Lifestyle / Bí quyết sống

4 thói quen phổ biến vô tình cản trở bạn phát triển khả năng tư duy

Nếu bạn duy trì những thói quen xấu lặp đi lặp lại hằng ngày, não bộ có thể rơi vào trạng thái trì trệ và có thể gây ra một tâm lý ngại thay đổi, ngại rời vùng an toàn, ít linh hoạt và bảo thủ hơn. Từ đó, chúng vô tình tạo ra các rào cản, kìm hãm quá trình phát triển trí tuệ và khả năng sáng tạo.

Bên cạnh việc rèn luyện tư duy bằng các phương pháp khoa học, bạn còn có thể cải thiện trí nhớ và khả năng giải quyết vấn đề bằng cách duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh. Ngược lại, có một số thói quen tưởng chừng vô hại lại làm chất lượng cuộc sống của bạn suy giảm. Vậy đâu là những thói quen xấu có tác động tiêu cực đến tinh thần và khả năng tư duy của bạn?

1. Vội vã tìm sự hỗ trợ bên ngoài trước khi tự mình tìm ra giải pháp

Khi đối mặt với khó khăn, nếu bạn có xu hướng né tránh thử thách, chọn con đường an toàn bằng cách tìm đến sự giúp đỡ từ bên ngoài, dần dần thói quen dựa dẫm này có thể khiến bạn trở nên ỷ lại, trông chờ vào người khác để giải quyết vấn đề cá nhân. Hơn nữa, việc né tránh vấn đề liên tục có thể khiến khả năng tư duy của bạn bị giảm sút, trì trệ, cứng nhắc vì đã quen lệ thuộc vào bên ngoài.

cô gái bước ra khỏi xe tự tin
Ảnh: Unsplash/Mark Aliiev

Hãy thử tưởng tượng, bạn đang học môn Toán và gặp phải một bài tập khó. Bạn có thể cảm thấy bối rối, thất vọng, và ngay lập tức nghĩ đến việc bỏ qua hoặc tìm cách sao chép đáp án từ bạn bè. Tuy nhiên, thay vì từ bỏ, bạn quyết định tự nghiên cứu lại lý thuyết, tham khảo thêm sách giáo khoa và các video hướng dẫn trên internet. Sau một thời gian tìm hiểu và thử lại, cuối cùng bạn đã giải quyết được bài toán. Mặc dù kết quả không phải lúc nào sẽ đều đúng ngay từ đầu, nhưng qua mỗi lần thử, bạn đã hiểu rõ hơn về cách áp dụng công thức và cải thiện kỹ năng tư duy logic.

Rõ ràng, việc tự tìm ra giải pháp cho vấn đề cá nhân không hề dễ dàng vì nó đòi hỏi thời gian, công sức và đôi khi không mang lại kết quả ngay lập tức. Tuy nhiên, chính quá trình “chông gai” này lại giúp bạn rèn luyện khả năng tư duy, trở nên sắc bén hơn và mở rộng tầm nhìn. Thói quen này còn giúp bạn tích lũy thêm kinh nghiệm, cải thiện khả năng suy nghĩ và xử lý vấn đề nhanh nhạy hơn.

2. Buôn chuyện

Những câu chuyện gây tranh cãi, những tin đồn, những sự kiện gây xôn xao dư luận… là đề tài hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu bạn quá chú tâm vào những câu chuyện, sự việc như trên, bạn có thể chìm trong những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, lo lắng, hay trở nên quá khắt khe, hùa theo đám đông và tự cho mình quyền được đánh giá người khác mà đánh mất khả năng quan sát vấn đề một cách toàn diện. Không chỉ vậy, sau khi một sự kiện chấn động qua đi, bạn lại tiếp tục tìm kiếm và tiếp cận những vụ việc gây xôn xao xao khác, ngày qua ngày, bạn xem việc “hóng chuyện” trên các nền tảng mạng xã hội là một thú vui, một phần không thể thiếu trong đời sống của mình. Điều này có thể được lý giải rằng, khi bộ não liên tục hấp thu những thông tin không lành mạnh, nó sẽ dần trở nên quen thuộc với trạng thái căng thẳng, mâu thuẫn và không còn khả năng giữ được bình tĩnh trong nhiều tình huống. Mặt khác, nếu chỉ chú ý đến những gì được bàn tán sau lưng người khác, bạn sẽ không rèn luyện được khả năng suy nghĩ đa chiều, sâu sắc. Điều này khiến bộ não “lười” phân tích vì nó đã quen với việc tiếp nhận thông tin nhanh chóng. Từ đó, bạn sẽ đánh mất tư duy phản biện – tức là khả năng đặt câu hỏi và đánh giá thông tin một cách cẩn thận. Khi đó, bạn dễ dàng tin vào những gì nghe thấy và không kiểm tra tính chính xác của nó.

