9 thói quen cho thấy bạn có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc

Đăng ngày:

Thăng tiến trong công việc dường như là mơ ước của nhiều người, vì nó không chỉ chứng minh thực lực và tài năng của họ, mà còn mang đến nguồn thu nhập ổn định và một cuộc sống sung túc hơn. Vậy đâu sẽ là những yếu tố quan trọng giúp bạn tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp?

Trong bối cảnh thị trường việc làm có nhiều biến động và đầy cạnh tranh, việc không ngừng cố gắng và nâng cao bản thân mỗi ngày là một yếu tố quan trọng giúp bạn duy trì và phát triển phong độ trong công việc. Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta đều biết cách vượt qua những khó khăn và nhận ra bản thân có đủ năng lực để thăng tiến trong công việc. Cùng ELLE điểm qua 9 thói quen giúp bạn khai phá tiềm năng và mở ra nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp dưới đây nhé!

1. Lên ý tưởng hằng ngày

Một thói quen đơn giản bạn có thể thực hành hằng ngày để cải thiện hiệu suất trong công việc đó là lên ý tưởng trước khi đi làm. Thói quen này được xem như một bài tập cho não bộ, giúp bạn khám phá trí tưởng tượng của bản thân và vượt qua rào cản tư duy để tìm ra những giải pháp sáng tạo và mới lạ cho các vấn đề trong công việc. Khi luyện tập thường xuyên, bạn sẽ nâng cao khả năng phân tích vấn đề một cách nhanh chóng và hiệu quả. Điều này giúp bạn linh hoạt hơn, dễ dàng ứng phó với những tình huống bất ngờ và không quá lo lắng rằng quyết định ấy có sai lầm hay không. 

thói quen lên ý tưởng hằng ngày

Ảnh: Unsplash/Content Pixie

Ngoài ra, thực hành thói quen lên ý tưởng hằng ngày sẽ tăng cường sự tự tin vào giá trị bản thân. Bởi khi bạn nắm chắc được vấn đề nào đó, bạn sẽ dạn dĩ hơn khi đóng góp ý kiến trong các cuộc họp, thuyết trình hay gặp gỡ khách hàng. Đồng thời bạn sẽ sẵn sàng phân tích sâu hơn về điều bạn đã trình bày hoặc đưa ra ý kiến phản biện, từ đó tính cách kỹ lưỡng, nhanh nhạy của bạn sẽ trở nên nổi bật trong mắt người khác. Đó chính là cơ hội để mở rộng mạng lưới quan hệ và tạo ra cơ hội hợp tác, thăng tiến trong tương lai. Hơn nữa, thói quen này còn giúp bạn chủ động hơn trong công việc, từ đó bạn sẽ hài lòng hơn khi thấy nhận thấy những kết quả rõ ràng trong công việc. 

2. Quan tâm, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần 

Chăm sóc và ưu tiên cho sức khỏe là một khoản đầu tư thông minh và bền vững cho tương lai của bạn. Nếu bạn hiếm khi vận động và có chế độ ăn uống không hợp lý, về lâu dài bạn có nguy cơ cao phải đối mặt với các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch và béo phì. Bên cạnh đó, lối sinh hoạt không lành mạnh còn có thể khiến tâm lý của bạn ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo một bài báo khoa học được công bố trên Thư viện Quốc gia về Y tế thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health National Library of Medicine), những người không vận động thể chất có tỷ lệ mắc bệnh và tiêu tốn chi phí chăm sóc sức khỏe cao hơn so với người thường xuyên duy trì tập luyện. Ngoài ra, hoạt động thể chất có mối liên hệ tích cực với sức khỏe tinh thần, như làm giảm một số triệu chứng tâm thần phân liệt và điều trị các bệnh lý đi kèm với rối loạn tâm thần.

