8 thói quen đang ngầm gây hại cho não bộ có thể bạn chưa biết
Khi nhắc đến sức khỏe, chúng ta thường để tâm đến các vấn đề như: Làm sao để duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ? Cách tập thể dục một cách hợp lý? Bí quyết chăm sóc sắc đẹp hiệu quả?… Thế nhưng, ít ai thật sự quan tâm đến sức khỏe của não bộ, vốn là cơ quan điều khiển mọi hoạt động của cơ thể. Do đó, chúng ta đôi khi thực hiện những thói quen gây hại cho não bộ mà không hề hay biết.
Dưới đây là những thói quen bạn nên loại bỏ để tránh gây ảnh hưởng xấu đến bộ não và khả năng nhận thức của bản thân.
1. Bỏ bữa sáng
Nghiên cứu thực tế đã cho thấy, ăn sáng giúp kích thích cơ thể giải phóng một số chất hóa học trong não có chức năng khơi dậy cảm giác tích cực cho cơ thể.
Một bữa sáng đầy đủ protein giúp làm tăng chất dẫn truyền thần kinh như hormone “hạnh phúc” Dopamine, loại hormone giúp bạn cảm thấy có động lực làm được mọi thứ, đồng thời Dopamine cũng giúp hạn chế dung nạp lượng thức ăn không cần thiết nạp vào cơ thể trong vài giờ sau đó.
Vì vậy, thói quen bỏ bữa sáng vô tình khiến cơ thể bạn không có khả năng dung nạp những chất dinh dưỡng hữu ích giúp não hoạt động trơn tru, gây căng thẳng cho các tế bào nơ-ron thần kinh.
2. Hút thuốc
Hầu hết mọi người đều biết hút thuốc gây hại cho phổi và tim, tuy nhiên, ít ai biết nicotine có trong thuốc lá cũng có khả năng gây tác động xấu đến não bộ.
Một nghiên cứu vào năm 2012 đã phát hiện ra rằng khả năng nhận thức của những người đàn ông trung niên hút thuốc bị suy giảm nhanh hơn khả năng nhận thức của người không hút thuốc và cả phụ nữ có sử dụng thuốc lá.
Vào năm 2015, 37 nghiên cứu khác nhau đã cho thấy những người có thói quen hút thuốc có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn 30% so với những người không hút thuốc. Còn vào năm 2017, các nghiên cứu chỉ ra rằng những người hút thuốc có nguy cơ cao bị co rút não khiến bộ phận này mất đi một phần trọng lượng và làm cho khả năng nhận thức của họ trở nên tồi tệ hơn.
3. Ăn uống quá độ
Việc ăn quá nhiều gây ra cảm giác đầy bụng trong một thời gian dài không chỉ làm suy giảm các chức năng sinh lý mà còn gây hại cho não bộ. Đối với người cao tuổi, điều này có thể gây ra bệnh mất trí nhớ cũng như ảnh hưởng đến sự nhạy bén và khả năng tập trung.
Nghiên cứu từ trường Y Mount Sinai tiết lộ việc ăn quá nhiều có thể khiến não bộ không nhận ra những tín hiệu như insulin, dẫn đến những vấn đề về sức khỏe như béo phì hoặc tiểu đường.
Xem thêm:
• 13 đặc điểm của người có sức khỏe tinh thần khỏe mạnh
• 22 hoạt động hằng ngày giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn
•12 cách duy trì sức khỏe tinh thần trong lĩnh vực sáng tạo
4. Làm nhiều việc cùng lúc
Làm nhiều việc cùng lúc là điều mà hầu như ai cũng có khả năng thực hiện, chúng ta có thể vừa phản hồi email, trả lời tin nhắn, chuyển đổi tab trên trình duyệt, lướt mạng xã hội trong khi đang làm các nhiệm vụ quan trọng.
Tuy nhiên, bộ não của chúng ta không được xây dựng để làm nhiều việc cùng một lúc. Các nghiên cứu khoa học tại Đại học Stanford đã phát hiện rằng những người tiếp xúc với lượng lớn các thông tin kỹ thuật số mỗi ngày có vấn đề nghiêm trọng về việc ghi nhớ thông tin, đồng thời gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung.
Một nghiên cứu khác ở Anh cho thấy những người có thói quen làm nhiều việc cùng lúc có nguy cơ làm tổn thương tế bào não của họ khiến mật độ não trở nên ít hơn ở bộ phận vỏ não trước (vùng não chịu trách nhiệm về sự đồng cảm và kiểm soát cảm xúc).
5. Cơ thể thiếu nước
Một nghiên cứu tại trường Y Harvard chỉ ra rằng khi cơ thể mất nước trong thời gian dài sẽ khiến các mô não co lại ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ, lên kế hoạch, giải quyết vấn đề…
Bạn có thể nghĩ việc uống nước không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe nhưng trong thực tế nó lại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, tạo thói quen uống nước đồng nghĩa với việc bạn đang giúp não bộ khỏe mạnh hơn.
6. Ngủ không đủ giấc
Ngủ là một nhu cầu tất yếu trong lịch trình hoạt động hằng ngày của mỗi người, trung bình mỗi chúng ta dành khoảng ⅓ thời gian trong ngày cho việc ngủ. Cũng giống như thức ăn, nước uống, một giấc ngủ chất lượng và đúng thời điểm là điều cần thiết để con người tồn tại.
Thói quen thức khuya, ngủ không đủ giấc có thể gây ảnh hưởng đến chức năng nhận thức của não bộ, đồng thời làm giảm các tế bào não.
7. Làm việc ngay cả khi cơ thể không khỏe
Khi bạn cảm thấy không khỏe, hoặc đang trong quá trình chữa bệnh, bạn không nên gắng sức làm việc. Để phục hồi, cơ thể cần rất nhiều năng lượng, nếu tiếp tục bắt buộc bộ não phải làm việc, bạn đang lấy mất nguồn năng lượng cần thiết đó khiến hệ miễn dịch bị suy giảm và quá trình phục hồi cũng diễn ra chậm hơn.
8. Tìm kiếm mọi thứ trên Google
Trước đây khi mạng Internet chưa phổ biến, chúng ta thường sử dụng nhiều mẹo hoặc thủ thuật để tự ghi nhớ những thông tin quan trọng mà mình đã biết. Ví dụ như để nhớ một câu hoặc một đoạn văn dài, chúng ta thường sử dụng các ký hiệu hay từ viết tắt, hay để nhớ một dãy số dài, chúng ta thường phân dãy số đó ra thành từng cụm các chữ số riêng lẻ…
Một nghiên cứu vào năm 2011 cho thấy, các sinh viên đại học thường không chủ động ghi nhớ vì họ cho rằng có thể tìm câu trả lời cho mọi vấn đề trên Internet. Điều này cho thấy não bộ ít được hoạt động, dẫn đến việc ghi nhớ những thông tin hằng ngày trở nên khó khăn hơn.
Bài: Phương Hy
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: The minds Journal