15 thói quen đơn giản giúp bạn thay đổi cuộc sống
Đã bao giờ bạn hạ quyết tâm: “Mình nhất định phải thay đổi và trở thành phiên bản hoàn thiện hơn”, nhưng cứ mãi trì hoãn và không biết nên bắt đầu từ đâu. Những gợi ý dưới đây có thể sẽ giúp bạn tìm ra hướng đi cho mình.
Như nàng công chúa Mia trong Nhật Ký Công Chúa hay cô nàng thời thượng Cher trong Clueless, đôi lúc chúng ta cũng muốn lột xác một cách ngoạn mục và ngay lập tức trở thành phiên bản tốt đẹp hơn của bản thân. Sự thay đổi không chỉ nằm ở vẻ bề ngoài của bạn, mà chúng cũng nên xuất phát từ lối sống và cả cách mà bạn đón nhận niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc đời. Dưới đây là một số thói quen đơn giản giúp bạn thay đổi bản thân và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn.
1. Dọn dẹp giường ngủ
Vào buổi sáng, hãy dành một chút thời gian để dọn dẹp lại giường ngủ của bạn sau một đêm say giấc. Tuy chỉ là một hành động nhỏ, thế nhưng dọn dẹp giường ngủ sẽ là phương pháp vận động nhẹ nhàng giúp đánh thức các giác quan, cơ bắp của bạn để khởi động cho một ngày làm việc hiệu quả. Ngoài ra, dọn giường cũng mang đến cảm giác thỏa mãn và hạnh phúc khi bạn hoàn thành một công việc đầu tiên trong ngày, từ đó tiếp thêm động lực để bạn hoàn tất những nhiệm vụ tiếp theo.
2. Sắp xếp lại lịch trình trong ngày dựa trên những mục tiêu trong tương lai
Bạn sắp xếp thời gian biểu mỗi ngày như thế nào? Trong lúc bạn đang sắp xếp lịch trình làm việc trong ngày, hãy nghĩ về những dự định trong tương lai và hỏi bản thân những câu hỏi như: “Mục tiêu của bạn trong 5 năm tới là gì?”, “Bạn nên ưu tiên phát triển kỹ năng nào?”… Đây là những câu hỏi giúp bạn có thể giữ vững niềm tin vào ước mơ, định hướng của mình và có động lực để tiếp tục theo đuổi chúng. Ví dụ, nếu bạn muốn học thêm một kỹ năng mới, một ngoại ngữ mới, hãy dành từ 30-45 phút trong ngày để tham gia khóa học online hoặc tự học ở nhà.
Bên cạnh đó, việc ưu tiên cho mục tiêu tương lai trong thời gian biểu mỗi ngày giúp bạn có thể dễ dàng theo dõi quá trình phát triển bản thân. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra những công việc nào hiệu quả, những điều gì cần cải thiện và phát huy thêm.
3. Bổ sung thêm chất xơ
Một lối sống lành mạnh bắt đầu từ những thay đổi nhỏ trong cuộc sống, chẳng hạn như thói quen ăn uống. Lời khuyên là bạn không nên vội vã cắt giảm khẩu phần ăn hay gò ép bản thân vào một chế độ dinh dưỡng không phù hợp, việc này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và hình thành những thói quen ăn uống độc hại. Thay vào đó, hãy bắt đầu từ việc bổ sung những loại rau, quả dễ ăn, dễ tiêu hóa vào ít nhất hai bữa ăn trong ngày. Ví dụ, bạn có thể biến tấu những món ăn quen thuộc như món trứng, cơm lười… bằng cách kết hợp cùng một chút rau xanh, bắp cải, cà rốt… và sáng tạo theo ý thích của bạn.
