Sức mạnh của năng lực trực giác
Một người có trực giác nhạy cảm và chính xác thì trong mọi vấn đề công việc, cuộc sống đều có thể ứng phó nhẹ nhàng và hiệu quả. Trực giác không chỉ là bẩm sinh mới có, bạn hoàn toàn có thể nuôi dưỡng năng lực trực giác của mình.
A- Tư duy trực giác là gì?
1. Cái gì là trực giác
.
Trực giác là một loại chỉ dẫn nội tại có sức mạnh không hề nhỏ, nó có thể hiển hiện rõ ràng về điềm báo và tâm linh, giúp bạn không ngừng đạt được khả năng quan sát, phát hiện phương hướng mới và kỹ năng sáng tạo lẫn đột phá. Tuy nhiên, thông tin mà trực giác truyền đạt cũng có thể khá mơ hồ, làm cho bạn hoàn toàn không biết bản thân đang tiếp thu những thông tin này. Do đó, có thể bạn sẽ lơ là sự tồn tại của nó, cũng có thể đã tiếp nhận rồi và đưa nó vào trong sinh hoạt hằng ngày. Đây thực sự chính là trực giác.
Theo phân tích tâm lý của Sigmund Freud – nguyên là một bác sĩ về thần kinh và tâm lý người Áo: khi đưa ra một quyết định nhỏ thì nên dựa vào lý tính của bạn, liệt ra ưu và nhược điểm rồi tiến hành phân tích chúng và đưa ra quyết định chính xác. Khi bạn cần đưa ra quyết định lớn và quan trọng thì nên dựa vào tiềm thức của mình, chẳng hạn như việc chọn bạn đời hay phát triển sự nghiệp. Bởi vì những quyết định trọng đại này đòi hỏi phải dựa vào nhu cầu lớn nhất từ trong sâu thẳm tâm linh của bạn để làm căn cứ. Cái gọi là “tùy tâm” chính là lắng nghe tiếng gọi của nội tâm và đi theo trực giác.
2. Trực giác được sinh ra với những cảnh giới khác nhau
.
Sự sản sinh của trực giác có cảnh giới không giống nhau:
Một là linh cảm, tức trong khoảnh khắc, chủ thể đột nhiên nắm bắt được con đường tư duy để giải quyết vấn đề, tuy nhiên sau đó thì vẫn không đủ rõ ràng;
Hai là lĩnh ngộ, cũng chính là sự nhận biết trong tức thì, chủ thể đột nhiên đạt đến sự hiểu biết đối với bản chất của sự vật, hoặc nắm bắt được điểm mấu chốt của vấn đề;
Ba là trực quan, tức trong chớp mắt, chủ thể đột nhiên lĩnh hội được vấn đề một cách chỉnh thể.
3. Điều kiện để trực giác sản sinh
Thứ nhất, để sinh ra trực giác cần phải có tri thức tương quan và sự tích lũy. Cái gọi là tri thức tương quan ở đây bao gồm tri thức kinh nghiệm có liên quan và cả tri thức lý luận chuyên ngành liên quan.
Thứ hai, có tình cảnh nhất định, chủ thể hoặc là ở trong một hoàn cảnh nhất định hoặc là quan sát được hiện tượng nhất định, hoặc trong một áp lực mang tính đột phát, hoặc là trạng thái tư duy của chủ thể tạm thời bị kích động, khiến tư duy sinh ra nguồn đột phá, và trực giác xuất hiện.
.
B- Cùng ELLE trắc nghiệm năng lực trực giác của bạn
1) Trong những trò chơi giải đố, bạn có thành tích rất tốt?
2) Bạn có thích đánh cược với người khác không? Kết quả tốt không?
3) Bạn có từng vừa trông thấy một ngôi nhà thì liền cảm thấy rất thích hợp và thoải mái?
4) Bạn có thường vừa gặp ai đó thì cảm thấy rất hiểu họ?
5) Bạn có thường vừa bắt điện thoại lên là biết ngay đối phương?
6) Bạn có thường nghe được những âm thanh “báo hiệu” nói cho bạn biết phải làm gì không?
7) Bạn có tin vào số phận?
8) Bạn có thường biết ngay nội dung trước khi nói chuyện với ai đó?
9) Bạn có từng thấy ác mộng và kết quả lại trở thành sự thật?
10) Bạn có thường biết ngay được nội dung trong bức thư mình chưa mở?
11) Bạn có thường nói tiếp câu chuyện mà người khác đang nói?
12) Có lúc chưa nghe được tin tức của ai đó, trong khi đang suy nghĩ thì đột nhiên bạn nhận được thư từ hay cuộc gọi của người ấy?
