Tài chính lành mạnh là một hình thức chăm sóc bản thân mới và có thể hoàn toàn thay đổi cuộc sống của bạn. Theo một khảo sát của Ngân hàng Mỹ, hiện nay, hơn một nửa doanh nghiệp tại Mỹ cung cấp các chương trình liên quan đến sức khỏe tài chính cho nhân viên. Tương tự, nhiều trường đại học lớn cũng mở các khóa học tài chính dành cho sinh viên. Điều này cho thấy tài chính lành mạnh đã trở thành một phần quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi người. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nhận ra sự cần thiết của nó.
Tài chính lành mạnh là gì?
Nói một cách đơn giản, “tài chính lành mạnh” là trạng thái khỏe mạnh của tình hình tài chính. Bạn có thể đối phó với mọi vấn đề liên quan đến tiền bạc, kiểm soát được các khoản vay, nắm rõ các khoản thu – chi và không cảm thấy căng thẳng về tài chính cá nhân. Tuy nhiên, việc bạn có “đủ” tiền và biết mình cần làm gì với số tiền đó chỉ mới là khả năng nhận thức về tài chính.
Khi có tài chính lành mạnh, bạn sẽ nhận ra tiền không phải là đích đến. Mục tiêu cuối cùng của bạn không chỉ dừng lại ở việc kiếm thật nhiều tiền. Thay vào đó, tiền phải là công cụ để bạn đạt được cuộc sống hạnh phúc nhất, khỏe mạnh nhất và tốt đẹp nhất có thể.
Để có thể làm cuộc sống tốt đẹp hơn, bạn đang đổi thời gian, năng lượng, đam mê và kinh nghiệm lấy tiền bạc. Vì vậy, cách bạn quản lý, đầu tư và tiêu tiền không chỉ ảnh hưởng đến tình hình tài chính tương lai mà còn cho thấy bạn định giá các nguồn lực trong cuộc sống của mình như thế nào.
BÀI LIÊN QUAN
Vì sao tài chính lành mạnh lại quan trọng?
Hãy xem sức khỏe toàn diện của bạn như một bức tranh lắp ghép. Chắc hẳn bạn đã biết những mảnh ghép quan trọng của bức tranh là chế độ dinh dưỡng, việc tập thể dục và giảm stress. Bên cạnh đó, bạn còn cần các mối quan hệ bền chặt và công việc viên mãn. Song, tài chính cũng là một mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh về cuộc sống hạnh phúc của bạn.
Tình hình tài chính là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng phổ biến nhất. Mặt khác, căng thẳng kéo dài sẽ làm sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn xấu đi. Lo âu về tài chính không chỉ thay đổi thói quen chi tiêu, tiết kiệm của bạn mà còn tác động đến các vấn đề khác trong cuộc sống. Ví dụ, bạn thấy tội lỗi sau khi mua sắm, trì hoãn chăm sóc sức khỏe vì sợ hóa đơn lớn, khó duy trì các mối quan hệ xã hội, v.v.
Chính vì vậy, tài chính lành mạnh là công cụ cần thiết để cải thiện cuộc sống của bạn. Hãy sử dụng tài chính để có được những gì khiến bạn hạnh phúc, ví dụ như xây dựng tổ ấm, chăm sóc gia đình hoặc những trải nghiệm thú vị. Đồng thời, bạn nên đầu tư cho sức khỏe của mình. Đừng ngại chi tiêu cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết, thẻ hội viên phòng gym hoặc các liệu pháp thư giãn định kỳ.
Tài chính lành mạnh không chỉ xoay quanh đầu tư và tiết kiệm. Mục tiêu cuối cùng của nó cũng không phải là mang về cho bạn thật nhiều tiền, mà là cách chi tiêu và quản lý tài chính thông minh để bạn có được một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc nhất. Vì vậy, bất kể thu nhập của bạn là bao nhiêu, bạn đều có thể thêm tài chính lành mạnh vào chu trình chăm sóc bản thân.