4. Tự nghiêm khắc với bản thân
Thông thường, đối với một công việc có thời hạn cụ thể, chẳng hạn như một bài luận cuối kỳ tại trường đại học hay một nhiệm vụ được phân phó bởi cấp trên, chúng ta luôn cố gắng hết sức để hoàn thành những đầu việc này đúng hạn. Thế nhưng, với những hoạt động thường nhật như dọn dẹp nhà cửa, tập thể dục, học kỹ năng mới, mua nội thất mới, gặp gỡ bạn bè… chúng ta lại không thể thực hiện nghiêm chỉnh do chúng không có thời hạn cụ thể để tạo động lực hay sức ép.
Đặt ra hạn chót cho mọi công việc cần làm sẽ thúc đẩy chúng ta sống nghiêm chỉnh và có tổ chức hơn. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc theo đuổi mục tiêu hay thực hiện một công việc nào đó đến cùng, hãy thông báo cho mọi người xung quanh về những điều bạn đang thực hiện. Chẳng hạn như chia sẻ về ngày bạn ra mắt một dự án mới, rủ một người bạn cùng chạy bộ với bạn mỗi sáng… Điều này sẽ thúc đẩy bạn thực hiện những công việc mình đặt ra một cách nghiêm túc hơn.
5. Vận động nhiều hơn
Hầu như chúng ta đều có thói quen lướt mạng xã hội trong lúc nghỉ giữa giờ. Có thể đây chỉ là một hoạt động đơn giản trong lúc thư giãn của bạn sau những giờ làm việc mệt mỏi. Thế nhưng, thói quen này có thể khiến cơ thể của bạn không được nghỉ ngơi hoàn toàn. Bạn đã ngồi yên lặng nhiều giờ liền trong lúc làm việc, và nếu tiếp tục ngồi im như thế trong thời gian giải lao, cơ thể sẽ hiểu nhầm rằng ta vẫn chưa thật sự được nghỉ ngơi. Vì vậy, thay vì cầm ngay chiếc điện thoại hoặc mở ngay một tab giải trí trên máy tính, bạn có thể đứng dậy và tái khởi động cơ thể của mình. Có vô số hoạt động thư giãn mà bạn có thể thử: nhảy dây, đi bộ xung quanh nơi làm việc, thực hiện một vài động tác yoga nhẹ nhàng hoặc thư giãn cơ bắp sau giờ làm… Đây là những hoạt động không tốn quá nhiều sức lực nhưng cũng đủ giúp bạn phục hồi lại tâm trí, nạp lại năng lượng để có thể tiếp tục làm việc một cách hiệu quả.
6. Đọc sách nhiều hơn
Phần lớn mọi người đều có lý do riêng của mình để từ chối việc đọc sách. Có thể là do bạn chưa từng thiết lập thói quen đọc sách, chưa tìm được thể loại mình yêu thích hoặc chỉ đơn giản là bạn quá bận để đọc. Càng trưởng thành, bạn sẽ dần nhận ra công dụng chữa lành tuyệt vời đến từ việc đọc sách. Đó có thể là một quyển sách ngắn, tiểu thuyết hoặc tản văn bất kì mà bạn tìm được trong hiệu sách, thế nhưng khi ngả lưng xuống giường sau một ngày hoạt động chăm chỉ, những con chữ sẽ đem đến khoảng không gian yên tĩnh, suy ngẫm cho tâm trí đang mệt mỏi của bạn. Bạn có thể bắt đầu luyện tập thói quen này bằng cách đọc những quyển sách truyền cảm hứng, sách giúp cải thiện bản thân, chữa lành hoặc những câu chuyện cuộc sống nhẹ nhàng.
7. Nói “Cảm ơn” thay vì “Xin lỗi”
Bạn có thói quen nói “Xin lỗi” trong mọi tình huống không? Chỉ hai từ “xin lỗi” đơn giản, thế nhưng, nếu bạn lặp lại chúng quá nhiều lần, trong mọi trường hợp và không cần thiết, bạn có thể khiến đối phương cảm thấy khó chịu và khiến bản thân trở nên nhỏ bé. Thay vì nói lời xin lỗi liên tục, hãy thử thay bằng những lời “Cảm ơn”. Ví dụ, trong tình huống bạn đến trễ, thay vì nói “Xin lỗi vì để bạn đợi lâu”, bạn có thể thay bằng câu: “Cảm ơn vì đã đợi mình nhé!”. Đây là một cách để thay đổi cách nhìn nhận tích cực với mọi vấn đề.
