Thế giới ngày càng trở nên ồn ào hơn. Các nhà khoa học cho rằng mức độ gây ra tiếng ồn môi trường do con người tạo ra (tiếng còi xe của những tài xế thiếu kiên nhẫn, tiếng karaoke của hàng xóm, tiếng nói cười trong quán cà phê…) đang không ngừng leo thang. Nhưng trên hết, nhân loại còn bị “phân tâm” bởi các sản phẩm kỹ thuật số, bởi hàng loạt email và các phương tiện truyền thông xã hội “gây nhiễu” hàng ngày – chính những thứ này mới tạo ra sự ồn ào và gây căng thẳng cho cả thể chất lẫn tinh thần mà ít ai nhận ra. “Sự im lặng” đang trở nên quý giá hơn bao giờ hết trong cuộc sống hiện đại. Theo thống kê từ Internet, từ khóa “cách giảm tiếng ồn” được tìm kiếm nhiều hơn gấp 5 lần so với năm ngoái. Thậm chí, các sân bay ở các thành phố lớn như Luân Đôn, Barcelona, Warsaw và Helsinki đã chuyển sang thông báo nhắc nhở hành khách bật chế độ im lặng của điện thoại thay vì các thông báo cảnh giác đánh bom như trước. Trước tình hình này, các chuyên gia đang gấp rút tìm cách hạn chế hậu quả từ ô nhiễm tiếng ồn. Tuy nhiên, mỗi chúng ta đều có thể giảm ô nhiễm tiếng ồn từ chính những thói quen hàng ngày của mình.
Hạn chế tiếp xúc với thiết bị kĩ thuật số, điện thoại di động
Hạn chế sử dụng điện thoại di động là cách tốt nhất hạn chế bị ô nhiễm tiếng ồn.
“Ô nhiễm kĩ thuật số” là từ dùng để chỉ thực trạng con người bị quá tải thông tin từ mạng xã hội, phần lớn trong đó là những thông tin không liên quan đến cuộc sống và công việc của chúng ta. Các nhà khoa học gọi đó là “info snacking” hay “ăn vặt thông tin” – hành vi tiêu thụ thông tin trực tuyến trong những khoảng thời gian ngắn. Điều đó làm ảnh hưởng đến hiệu quả tập trung làm việc, khiến con người dễ bị kích động, xao lãng và cuối cùng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Khi “hàng phòng vệ” bị phá vỡ, các tác nhân xấu như “ô nhiễm tiếng ồn” dễ dàng xâm nhập và để lại nhiều hậu quả khó lường. Vì thế, chúng ta nên có biện pháp “phòng thủ” để hạn chế sự ảnh hưởng của các tác nhân độc hại này bằng những cách sau đây:
“Cai” dòng thời gian
Những thông tin đang tràn ngập trên dòng thời gian Facebook gây hại rất nhiều đến trí nhớ ngắn hạn của con người. Vì thế, điều bạn cần làm là hạn chế tiếp xúc với TV, Internet và mạng xã hội. Hoặc bạn có thể tham khảo phương pháp “cai” thông tin của huấn luyện viên Yoga Nikki Vielle bằng cách dành riêng một ngày trong tuần không sử dụng các thiết bị kĩ thuật số. Vào mỗi thứ 7 hàng tuần, cô sẽ đăng xuất khỏi tất cả các thiết bị, mạng xã hội như điện thoại, Ipad… và dành cả ngày hôm đó để ngồi thiền hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời.
BÀI LIÊN QUAN
Chỉ theo dõi những tài khoản thật sự cần thiết
Việc nhận quá nhiều thông báo từ các tài khoản không liên quan đến công việc và cuộc sống khiến não của bạn bị rối. Bạn nên bật thông báo về những phần mềm như thời gian biểu, báo thức nghỉ ngơi hay theo dõi các trang web về thiền để nhắc nhở bản thân thường xuyên, hạn chế việc bị lọt thỏm trong mớ thông tin không liên quan.
