác định sự tự đánh giá tiêu cực của họ, chẳng hạn như những suy nghĩ vô giá trị. Tiếp theo, họ nhớ lại những khoảng thời gian cụ thể khi được thể hiện các giá trị tốt đẹp của chính mình. Theo thời gian, việc sống lại những ký ức tích cực này dường như làm giảm xu hướng của bộ não trong việc khơi dậy lối suy nghĩ tiêu cực.
Askelund nói rằng những người trải qua liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) cho chứng trầm cảm thường được dạy các kỹ thuật chống lại những suy nghĩ tiêu cực liên quan đến bản thân. Nhớ lại những ký ức tích cực có thể là một trong những kỹ thuật như vậy.
Ý tưởng rằng mọi người có thể đào tạo não suy nghĩ theo cách chống lại căng thẳng và trầm cảm được chứng minh bởi nghiên cứu về lòng biết ơn. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc dành thời gian mỗi ngày hoặc mỗi tuần để nhìn nhận cuộc sống với thái độ biết ơn có thể cải thiện kết quả sức khỏe tinh thần. Robert Emmons – Giáo sư tâm lý học tại Đại học California, Davis cho biết: “Dù xuất phát từ những suy nghĩ nội tâm hay các tin tức hàng ngày, chúng ta vẫn phải đối mặt với sự tiêu cực liên tục. Nhớ lại những ký ức vui vẻ và tạo ra những kỷ niệm mới thông qua những trải nghiệm tích cực có thể thúc đẩy cảm giác biết ơn, từ đó làm giảm sự bi quan”.
Tất cả các nghiên cứu này cho thấy rằng một bộ não khỏe mạnh về tinh thần là một bộ não thường xuyên nhớ lại những khoảnh khắc truyền cảm hứng tích cực và tràn đầy cảm giác biết ơn. Đặc biệt là trong thời gian căng thẳng hoặc buồn bã, bạn nên chuyển suy nghĩ của mình theo hướng tích cực hơn.
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: verywellmind
Lược dịch: Thu Trang