Lifestyle / Bí quyết sống

7 thói quen cần từ bỏ để thăng tiến trong sự nghiệp

Đôi khi, để tiến xa hơn trong sự nghiệp, bạn chỉ cần dám thoát ra khỏi vùng an toàn và rũ bỏ những điều đang cản trở bạn đến với thành công.

Bạn đã bao giờ tự hỏi: liệu mình đang thực sự tiến về phía trước, hay chỉ đang đi vòng quanh với những thói quen đã cũ? Đôi khi, chính việc luôn đợi “một ngày đẹp trời”, việc sợ làm phật ý người khác, hay việc mải miết kiếm tìm cái gật đầu từ ai đó… lại là những tảng đá vô hình chặn bước chân ta. Cùng ELLE điểm qua 7 thói quen có thể gây cản trở sự nghiệp của bạn, cũng như cách để từ bỏ chúng và giúp bạn tiến gần hơn với thành công.

Trông chờ vào một thời điểm “hoàn hảo”

Một trong những “cạm bẫy” lớn nhất trên con đường thăng tiến của bạn chính là thói quen chờ đợi một thời điểm “hoàn hảo” để hành động. Tuy nhiên, “hoàn hảo” là một khái niệm mơ hồ, bởi chúng ta luôn rơi vào trạng thái hoài nghi và bất an về mọi thứ. Theo một nghiên cứu của Gail Matthews, giáo sư tâm lý học tại Đại học Dominican, Hoa Kỳ, sự hoàn hảo thực tế chỉ là một ảo tưởng, bởi chúng ta luôn cảm thấy chưa đủ tốt để bắt đầu, và điều đó khiến ta không thể đưa ra quyết định đúng lúc. Tuy nhiên, thực tế luôn tồn tại những rủi ro và biến số không thể lường trước, khiến bạn đôi khi ước rằng phải chi mình đã hành động sớm hơn.

Cô gái có thói quen ngã đầu ra khỏi cửa sổ xe hơi
Ảnh: Pexels/Ceejay Talam

Trong khi đó, những người thành công không chờ cho đến khi họ cảm thấy thực sự sẵn sàng. Họ thường có xu hướng hành động ngay, học hỏi từ quá trình và không ngừng điều chỉnh chiến lược. Nếu bạn cứ mãi nói với bản thân rằng mình sẽ xin thăng chức, sẽ khởi nghiệp, hay sẽ bắt tay vào một dự án mới “khi thời điểm chín muồi”, rất có thể bạn sẽ phải dành cả đời để chờ đợi.

Thành công thường đến với những người dám tin vào quyết định của bản thân và hành động, kể cả khi mọi thứ vẫn chưa thật sự hoàn hảo như họ mong muốn. Việc bắt đầu càng sớm sẽ giúp bạn nhanh chóng nhận ra điều gì hiệu quả và điều gì không, từ đó tạo ra nền tảng để bạn cải thiện và ngày càng tiến xa hơn trong sự nghiệp lẫn cuộc sống.

Nói “có” với tất cả mọi thứ

Trong môi trường làm việc, đặc biệt là đối với những người mới, không ít người có xu hướng muốn thể hiện bản thân và tạo dựng mối quan hệ bằng cách luôn nói “có” trước mọi cơ hội. Họ tin rằng sự xông xáo và nhiệt tình chính là chìa khóa để dẫn đến thành công, khi người khác sẽ luôn nhớ đến họ nhờ sự cống hiến không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, theo thời gian, bạn sẽ dần nhận ra thói quen nói “có” với tất cả mọi thứ cũng đồng nghĩa với việc nói “không” với những ưu tiên của chính mình.

Sự tham công tiếc việc trong thời gian dài sẽ khiến bạn bị kiệt sức và chìm trong căng thẳng, khiến bản thân càng khó có thể từ chối những yêu cầu từ người khác kể cả khi điều đó nằm ngoài khả năng của mình. Đồng thời, sự quá tải này còn khiến bạn đánh mất sự tập trung, giảm bớt niềm vui và động lực trong công việc.

cô gái có thói quen nói có với tất cả trong công việc
Ảnh: Pexels/Matvalina

Theo Timothy Ferriss, tác giả của cuốn sách The 4-Hour Workweek (tựa Việt: Tuần làm việc 4 giờ), việc học cách từ chối và nói “không” là một kỹ năng cần thiết giúp bạn tập trung vào những gì thực sự quan trọng với bản thân. Người thành công không phải là người làm nhiều nhất, mà là những người làm đúng và biết rõ giá trị mà mình mang lại. Họ biết cách đặt ra giới hạn, và chỉ tham gia vào những cơ hội thật sự phù hợp với tầm nhìn cũng như các mối ưu tiên cá nhân của họ

Theo đuổi niềm vui thay vì điều gì đó có ý nghĩa

Liệu bạn có từng nghĩ rằng mục tiêu của cuộc sống này, và cả công việc, chính là mang lại hạnh phúc cho mình? Tuy nhiên, liệu bạn có nhận ra rằng, khi bạn càng cố gắng theo đuổi, hạnh phúc lại càng trôi tuột khỏi tầm tay?

