Lifestyle / Bí quyết sống

Tại sao những thói quen xấu thường khó bỏ?

Nhà thơ người Anh John Dryden đã từng nói hơn 300 năm trước: “Đầu tiên, chúng ta tạo nên thói quen và sau đó chính thói quen thống trị và điều khiển chúng ta”.

Tính cách của chúng ta là sự tổng hợp của thái độ sống, thói quen và suy nghĩ. Khi mới sinh ra, chúng ta chưa có bất kỳ thói quen nào, nó được hình thành dựa vào sự phát triển của suy nghĩ và hành động được lặp lại nhiều lần. Thói quen là thứ có thể học được và cũng có thể từ bỏ nhưng nó đòi hỏi một quá trình dài kèm theo tâm huyết cao. 

Theo nghiên cứu vào năm 2000 tại Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh dịch của Hoa Kỳ, có nhiều thói quen mà ta lẽ ra có thể tránh được: chế độ dinh dưỡng kém, không vận động, hút thuốc và uống rượu… nhưng chúng ta vẫn duy trì và biến nó thành nguyên nhân gây nên một nửa số ca tử vong ở Hòa Kỳ. 

  • Thuốc lá: 435.000 người
  • Lối sống thiếu vận động và ăn uống không lành mạnh: 400.000 người  
  • Tiêu thụ rượu: 85.000 người
thói quen xấu khó bỏ
Ảnh: Unsplash

Ai cũng biết thói quen xấu mang lại nhiều tác hại, nhưng Tại sao chúng ta lại khó từ bỏ chúng?

Thói quen xấu mang đến cảm giác thoải mái nhất thời

Thói quen thường có sức hút rất lớn – lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta nhận thấy. Một chút ý chí hay một vài thay đổi trong cuộc sống chưa đủ để xóa bỏ những thói quen đã ăn sâu vào bản thân. Bởi vì, ban đầu nó giống như là một đường chỉ mảnh, nhưng hành động lặp đi lặp lại nhiều ngày sẽ khiến đường chỉ đó ngày càng dày lên và in sâu vào não chúng ta.  

Bộ não của chúng ta được xác lập hoạt động dựa vào tiêu chí phần thưởng, tức là luôn ưu tiên những hoạt động không tốn nhiều năng lượng và có tính giải trí cao để thực hiện. Vì thế, những thói quen xấu nhưng mang lại cảm giác thoải mái sẽ dễ khiến chúng ta lựa chọn và phụ thuộc vào chúng. 

Cô gái hút thuốc lá
Nguồn: Pexels

Mọi người xung quanh cũng đang như vậy

Chúng ta vẫn thường biện hộ cho những hành động không tốt cho sức khỏe của bản thân: thức khuya, uống nhiều bia, rượu, hút thuốc.. là hoạt động bình thường, bởi vì xung quanh ta có rất nhiều người đang sống như vậy. 

Đôi khi, chúng ta còn cố bao che cho điều đó bằng những lời nói an ủi: “Thư giãn thêm một chút có sao đâu, chỉ hôm nay thôi, ngày mai ta sẽ thay đổi”. Đó là những biện minh tức thời do cảm giác tội lỗi khi biết mình chưa từ bỏ được thói quen xấu để sống khỏe mạnh và tươi trẻ hơn.  

Hậu quả 

Hầu hết ta đều biết hậu quả của những hành vi này. Bao bì thuốc lá in những cảnh báo về việc có thể bị ung thư. Chính phủ phát động chiến dịch ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thông qua tuyên truyền và các kênh TV. Nhưng về mặt lâu dài, đâu là hậu quả của việc thực hiện những thói quen xấu liên tục?

  • Ung thư, bệnh tật và phá hủy tế bào cơ thể.
  • Cảm thấy không hạnh phúc và trầm cảm.
  • Tình trạng thể chất kém tạo ra các cơn đau và sự uể oải.
  • Cuộc sống về sau hay gặp vấn đề về thể chất.

Làm thế nào để ngừng những thói quen có hại?

Trong mỗi chúng ta, thói quen luôn chiếm một vị trí quan trọng. Vì thế, chúng ta hãy học cách kiểm soát bản thân để tạo hoạt động lành mạnh và loại bỏ dần hành vi xấu. Để phá bỏ một thói quen, chúng ta không chỉ đơn thuần dùng sức mạnh ý chí mà còn cần niềm tin, thái độ sống tích cực của mỗi người.

Cô gái thức khuya
Nguồn: pexels

Trong quyển sách nổi tiếng của Franklin có các phương pháp giúp ông giảm thiểu những tật xấu của mình và thay thế chúng bằng những thói quen tốt hơn. Trước tiên, ông lập một danh sách gồm 13 đức tính mà ông muốn có, sắp xếp theo thứ tự của sự quan trọng và viết mỗi đức tính lên một trang riêng của cuốn sổ tay nhỏ. Ông tập trung rèn luyện mỗi đức tính trong một tuần. Nếu kết quả chưa tốt, ông đánh dấu đen nhỏ bên cạnh. Ông cứ liên tục thực hiện cho đến khi không còn dấu đen nữa. Kể từ đó, ông đã có thêm nhiều thói quen mới tốt hơn. 

Mất bao lâu để xây dựng nên hành vi mới?

Giáo sư Thomas Plante, Giám đốc Viện Sức khỏe & Tâm linh, Khoa Tâm lý học trường Đại học Santa Clara và là Giáo sư Lâm sàng Thỉnh Giảng tại Khoa Khoa học Tâm lý và Hành vi thuộc Đại học Dược Stanford giải thích rằng:

“Một yếu tố quan trọng là bạn quyết tâm đến đâu để từ bỏ thói quen của mình. Thứ hai là, thói quen ấy đã tồn tại lâu chưa? Một thói quen mới sẽ dễ từ bỏ hơn là một thói quen cũ”

Tụ tập uống rượu
Nguồn: Unsplash

Đặt mục tiêu tập thể dục nhiều hơn là một chuyện, nhưng nếu bạn thực sự thấy thoải mái với việc ngồi lì một chỗ thì việc ép mình vận động sẽ khó hơn. Nếu một thói quen xấu đã tồn tại trong thời gian dài, nó sẽ khó bỏ hơn bởi bạn đã lặp lại nó quá nhiều lần. Nếu việc tập thể dục nhiều hơn chẳng có ảnh hưởng gì tới cuộc sống của bạn, bạn sẽ khó có lý do để năng vận động hơn. Ngược lại, nếu bác sĩ nói với bạn rằng bạn sẽ không thể sống tới khi con bạn tròn 18 tuổi nếu như bạn không chịu vận động thì hẳn bạn sẽ có động lực để thay đổi.

Dù có mất bao nhiêu thời gian đi nữa, việc phá bỏ những thói quen xấu và thay thế chúng bằng những hoạt động lành mạnh là thật sự cần thiết để bạn có được cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Nhóm thực hiện

Bài: My Phan Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Lifehack
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)