12 thói quen giúp hạn chế rủi ro bảo mật
Trong thời đại công nghệ 4.0, thông tin cá nhân có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cùng ELLE xây dựng 12 thói quen giúp tăng cường bảo mật thông tin nhé!
Trong thế giới siêu kết nối ngày nay, thông tin cá nhân của chúng ta có nguy cơ bị rò rỉ cao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, tin vui là chỉ cần điều chỉnh một vài thói quen đơn giản, bạn sẽ dễ dàng nâng cao tính bảo mật đối với dữ liệu của mình.
1. Đầu tư đúng mức cho hệ thống an ninh
Muốn hạn chế tối đa rủi ro bảo mật, chúng ta nên bắt đầu từ việc bảo vệ chính ngôi nhà của mình bởi các tên trộm luôn nhắm vào những thiết bị thông minh nhỏ gọn và đắt tiền như điện thoại, laptop, máy tính bảng… Hãy cân nhắc lựa chọn camera quan sát, thiết bị chống trộm, chuông màn hình, khóa vân tay… chất lượng đến từ những nhà sản xuất uy tín nhé!
2. Không sạc thiết bị tại trạm sạc công cộng
Gần đây, trạm sạc công cộng ngày càng trở nên phổ biến và rất được yêu thích. Nhiều người thường xuyên sạc pin thiết bị cá nhân ở các trạm này mà hoàn toàn không biết đến những rủi ro bảo mật họ có thể phải đối mặt. Khi kết nối điện thoại vào cổng USB, chúng ta không chỉ sạc pin mà còn vô tình truyền dữ liệu. Vì vậy, hãy cẩn thận khi cắm điện thoại ở một trong những trạm sạc công cộng nhé! Bạn không thể biết ai đang truy cập thông tin trên thiết bị của mình.
3. cảnh giác với wifi công cộng
Ngày nay, wifi công cộng trở nên vô cùng hữu ích và tiện lợi. Nhiều người thậm chí không cần đến 3G, 4G mà hầu như phụ thuộc vào wifi công cộng, đặc biệt là các tín đồ du lịch muốn tiết kiệm gói cước dữ liệu. Alec Ogden, giám đốc tiếp thị kiêm chuyên gia an ninh mạng tại Bob Muff Business cảnh báo rằng, wifi công cộng thường không được bảo mật và kẻ xấu có thể dễ dàng rình mò hoạt động trực tuyến của bạn. Tuy không cần hoàn toàn từ bỏ wifi công cộng nhưng bạn phải chú ý hơn đến những hoạt động của mình (không chia sẻ bất kỳ thông tin cá nhân hay số tài khoản ngân hàng). Bên cạnh đó, bạn cũng nên dùng VPN (mạng ảo riêng) để tăng cường sự riêng tư trên môi trường Internet.
4. Cẩn trọng hơn với các thiết bị gia đình thông minh
Theo Chris Morales, Trưởng phòng Phân tích Bảo mật tại Vectra, người dùng thường không biết về rủi ro bảo mật của các thiết bị gia đình có tích hợp phần mềm trợ lý ảo như Alexa và Google Assistant. Chỉ cần một câu nói ngắn gọn, các thiết bị sẽ tự động thực hiện những yêu cầu của chúng ta: bật nhạc, mở quạt, tắt đèn… Vì thế, đa số mọi người cảm thấy yêu thích và hài lòng với chúng. Thế nhưng, đã đến lúc bạn cần suy nghĩ nhiều hơn về việc trí tuệ nhân tạo trong các thiết bị gia đình luôn lắng nghe và phân tích thông tin của chủ nhân. Liệu điều đó có thực sự an toàn?
5. Không sử dụng quá nhiều ứng dụng
Các ứng dụng tiên tiến, tiện lợi đã và đang ăn sâu vào cuộc sống của chúng ta mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn cần cảnh giác hơn trước những rủi ro bảo mật mà nó mang lại. Mỗi lần bạn tải xuống một ứng dụng mới, nhà sản xuất sẽ yêu cầu quyền truy cập máy ảnh, máy ghi âm, danh bạ… Có thể họ đang chia sẻ thông tin của bạn với bên thứ ba đấy. Vụ cáo buộc Facebook bán thông tin người dùng trong năm 2019 là một hồi chuông báo động về vấn đề bảo mật. Vì vậy, hãy giới hạn số lượng ứng dụng và chỉ dùng các ứng dụng chất lượng của những tập đoàn uy tín, đồng thời xem xét cẩn thận yêu cầu truy cập trước khi đồng ý.