cô gái có thói quen quan tâm đến sức khỏe tinh thần và thể chất trong công việc

Ảnh: Unsplash/Iosh Duke

Vì vậy, khi chúng ta khỏe mạnh, chúng ta mới có thể duy trì một cuộc sống hạnh phúc và trọn vẹn, đồng thời đạt được hiệu suất tối ưu trong công việc. Điều này còn giúp bạn tạo ấn tượng tốt với đồng nghiệp và cấp trên khi bạn có thể duy trì sự tích cực và một hình ảnh chuyên nghiệp nơi công sở – dấu hiệu cho thấy bạn có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Bạn nên nhớ rằng, những người có phong độ ổn định và tinh thần tỉnh táo, thoải mái sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu và biến ước mơ thành hiện thực. Do đó, bạn nên học cách quan tâm và ưu tiên sức khỏe của bản thân lên hàng đầu để sống trọn vẹn hơn nhé!

3. Hoàn thành đủ công việc được giao

Nền tảng vững chắc để bạn có thể thuận lợi thăng tiến trong công việc đó là luôn hoàn thành đủ các nhiệm vụ mình được giao. Đây dường như là một yêu cầu tối thiểu vì nó thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự uy tín của bạn. Trong bất kỳ môi trường làm việc nào, làm việc đúng hạn luôn là điều quan trọng để cấp trên và đối tác đánh giá năng lực và phẩm chất của một cá nhân. Khi bạn đảm bảo được điều này, bạn không chỉ góp phần nâng cao hình ảnh của mình trong mắt mọi người, mà còn đạt được hiệu suất cao trong công việc.

Bạn có thể tập thói quen lập danh sách các nhiệm vụ cần làm, phân chia chúng theo mức độ quan trọng từ lớn đến nhỏ dần, đồng thời đặt ra các mục tiêu rõ ràng cho từng ngày, từng tuần để có thể giải quyết chúng một cách tối ưu nhất. Sắp xếp công việc một cách khoa học sẽ giúp bạn dễ dàng kiểm soát khối lượng công việc và tránh bị burn out (hội chứng cháy sạch), đặc biệt vào các giai đoạn cao điểm. Ngoài ra, bạn có thể chủ động hơn bằng cách đặt ra một thời hạn cho bản thân sớm hơn deadline chung, từ đó bạn có thể hoàn thành công việc một cách chỉn chu và quản lý rủi ro hiệu quả hơn vì có thời gian để xem xét lại tổng thể vấn đề.

 

4. Tránh xa những nguồn dopamine nhân tạo

Dopamine là một loại hormone đóng vai trò quan trọng với não và cơ thể con người, nó có tác dụng cải thiện tâm trạng, tạo ra cảm giác vui vẻ, tập trung và sáng tạo. Thế nhưng, dopamine nhân tạo lại thường dùng để ám chỉ sự gia tăng quá mức của dopamine trong não không phải do quá trình tự nhiên sản sinh ra. Các nguồn này có thể đến từ các hành vi gây nghiện, các chất kích thích, đồ ăn không tốt cho sức khỏe… Việc lạm dụng dopamine có thể khiến bạn tăng khả năng mắc các vấn đề về tâm lý như lo âu, trầm cảm hay căng thẳng mãn tính. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tập trung và ghi nhớ, làm bạn cảm thấy khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ xã hội và công việc, đồng thời không thể đạt được hiệu quả tối đa trong công việc.

tránh xa nguồn dopamine nhân tạo trong công việc

Ảnh: Unsplash/Toa Heftiba

Chẳng hạn,  một vài người trong chúng ta thường có thói quen lướt mạng xã hội hàng giờ trước khi đi ngủ để giải trí hoặc thư giãn. Tuy vậy, thói quen này lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Về lâu dài, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và không còn đủ năng lượng cho ngày mới, từ đó kéo theo những hệ lụy cho sức khỏe.. 