13) Bạn có vô duyên vô cớ bỗng không tin tưởng người khác?
14) Bạn có cảm thấy tự hào về sự chính xác trong ấn tượng đầu tiên với người khác?
15) Bạn có thường có những trải nghiệm như đã từng có?
16) Bạn có từng đổi chuyến bay chỉ vì trước khi lên máy bay bạn sợ sẽ xảy ra chuyện không may?
17) Bạn có tỉnh giấc trong đêm chỉ vì lo lắng cho sức khỏe hay an toàn của người thân?
18) Bạn có vô duyên vô cớ mà ghét vài người nào đó?
19) Bạn có từng thấy một bộ quần áo mà cảm thấy không thể không có nó?
20) Bạn có tin tiếng sét ái tình không?
Kết quả
Mỗi câu trả lời có được 1 điểm, trả lời không được 0 điểm.
Từ 10-20 điểm: Bạn có năng lực trực giác rất mạnh, sức phán đoán khiến người khác phải ngạc nhiên. Nếu vận dụng nó trong lúc sáng tạo sẽ gặt hái thành công cực lớn đấy.
Từ 1-9 điểm: Bạn có năng lực trực giác nhất định. Tuy nhiên thường không giỏi vận dụng nó, cho nên trực giác thường tự sinh tự diệt.
0 điểm: Bạn không thể phát triển năng lực trực giác của mình. Nên thử làm một số chuyện dựa theo trực giác của bản thân, bạn sẽ phát hiện ra sự tồn tại của nó và dần dần bồi dưỡng nó thành trợ thủ đắc lực nhé.
C- Làm sao bồi dưỡng và phát triển tư duy trực giác?
.
1. Học cách lắng nghe tiếng gọi của bản thân
Cái mà tư duy trực giác dựa vào chính là cảm giác trực tiếp, nhưng không phải là nhận thức cảm tính. “Đi theo cảm giác của mình” mà người ta thường nói ngoại trừ phần biểu hiện ra thì thứ còn lại chính là nhân tố trực giác. Trực giác đòi hỏi bạn phải trải nghiệm tỉ mỉ, lĩnh ngộ và lắng nghe những thông tin, tiếng gọi từ nó. Khi trực giác xuất hiện bạn không được chần chừ, càng không nên đè nén nó. Bạn nên “theo nước đẩy thuyền” mà đưa ra phán đoán, quyết định kịp thời.
2. Thông qua rèn luyện chuyên tâm
Tập trung vào nhịp thở hay bước đi của bạn. Sự rèn luyện chuyên tâm này có thể nâng cao nhận thức của bản thân đối với nội tâm, hiểu rõ suy nghĩ của mình, khai phá được tư tưởng lẫn sức mạnh nội tại.
3. Cố gắng loại trừ các loại ảnh hưởng và quấy nhiễu
Trực giác tuy dựa vào tri thức và kinh nghiệm từng có của bạn nhưng nó lại thường bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh khách quan lẫn sự phiền nhiễu trong tình cảm cá nhân. Đặc biệt là vế sau, khi một người rơi vào vòng lẩn quẩn của sự nghi ngờ, oán trách, phẫn nộ trong tình cảm, sự phán đoán của trực giác có thể mất đi tính khách quan. Vì vậy, trong quá trình nảy sinh trực giác, bạn nên cố gắng loại trừ mọi ảnh hưởng và quấy nhiễu này. Sau khi trực giác xuất hiện, cũng nên tỉnh táo phân tích lại tính khách quan của nó rồi mới quyết định.
4. Ý thức bồi dưỡng sức quan sát
Đặc điểm đột ngột của trực giác chính là sức quan sát và khả năng nhìn thấu của nó. Sự quan sát cùng với trực giác lẫn góc nhìn đều có tương quan. Người có sức quan sát nhạy bén thì tần suất sinh ra trực giác càng cao, hiệu quả nhìn nhận đúng bản chất sự vật càng mạnh. Do đó, bạn nên có ý thức rèn luyện sự nhanh nhạy của sức quan sát, đặc biệt là sự quan sát đối với các sự vật vô hình như ấn tượng, cảm giác, xu thế hay tâm trạng v.v…
5. Mở rộng tri thức và khiến cho kinh nghiệm sống thêm phong phú
Trực giác sinh ra không phải là vô duyên vô cớ, không có cơ bản. nó xuất hiện dựa vào tri thức và kinh nghiệm của con người. Vì vậy, trực giác thường “ưu ái” cho người có tri thức rộng, kinh nghiệm phong phú.
—
Xem thêm:
Nuôi dưỡng sức mạnh của sự điềm tĩnh
Tổng hợp: Tạ Lê Minh Thư – Hình ảnh: sưu tầm