Lifestyle / Bí quyết sống

“Sức mạnh êm dịu” mang tên Âm nhạc

“Sức mạnh êm dịu” của âm nhạc ẩn chứa nhiều điều thú vị mà nếu khai thác hết, nó có khả năng chữa lành những tổn thương trong cảm xúc của con người.

Âm nhạc vốn là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Nhưng bên cạnh khả năng chạm đến những rung động thẳm sâu trong tâm hồn hay là phương tiện để giải bày tâm tư, tình cảm… âm nhạc còn là phương pháp thư giãn có tác động tích cực lên cả tâm trí lẫn cơ thể con người. Âm thanh, giai điệu có kết nối hết sức đặc biệt với não bộ thông qua tần số dao động và có thể trở thành một công cụ quản lý stress cực kỳ hiệu quả, đặc biệt là nhạc cổ điển, nhạc New-age hay âm thanh tự nhiên (như tiếng chim, tiếng gió, tiếng sóng biển…). Những loại nhạc này rất có lợi cho các chức năng sinh lý, làm giảm huyết áp, khiến cho nhịp tim trở nên từ tốn hơn và hạn chế hoạt động của hormone stress (cortisol).

Từ tâm bệnh đến thân bệnh

Stress không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc hay hệ thần kinh mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động thể chất của cơ thể. Khi bạn ở trong trạng thái căng thẳng hay áp lực, tuyến thượng thận sẽ giải phóng một loại hormone steroid gọi là cortisol. Nó thúc đẩy chuyển hóa đường glucose và chất béo để tạo thành năng lượng. Đây là phản ứng bảo vệ tự nhiên xảy ra khi cơ thể cảm nhận được mối đe dọa (hàng triệu năm trước, con người thường chạy khi gặp nguy hiểm. Khi đó, stress không phải là bài kiểm tra vào ngày mai, là deadline chưa hoàn thành, mà là làm sao có thể… chạy thật nhanh để thoát khỏi mối nguy hiểm). Điều đó có nghĩa là càng stress, nồng độ cortisol trong máu càng cao, năng lượng được tạo ra càng nhiều.

âm nhạc 1

Tuy nhiên, năng lượng không phải lúc nào cũng đi đến cơ bắp, nếu sản sinh quá mức, chúng cũng có thể gây tổn thương nội quan và hệ miễn dịch. Đôi khi bạn sẽ thấy các triệu chứng như nhịp tim tăng nhanh, khô miệng, đau bụng, hoảng loạn… Việc sản sinh cortisol còn ức chế quá trình tăng trưởng, tiêu hóa, hoạt động của hệ thống sinh sản và làm thay đổi phản ứng của hệ miễn dịch. Như vậy, căng thẳng hoặc chịu đựng các tổn thương tâm lý kéo dài chính là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh lý cho cơ thể.

Âm thanh tự nhiên – Nguồn gốc của sự thư giãn

Bạn có từng cảm thấy khoan khoái, tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thản, mọi âu lo như tan biến khi nghe tiếng sóng vỗ rì rào bên bờ biển, tiếng nước chảy róc rách dưới khe suối hay tiếng lá cây xào xạc trong gió? Các nhà nghiên cứu đã đưa ra lời giải thích cho việc những âm thanh từ thiên nhiên có khả năng phục hồi tâm lý của chúng ta: Chúng làm thay đổi cơ chế nhận thức của não và giảm bản năng “chiến đấu” tự nhiên của con người.

âm nhạc 2
Nhiều nghiên cứu cho thấy âm nhạc có thể: Giúp hạ huyết áp, trấn an tinh thần; Mang lại cảm giác an toàn và khuyến khích giao tiếp ở trẻ tự kỷ; Giảm căng thẳng và lo lắng ở các bệnh nhân trước và sau phẫu thuật; Giảm đau ở các vết thương mãn tính và vết thương sau phẫu thuật; Giảm trầm cảm ở người cao tuổi; Hỗ trợ trị liệu ung thư; Chống lão hóa.

Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Scientific Reports đã sử dụng máy quét não, theo dõi nhịp tim và các thí nghiệm hành vi để đi tìm nguyên nhân sinh lý cho việc này. Để nghiên cứu mối liên hệ giữa não, cơ thể và tiếng ồn xung quanh, các nhà nghiên cứu thuộc trường Brighton & Sussex ở Anh đã chọn ra 17 người trưởng thành khỏe mạnh để chụp các hình ảnh cộng hưởng chức năng (fMRI) khi nghe một loạt âm thanh của môi trường thiên nhiên và nhân tạo trong 5 phút. Kết quả cho thấy một khu vực liên quan đến trạng thái “đi rong” của não được đánh thức và thay đổi tùy thuộc vào âm thanh nền.