cô gái gốc cây tư duy
Ảnh: Pexels/Josh

Cựu Đệ Nhất Phu nhân Hoa Kỳ Eleanor Roosevelt từng nói: “Những bộ óc vĩ đại thảo luận về ý tưởng, những bộ óc trung bình thảo luận về sự kiện, những bộ óc nhỏ bé thảo luận về con người”. Vì vậy, những cuộc trò chuyện có chiều sâu, xoay quanh những ý tưởng thú vị hay chủ đề có giá trị không chỉ giúp bạn cải thiện giao tiếp mà còn thúc đẩy cách bạn phát triển cá nhân. Bởi giao tiếp với những người lành mạnh có thể giúp bạn học hỏi thêm nhiều điều mới, mở rộng tầm nhìn và nâng cao khả năng giải quyết vấn đề.


Xem thêm

• 9 dấu hiệu cho thấy bạn là người có tư duy cởi mở

• 8 dấu hiệu cho thấy bạn sở hữu trí tuệ thông thái

• 10 cách thể hiện trí thông minh của bạn mà không cần nói một lời nào


3. Nói “không” với những cơ hội mới

Một số người thường có xu hướng bám giữ những gì quen thuộc và dễ chịu, vì họ sợ hãi phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Nhiều người cảm thấy lo lắng và sẵn sàng từ chối những cơ hội mới chỉ vì e ngại phải bắt đầu lại từ đầu. Giả sử, bạn đang làm việc trong một công ty với vị trí và môi trường “ổn định”, thế nhưng bỗng một ngày, bạn nhận được lời mời tham gia một dự án hay một thử thách nghề nghiệp mới, bạn nhanh chóng từ bỏ cơ hội ấy vì lo sợ khả năng của bản thân không thể đáo ứng yêu cầu của vai trò mới. Ngược lại, nếu bạn dũng cảm chấp nhận thử thách mới, bạn không chỉ có cơ hội học hỏi thêm từ những người đi đầu, mà còn có thể mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Dù thất bại, bạn vẫn nhận được những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá hơn việc chưa từng dám thử. Và rồi, bạn sẽ bất ngờ khi nhận thấy bản thân có tiềm năng phát triển đến mức không ngờ nếu dũng cảm đối diện với khó khăn.

cô gái đọc sách phát triển tư duy
Ảnh: Unsplash/Julia Ivanina

Mặt khác, khước từ cơ hội mới có thể khiến khả năng tư duy của bạn chững lại. Khi chỉ lựa chọn những việc quen thuộc để làm, chúng ta sẽ không có động lực để phát triển, thử nghiệm các phương pháp mới, từ đó trí óc trở nên trì trệ, làm giảm khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp. 

4. Không thể kiểm soát sự tập trung

Nếu bạn khó tập trung vào công việc vì bị phân tâm bởi các yếu tố bên ngoài như tiếng ồn, điện thoại hoặc những thông báo từ mạng xã hội, bạn đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát khả năng tập trung và dễ bị xao nhãng. Tình trạng này sẽ làm giảm năng suất làm việc và kéo dài thời gian hoàn thành nhiệm vụ của bạn. Khi não bộ liên tục mất tập trung, nồng độ cortisol – hormone gây căng thẳng, sẽ tăng lên và làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận, xử lý và ghi nhớ thông tin. Về lâu dài, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc kết nối các ý tưởng và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tư duy, tinh thần.

Nếu bạn là người dễ bị xao nhãng, bạn có thể thử áp dụng nghe các bài nhạc không lời hoặc những giai điệu nhẹ nhàng, thư giãn thường để tăng cường sự tập trung trong công việc, kích thích sản sinh dopamine trong não – một chất dẫn truyền thần kinh giúp tăng cảm giác hưng phấn và động lực. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy phấn khởi hơn và duy trì năng suất làm việc.

cô gái dưới ánh nắng tư duy
Ảnh: Pexels/Gabriel Machado

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng Pomodoro, một phương pháp quản lý thời gian giúp tối đa hóa sự tập trung. Bạn làm việc liên tục trong 25 phút, sau đó nghỉ ngơi 5 phút. Bên cạnh đó, việc tạo ra một không gian làm việc yên tĩnh, hạn chế sự can thiệp của các thiết bị gây xao nhãng còn đóng góp một phần quan trọng để bạn duy trì sự tập trung hiệu quả. Ví dụ, bạn có thể tắt thông báo điện thoại, đóng các tab không cần thiết trên máy tính, hoặc sử dụng ứng dụng chặn trang web gây phân tâm trong thời gian làm việc. Và cuối cùng, bạn đừng quên xây dựng thói quen lành mạnh, có thời gian nghỉ ngơi hợp lý để não bộ được thư giãn, cải thiện trí nhớ và khả năng tập trung, giúp bạn làm việc hiệu quả hơn trong dài hạn.

Nhóm thực hiện

Bài: Thanh Ngân

Tham khảo: YourTango

 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)