Sự thật là hạnh phúc cũng chỉ là một cảm giác thoáng qua, là một khoảnh khắc ngắn ngủi và phai đi nhanh chóng. Điều còn lại sau tất cả là cảm giác tiếc nuối và mong muốn mang niềm vui ấy trở lại lần nữa. Tuy nhiên, cảm xúc chính là thứ không bao giờ có thể lặp lại, chẳng hạn như niềm vui khi bạn nhận được lương tháng đầu tiên của mình. Cho dù thu nhập về sau của bạn đã nhân lên gấp bội so với ngày trước, thì niềm vui lúc đó cũng sẽ không thể nào trở lại một cách nguyên vẹn.

Cô gái đeo kính có thói quen đọc sách và yêu thích âm nhạc
Ảnh: Unsplash/Huma H Vardim

Vậy điều gì mới thực sự mang lại cho chúng ta sự viên mãn lâu dài? Câu trả lời chính là sự hài lòng khi bạn tìm thấy ý nghĩa trong những việc mình làm. Theo nghiên cứu của Viktor Frankl, bác sĩ tâm lý học nổi tiếng và tác giả của cuốn sách Man’s Search for Meaning (tựa Việt: Đi tìm lẽ sống), việc tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống là yếu tố quan trọng hơn cả việc theo đuổi hạnh phúc. Ông nhấn mạnh rằng việc tìm thấy mục tiêu trong cuộc sống, dù là công việc hay các mối quan hệ, sẽ giúp chúng ta cảm thấy viên mãn và có thêm động lực để phấn đấu.

Do đó, nếu bạn đang trong vòng xoáy tìm kiếm một công việc “hoàn hảo” sẽ mang lại cảm giác hạnh phúc cho bản thân, có lẽ đã đến lúc bạn thay đổi suy nghĩ và cách tiếp cận của mình. Thay vì tự hỏi “Liệu công việc này có khiến tôi hạnh phúc không?”, hãy đổi thành: “Liệu công việc này có mang lại ý nghĩa gì cho tôi không?”

Đổ lỗi cho hoàn cảnh

Để giảm bớt áp lực và khiến bản thân cảm thấy thoải mái hơn, chúng ta thường có  thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh – cho nền kinh tế bất ổn khiến việc tìm kiếm công việc trở nên khó khăn, cho người sếp khó tính khiến công việc trở nên ngột ngạt… Dường như bạn sẽ bị ám ảnh với suy nghĩ: mọi thứ đều đang chống lại bạn.

Tuy nhiên, dưới đây là một sự thật mà bạn cần phải đối mặt: việc đổ lỗi cho hoàn cảnh sẽ không làm thay đổi tình hình hay kết quả. Điều đó chỉ khiến bạn mãi đứng yên một chỗ và bỏ lỡ nhiều cơ hội hơn.

cô gái khó thăng tiến vì thường đổ lỗi cho hoàn cảnh
Ảnh: Pexels/Polina Zimmerman

Khoảnh khắc bạn bắt đầu học cách chịu trách nhiệm cho sự nghiệp của mình – những quyết định, cách tư duy và hành động – chính là lúc mọi thứ bắt đầu xoay chuyển. Bạn có thể sẽ không kiểm soát được tất cả, nhưng bạn sẽ kiểm soát cách mình phản ứng và thích nghi với nghịch cảnh, từ đó vạch ra chiến lược và tìm ra con đường phù hợp để đạt được mục tiêu của mình.

Thay vì lãng phí thời gian vào việc than vãn và đổ lỗi, những người thành công tập trung vào những gì họ có thể làm. Bản lĩnh của một người không nằm ở việc giảm bớt tội lỗi của bản thân sau mỗi lần vấp ngã, mà là khả năng biến mỗi quyết định của mình trở nên đúng đắn và khôn ngoan hơn.


Xem thêm

6 thói quen thường thấy ở người có IQ cao

7 thói quen nên từ bỏ để trở nên tinh tế hơn khi giao tiếp

8 thói quen giúp bạn phát triển trí tuệ cảm xúc


Khao khát sự công nhận thay vì tập trung hoàn thành tốt công việc

Không ít người thường có thói quen dành quá nhiều thời gian và công sức để chứng tỏ bản thân thay vì thực sự hoàn thiện chính mình. Họ chạy theo sự tán dương và lời khen ngợi từ người khác, bởi trong thâm tâm, họ lo sợ những gì mình làm sẽ không được công nhận. Theo nghiên cứu của giáo sư tâm lý học Carol Dweck, tác giả cuốn sách Mindset: The New Psychology of Success, việc tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài chỉ làm suy yếu động lực nội tại và cản trở khả năng phát triển lâu dài của bạn.