Cụ thể, khi nghe các âm thanh xã hội, sự chú ý của não tập trung vào bên trong, xoay quanh cảm giác lo lắng liên quan đến các hình thái căng thẳng tâm lý (trầm cảm, lo âu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương). Trong khi nghe những âm thanh dịu êm liên quan đến thiên nhiên, sự chú ý lại hướng ra bên ngoài, giảm phản ứng giao cảm của cơ thể (phản ứng gây ra cảm giác “fight-or-flight” – “chiến đấu hoặc bỏ chạy” hay còn gọi là “phản ứng stress cấp tính”) và tăng phản ứng “nghỉ ngơi”, đưa cơ thể về trạng thái thư giãn.

Khả năng trị liệu của âm nhạc

Người xưa cho rằng, âm nhạc bắt nguồn từ thanh âm của thế giới tự nhiên, “thiên nhân hợp nhất”. Vậy nên, bên cạnh vai trò của một loại hình nghệ thuật, âm nhạc đã được sử dụng như một phương pháp điều trị bệnh hàng ngàn năm nay. Theo y học cổ truyền phương Đông, âm nhạc dùng để trị bệnh được hình thành từ “ngũ âm”: Giốc, Chủy, Cung, Thương, Vũ (tương ứng với các âm giai Do, La, Mi, Re, Sol trong âm nhạc phương Tây). Năm loại sóng thanh này kết hợp thành những giai điệu khác nhau, thông qua các tiết tấu, hoàn luật, tốc độ, độ rung mà ảnh hưởng đến phương thức vận động của 5 khí (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) và 5 tạng phủ lớn (tâm, can, tỳ, phế, thận) trong cơ thể.

Trong khi đó, khoa học hiện đại lại chỉ ra rằng, âm nhạc tác động đến cơ thể con người qua hai khía cạnh: Tác dụng vật lý (các tần số chấn động của những cơ quan bị bệnh sẽ được “điều chỉnh” bằng tần số của âm thanh) và tác dụng tâm lý (âm nhạc loại bỏ cơ chế “chiến đấu”, đưa cơ thể trở về trạng thái thư giãn).

Âm nhạc kết hợp với thiền định là một phương pháp chữa lành tâm hồn được nhiều người áp dụng trong thời gian gần đây. Nếu tìm kiếm các từ khóa “healing music”, “relaxing music”, “soothing music”, “stress relief music”… trên YouTube, sẽ có hàng loạt video dài từ 1 đến 6 giờ, gồm các đoạn nhạc không lời êm dịu kết hợp với âm thanh tự nhiên (tiếng chim, tiếng nước chảy, tiếng gió thổi, tiếng chuông chùa…) và hình ảnh thiên nhiên thanh bình. Bạn có thể nghe để tăng khả năng tập trung khi thiền, khi luyện tập chánh niệm, khi thực hành yoga hay đơn giản chỉ là nghe để chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

âm nhạc 3

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều tiếp nhận được âm nhạc thư giãn. Với một số người, âm nhạc không có cấu trúc, lặp đi lặp lại có thể gây khó chịu hoặc bất an. Sở thích âm nhạc giữa các cá nhân là rất đa dạng, vì vậy, chỉ bạn mới có thể quyết định mình thích nghe loại nhạc gì. Hãy ưu tiên những loại nhạc mang đến cho bạn cảm giác quen thuộc, gần gũi, khiến bạn cảm thấy được an ủi, được thấu hiểu và bình tĩnh hơn.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng, mọi phương pháp đều sẽ trở nên vô nghĩa nếu bản thân bạn cứ mãi chấp niệm, không chủ động thả lỏng tâm trí. Khi đầu óc không để ý đến giai điệu, khăng khăng bám lấy những suy nghĩ, những mối lo, những bận tâm về cuộc sống xô bồ ngoài kia, thì dù nghe nhạc gì cũng chỉ là nước chảy mây trôi, tâm bệnh mãi không thể chữa lành.

Xem thêm:

Bảo tồn bản sắc truyền thống Việt trong dòng chảy âm nhạc đương đại

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn chu du đến Nhật Bản

Nhóm thực hiện

Bài: Đông Quân Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)