6 thói quen của những người giỏi quản lý cảm xúc

Đăng ngày:

Cảm xúc là yếu tố quan trọng tác động đến cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống, thế nhưng không dễ để chúng ta có thể làm chủ được cảm xúc khi mất bình tĩnh. Vì vậy, học cách quản lý cảm xúc là một kỹ năng quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống và công việc. Khi biết cách kiểm soát cảm xúc, chúng ta có thể giảm căng thẳng và lo âu, từ đó tăng cường sức khỏe tâm lý và thể chất và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh.

Có bao giờ bạn tự hỏi làm thế nào duy trì sự bình tĩnh trong mọi tình huống, đặc biệt đối với những vấn đề khiến bạn dễ kích động như bị ai đó xúc phạm? Hãy cùng ELLE điểm qua một số thói quen giúp bạn có thể học cách cân bằng cảm xúc dưới đây nhé!

1. Thực hành nhận thức chánh niệm 

Thực hành chánh niệm giúp giảm căng thẳng và lo âu vì hoạt động này khuyến khích chúng ta tập trung vào hiện tại, thay vì lo lắng về quá khứ hoặc tương lai. Khi thực hành chánh niệm, chúng ta học cách quan sát suy nghĩ và cảm xúc của mình và không phán xét bất kỳ điều gì, điều này khiến chúng ta nhận ra những “hỗn loạn” trong nội tại và nhận ra vấn đề của mình. Từ đó bạn có thể học cách yêu thương chính mình đúng cách, giải phóng bản thân khỏi những luồng cảm xúc tiêu cực và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn. 

Có rất nhiều cách để thực hành nhận thức chánh niệm, bạn có thể bắt đầu bằng việc tập trung vào hơi thở, nhắm mắt lại và cảm nhận luồng hơi di chuyển vào và ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng nhận thức chánh niệm vào các hoạt động thường ngày như đi bộ, ăn uống, làm việc nhà và tập trung hoàn thành chúng một cách kỷ luật. 

Cô gái mặc váy trắng thực hành chánh niệm quản lý cảm xúc

Ảnh: Pexels/Stories of design

2. Không kìm nén sự tức giận trong lòng  

Đôi khi có những tình huống xảy ra khiến chúng ta không giữ được bình tĩnh, chính vì vậy, học cách kiềm chế cơn giận sẽ giúp bạn tránh khỏi những mâu thuẫn, bất hòa trong các mối quan hệ. Dù vậy, việc kìm hãm sự tức giận quá lâu có thể khiến bạn rơi vào trạng thái “tức nước vỡ bờ”. Để tránh gây ra những hậu quả khôn lường, bạn nên dành thời gian tìm hiểu nguyên nhân làm bạn cảm thấy khó chịu. Thay vì để cảm xúc tiêu cực dồn nén lâu ngày làm bản thân mệt mỏi, bạn có thể viết nhật ký, tâm sự với gia đình, bạn bè, tập thể dục hoặc tham gia các hoạt động giải trí bạn yêu thích để  giải tỏa muộn phiền. 

3. Hiểu được mối liên hệ giữa não và cảm xúc 

Não bộ là trung tâm điều khiển mọi hoạt động của cơ thể, bao gồm cả cảm xúc. Não có tác dụng xử lý thông tin và kích hoạt các chất dẫn truyền thần kinh, từ đó tạo ra những cảm xúc như vui buồn, tức giận, lo lắng. Do vậy, việc thấu hiểu mối liên hệ giữa não bộ và cảm xúc chính là chìa khóa giúp bạn nâng cao khả năng điều chỉnh tâm trạng và duy trì sự bình yên. Để sống thật hạnh phúc, bạn nên tập trung vào những điều tốt đẹp, nuôi dưỡng lòng biết ơn và tìm kiếm cơ hội trong mọi khó khăn. Một khi bạn thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, não bộ sẽ tự động điều chỉnh phản ứng cảm xúc theo hướng tích cực.

Cô gái ngồi giữa cánh đồng cười tươi rạng rỡ quản lý cảm xúc tích cực

Ảnh: Unsplash/Kateryna Hliznitsova

4. Không ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ mọi người

Nhiều người lo ngại rằng tìm kiếm sự giúp đỡ vì lo sợ bị phán xét hay làm phiền đối phương. Tuy nhiên, suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm, bởi vì chia sẻ cảm xúc không phải là biểu hiện của sự yếu đuối mà là biểu hiện của việc tiếp thu kiến thức một cách chủ động. Khi bạn chia sẻ mối bận tâm của bản thân với người khác, bạn sẽ nhận được sự thấu hiểu cùng những lời khuyên, bài học quý giá. Sự thật là góc nhìn của đối phương có thể giúp bạn nhận ra những điều bạn không thể nhận thấy và tìm ra giải pháp cho vấn đề.


Xem thêm 

9 bí quyết giúp bạn kiềm chế cảm xúc khi tức giận

Bạn thuộc kiểu nào trong 4 kiểu cảm xúc dưới đây?

13 cách giúp bạn thoát khỏi cảm giác lười biếng 


5. Luyện tập tư duy tích cực 

Trong cuộc sống, không ít lần bạn gặp phải những khó khăn hay có những sự việc khiến bạn khó chịu, bực tức và việc bộc lộ những luồng cảm xúc tiêu cực là điều khó tránh khỏi. Những lúc ấy, bạn nên nhắm mắt lại, hít thở thật sâu và cố gắng đánh lạc hướng bản thân khỏi những phiền não hiện tại. Ngoài ra, bạn có thể học cách chấp nhận cảm xúc, viết nhật ký hay tránh xa yếu tố xúc tác kích thích tiêu cực để bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình. Học cách quản lý cảm xúc, luyện tập suy nghĩ tích cực là một quá trình dài và không dễ dàng. Điều quan trọng là trên hành trình ấy, bạn không cảm thấy đơn độc và biết rằng có nhiều người thân yêu, những điều tốt đẹp vẫn luôn bên cạnh và sẵn sàng hỗ trợ bạn bất kỳ lúc nào.

cô gái ngậm cành hoa hồng quản lý cảm xúc

Ảnh: Unsplash/Onur Senay

6. Đề cao việc chăm sóc bản thân 

Cảm xúc của con người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ trạng thái sức khỏe thể chất và tinh thần, do vậy những người giỏi quản lý cảm xúc thường biết cách chăm sóc và trân trọng bản thân. Nếu sức khỏe tinh thần không tốt, bạn sẽ cảm thấy ủ rũ, mất đi động lực và gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống. Lời khuyên dành cho bạn đó là đảm bảo ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên để giúp cơ thể khỏe mạnh và giải tỏa căng thẳng, lo âu. Ngoài ra, bạn cũng có thể dành thời gian rảnh cho những sở thích cá nhân hoặc các động thiền định thư giãn để thư giãn đầu óc và cải thiện tâm trạng tốt hơn.

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Thư

Tham khảo: Hackspirit

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more