8. Dọn dẹp trước khi đi ngủ
Trước khi đi ngủ, bạn có thể dành chút thời gian để giải quyết đống bát đĩa tồn đọng, sắp xếp lại những chiếc gối trên sofa hoặc sắp xếp lại các vật dụng trong nhà một cách ngăn nắp. Đây là một thói quen tốt để kết thúc một ngày dài và sẵn sàng để chìm vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng. Sáng hôm sau, bạn thức dậy trong một không gian tươi mới, gọn gàng, sạch sẽ, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hứng khởi hơn nhiều.
9. Điều chỉnh tư thế ngồi
Tư thế ngồi của bạn có thể ảnh hưởng đến thể chất và sức khỏe tinh thần của bạn. Một tư thế ngồi đúng chuẩn, thoải mái sẽ giúp cột sống của bạn khỏe mạnh và giữ được vóc dáng hài hòa, cân đối. Để có một tư thế ngồi đúng, bạn cần phải luyện tập thật nhiều, biến chúng trở thành thói quen thường ngày của bạn. Nếu bạn là người hay quên, bạn có thể tự nhắc nhở bản thân bằng cách viết giấy note, đặt note trên màn hình làm việc của mình để luôn tự điều chỉnh tư thế ngồi của bản thân.
10. Tạo thói quen đi bộ mỗi ngày
Nếu bạn quá bận rộn để tập thể dục, hãy tận dụng mọi khoảnh khắc bạn có để vận động cơ thể. Những nơi như khu vườn của bạn, cầu thang bộ, bãi đỗ xe, công viên gần nhà… sẽ là những nơi phù hợp cho việc tản bộ mỗi ngày. Nếu bạn không muốn tập luyện hàng giờ liền trong phòng gym và hao tổn nhiều năng lượng, bạn có thể đỗ xe cách văn phòng vài trăm mét và đi bộ đến chỗ làm, hoặc thay vì sử dụng thang máy, bạn có thể sử dụng thang bộ. Nếu duy trì được thói quen này thường xuyên, bạn sẽ nhận ra những thay đổi đáng kể về mặt sức khỏe.
11. Học cách nói lời từ chối
Có bao giờ bạn rơi vào tình thế khó có thể từ chối ai đó? Có thể bạn không thể từ chối sự nhờ vả của một đồng nghiệp, và bạn phải tham gia những hoạt động hoặc làm những việc mình không thích chỉ vì muốn làm hài lòng tất cả mọi người. Học cách nói lời từ chối chính là cách bạn thể hiện sự tôn trọng với bản thân và tập trung nhiều hơn vào nhu cầu của mình. Có nhiều cách để bạn từ chối một người một cách khéo léo, ví dụ: “Tôi rất muốn giúp bạn, nhưng hiện tại tôi cần phải hoàn thành công việc của mình trước”, “Tôi muốn dành thời gian để nghỉ ngơi hôm nay, hay chúng ta hẹn gặp nhau vào một ngày khác nhé”.
12. Đầu tư cho hạnh phúc của bản thân
Tạo nên một thói quen chi tiêu lành mạnh sẽ giúp thay đổi cuộc sống của bạn theo cách đơn giản nhất. Quản lý tài chính cũng là việc chúng ta biết cách cân nhắc chi tiền cho những gì thực sự đem lại hạnh phúc cho bản thân. Bạn đã làm việc rất vất vả, vì thế, hãy học cách chi tiêu một cách thông minh và sử dụng tiền bạc để phục vụ cho hạnh phúc của bạn, chẳng hạn như mua một bộ trang phục mà bạn yêu thích, thưởng thức trà chiều cùng với bạn bè, đi đến những nơi bạn chưa từng đặt chân đến… Ngoài ra, bạn cũng có thể dành ra một khoản tiền để phát triển bản thân bằng cách tham gia một khóa học kỹ năng, mở tài khoản tiết kiệm, đăng ký thành viên ở một phòng tập… Sử dụng tiền hợp lý cho những điều khiến bạn hạnh phúc sẽ giúp giảm căng thẳng và tận hưởng cuộc sống nhiều hơn.
