Mỗi tình bạn công sở đều có một khoảnh khắc chớm nở, khi bạn và đồng nghiệp nhận ra hai người “hợp cạ”, sẵn sàng trò chuyện và gắn kết quan hệ với đối phương. Thông thường, bạn bè ở văn phòng có thói quen bắt chuyện bằng mấy câu than thở chung chung, như “Trời ơi nhiều việc quá đi” chẳng hạn, và cụ thể hóa dần dần. Tiếp đó sẽ đến cảm giác nhẹ nhõm, bớt dè chừng, tiến vào “lãnh địa” của những chủ đề riêng tư, nhạy cảm hơn cho đến lúc đụng trúng… “mỏ than”.
Từ đây, hàng tấn lời than thở, ngổi lê đôi mách chốn công sở bạn vẫn cố kìm nén bấy lâu bắt đầu tuôn ào ào như suối. Đó là khoảnh khắc bạn nhận ra tình bạn giữa mình và người đồng nghiệp đã có tiến triển: có thể chưa phải là bạn thân, nhưng chắc chắn không còn là đồng nghiệp đơn thuần nữa.
Than thở là dấu hiệu của sự tin tưởng
Trên trục quang phổ “đồng nghiệp – bạn bè”, với một đầu là đồng nghiệp quen biết và đầu kia là bạn thân, lời than thở nằm ở chính giữa, xác định quan hệ giữa hai người từ đồng nghiệp chuyển sang tình bạn.
Trong bất cứ mối quan hệ xã hội nào, kể cả bạn bè thông thường hay bạn đồng nghiệp, giai đoạn mỗi người thoải mái, thành thật thể hiện bản thân cho thấy sự tin tưởng đến từ hai phía. Giáo sư Sias cho biết: “Qua nghiên cứu, khi đồng nghiệp bắt đầu chia sẻ về các vấn đề trong công việc và phàn nàn với nhau, tình bạn giữa họ trở nên gần gũi hơn. Than thở đòi hỏi rất nhiều sự tin tưởng”.
Khi tương tác với một người thường xuyên, bạn hiểu rõ họ hơn nhờ các cuộc trò chuyện “cá nhân hóa” hoặc những câu hỏi vô hại, không liên quan đến công việc như “Cuối tuần nghỉ có gì vui không?”. Ở giai đoạn còn nói về gia đình hay sở thích này, hai người sẽ phần nào cảm nhận được hệ giá trị và tính cách của nhau, từ đó quyết định đối phương có phải người đáng tin cậy hay không. Chỉ khi đủ gần gũi nhờ trao đổi về cuộc sống cá nhân, bạn và đồng nghiệp mới có thể quay lại nói về chủ đề công việc với thái độ thẳng thắn, trung thực hơn.
Điều này không có nghĩa là tình bạn nơi công sở chỉ được hình thành bằng những lời nói xấu sau lưng ai đó, hay chê bai cái gì đó trong văn phòng. Ngồi làm việc gần nhau và cùng thực hiện một nhiệm vụ, dự án vẫn là 2 yếu tố giúp phát triển tình bạn công sở hiệu quả nhất.
“Bà tám” chuyện tiêu cực vì mục đích tích cực?
Nhiều người coi “bà tám” công sở là hành vi vô nghĩa, thậm chí nhỏ nhen và tiêu cực (những chuyện như ai đang bí mật yêu đương với ai, ai là kẻ chuyên nịnh bợ…). Tuy nhiên, Matthew Feinberg – giáo sư trợ giảng môn Hành vi tổ chức tại trường quản lý Rotman, Toronto – cho rằng có tồn tại những lời tán dóc, tám chuyện tích cực. Ông gọi đó là hành vi “thuận xã hội” (pro-social): những cuộc trò chuyện ngồi lê đôi mách góp phần chia sẻ, lan truyền thông tin về uy tín của ai đó, giúp cộng đồng phát hiện, nhận diện những người được xem là không tốt, không đứng đắn.
Có khả năng những người cùng làm việc trong công ty sẽ có chung một “nhân vật quyền lực”, nôm na là cấp trên, sở hữu danh tiếng không mấy tốt đẹp. Trong một số trường hợp, than thở cũng chỉ để… than thế thôi, không còn mục đích gì khác ngoài giải tỏa bức xúc mình đang phải nhẫn nhịn. Nhưng trong nhiều trường hợp khác, những lời đồn vu vơ lại phục vụ cho mục đích tốt đẹp thực sự: như cảnh báo cần tránh làm việc với một tên quấy rối nơi công sở, hay vận động thay đổi vì một mức lương công bằng hơn chẳng hạn.
Giáo sư Feinberg khẳng định, thôi thúc muốn lan truyền những thông tin tán dóc tiêu cực này đã có sẵn trong ADN của chúng ta. Ông nói: “Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi bạn chứng kiến một người hành động ích kỷ hay không công bằng, cơ thể tiến hành hàng loạt các phản ứng buộc bạn phải tham gia truyền bá thông tin về người đó. Bạn phẫn nộ, sự việc bất công khiến tim bạn đập nhanh hơn, nhưng khi bạn đã chia sẻ thông tin đó, nhịp tim và cảm xúc kích động thực sự sẽ giảm xuống”.
Dĩ nhiên, vẫn sẽ có hậu quả nếu bạn để mặc cho những lời than vãn, oán trách tiêu cực lan truyền không kiểm soát, trước hết là với tinh thần làm việc của cá nhân bạn. Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng trải qua những lần than buồn kể khổ ào ào khi gặp “tri kỷ”, than đến mức cuộc trò chuyện giải tỏa cảm xúc lại biến thành kéo “mood” tụt không phanh lúc nào không hay. Hết chuyện, ai lại về nhà nấy trong tâm trạng chán nản, bẽ bàng.
Ở một mức độ nhất định, than thở và tám chuyện nơi công sở có thể mang đến một số hiệu ứng tích cực, trong đó trước hết là giúp bạn và đồng nghiệp gắn kết tình bạn, xích lại gần nhau hơn.
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Thùy Anh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: The Cut