Mặt trăng tác động đến chúng ta như thế nào?
Trong hàng thế kỷ, người ta đã bắt đầu chú ý đến những tác động của mặt trăng đối với đời sống của con người và vạn vật. Vào thế kỷ 15, tại một số quốc gia trên thế giới, người ta nhận thấy từng giai đoạn trong chu kỳ mặt trăng có thể khiến con người trở nên hiền hòa hay hung hăng hơn.
Mặt trăng luôn tỏa sáng rực rỡ giữa bầu trời đêm cũng như trong trí tưởng tượng của con người. Từ thời xa xưa, con người đã sáng tác nên những bản thơ ca trữ tình, lãng mạn, miêu tả mặt trăng như biểu tượng của nét đẹp huyền ảo và mê hoặc. Bên cạnh đó còn có vô số truyền thuyết xoay quanh hành tinh này như: người hóa sói vào đêm trăng tròn; trăng tròn có khả năng khuấy động cảm xúc, kích động hành vi bất thường, gây ra bệnh tật cho con người… Trong một số nền văn hóa, con người còn tôn thờ và xem mặt trăng như “kim chỉ nam” để tiên đoán tương lai và hướng đi của cuộc đời họ.
Trong khi những huyền thoại lâu đời đó vẫn được nhiều người tin tưởng, các nhà nghiên cứu gần đây đã bắt đầu khám phá những dữ liệu thuyết phục về tác động thực sự của mặt trăng đối với con người.
Mặt trăng có ảnh hưởng đến sức khỏe và hành vi của con người?
Con người và mọi loài sinh vật đều tồn tại dựa trên nhịp sinh học tự nhiên, bao gồm: nhịp sinh học ngày đêm (chu kỳ ngủ – thức) và nhịp sinh học dài (chu kỳ kinh nguyệt, trầm cảm theo mùa…). Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều loài sinh vật có khả năng tự điều chỉnh chu kỳ sinh học của mình để thích nghi với chu kỳ mặt trăng như: san hô sinh sản vào đêm trăng tròn nhờ bộ gen giúp nhận biết lượng ánh trăng chiếu xuống mặt nước, ngành giun đốt sinh sản vào đêm trăng khuyết, hay muỗi vằn xuất hiện nhiều khi thủy triều xuống… Từ đó có thể thấy, chu kỳ mặt trăng có tác động mạnh mẽ đến hoạt động sinh học của nhiều loài sinh vật khác nhau. Vậy mặt trăng có tác động như thế nào đối với con người?
Mặt trăng ảnh hưởng đến tâm trạng và sức khỏe tinh thần của con người?
Theo lý thuyết, tác nhân môi trường là yếu tố góp phần lớn vào việc gây ra các bệnh về trầm cảm, rối loạn lo âu và làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khỏe tinh thần của con người. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, chu kỳ mặt trăng có thể tác động đến người mắc chứng rối loạn lưỡng cực (một dạng bệnh lý khiến người bệnh thay đổi tâm trạng thất thường). Các nhà nghiên cứu cho biết, chu kỳ thay đổi trạng thái giữa trầm cảm và hưng phấn của bệnh nhân được đồng bộ với chu kỳ mặt trăng. Mặc dù chưa tìm hiểu được cơ chế chính xác, tuy nhiên nhận định phù hợp nhất được các nhà nghiên cứu giải thích là do mặt trăng làm gián đoạn nhịp sinh học theo ngày cũng như chu kỳ ngủ – thức của họ.
Mặt trăng ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn?
Melatonin là một trong những hormone tự nhiên của cơ thể được giải phóng vào ban đêm nhằm kích hoạt cơn buồn ngủ của con người. Khi nồng độ melatonin tăng cao, các hormon khác liên quan đến cảm giác hào hứng, hạnh phúc, thèm ăn như serotonin hay dopamine sẽ giảm xuống. Do đó, việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo (đèn, màn hình tivi, điện thoại…) hoặc ánh sáng từ trăng tròn trước khi đi ngủ có thể gây ảnh hưởng đến khả năng duy trì giấc ngủ của bạn. Một số nghiên cứu cho biết vào khoảng thời gian trăng tròn, mọi người dành ít hơn 30% thời gian cho giấc ngủ sâu NREM (chiếm 50% trong chu kỳ giấc ngủ bình thường), đồng thời ngủ ít hơn 20 phút so với đêm trăng khuyết.
Xem thêm:
• Làm sao để nâng cao lòng kiên định trước những tác động bên ngoài?
• Làm thế nào để an ủi các cung hoàng đạo khi tâm trạng họ không tốt?
• 7 cách xử lý cảm xúc khi kết thúc một tình bạn
Mặt trăng có tác động đến khả năng sinh sản của con người?
Nhiều loài cá và động vật biển có xu hướng di cư cũng như sinh sản theo chu kỳ mặt trăng, thậm chí một số loài còn tăng trưởng mạnh mẽ nhất vào đêm trăng tròn. Đối với con người, có nhiều yếu tố trong lẫn ngoài có khả năng ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng, mang thai và sinh con. Trong cuộc nghiên cứu kéo dài hơn 10 năm tại một bệnh viện ở Fukutsu (Nhật Bản), các nhà nghiên cứu thống kê rằng số ca sinh vào đêm trăng tròn và trăng non chiếm tỷ lệ cao hơn trong tổng 1.507 ca. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác dựa trên số liệu từ 23.689 ca sinh lại không cho thấy bất kỳ mối tương quan nào giữa chu kỳ mặt trăng và khả năng sinh sản của con người.
