Thiên kiến lạc quan: “Ánh sáng ở cuối đường hầm”
Chúng ta được thiết lập để luôn hướng về hy vọng trong những lúc khó khăn.
Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Đi tìm lẽ sống (Man’s Searching for Meaning, 1946) của Viktor Frankl, người đã trải qua những năm tháng đau đớn trong trại tập trung của Đức Quốc Xã vào Thế chiến thứ II, có câu: “Sự lạc quan bẩm sinh hay tính hài hước là những khả năng chỉ có ở con người”. Ngay cả trong những lúc bình yên hay giây phút tăm tối nhất của cuộc đời, thiên kiến lạc quan (optimism bias) sẽ là thứ đẩy bạn ra khỏi đại dương của những đau buồn và giúp bạn đứng lên khi sức nặng của hoàn cảnh kéo bạn ngã xuống.
Thiên kiến lạc quan là gì?
Thiên kiến lạc quan (lạc quan phi thực tế hay lạc quan so sánh) về cơ bản là một niềm tin tồn tại sẵn trong mỗi người, cho rằng khả năng chúng ta trải qua những sự kiện tiêu cực là rất thấp trong khi tin rằng xác suất mọi thứ diễn ra thuận lợi sẽ cao hơn so với dự kiến. Hiện tượng này được đề cập lần đầu tiên trong bài viết của tác giả Neil D. Weinstein vào năm 1980. Nghiên cứu cho thấy phần lớn sinh viên đại học tin rằng họ ít có khả năng vướng vào các tệ nạn xã hội và sẽ thành công hơn những người bạn cùng trang lứa.
Tuy nhiên, khuynh hướng tích cực này không chỉ gói gọn trong phạm vi nghiên cứu của Neil D.Weinstein. Theo Tali Sharot (nhà khoa học thần kinh nhận thức và là tác giả của cuốn sách The Optimism Bias: A Tour of the Irrationally Positive Brain), thiên kiến lạc quan tồn tại hầu như ở tất cả mọi người từ khắp các nền văn hóa trên thế giới.
Tại sao lại tồn tại thiên kiến lạc quan?
Các chuyên gia tin rằng, bộ não của chúng ta có thể được tiến hóa để tự tạo ra sự lạc quan vì chính lợi ích của nó.
Ngoài ra, yếu tố nhận thức và động lực cũng được cho là nguyên nhân khiến ta “ưu ái” điều tích cực hơn, ví dụ như một người nghĩ họ sẽ kiểm soát được hoàn cảnh hay tin rằng những trường hợp cá biệt của một sự vật, sự kiện (như các căn bệnh kỳ lạ, thiên tai…) sẽ không xảy ra với mình. Tuy nhiên, niềm tin này có thể bị tác động nếu mọi việc diễn ra không như mong đợi và những người mắc bệnh về tâm lý thường ít trải nghiệm khuynh hướng lạc quan hơn.
Ánh sáng ở cuối đường hầm
Không phải ai cũng có thể giữ tinh thần tích cực. Tồn tại song song với xu hướng lạc quan là khuynh hướng tiêu cực. Chủ nghĩa bi quan tồn tại bằng cách thuyết phục ta rằng nếu một người chỉ chăm chăm vào những điều lạc quan, người đó chẳng khác nào một kẻ dại khờ vì cuộc sống không phải “màu hồng”. Tuy nhiên, nếu để sự bi quan che lấp tầm nhìn, một người không khác nào đang bước qua cánh đồng hoa đầy sức sống trong khi nghĩ đó là một vũng bùn (trích từ truyện ngụ ngôn trong cuốn sách Meditations của Marcus Aurelius, Hoàng đế La Mã, trị vì từ năm 161 đến năm 180).
Thiên kiến lạc quan chính là thứ giữ cho chúng ta không bị mắc kẹt mãi mãi trong những “nốt trầm” của cuộc đời, thúc đẩy ta tồn tại và nhìn thế giới với một cái nhìn trìu mến hơn. Trong cuốn sách viết về nạn diệt chủng kinh khủng nhất lịch sử của Đức Quốc Xã, nhà văn và cũng là nạn nhân sống sót – Terence des Pres đã viết:
“Những nạn nhân sống sót sau cuộc diệt chủng là những người không ngừng “gieo” mình vào gốc rễ của cuộc sống. Sự lạc quan thúc đẩy ý chí sinh tồn của họ hòa làm một với lực đẩy của sự sống, cứng cỏi như sự thăng trầm của mùa Xuân”.
Sự lạc quan được thiết lập sẵn giống như động lực vô hình thúc đẩy một người theo đuổi mục tiêu của mình. Rốt cuộc, nếu đã không tin mình có thể đạt được thành công, tại sao chúng ta lại còn bận tâm đến việc cố gắng? Khuynh hướng tích cực cho phép bạn tin vào những cơ hội, tin vào những điều đẹp đẽ luôn chờ mình phía trước, từ đó thương yêu bản thân nhiều hơn, giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tinh thần.
Dẫu vậy, bạn vẫn nên cẩn trọng vì sự lạc quan quá mức đôi khi khiến bạn đánh giá thấp những rủi ro và đưa đến những quyết định sai lầm.
Bài: Anh Thư
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: psychologytoday