Xem thêm
• Vừa dùng bữa vừa chill tại 10 quán brunch độc đáo tại Sài Gòn
• 10 thói quen đơn giản giúp bạn nâng cao tinh thần và hiệu suất làm việc
• 5 thói quen thường thấy của một quý cô hạnh phúc
13. “Thay áo” cho newsfeed của bạn
Bạn là trung bình cộng của 5 người thân nhất quanh bạn, thế nhưng bạn cũng là tổng hòa của 5 người bạn thường xuyên theo dõi trên các trang mạng xã hội. Đã đến lúc phải thay đổi góc nhìn và chọn lọc ra những influencer thật sự truyền cảm hứng giúp bạn để trở nên xinh đẹp và tích cực hơn. Nếu những người bạn nhìn thấy trên newsfeed khiến bạn tự ti, ghen tị hoặc có những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực… hãy dứt khoát bỏ theo dõi hoặc hạn chế (mute) tài khoản của họ và nhường chỗ cho những tài khoản khiến bạn thoải mái, vui vẻ.
Ngoài ra, bạn cũng nên xem xét unfollow những người không còn tương tác trong cuộc sống, ví dụ như một vài người bạn cũ đã không còn thân thiết hay những người quen mà bạn chỉ chạm mặt một vài lần. Chúng ta có xu hướng tiếp xúc với mạng xã hội thường xuyên, thế nên việc chọn lọc những người đáng theo dõi sẽ có ảnh hưởng tích cực đến nguồn năng lượng của bạn.
14. Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ của chúng ta luôn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, việc thiết lập một thói quen ngủ lành mạnh thật ra rất dễ dàng. Trước khi lên giường, bạn có thể xông phòng bằng nến thơm, thư giãn trên giường bằng cách đọc sách (thay vì lướt điện thoại, xem phim) 15-20 phút để cơ thể thư thái, thả lỏng, sẵn sàng chìm vào giấc ngủ. Mỗi ngày, bạn hãy thử đi ngủ sớm hơn khoảng 5-10 phút để cảm thấy tươi tỉnh, sảng khoái hơn khi thức dậy vào sáng hôm sau.
Ngoài ra, việc đặt báo thức cũng quan trọng với giấc ngủ của bạn. Chắc chắn, bạn không muốn bắt đầu ngày mới bằng một tâm trạng tiêu cực, vì thế, hãy thử cài đặt báo thức sớm hơn một chút để có thời gian để lấy lại tinh thần sau giấc ngủ dài. Thói quen này sẽ giúp một ngày của bạn trôi qua suôn sẻ, thư thái hơn.
15. Tối giản những lựa chọn trong ngày
Ngay khi thức dậy, chúng ta đã bị bủa vây bởi rất nhiều lựa chọn. “Liệu mình có nên ngủ tiếp hay không”; “Hôm nay nên uống cà phê hay nước hoa quả”… Chúng ta liên tục phải đưa ra những quyết định, dù muốn hay không muốn, việc này có thể gây nên sự quá tải.
Vì thế, để tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực và sự bối rối không cần thiết, hãy tối giản hóa những lựa chọn trong ngày. Những hành động đơn giản như tự chuẩn bị bữa trưa (để bạn không phải suy nghĩ hôm nay ăn gì), sắp xếp tủ quần áo tối giản chỉ gồm những bộ trang phục, phụ kiện bạn thường mặc nhất (để bạn không phải suy nghĩ hôm nay mặc gì)… sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức, để bạn có thêm không gian để tập trung vào công việc, cuộc sống nhiều hơn. Đây cũng là một cách giúp bạn cải thiện cuộc sống theo hướng đơn giản hơn rất nhiều.
Bài: Kiều Trang
Tham khảo: The Every Girl