Lifestyle / Bí quyết sống

Tắm rừng – Liệu pháp điều trị tinh thần của người Nhật

Chúng ta đều biết rằng hít thở không khí trong lành hoặc đi dạo có thể giúp ta thư giãn, tái tạo năng lượng, thay đổi tâm trạng sau những ngày mệt mỏi. Bên cạnh đó, nhiều nền văn hóa còn cho rằng ngoài lợi ích về mặt tinh thần, thiên nhiên còn mang đến những lợi ích về mặt sức khỏe.

Theo đó, đất nước có nền văn hóa lâu đời Nhật Bản đã phát triển một hình thức y học mới được gọi là “Tắm rừng” (Forest Bathing), hay còn gọi là “Shinrin-yoku” – liệu pháp giúp con người giải tỏa căng thẳng và lo âu. Để hiểu hơn về liệu pháp chữa lành tâm hồn này, cùng ELLE khám phá qua bài viết dưới đây nhé.

Shinrin-yoku là gì?

shinrin yoku tắm rừng
Ảnh: Live Learn Evolve

Shinrin-yoku (浴) kết hợp Hán tự của hai chữ “khu rừng” và “phòng tắm”, và được dịch là tắm rừng. Từ cái tên cho thấy, tắm rừng về cơ bản là việc bạn dành thời gian trong một khu vực nhiều cây cối và “đắm mình” dưới tán cây (cho dù bạn làm việc hay nghỉ ngơi). Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1982 bởi Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Nhật Bản, với mong muốn khuyến khích lối sống lành mạnh song song với việc phát triển và bảo vệ môi trường tự nhiên rộng lớn và đẹp đẽ của đất nước.

Vào năm 1986, Cục Lâm nghiệp cùng với Hội Văn minh Xanh đã lên danh sách quản lý 100 khu rừng ở Nhật Bản, phổ biến khái niệm tắm rừng, đồng thời chú trọng đến công tác bảo tồn tại các khu vực này. Không sớm nổi chóng tàn như những phong trào sức khỏe thập niên 80, ý tưởng đơn giản đã được lan truyền mạnh mẽ bởi sự cộng hưởng cùng những tinh hoa văn hóa Nhật Bản, đặc biệt là niềm tôn kính tâm linh và hồi cố đối với thế giới tự nhiên.

tắm rừng cô gái nằm trên cây
Ảnh: Tokyo Weekender

Đầu những năm 2000, một số tổ chức, trường đại học và trung tâm nghiên cứu y tế bắt đầu tiến hành các thí nghiệm tìm hiểu xem việc tản bộ dưới tán cây thực sự có ích với chúng ta hay không. Nhiều nghiên cứu khác nhau được thực hiện và đưa ra một kết quả tích cực rằng việc dành thời gian ở cạnh cây cối giúp làm giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng, giảm nhịp tim và huyết áp cũng như tăng khả năng tập trung, tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp chúng ta ngủ ngon hơn. Nói một cách thi vị, cây cối có thể chữa lành tâm hồn và sức khỏe chúng ta.

Hiểu về tắm rừng

sách về tắm rừng
Ảnh: Tiki

Một người tiên phong trong việc nghiên cứu đề tài này là Bác sĩ Qing Li của Trường Y Tokyo Nippon. Được biết đến như “chuyên gia hàng đầu thế giới về y học rừng”, ông lần đầu quan tâm đến tiềm năng y học của cây cối khi đi cắm trại trong rừng Yakushima thời sinh viên. Vài năm sau đó, ông phát hành cuốn sách mới với tựa Tắm rừng: Tìm thấy sức khỏe và hạnh phúc nơi cây cối.