Ngoài ra, hạn chế tiếp xúc với các nguồn dopamine nhân tạo sẽ giúp bạn có nhiều thời gian hơn để học hỏi những điều mới, phát triển sở thích lành mạnh và xây dựng các mối quan hệ ý nghĩa. Bằng cách này, bạn sẽ cảm thấy niềm vui luôn tồn tại xung quanh mình thay vì cố gắng tìm kiếm nó, và có thể hoàn thành mọi việc trong cuộc sống cá nhân của mình với trạng thái tinh thần tốt nhất. 

5. Ưu tiên thực hiện những việc khó trước

Bạn đã bao giờ nghe đến cụm từ Eat That Frog (tạm dịch: ăn một con ếch)? Đây là thuật ngữ nằm trong cuốn sách cùng tên của diễn giả người Canada nổi tiếng là Brian Tracy, đề cập đến việc biến những việc khó nhằn nhất trong một ngày thành nhiệm vụ đầu tiên cần giải quyết, hệt như “ăn một con ếch sống” sau khi thức dậy. Điều này sẽ giúp bạn vượt qua được cảm giác muốn trì hoãn, chán nản và muốn bỏ cuộc, từ đó nâng cao hiệu suất làm việc của bản thân. Bởi khi bắt đầu một ngày mới, tâm trí chúng ta thường tỉnh táo và tập trung nhất. Vì thế, thói quen ưu tiên xử lý những công việc khó ngay từ đầu sẽ giúp bạn giải quyết chúng một cách hiệu quả, giảm bớt áp lực và căng thẳng trong suốt phần còn lại của ngày. Bên cạnh đó, vượt qua thử thách ngay từ đầu sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn vào bản thân và tạo động lực để bạn tiếp tục hoàn thành những công việc còn lại một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.

cô gái có thói quen ưu tiên thực những khó khăn trước

Ảnh: Unsplash/Andrew Neel

Ngoài ra, thói quen này còn giúp bạn rèn luyện khả năng quản lý thời gian hiệu quả vì bạn sẽ học được cách phân bổ thời gian hợp lý cho từng đầu việc. Đồng thời, ưu tiên hoàn thành những công việc khó cho thấy bạn là người có tinh thần trách nhiệm cao khi dám đối mặt với thử thách và luôn sẵn sàng vượt qua giới hạn của bản thân. Về lâu dài, điều này sẽ để lại ấn tượng tốt với cấp trên và tạo cơ hội cho bạn được giao những trọng trách quan trọng hơn, thuận lợi cho sự nghiệp thăng tiến của mình.

6. Không làm việc quá sức

Điều này thoạt nghe có vẻ trái ngược khi chúng ta thường nghĩ rằng phải trở thành một workaholic (người tham công tiếc việc) mới có thể đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp. Thế nhưng, nếu bạn luôn trong tình trạng làm việc quá sức, bạn sẽ dễ gặp phải tình trạng burn out (cháy sạch), kiệt sức do áp lực công việc và stress kéo dài. Khi đó, bạn sẽ khó đưa ra những quyết định sáng suốt hoặc giải quyết công việc một cách hiệu quả. Hậu quả là thay vì tiến xa hơn trong sự nghiệp, bạn có thể phải đối mặt với tình trạng trì trệ, mất động lực và thậm chí cảm thấy “ám ảnh” với công việc của bản thân.

Ngược lại, khi bạn biết duy trì sự hài hòa giữa các trách nhiệm công việc và nhu cầu cá nhân, để cả hai không ảnh hưởng tiêu cực lẫn nhau, bạn sẽ  củng cố và duy trì các mối quan hệ quan trọng, đồng thời cải thiện được sức khỏe thể chất và tinh thần. Ngoài ra, “work-life balance” không phải là trạng thái cố định và nó cần được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với cuộc sống và tính chất công việc của từng người. Vì vậy, bạn có thể xác định rõ ranh giới cá nhân để bảo vệ sức khỏe của mình bằng các hành động thiết thực như bật chế độ không làm phiền sau giờ làm việc, cố gắng giải quyết các công việc trong giờ hành chính và dành trọn một ngày nghỉ ngơi… Hãy nhớ rằng, bạn chỉ có thể chinh phục được những đỉnh cao trong cuộc sống khi sở hữu sức khỏe tốt. 

