Lifestyle / Bí quyết sống

Loại bỏ ngay 6 thái độ làm việc tiêu cực khiến bạn trì trệ

Nhiều người không biết rằng chính cách chúng ta suy nghĩ và phản ứng trước công việc là nguyên nhân khiến ta mãi không thể thăng tiến. Nếu bạn đang có 6 thái độ tiêu cực sau đây, hãy nhanh chóng thay đổi để cái thiện chất lượng công việc.

Để đạt được sự nghiệp thành công, chúng ta phải nỗ lực mỗi ngày. Đó là một quá trình phấn đấu liên tục và bền bỉ. Nếu bạn đang gặp phải một số khó khăn trong công việc, hãy dành thời gian xem xét lại chính mình nhé. Có thể thái độ làm việc tiêu cực là nguyên nhân nối dài khoảng cách giữa bạn và sự thành công đấy!

Dưới đây là 6 suy nghĩ phổ biến khiến năng lực làm việc của bạn bị hạn chế.

1. “Tôi không thể làm được”

Trong quá trình theo đuổi sự nghiệp, chắc chắn sẽ có nhiều nhiệm vụ khó khăn bắt buộc chúng ta phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Lúc đó, như một lẽ tự nhiên, suy nghĩ “Tôi không thể làm được” xuất hiện. Sự tự ti có thể khiến chúng ta tạm thời chùn bước ngay cả khi chưa thật sự bắt đầu. Trong trường hợp này, điều quan trọng nhất chính là tư duy tích cực cũng như sự linh hoạt, bản lĩnh của bạn.

thái độ làm việc cô gái mỉm cười
Ảnh: Unsplash

Thay vì tự đánh giá thấp bản thân, bạn hãy bình tĩnh phân tích tình hình, tự xốc lại tinh thần và dũng cảm đối diện với vấn đề. Mỗi thử thách là một cơ hội để chúng ta học hỏi, trau dồi cũng như chứng tỏ tinh thần trách nhiệm và năng lực làm việc của mình. Nếu có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bạn sẽ tích lũy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và cảm thấy rất tự hào về bản thân đấy!

“Hãy tin vào chính mình. Bạn dũng cảm hơn bạn nghĩ, tài năng hơn bạn biết và có khả năng nhiều hơn điều mà bạn vẫn luôn tưởng tượng về bản thân”.

 – Roy T. Bennett –

2. “Mọi người ở đây đều giỏi hơn tôi”

Nhiều thực tập sinh hoặc những nhân viên trẻ tuổi nhất công ty thường lo lắng vì sự thiếu sót của bản thân so với các đồng nghiệp khác. Họ thường xuyên cảm thấy tự ti, kém cỏi và chịu nhiều áp lực khi cố gắng bắt kịp guồng quay công việc của cơ quan. Nếu đang là một tân binh thiếu kinh nghiệm, hãy luôn tự nhắc nhở bản thân rằng với cá tính khác biệt, bạn là một cá thể độc đáo và duy nhất.

thái độ làm việc nhóm bạn trò chuyện
Ảnh: Unsplash

Bạn đứng ở vị trí ngày hôm nay bởi bạn sở hữu những kỹ năng và giá trị độc nhất, không thể hòa lẫn với bất cứ ai. Sự so sánh chỉ khiến chúng ta thêm phân tâm và căng thẳng. Thái độ làm việc chăm chỉ, cầu tiến và khiêm nhường học hỏi sẽ là chìa khóa giúp bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

3. “Tôi vẫn luôn làm việc theo cách này”

Đây là một trong những suy nghĩ độc hại cản trở bạn đạt được thành tựu trong sự nghiệp của mình. Bởi cuộc sống hiện đại đang thay đổi nhanh chóng, chúng ta không thể chỉ sống, làm việc dựa vào kinh nghiệm và thói quen. Đã đến lúc chúng ta phải loại bỏ tư duy bảo thủ (fixed mindset) và rèn luyện tư duy cầu tiến (growth mindset): tinh thần sẵn sàng thay đổi, học hỏi, trau dồi năng lực bản thân thông qua sự nỗ lực và ý chí quyết tâm chinh phục thử thách.

