Việc thiết lập ranh giới giúp bạn và cha mẹ hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm và mong muốn của nhau, từ đó giúp hạn chế những bức xúc, mâu thuẫn và cãi vã khi cả hai bên bất đồng quan điểm. Thiết lập ranh giới lành mạnh cũng sẽ giúp cha mẹ ý thức được bổn phận giáo dục mà không áp đặt niềm tin và quan điểm sống lên con cái, đồng thời bạn có thể thoải mái chia sẻ, bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc mà không sợ bị phán xét. Ngoài ra, việc thiết lập ranh giới còn là cách để bạn khẳng định bản thân, thể hiện bản sắc cá nhân và ý thức rõ ràng về một cuộc sống tự lập. Hãy cùng ELLE tìm hiểu 6 cách giúp bạn thiết lập ranh giới lành mạnh với cha mẹ.
1. Hãy giải thích rõ ràng, ngắn gọn những mong muốn của bản thân
Trước khi bày tỏ với cha mẹ những điều bạn muốn họ thay đổi, hãy thành thật với chính mình, liệt kê những điều họ đã làm khiến bạn không thoải mái và giải thích lý do tại sao. Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề và nhu cầu của bản thân, từ đó cảm thấy tự tin và an toàn hơn khi bày tỏ những yêu cầu, mong đợi. Hãy trình bày thật ngắn gọn, rõ ràng, thẳng thắn và chính xác những điều bạn mong muốn được cha mẹ tôn trọng. Và đừng quên đảm bảo rằng những yêu cầu ấy khách quan, hợp lý và có thể thực hiện được nhé.
BÀI LIÊN QUAN
2. Hãy nghiêm túc và thấu hiểu
Khi chia sẻ với cha mẹ những mong muốn về một cuộc sống riêng tư và độc lập, hãy diễn giải thật rõ ràng và cố gắng đừng làm tổn thương họ. Hãy cho họ thấy sự nghiêm túc của bạn thông qua thái độ và giọng điệu bình tĩnh, ngồi thẳng lưng, giao tiếp bằng ánh mắt và tích cực lắng nghe những chia sẻ của họ. Đồng thời, bạn có thể bày tỏ sự thấu hiểu bằng cách cho cha mẹ biết những khó khăn cần phải vượt qua khi họ không còn là người kiểm soát cuộc sống của bạn nữa. Học cách thấu hiểu và đồng cảm sẽ giúp cho lập trường, quan điểm của chúng ta kiên định hơn khi xuất phát từ tình yêu thương thay vì sự phòng thủ.
3. Thể hiện lòng biết ơn
Khi thiết lập ranh giới với cha mẹ, hãy cho họ thấy bạn luôn trân trọng và biết ơn những điều họ đã làm cho bạn. Ví dụ, nếu cha mẹ thường xuyên can thiệp vào chuyện tình cảm của bạn, hãy nói với họ rằng: “Con rất vui và biết ơn vì cha mẹ luôn quan tâm và mong muốn con có được những điều tốt đẹp nhất. Nhưng con rất mong cha mẹ đừng can thiệp vào cuộc sống riêng của con, con sẽ tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm trong chuyện này”. Bên cạnh đó, đừng quên chứng minh sự tự chủ của bạn trong các vấn đề tình cảm bằng cách nêu rõ những tiêu chuẩn mà bạn tìm kiếm ở đối phương, những giới hạn trong một mối quan hệ mà bạn thiết lập… để giúp cha mẹ hiểu rằng bạn thật sự suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này. Ngoài ra, bạn cũng nên cho cha mẹ thấy rằng bạn có thể tự lập và có thể kiểm soát phần lớn cuộc sống của mình, cho họ thấy rằng bạn có thể tự chăm sóc bản thân, tự lập về mặt tài chính… Điều này sẽ giúp cha mẹ biết rằng bạn vẫn trân trọng sự quan tâm của họ và cảm thấy yên tâm trước những quyết định của bạn.
Xem thêm
• Làm thế nào để vượt qua một mối tình đơn phương?
• Màu sắc aura cá nhân là gì và làm thế nào để xác định nó?
• 8 điều người phụ nữ thành công làm vào thứ Sáu để thứ Hai không còn là cơn ác mộng
4. Thể hiện sự quyết tâm và nhất quán
Nếu cha mẹ từ chối yêu cầu tôn trọng ranh giới lành mạnh bạn đã đặt ra, hãy cho họ thấy sự quyết tâm của bạn: thay vì tham gia vào những cuộc tranh cãi kéo dài, hãy liên tục lặp lại những yêu cầu của mình thật ngắn gọn và rõ ràng. Chẳng hạn: “Con sẽ ngừng tranh cãi và con mong cha mẹ đừng ép con phải đi xem mắt nữa”. Điều này sẽ giúp họ hiểu, những cuộc tranh luận hay bất kỳ một phương pháp thỏa hiệp cũng không thể lay chuyển sự quyết tâm và kiên định của bạn.
5. Biết rõ giới hạn của mình
Hãy dành thời gian để xác định rõ ràng và chi tiết những điều bạn có thể và không thể chấp nhận từ cha mẹ. Bạn sẽ đặt ranh giới ấy ở đâu? Chẳng hạn: hãy nói rõ với họ bạn chỉ có thể về nhà hai tuần một lần, bạn không thể nghe điện thoại trước 8 giờ tối, bạn sẽ không kết hôn trước 26 tuổi… Điều này là lành mạnh và cần thiết cho quá trình xây dựng cuộc sống cá nhân của bạn. Ngoài ra, khi bạn cảm thấy không tìm được tiếng nói chung với cha mẹ trong chuyện đặt ra ranh giới, hãy tìm cách kết thúc cuộc trò chuyện đúng lúc trước khi xảy ra xung đột và căng thẳng, tránh đẩy mọi chuyện đi quá xa.
BÀI LIÊN QUAN
6. Buông bỏ cảm giác tội lỗi
Việc thiết lập ranh giới với cha mẹ dễ khiến bạn cảm thấy nghi ngờ, sợ hãi và tội lỗi – cảm giác khi bạn cho rằng mình đang phạm phải một sai lầm. Thế nhưng, việc đặt ra ranh giới là yếu tố quan trọng giúp duy trì các mối quan hệ, đồng thời giúp bạn xây dựng ý thức về bản thân, để không xảy ra tình trạng hy sinh vô điều kiện hay can thiệp quá mức vào cuộc sống của đối phương. Vì thế, hãy buông bỏ cảm giác tội lỗi bằng cách lặp lại những câu khẳng định như “Mình có quyền bày tỏ nhu cầu của bản thân” và “Mình xứng đáng được mọi người tôn trọng những nhu cầu ấy”. Khi không còn thấy tội lỗi vì thiết lập ranh giới lành mạnh trong mối quan hệ với cha mẹ, bạn sẽ có thể trò chuyện một cách nghiêm túc, quyết đoán và bày tỏ sự đồng cảm, thấu hiểu để họ trân trọng những mong đợi hợp lý và khách quan của bạn.
Nhóm thực hiện
Bài: Khánh Hà
Tham khảo: mindbodygreen