6. kiểm tra camera an ninh
Bên cạnh nhiều lợi ích không thể chối cãi, công nghệ hiện đại vẫn ẩn chứa những mặt tối nhất định. Ray Walsh, chuyên gia về quyền riêng tư kỹ thuật số của ProPrivacy.com cho biết, các camera an ninh được kết nối với màn hình, chuông cửa và nhiều thiết bị khác có thể chứa lỗ hổng bảo mật, cho phép kẻ xấu chiếm quyền theo dõi và kiểm soát ngôi nhà bạn. Trong trường hợp xấu nhất, tin tặc có thể lợi dụng chính thiết bị của bạn để xác định thời điểm đột nhập vào nhà. Hãy tự bảo vệ mình bằng cách lắp đặt hệ thống camera an ninh của các thương hiệu nổi tiếng, thiết lập mật khẩu mạnh và thường xuyên kiểm tra thiết bị nhé!
Theo các chuyên gia, bạn có thể tự phát hiện sự can thiệp của người lạ vào hệ thống camera trong nhà khi:
- Những thông số cài đặt bảo mật của hệ thống bị thay đổi dù bạn không thực hiện
- Các camera có chức năng truyền phát âm thanh thường phát ra âm thanh lạ
- Camera tự bật dù bạn đã tắt
- Đèn LED của camera sáng bất thường, vị trí hướng quay sai khác so với sự thiết lập của chủ nhân
- Lưu lượng dữ liệu của hệ thống tăng bất thường
7. thay đổi mật khẩu thường xuyên
Bảo vệ mật khẩu tài khoản cá nhân có tầm quan trọng hàng đầu đối với vấn đề bảo mật trực tuyến. Nếu thiết lập mật khẩu không đủ mạnh, tài khoản của chúng ta sẽ dễ dàng bị tin tặc bẻ khóa. Bên cạnh đó, việc chỉ sử dụng duy nhất một mật khẩu chung cho mọi ứng dụng, website mang đến rất nhiều rủi ro nếu không may bị kẻ xấu đánh cắp. Ngoài ra, các sai sót nhỏ khi đăng nhập một trang web bất kỳ có thể tiết lộ chi tiết đăng nhập của những trang web khác. Vì vậy, bạn nên thiết lập những mật khẩu tương ứng với mỗi website, đồng thời thường xuyên thay đổi mật khẩu để tăng cường bảo mật thông tin.
8. Không nhấp vào các liên kết trong email
Một trong những cách thức thu thập thông tin phổ biến nhất của tin tặc là gửi email cho bạn dưới danh tính của một cơ quan, công ty đáng tin cậy. Email này sẽ chứa một liên kết đưa bạn đến những website nguy hiểm (chứa virus) hoặc yêu cầu bạn đăng nhập thông tin cá nhân. Do đó, hãy thận trọng trước các đường link từ những email khác thường. Một mẹo nhỏ là bạn nên đề cao cảnh giác trước các email có lời mở chung chung như “Xin chào”, “Chào bạn”… mà không nhắc đến họ tên của bạn. Rất có thể, đó là một vụ lừa đảo.
Thậm chí, email độc hại có thể đến từ chính bạn bè, người thân của bạn (thay vì một doanh nghiệp hay tổ chức nào đó) khi tài khoản của họ cũng đã bị hack. Ngoài ra, hãy cẩn thận với các liên kết (từ bất kỳ nguồn nào) có vẻ đáng ngờ hoặc trong địa chỉ đường dẫn chứa nhiều ký tự và con số ngẫu nhiên.
9. Xóa dữ liệu của thiết bị cũ
Khi đổi sang dùng thiết bị mới, chúng ta thường nhanh chóng lãng quên thiết bị cũ. Tuy nhiên, bạn phải xử lý dữ liệu trước khi vứt bỏ hoặc bán lại thiết bị cũ. Hiện nay, có rất nhiều thiết bị đã qua sử dụng vẫn chứa thông tin cá nhân của chủ nhân cũ được rao bán trên eBay. Vì vậy, để tăng cường bảo mật thông tin, bạn đừng quên xóa sạch dữ liệu trong thiết bị cũ nhé!