Bên cạnh những bức ảnh hút hồn về những khu rừng tuyệt đẹp, cuốn sách còn giới thiệu khái niệm tắm rừng, lý giải trên cả hai phương diện nghệ thuật và khoa học về cách cây cối làm giàu cuộc sống chúng ta. Chẳng hạn như: Cây xanh giải phóng các loại dầu tự nhiên có tên gọi phytoncides rất có lợi cho hệ thống miễn dịch của con người và việc tiếp xúc với phytoncides làm tăng số lượng tế bào NK (Natural Killer – sát thủ tự nhiên) – giúp ngăn ngừa các bệnh như ung thư và giảm sản sinh hormone gây căng thẳng trong cơ thể…

Ông cũng phát hiện tắm rừng có thể giúp ích trong việc điều trị chứng lo âu và trầm cảm, cùng với căng thẳng – những vấn đề sức khỏe đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại. “Trong đất có chứa một loại vi khuẩn tên là Mycobacterium vaccae, chúng ta hít vào khi ở trong rừng. Vi khuẩn này hoạt động giống như thuốc chống trầm cảm và có thể hiệu quả hơn so với một số thuốc kê toa trong giải tỏa tâm trạng”, ông chia sẻ.

tắm rừng cô gái thiền trong rừng
Ảnh: Sxodim

Ông cũng giải thích tại sao Nhật Bản là nơi đầu tiên tổ chức nghiên cứu khoa học bài bản về những ích lợi của cây cối đối với con người: “Rừng chiếm hai phần ba diện tích đất nước và truyền thống của Nhật Bản cũng gắn liền với các hoạt động ngoài trời gần gũi với thiên nhiên. Tuy vậy, Nhật Bản cũng đã chứng kiến ​​chỉ số tốc độ đô thị hóa thuộc hạng cao nhất thế giới trong vài thập kỷ qua. Phần lớn dân số hiện đang sống ở các thành phố rất đông đúc và mọi người nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng của việc dành thời gian quý báu hòa mình vào thiên nhiên”.

đất nước nhật bản triết lý hay
Ảnh: Unsplash

Các vấn đề đời sống đô thị tất nhiên không chỉ giới hạn ở Nhật Bản. Sự gia tăng các “liều giải độc” tự kê như thiền định, các bài tập yoga cách thể.. là những bằng chứng cho thấy mọi người đang dần chủ động tìm kiếm các phương cách cải thiện sức khỏe thông qua lối sống lành mạnh và trị liệu tự nhiên. “Dành thời gian cho thiên nhiên được chứng minh là giúp bạn thư giãn, và trong thời đại mà căng thẳng lan tràn tương đương một dịch bệnh, đây là điều vô giá. Liên tục cảm thấy cảnh giác cao độ sẽ để lại hậu quả tàn phá lâu dài trên cơ thể chúng ta”, bác sĩ Li chia sẻ thêm.

trải nghiệm tắm rừng ở đâu?

Tắm rừng là một hoạt động cực kỳ dễ trải nghiệm và ít tốn kém. Bạn có thể tắm rừng bất cứ lúc nào, trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào mà không cần đến thiết bị cắm trại hoặc sức bền dẻo dai cho các chuyến đi bộ dài. Bạn có thể tận hưởng tắm rừng theo phong cách của riêng mình tại các khu rừng và công viên khác nhau. Đối với thành thị, đắm mình trong thẳm sâu rừng rậm hoặc công viên quốc gia có thể không phải là một lựa chọn khả thi nhưng thực tế, bạn có thể thực hành tắm rừng ở hầu hết mọi nơi. Chẳng hạn: công viên thành phố, các ngôi đền với nhiều cây cối, khu du lịch sinh thái…

địa điểm trải nghiệm trị liệu tâm hồn
Ảnh: Unsplash

Vì vậy, việc dành thời gian với bất kỳ loại cây nào ở bất cứ đâu cũng đều hữu ích (nhưng để tăng hiệu quả, những cây thường xanh như cây tùng bách và cây tuyết tùng sẽ tạo ra số lượng phytoncides cao hơn). Hoặc, ngay cả khi không đến được công viên, bạn vẫn có thể mang thiên nhiên về bên mình bằng cách trồng cây trong nhà, sử dụng các loại tinh dầu như dầu thông hoặc nến hương Hinoki (từ gỗ Hinoki) đều có thể giúp bạn ngủ ngon hơn và làm chậm phản ứng kích thích thái quá.

Nhóm thực hiện

Bài: Vi Tường Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Tokyoweekender
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)