Đại dịch COVID-19 kéo dài đã làm xáo trộn cuộc sống của mọi người. Chúng ta phải thay đổi nhiều thói quen, gác lại nhiều dự định và đối mặt với nhiều nỗi hoang mang, lo sợ. Có lẽ chúng ta đều nhận ra cuộc sống còn khó khăn hơn những gì ta từng tưởng tượng. Thế nhưng, đây không phải là lúc để ta nản lòng hay bỏ cuộc. Điều quan trọng nhất là rút ra những bài học đắt giá từ trong khó khăn, để có thể thích nghi và tiếp tục tiến lên phía trước.
Với tinh thần đó, ngày 20/8 vừa qua, biên tập viên Hương Tôn của ELLE đã có một buổi trò chuyện thú vị cùng với khách mời Tâm Bùi. Anh là một nhiếp ảnh gia, một travel blogger và cũng là tác giả cuốn sách Bụi đường tuổi trẻ. Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của anh về những bài học đắt giá mà anh đúc kết được trong hai năm đối mặt với đại dịch nhé.
Đại dịch thay đổi gần như toàn bộ cuộc sống của chúng ta
Khoảng một năm trước đây, nhiếp ảnh gia Tâm Bùi là một người không biết nấu ăn. Anh thường ăn ngoài hoặc mua thức ăn nấu sẵn mang về, rất hiếm khi vào bếp. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch bùng phát, anh đã thay đổi thói quen này. Năm 2020, khi Sài Gòn có những đợt giãn cách ngắn đầu tiên, Tâm rảnh rỗi hơn nên đã quyết định tập nấu ăn, cũng để dự phòng cho trường hợp thời gian giãn cách kéo dài.
Tâm Bùi học nấu ăn bằng cách hỏi han những người xung quanh. Thay vì nấu nướng tùy ý, Tâm sẽ dựa vào lượng nguyên liệu mua được từ trước để lập 14 thực đơn khác nhau cho 14 ngày giãn cách. Tiêu chí chọn món ăn của anh là đơn giản, nhanh gọn mà vẫn đủ chất dinh dưỡng.
Thói quen ăn uống chỉ là một thay đổi nhỏ trong cuộc sống của nhiếp ảnh gia Tâm Bùi giữa mùa dịch, nhất là khi anh còn là một blogger du lịch. Cũng như hầu hết chúng ta, Tâm đã ở nhà hoàn toàn từ năm ngoái. Vì thế, hầu hết các dự án của nhiếp ảnh gia Tâm Bùi đều tạm ngừng dưới tác động của đại dịch, chỉ còn lại các công việc online. Vì vậy, khối lượng công việc của anh chỉ còn khoảng 30% so với ngày thường.
Khi có nhiều thời gian rỗi hơn, anh lên kế hoạch học online, đọc sách và tập thể dục. Anh không cho phép bản thân quá thảnh thơi, ngược lại còn xếp thời khóa biểu khá dày. Mỗi sáng, Tâm sẽ dọn dẹp nhà cửa trước tiên. Đến khoảng 9h – 9h30, sau khi làm xong việc nhà, anh ngồi vào bàn và học online. Từ 11h, anh dành thời gian để tự nấu ăn, ăn trưa và nghỉ ngơi một chút. Sau đó, anh quay lại với việc học. Anh thường tập gym vào buổi chiều và đọc sách trước giờ đi ngủ. Nhìn chung, Tâm Bùi cố gắng tận dụng thời gian và không để giây phút nào trôi qua lãng phí.
Anh cũng nhắn nhủ với các bạn đọc của ELLE đừng ngồi yên chờ đại dịch qua đi. Bạn hãy dựa trên khả năng sẵn có, tự tìm ra một phương hướng khác để tiếp tục bước đi. Bản thân Tâm đã không thể đi du lịch trong khoảng 1 năm 8 tháng. Thế nhưng, bằng cách thay đổi linh hoạt các đề tài, anh vẫn làm tốt vai trò blogger của mình và đều đặn chia sẻ bài viết với người theo dõi.
BÀI LIÊN QUAN
Bài học quan trọng về tài chính từ đại dịch
Dựa trên quan sát và trải nghiệm cá nhân, cùng với chia sẻ của những người xung quanh, travel blogger Tâm Bùi đã đúc kết được nhiều bài học cuộc sống từ đại dịch COVID-19. Trong số đó, có những bài học quan trọng về tài chính.
Đại dịch kéo dài đã ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của Tâm. Khối lượng công việc giảm cũng kéo theo thu nhập xuống. Tuy nhiên, vì không ra ngoài nên anh không cần chi tiêu quá nhiều, chủ yếu gói gọn trong việc mua sắm thực phẩm. Anh cảm thấy bản thân vẫn may mắn hơn nhiều người, bởi vì anh còn có đủ để chi tiêu.
Dù bạn có nhiều tiền hay ít tiền thì từ đại dịch này, chúng ta đều rút ra được một bài học chung về tài chính. Đó là chúng ta rất cần một kế hoạch tài chính hoặc một khoản tiết kiệm dành riêng cho các trường hợp khẩn cấp. Có nhiều người chưa từng nghĩ đến vấn đề này trước đây. May mắn thay, Tâm lại nghĩ đến. Trong khi giãn cách, có những tháng Tâm không có thu nhập. Nhờ khoản tiền dự phòng này, anh có thể trang trải cuộc sống và không bị áp lực tài chính đè nặng.