SỨC MẠNH NIỀM TIN CỦA CON NGƯỜI
Cho đến nay, bằng chứng về sự ảnh hưởng của mặt trăng lên sức khỏe và tinh thần của con người được các nhà khoa học đánh giá là thiếu mâu thuẫn và chưa có tính xác thực. Tuy nhiên, con người vẫn có những niềm tin nhất định in sâu trong tiềm thức về mặt trăng, điều này được thể hiện rõ trong văn hóa dân gian, thần thoại và tôn giáo ở mỗi cộng đồng. Xét về mặt khoa học, sức mạnh niềm tin có khả năng tác động trực tiếp đến sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc của con người:
Tương quan ảo tưởng
Trong tâm lý học, tương quan ảo tưởng (illusory correlation) là hiện tượng một người nhìn thấy mối quan hệ giữa hai biến số (sự kiện, hành động, ý tưởng…) ngay cả khi chúng không thực sự liên kết với nhau, có thể gọi hiện tượng này là sự mê tín hoặc niềm tin vào điều may mắn của con người. Ví dụ, bạn mang cùng một đôi giày đến kỳ thi trong ba lần và cả ba lần bạn đều đạt điểm cao vượt trội. Từ đó, bạn xem đôi giày là vật may mắn của mình và hoàn toàn không thể tự tin làm bài nếu không mang đôi giày đó. Tuy nhiên, “đôi giày may mắn” và điểm cao thực chất không hề liên quan với nhau và cũng không có cơ sở khoa học, việc bạn làm bài tốt hơn có thể chỉ là do đề thi dễ hơn hoặc bạn đang có tiến bộ trong học tập.
Hiệu ứng giả dược
Hiệu ứng giả dược mô tả quá trình cải thiện sức khỏe của một người khi được cho sử dụng thuốc không có tác dụng chữa bệnh hoặc một phương pháp điều trị giả. Trong một cuộc nghiên cứu, người tham gia được cho dùng một loại thuốc không có hoạt chất nhưng bác sĩ lại nói đó là hoạt chất kích thích, kết quả nhịp tim và huyết áp của họ đột ngột tăng lên, tốc độ phản ứng cũng được cải thiện. Nhóm người tham gia khác được cho uống cùng một loại thuốc và nói rằng đó là thuốc an thần, kết quả họ bắt đầu trở nên thư giãn và dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Từ đó có thể thấy, hiệu ứng giả dược có khả năng tác động sâu sắc đến hành vi của con người nhờ vào niềm tin, sự kỳ vọng của họ vào một kết quả nhất định về phương pháp điều trị hoặc tác dụng của thuốc.
Xem thêm:
• Trắc nghiệm: Chọn một mặt trăng để biết được tính cách và tình duyên của bạn
• Bạn có biết: Sức khỏe tinh thần có thể tác động đến việc tiết kiệm tiền
• Hãy ngưng nói những lời này với người đang có tâm trạng
Lời tiên tri tự ứng nghiệm
Nếu một sáng thức dậy và bạn nghĩ rằng hôm nay sẽ là một ngày tồi tệ thì có khả năng cả ngày hôm đó bạn sẽ không gặp được điều gì may mắn. Lúc này, “lời tiên tri tự ứng nghiệm” xảy ra vì bạn đang tập trung vào điều ấn định trong đầu và lấn át mọi niềm tốt lành xung quanh. Nói một cách đơn giản, khi bạn vẽ nên cảnh tượng về một kết quả cụ thể (một ngày tồi tệ), bạn sẽ thể hiện “kỳ vọng” đó qua lời nói và hành động của mình. Điều đó dẫn đến việc bạn chỉ nhìn vào điều tiêu cực và cả những người khác cũng điều chỉnh hành vi của họ để phù hợp với sự tiêu cực của bạn (khó chịu, kém hòa nhã, xa lánh…). Cuối cùng, “lời tiên tri” vào buổi sáng của bạn sẽ trở thành hiện thực.
Sức mạnh của những câu khẳng định tích cực và suy nghĩ tiêu cực
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sức mạnh của suy nghĩ tác động rất lớn đến hành vi của mỗi người. Nếu bạn cảm thấy bế tắc trong cuộc sống, việc liên tục suy nghĩ tiêu cực có thể dễ dàng kéo bạn xuống hố sâu của sự thất vọng và rất khó để tự vực dậy. Đó là lý do tại sao bạn nên duy trì tư duy tích cực mỗi ngày bằng cách viết ra giấy những điều mình biết ơn vào cuối ngày, kèm theo những câu khẳng định tích cực để hướng đến cuộc sống lạc quan, yêu đời và lấp đầy tâm hồn bằng những điều tốt đẹp.
Bài: Phương Hy
Tham khảo: Cleveland Clinic