thái độ làm việc cả nhóm bàn việc
Ảnh: Unsplash

Hãy suy nghĩ cởi mở, linh hoạt hơn, chủ động thử nghiệm những cách làm mới mẻ đồng thời áp dụng công nghệ tiên tiến vào công việc để nâng cao năng suất làm việc. Khi chúng ta điều chỉnh thái độ theo hướng tích cực, công việc sẽ thuận lợi và trôi chảy hơn rất nhiều.

4. “Tôi không quan tâm”

Những người thành công không bao giờ thờ ơ, thụ động trong công việc và cuộc sống. Nếu chỉ đang cố gắng làm việc chăm chỉ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà không dành thời gian tìm hiểu, đóng góp ý kiến xây dựng công ty thì bạn nên thay đổi ngay nhé. Khi không chịu thể hiện chính kiến trước tập thể, chúng ta sẽ nhanh chóng trở nên mờ nhạt và vô dụng trong mắt đồng nghiệp. Bên cạnh đó, kiểu thái độ này cũng khiến bạn gặp phải nhiều khó khăn khác trong công việc.

cả nhóm trò chuyện làm việc
Ảnh: Pixel

Hãy luôn nhớ rằng, mỗi nhân viên là mảnh ghép độc nhất trong bức tranh toàn cảnh đầy màu sắc của một công ty. Bạn nắm giữ những giá trị của riêng mình. Vì vậy, hãy tự tin thể hiện quan điểm cá nhân, tích cực tham gia vào các hoạt động chung của cơ quan để khẳng định sự năng động, nhiệt huyết của bản thân nhé.

5. “Tôi không muốn thất bại”

Không ai mong muốn gặp phải thất bại cả. Bạn có nhận ra không, nỗi sợ hãi thất bại và sự từ chối khiến chúng ta ngần ngại, e dè trước những thách thức trong cuộc sống. Điều đó đã vô tình giới hạn tiềm năng của chúng ta. Đôi khi, vấn đề thật sự ngăn cản bạn đạt được thành tựu chính là định kiến vốn đã ăn sâu vào tiềm thức từ thuở ấu thơ rằng thất bại đồng nghĩa với kết thúc ê chề, nhục nhã.

hãy lạc quan khi làm việc
Ảnh: Unsplash

Thật ra, thất bại là điều kiện cần và đủ để đạt được thành công. Thành công là kết quả của nghìn lần tranh đấu, rút kinh nghiệm từ thất bại và can đảm đứng dậy làm lại từ đầu. Tại sao câu chuyện cuộc đời của những người nổi tiếng lại có khả năng truyền cảm hứng và tạo nên sự lan tỏa rộng khắp như vậy? Bởi họ đã vượt qua muôn vàn gian khó và vấp ngã để đạt được mơ ước của mình. Hãy học hỏi thái độ sống của họ, đó là luôn xem thất bại là người thầy nghiêm khắc dẫn lối chúng ta đến với thành công.

6. “Tôi ghét điều này”

Ghét bỏ công việc và liên tục cảm thấy bất mãn là điều không nên. Bởi thái độ làm việc này sẽ tạo ra hiệu ứng lan truyền, gây ảnh hưởng rất nhiều đến các đồng nghiệp khác. Đừng để bản thân trở thành một nhân viên tiêu cực trong môi trường công sở.

đồng nghiệp trò chuyện làm việc
Ảnh: Pixel

Suy nghĩ lạc quan, tìm kiếm ý nghĩa công việc và nỗ lực hoàn thành mục tiêu sự nghiệp… sẽ là những giải pháp giúp bạn giải quyết vấn đề này. Thay vì phàn nàn và than vãn, hãy tập trung phát triển bản thân và hiện thực hóa những kế hoạch dài hạn trong tương lai nhé!

Nhóm thực hiện

Bài: Xuân Mai Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: The Every Girl
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)