Ngồi thiền
Dành ra khoảng 1 tiếng mỗi ngày để ngồi thiền là cách tốt nhất giúp bản thân trách xa các tác nhân gây ô nhiễm tiếng ồn. Bạn có thể chọn một nơi vắng lặng, cách ly tất cả các thiết bị xã hội, giữ cho đầu óc thư thái và chỉ tập trung vào hơi thở.
Đọc Sách
Dành một khoảng thời gian nhất định tập trung đọc sách chính là cách giúp não “xả stress” sau thời gian dài bị các thông tin “hành hạ”. Chỉ cần 6 phút đọc sách mỗi ngày cũng đủ giúp bạn giảm thiểu ảnh hưởng từ tiếng ồn.
Giảm thiểu tiếng ồn
Chỉ cần bước ra khỏi nhà, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn. Thậm chí, nếu sống trong ngôi nhà gần trục đường chính hoặc có hàng xóm không ý tứ cho lắm, bạn cũng sẽ thường xuyên bị tra tấn bởi những âm thanh không mấy dễ chịu. Để cơ thể không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài này, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
Cảnh giác các âm thanh có tần suất lớn
Tần suất âm thanh được đo bằng đơn vị decibels (dB). Những tiếng ồn vượt quá 85 dB như pháo hoa hay tiếng cỗ vũ từ sân vận động có thể gây hại đến tai và cả não. Tầm nghe của con người khoảng từ 0 đến 125 dB. Dưới 40 dB thì rất khó nghe, trên 105 dB thì tai sẽ bị đau đớn và trên 115 dB trong khoảng thời gian dài thì sẽ bị điếc vĩnh viễn. Trên 130 dB, bộ não sẽ gần như chết. Nguy hiểm nhất chính là tiếng còi của các loại xe có trọng tải lớn thường bất chợt vang lên bên tai (chắc chắn rất nhiều người đã trải qua cảm giác kinh khủng này). Còi của các loại xe đường trường thường được sử dụng trên các tuyến đường vắng nhằm báo hiệu cho xe khác từ xa nên có thể vượt quá ngưỡng 130 dB. Tuy nhiên, trong khu vực nội thành, tiếng còi lớn cộng thêm tính bất ngờ có thể tạo nên hiện tượng “sốc âm thanh”, cực kỳ nguy hiểm cho người đi đường. Bạn có thể dùng các thiết bị như tai nghe chuyên dụng để hạn chế âm thanh từ môi trường bên ngoài.
Nghe nhạc không đúng cách có nguy cơ bị điếc vĩnh viễn
Trong vòng 50 năm trở lại đây, để đáp ứng thị hiếu của khách hàng, các nhà sản xuất âm nhạc thường cho ra đời các loại nhạc có tần suất cao, có thể gây hại đến tai người nghe. Theo ước tính, có khoảng 1,1 tỉ người độ tuổi từ 12 đến 35 đang nghe những thể loại nhạc không an toàn, thậm chí nguy cơ bị điếc vĩnh viễn nếu tiếp xúc trong thời gian dài. Để có thể thư giãn một cách “lành mạnh”, bạn nên đầu tư một chiếc tai nghe có khả năng lọc âm, tốt cho tai.
Đặt các nhà hàng yên tĩnh
Theo nghiên cứu, các nhà hàng đông đúc thường có tân số âm thanh vượt ngưỡng 90dB. Nếu bạn cứ ra vào liên tục những nơi này, sau một thời gian sẽ gây hại đến đôi tai. Vì thế, nếu có thể, hãy chọn những nhà hàng yên tĩnh hoặc phòng ăn cách âm để giảm thiểu tối đa vấn đề ô nhiễm tiếng ồn.
Xem thêm:
Cách bảo vệ da trước gốc tự do trong không khí ô nhiễm
Top những sản phẩm chăm sóc da chống lại sự ô nhiễm
Top 8 thương hiệu mắt kính đẹp và thân thiện với môi trường
Nhóm thực hiện
Cẩm Tú (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Womenshealth - Ảnh: Unsplash)