Từ việc quan sát bạn bè, Tâm cũng nhắc lại một bài học dành cho những ai đang đầu tư hoặc kinh doanh: Không nên “bỏ hết trứng vào một giỏ” vì rủi ro quá lớn. Những người giàu kinh nghiệm đều khuyên rằng bạn nên chia nhỏ khoản đầu tư của mình ra nhiều nơi. Bằng cách này, nếu một doanh nghiệp gặp khó khăn, bạn vẫn còn những nguồn lợi khác để bù đắp thất thoát.
Bên cạnh đó, mùa dịch cũng dạy Tâm sống đơn giản hơn và chi tiêu ít đi. Ví dụ, từ khi học nấu ăn, anh nhận ra món ăn ngon không cần đắt tiền, chỉ cần được chế biến đúng cách. Theo Tâm, lối sống đơn giản sẽ mang đến cho bạn sự tự do, không bị chi phối bởi tiền bạc và có nhiều thời gian hơn để cảm nhận cuộc sống. Vì vậy, anh nghĩ đây là bài học cần thiết cho mọi người.
BÀI LIÊN QUAN
Chuyến hành trình hướng vào bên trong
Bụi đường tuổi trẻ là cuốn sách đầu tay của travel blogger Tâm Bùi. Cuốn sách tái hiện hành trình ghé thăm nhiều đất nước khác nhau của anh thông qua câu chữ và hình ảnh. Anh tự nhận xét đây là một tác phẩm du ký đơn giản, nhẹ nhàng, dễ chịu và tươi mới.
Hiện tại, Tâm Bùi đang ấp ủ một dự án thứ hai. Tuy nhiên, cuốn sách lần này đòi hỏi nhiều thời gian và trải nghiệm hơn. Trước đây, Tâm đi du lịch để khám phá thế giới bên ngoài. Thế nhưng, càng đi nhiều, Tâm lại càng hiểu hơn về nội tâm của chính mình. Đây cũng là điểm khác biệt mà anh muốn chia sẻ ở cuốn sách tiếp theo. Mặt khác, khám phá nội tâm cũng là bài học đến từ đại dịch, khi chúng ta có cơ hội để sống chậm lại, chiêm nghiệm về quá khứ, hiện tại và tương lai.
Trên hành trình hướng vào bên trong, nhiếp ảnh gia Tâm Bùi luôn tự hỏi: Điều gì làm mình hạnh phúc? Tâm đã đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều người, có rất nhiều trải nghiệm và bài học để trả lời cho câu hỏi đó.
Anh nghiệm ra chúng ta thường đặt hạnh phúc lên một nền tảng nào đó. Ví dụ, có người cho rằng mình hạnh phúc khi kiếm được nhiều tiền hoặc thành công trong sự nghiệp, cũng có người định nghĩa hạnh phúc bằng việc cưới được người họ yêu. Tuy nhiên, theo Tâm, những nền tảng ấy không bền vững. Vật chất thật ra rất mong manh và có thể mất đi bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong tình hình nhiều biến động của đại dịch. Còn những mối quan hệ có thể tan vỡ vào một lúc nào đó, vì những lý do chúng ta không kiểm soát được.
Sau khi học hỏi từ bạn bè và những người thầy, Tâm đúc kết được một bài học: Hạnh phúc nên được đặt trên sự bình an trong tâm hồn. Tâm tin sự bình an là giá trị bất biến, không thể bị lay chuyển. Vì vậy, đó là nền tảng vững chắc nhất cho hạnh phúc của anh.
BÀI LIÊN QUAN
Tuy nhiên, Tâm hiểu rằng mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nên quan điểm về hạnh phúc cũng sẽ khác nhau. Anh không áp đặt mọi người phải đi tìm sự bình an bên trong giống mình. Bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn những nền tảng khác, miễn là nó bền vững với bạn. Nếu bạn theo đuổi tài chính với mục đích giúp đỡ cộng đồng hoặc phát triển bản thân, đó chắc chắn là một con đường bền vững mà bạn nên đi tiếp.
Ngoài ra, một trong những hoạt động hàng ngày của nhiếp ảnh gia Tâm Bùi suốt thời gian qua là thiền định. Thiền động là đặt hoàn toàn tâm trí vào việc bạn đang làm, còn thiền tĩnh là ngồi yên, nhắm mắt và tập trung vào nhịp thở. Thiền tĩnh khó thực hành hơn nhiều vì chúng ta rất dễ xao nhãng. Tuy nhiên, chỉ cần bạn kiên trì mỗi ngày, mọi thứ sẽ tự đi vào guồng quay của nó. Khi thiền, bạn cũng đang đi vào phía trong mình. Thiền định giúp tâm của bạn sáng rõ. Bạn sẽ dễ dàng nghe thấy mong muốn thực sự của mình, từ đó biết được bản thân cần giải quyết những vấn đề trong cuộc sống như thế nào.
Thiền định cũng giúp bạn phát triển năng lượng tâm linh. Nguồn năng lượng này lớn lên rất chậm nhưng về lâu dài sẽ thay đổi con người bạn rất nhiều. Chính sự thay đổi về quan niệm tài chính của nhiếp ảnh gia Tâm Bùi cũng là kết quả của quá trình thiền định lâu dài. Thông qua việc thực hành bộ môn này, bạn sẽ nhận ra nhiều giá trị đẹp đẽ, quan trọng và bền vững hơn những thứ bạn từng theo đuổi trước kia. Từ đó, bạn mới có thể buông bỏ những chấp niệm cũ để giữ tâm luôn an lạc.
Kết lại, những biến động trong cuộc sống như đại dịch COVID-19 đã lấy đi nhiều thứ nhưng cũng dạy cho chúng ta nhiều bài học quan trọng. Thay vì chìm trong lo âu hay buồn bã, bạn hãy xem khoảng thời gian khó khăn này là cơ hội để hoàn thiện và thấu hiểu bản thân hơn.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Uyên
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE