Nếu muốn giao tiếp hiệu quả, chúng ta cần học cách thấu hiểu tâm lý đối phương cùng với các kỹ năng gây ấn tượng, cách tạo câu chuyện thu hút để khiến người khác muốn trò chuyện với mình. Các mẹo tâm lý dưới đây là những thủ thuật cực kỳ hữu ích để bạn trở thành người giao tiếp cuốn hút và thú vị.
1. Nếu muốn nhận được phản hồi tích cực từ ai đó, hãy gật đầu khi giao tiếp
Khi truyền tải một thông điệp quan trọng và muốn người khác đồng thuận ý mình, bạn hãy gật đầu nhẹ lúc nói chuyện. Điều này sẽ khiến đối phương vô thức sao chép lại cử chỉ của bạn và tác động đến suy nghĩ, khiến họ thực sự đồng ý với những điều bạn nói.
2. Nếu muốn người khác chú ý, hãy lặp lại những lời họ nói với bạn
Một trong những cách để lại ấn tượng với người khác chính là thấu hiểu lời nói của đối phương. Điều này thể hiện ở hành động như sau: Khi được người khác kể về một chuyện quan trọng, bạn hãy lắng nghe và lặp lại những ý chính. Điều này sẽ khiến họ cảm nhận được sự tập trung mà bạn dành cho câu chuyện của họ.
3. Im lặng chính là cách hay để bạn được nghe câu trả lời mong đợi
Khi bạn hỏi ai đó điều gì và chưa nhận được câu trả lời xác đáng, hãy tỏ ý chờ đợi, giữ im lặng và nhìn vào mắt họ. Điều này hơi tạo một chút áp lực đối với người khác nhưng rất hiệu quả để thu thập thông tin.
4. Đưa ra yêu cầu hợp lý để khiến đối phương đồng ý
Bạn có thể đưa ra các yêu cầu nhỏ để khiến mọi người cảm thấy khả thi khi cùng hợp tác giải quyết vấn đề, khi đó, mối quan hệ của các bạn sẽ ngày càng tốt đẹp hơn. Tương tự, đối với những yêu cầu lớn, chúng ta cũng nên kêu gọi sự hợp tác để cùng phát triển mối quan hệ và đạt được kết quả tốt nhất. Tất nhiên là các yêu cầu của bạn phải hợp lý và mang tính chất cùng phát triển.
5. TRÁNH NÓI CHUYỆN KHI ĐỐI PHƯƠNG ĐANG MỆT MỎI
Cuộc sống ngày càng áp lực khiến chúng ta luôn bộn bề trong công việc và đôi lúc bị mất cân bằng. Vì thế, chúng ta cần nghỉ ngơi và tránh làm bị làm phiền lúc cơ thể phục hồi năng lượng. Bạn nên quan tâm đến thể trạng sức khỏe và trạng thái tinh thần của đối tượng giao tiếp để có cách ứng xử phù hợp. Đừng nói những việc quan trọng và yêu cầu người khác lắng nghe khi họ đang cảm thấy mệt mỏi. Điều đó sẽ khiến mối quan hệ của cả hai đi vào căng thẳng và giao tiếp thiếu hiệu quả.
6. Áp dụng hiệu ứng “gương phản chiếu” để biết người khác có lắng nghe bạn không
Trong những cuộc nói chuyện quan trọng kéo dài, chúng ta thường dễ mất tập trung và bỏ sót ý của người nói. Vì vậy, nếu ta muốn kiểm tra xem đối phương có chú ý hay không, hãy thử khoanh tay trước ngực hoặc để trên bàn và theo dõi hành động của họ. Nếu đối phương chú ý đến những gì bạn đang nói, họ thường sẽ bắt chước theo đúng hành động của bạn.
7. Dùng nhiều lời khích lệ khi nói chuyện với người khác
Thường thì chúng ta sẽ có tâm lý dành nhiều tình cảm cho những người hay động viên mình. Vì vậy, nếu bạn muốn giao tiếp hiệu quả và để lại ấn tượng sâu đậm đối với người khác, hãy dành những lời khen chân thành nhất cho họ.
Hay trong những cuộc vui tụ tập, bạn đừng nên tỏ thái độ khó chịu và thu mình, điều này sẽ khiến bạn trông rất tách biệt với người khác. Thay vào đó, bạn cứ mỉm cười thật tươi và tìm cơ hội khen ngợi mọi người để họ cảm thấy yêu mến bạn hơn.
BÀI LIÊN QUAN
8. Hãy lặp lại tên người khác trong suốt cuộc nói chuyện.
Nhớ tên người thật sự là một kỹ năng quan trọng trong giao tiếp, giúp bạn chiếm được thiện cảm và có mối quan hệ lâu bền hơn với người khác. Trong mọi cuộc gặp gỡ, bạn hãy cố gắng nhớ tên và sử dụng tên của họ trong cuộc nói chuyện thật tự nhiên. Điều này sẽ khiến đối phương có cảm giác như hai bạn đã thân quen từ lâu.
9. Khi muốn yêu cầu điều gì đó, hãy nâng mức tiêu chuẩn của bạn lên
Tâm lý con người thường rất ngại từ chối yêu cầu của người khác nhiều lần. Vì vậy, khi ta đưa ra các yêu cầu từ lần thứ 2 trở lên, điều đó có thể được xem xét và thực hiện. Để ứng dụng thủ thuật tâm lý này, đầu tiên, bạn có thể đưa ra một yêu cầu hơi quá sức với đối phương. Sau đó, bạn sẽ hạ yêu cầu đó xuống theo hướng phù hợp với khả năng của họ hơn. Cảm giác khả thi này sẽ khiến họ cân nhắc thực hiện yêu cầu thứ hai của bạn.
BÀI LIÊN QUAN
10. Hãy lên tiếng khi cần giúp đỡ
Có câu chuyện về Benjamin Franklin – một người khao khát muốn làm bạn với người đàn ông không thích mình. Franklin đã nghĩ ra cách là hỏi mượn quyển sách rất quý của người đàn ông và trả sách đúng hẹn cùng lá thư cảm ơn. Hành động này của anh đã khiến cho tình cảm của cả hai tốt dần lên và họ trở thành những người bạn tốt của nhau.
Franklin chia sẻ:
—
“Người khác rất sẵn lòng giúp đỡ bạn nếu như nó nằm trong khả năng của họ. Và người tình nguyện giúp bạn lần đầu có thể sẽ tiếp tục giúp đỡ bạn thêm nhiều lần nữa, nếu bạn tử tế và biết lên tiếng khi cần hỗ trợ”.
Có nghiên cứu chỉ ra rằng, khi ai đó giúp đỡ bạn, trong não họ sẽ bắt đầu có đánh giá là bạn xứng đáng và dành tình cảm đặc biệt hơn cho bạn. Vì vậy, nếu cần nhờ vả, hãy bắt đầu bằng câu “Tôi cần bạn giúp” kết hợp với giọng điệu mềm mỏng và ánh mắt nhìn thẳng. Đây thực sự là một câu thần chú đấy.
Nhóm thực hiện
Bài: My Phan Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Themindsjournal