BÀI LIÊN QUAN
Một số mẹo giúp bạn có được tài chính lành mạnh
Chi tiêu cho những thứ khiến bạn hạnh phúc
Bạn nên suy nghĩ cẩn thận trước khi sử dụng các nguồn lực trong cuộc sống. Liệu bạn có thật sự vui vẻ khi đi uống với người bạn không mấy thân thiết hay mua một chiếc áo bạn không bao giờ mặc? Đừng chi tiêu vô nghĩa vào những thứ không mang lại cho bạn niềm vui. Ngược lại, hãy để dành tiền cho những món đồ, chuyến đi và trải nghiệm mà bạn thực sự yêu thích.
Ngay cả khi thu nhập không cao, bạn vẫn có thể cân đối lại ngân sách và ưu tiên những thứ khiến bạn thực sự hạnh phúc, ví dụ như liệu trình chăm sóc da làm bạn thoải mái nhiều ngày hoặc dịch vụ dọn dẹp giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức. Có rất nhiều cách để bạn cắt giảm những chi phí không cần thiết. Bạn có thể tự pha cà phê và mang cơm trưa đến công ty thay vì mua tại cửa hàng chẳng hạn.
Học hỏi nhiều hơn
Hầu hết các vấn đề tài chính đều bắt nguồn từ việc chúng ta không biết phải làm gì và làm thế nào. Vì vậy, việc trang bị những kiến thức về tài chính cá nhân là vô cùng quan trọng. Chúng có thể giúp bạn loại bỏ nhiều nỗi lo, tăng nguồn thu nhập và vạch ra kế hoạch chi tiêu phù hợp.
Bạn có thể tham gia các lớp tài chính do trường đại học hay doanh nghiệp tổ chức. Hiện nay, trên mạng cũng đã có nhiều khóa học online uy tín. Bạn cũng có thể đọc sách và tự đúc kết kinh nghiệm để áp dụng vào cuộc sống của mình.
Đầu tư cho bản thân
Bên cạnh việc đầu tư chứng khoán để sinh lời, bạn cũng nên đầu tư cho bản thân. Hãy đăng ký một gói tập gym, một khóa học online hữu ích hoặc ưu tiên mua sắm các loại thực phẩm hữu cơ, tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, khi bạn chi tiêu càng nhiều vào việc gì đó, bạn càng có xu hướng duy trì nó như một thói quen. Vì vậy, bạn có thể cân nhắc và quyết định xem bản thân muốn hình thành những thói quen nào, sau đó đầu tư tiền bạc để đạt được chúng.
BÀI LIÊN QUAN
Kiểm tra tài khoản thường xuyên
Bạn nên hình thành thói quen thường xuyên kiểm tra sao kê thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng hay bất cứ tài khoản nào khác. Hãy biến nó thành thói quen hàng tuần của bạn càng sớm càng tốt. Bạn có thể đặt ra hạn mức nhất định vào mỗi đầu tuần, sau đó kiểm tra lại lịch sử thu – chi vào cuối tuần. Khi đã có được thói quen kiểm tra tài khoản, bạn sẽ luôn biết rõ hạn mức tín dụng còn lại và hiểu rõ cách chi tiêu của bản thân, nhờ đó kiểm soát tài chính cá nhân hiệu quả và ít căng thẳng hơn. Bên cạnh đó, nếu có khoản chi đáng ngờ nào xuất hiện, bạn cũng có thể kịp thời phát hiện và ngăn chặn.
Tiết kiệm tự động
Bạn nên tuân theo một quy tắc: Chi tiêu cho quá khứ trước (trả các khoản vay), tiếp đến là tương lai (tiết kiệm). Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc tiết kiệm tiền, hoặc có dự định tiết kiệm cho những hóa đơn lớn, hãy thử tự động hóa mọi việc. Bạn có thể thiết lập tính năng gửi tiền tự động hoặc chuyển khoản định kỳ sang một tài khoản riêng biệt. Bằng cách này, bạn đang đặt ra các mục tiêu nhỏ và dễ dàng đạt được chúng. Nhờ đó, bạn sẽ cảm thấy mình đang tiến gần hơn đến mục tiêu. Nó cũng giúp bạn vạch ra giới hạn chi tiêu cho hóa đơn cố định và các khoản mua sắm hàng ngày.
Tuy tiết kiệm là tốt, bạn nên nhớ mục đích cuối cùng của quá trình này vẫn là việc chi tiêu của bạn. Vì vậy, đừng ngại chi tiền cho những gì mà bạn thật sự cần và muốn.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Uyên
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: The Everygirl