Tuy nhiên, thực tế là không có bất kỳ tràng vỗ tay nào có thể thay thế được cảm giác viên mãn đến từ việc bạn làm chủ một kỹ năng, tạo ra những điều có ý nghĩa và vượt qua được giới hạn của chính mình. Chính việc tạo ra những điều mang lại giá trị lâu dài mới là yếu tố giúp bạn cảm thấy thỏa mãn và thành công thực sự.

Co gái ngồi gục đầu bên cửa sổ
Ảnh: Unsplash/Amy Harrison

Nếu bạn luôn cần người khác khẳng định rằng bạn đang đi đúng hướng, bạn sẽ mãi bị lệ thuộc vào họ. Thành công chỉ thực sự đến khi bạn ngừng lo lắng về việc minh trông như thế nào và bắt tay ngay vào việc nâng cấp bản thân, tập trung vào quá trình tự hoàn thiện và xây dựng những giá trị bền vững.

Cố hữu trong vùng an toàn của bản thân

Nhiều người thường xem cảm giác không thoải mái là dấu hiệu để lùi bước, là giới hạn mà mình không nên vượt qua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cảm giác bất an này đôi khi chính là tín hiệu bạn đang phát triển, cho thấy bạn vẫn còn không gian để bản thân nỗ lực nhiều hơn.

Nếu bạn chỉ ở trong vùng an toàn – làm những điều quen thuộc và những gì mình đã biết, bạn sẽ không bao giờ khám phá được khả năng mới của bản thân. Cơ hội không chỉ khơi gợi cho bạn sự hào hứng, mà đôi khi chúng còn có thể xuất hiện dưới dạng những thách thức mới – khiến bạn cảm thấy dè chừng và chùn bước. Những khoảnh khắc này buộc bạn phải suy nghĩ nhiều hơn về bản thân, về tiềm lực và tầm nhìn của chính mình, từ đó khơi gợi động lực để bạn bước ra khỏi vùng an toàn.

Thay vì tránh né sự không thoải mái, bạn có thể thử học cách đối diện với nó. Hãy tìm kiếm những thách thức buộc bạn phải suy nghĩ khác đi và hành động táo bạo hơn. Bởi lẽ, sự nghiệp và cuộc sống lý tưởng thường không đến từ việc ở mãi trong vùng an toàn, mà từ việc bạn dám đón nhận những điều mình chưa từng biết đến, và tin tưởng vào khả năng thích nghi của chính mình.

Đề cao vấn đề lợi ích trong các mối quan hệ

Hai cô gái uống rượu vang và xem laptop ở trên giường ngủ
Ảnh: Pexels/Koolshooters

Việc xây dựng và mở rộng mạng lưới quan hệ mang lại cho chúng ta rất nhiều thứ, nhưng bạn đừng nên chỉ xem đây là cuộc giao dịch đầy vụ lợi. Bạn không chỉ kết nối với người khác khi cần sự giúp đỡ, khi cần sự đề bạt trong công việc hay cần ai đó công nhận thành công của mình…, mà những mối quan hệ này còn cần được xây dựng dựa trên sự tin tưởng, từ những giá trị chung mà đôi bên cùng hướng tới và sự kết nối chân thành giữa con người với nhau.

Đôi khi những khoảnh khắc quan trọng trong sự nghiệp của bạn lại đến từ những mối quan hệ mà từ lúc bắt đầu, bạn không hề mong đợi rằng chúng “sẽ có ích” cho bản thân. Cơ hội thường đến từ việc bạn cho đi trước cả khi biết mình nhận được điều gì. Bạn có thể chia sẻ góc nhìn của bản thân, sự hỗ trợ khi cần thiết, hoặc đơn giản là thể hiện sự quan tâm chân thành với những người xung quanh.

Điều quan trọng là bạn đừng bao giờ xem người khác là bước đệm, mà hãy nhìn nhận họ là những cá thể với hành trình riêng. Thay vì tự hỏi Người này có thể giúp tôi như thế nào?”, bạn hãy bắt đầu với câu hỏi: “Tôi có thể đóng góp gì cho mối quan hệ này?”. Những kết nối chân thành ấy sẽ dẫn bước bạn đến với thành công tự nhiên và những giá trị lâu dài.

Nhóm thực hiện

Bài: Tiêu Ngọc

Tham khảo: Small Biz Technology

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)