10. liên tục cập nhật trình duyệt mới
Lướt web đã trở thành một trong những hoạt động không thể thiếu đối với mỗi người trong cuộc sống hiện đại. Thế nhưng, chúng ta thường cảm thấy phiền toái khi phải thường xuyên cập nhật phiên bản mới của các ứng dụng, trình duyệt. Thật ra, việc liên tục cập nhật phần mềm, hệ điều hành, trình duyệt mới khiến người dùng tránh được rất nhiều rủi ro. Để hạn chế tối đa những lỗ hổng bảo mật cũng như sự tấn công của tin tặc, bạn nên quan tâm đúng mức đến cảnh báo bảo mật trên các thiết bị cá nhân.
11. Không chia sẻ quá nhiều trên mạng xã hội
Việc bạn chia sẻ toàn bộ cuộc sống đời thường từ A đến Z lên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter… có thể kéo theo nhiều nguy cơ tiềm tàng. Kẻ xấu có thể lợi dụng hàng loạt thông tin cá nhân mà bạn cập nhật hàng ngày để trộm cắp danh tính. Bên cạnh đó, một bức ảnh lung linh về kỳ nghỉ tuyệt vời cùng gia đình cũng tiết lộ rằng hiện không có ai trông nom ngôi nhà của bạn. Do đó, hãy tự bảo vệ bản thân bằng cách hủy kết bạn với những người xa lạ, cài đặt chế độ chỉ hiển thị với bạn bè và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân ở mức tối đa nhé!
12. TĂNG CƯỜNG BẢO MẬT KHI LÀM VIỆC TẠI NHÀ
Do đại dịch COVID-19, đến thời điểm hiện tại, nhiều công ty vẫn cho nhân viên làm việc tại nhà đồng thời xem xét áp dụng cách thức làm việc này trong tương lai. Tuy nhiên, công ty máy tính hàng đầu Hoa Kỳ IBM mới đây đã đưa ra bản báo cáo X-Force Red hackers, trong đó chỉ ra rằng khi nhân viên làm việc bên ngoài môi trường văn phòng, không có sự hỗ trợ kịp thời của đội ngũ IT và những cảnh báo bảo mật tiên tiến, sẽ dễ tạo ra lỗ hổng cho kẻ xấu dòm ngó tới công cụ làm việc và nghiêm trọng hơn là khả năng bảo mật thông tin, dữ liệu của cá nhân cũng như của công ty.
Để giảm thiểu những rủi ro nêu trên, IBM cũng đưa ra một vài lời khuyên về bảo mật như sau:
– Chỉ sử dụng những công cụ làm việc được cung cấp bởi công ty. Bộ phận IT của mỗi văn phòng có thể tư vấn những công cụ hữu hiệu và bảo mật nhất.
– Cài đặt lớp nhận dạng đa tầng. Việc này sẽ giúp tăng cường thêm một lớp bảo vệ, ví dụ như khẳng định quyền truy cập qua hai lớp mật khẩu hoặc sinh trắc học (dấu vân tay)… trên các thiết bị di động như điện thoại, laptop…
– Đảm bảo tất cả các thiết bị được định dạng và back-up để IT dễ dàng nhận diện khi có sự tấn công từ bên ngoài của hacker.
– Cập nhật đường truyền tại nhà với các cổng bảo mật mới nhất. Nếu rounter ở nhà đã sử dụng được trên 3 năm, hãy mạnh dạn đầu tư mới.
– Chỉ kết nối vào các đường truyền Wi-Fi đáng tin cậy, đặc biệt khi làm việc ở bên ngoài (quán cà phê, nhà hàng…) và luôn luôn kết nối với cổng VPN của công ty khi ở bên ngoài văn phòng. Đây như một lá chắn hữu hiệu cho việc tấn công và ăn cắp dữ liệu.
– Sử dụng các công cụ hoàn toàn miễn phí như Quad9 để bảo vệ thiết bị và dữ liệu không bị đánh cắp.
– Đảm bảo rằng bạn luôn có thể kết nối với bộ phận IT của công ty vào bất cứ lúc nào gặp trục trặc về thiết bị, đường truyền hoặc dữ liệu bị can thiệp.
– Hãy triệt để tận dụng công nghệ đám mây khi làm việc bên ngoài văn phòng. Đừng download những tài liệu của công ty và các thiết bị cá nhân nếu thiết bị đó không cài đặt các lớp bảo vệ cần thiết.
– Nếu bắt buộc phải sử dụng thiết bị thông minh cá nhân cho công việc, hãy báo cáo việc này với bộ phận IT để họ hỗ trợ cài đặt các hàng rào bảo vệ cần thiết trong thiết bị cá nhân của bạn.
Bài: Xuân Mai
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Reader\’s Digest