7. Thực hành “body-scanning”

Body-scanning (quét cơ thể) là kỹ thuật thường được sử dụng trong thiền định. Nó hệt như thiền truyền thống nhưng bạn sẽ tập trung cảm nhận các cảm giác như căng thẳng, đau đớn hay thư giãn ở các bộ phận trên cơ thể như trán, mắt và hàm. Khi di chuyển sự tập trung qua từng bộ phận, hãy chú ý ghi nhận cảm giác và không cố gắng thay đổi chúng. Nếu nhận thấy căng thẳng ở một bộ phận nào đó, bạn nên thả lỏng để làm dịu và thư giãn vùng cơ thể đó.

cô gái có thói quen ngồi thiền định

Ảnh: Unsplash/Mor Shani

Phương pháp này giúp bạn tập trung vào hiện tại, giảm thiểu phân tán tư tưởng để tìm thấy bình yên trong tâm trí. Nhờ vậy, bạn sẽ cải thiện được khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin một cách hiệu quả. Đồng thời, body-scanning cho phép tập trung vào hơi thở và các cảm giác của cơ thể. Vì vậy, bạn có thể nhận biết rõ dòng chảy cảm xúc, nhận ra đâu là vùng đang “mắc bệnh”, từ đó dễ dàng kiểm soát tâm trạng và hành vi của mình. Thường xuyên thực hành body-scanning không chỉ cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn mà còn mang đến nhiều lợi ích cho công việc. Nó giúp bạn làm việc hiệu quả, sáng tạo và có khả năng thích nghi tốt với mọi tình huống. Chính vì thế, bạn nên dành thời gian thực hành khái niệm này thường xuyên và chia sẻ đến những người xung quanh để cùng nhau xây dựng một cuộc sống chan hòa và an yên.

8. Tạo ấn tượng tốt trong mắt những người quan trọng

Trong công việc, thay vì chỉ làm “đủ” để hoàn thành nhiệm vụ, bạn có thể chủ động đưa ra những ý tưởng sáng tạo và tìm kiếm cơ hội để phát triển bản thân. Từ đó, bạn không chỉ nâng cao giá trị của chính mình, mà còn gây được ấn tượng tốt trong mắt những người xung quanh, tạo ra những mối quan hệ bền vững và tích cực. 

Đây đồng thời là một chiến lược thông minh giúp bạn thúc đẩy sự nghiệp của mình, bởi bạn sẽ được nhìn nhận là người có tiềm năng và tận tâm với công việc. Nếu bạn dám mở rộng góc nhìn và cởi mở để bước ra khỏi vùng an toàn, bạn sẽ được tiếp xúc với một cộng đồng đa dạng hơn. Điều này không chỉ giúp bạn nhìn nhận cuộc sống từ nhiều góc độ mà còn mở ra cơ hội học hỏi từ những người đi trước. Hơn nữa, một thương hiệu cá nhân mạnh mẽ sẽ mở rộng mạng lưới các mối quan hệ của bạn và giúp bạn có thể giải quyết nhiều vấn đề thuận lợi hơn. Để đạt được điều này, bạn nên xác định các giá trị cốt lõi của bản thân và xây dựng chúng một cách nhất quán. Khi bạn sống đúng với những giá trị đó, bạn sẽ cảm thấy hài lòng và tự tin trong mọi việc mình thực hiện, từ đó dễ dàng ghi điểm trong mắt người khác.


Xem thêm:

• 6 thói quen nhỏ đang cản trở bạn thành công

• Cách áp dụng quy tắc 90-90-1 để khởi đầu một ngày năng suất

• Những dấu hiệu cho thấy bạn cần tìm công việc mới


9. Không cố thay đổi bản thân 

không thay đổi bản thân

Ảnh: Unsplash/Ahmed

Việc thay đổi bản thân để phù hợp với từng giai đoạn trong cuộc sống hay khi tiếp xúc với các môi trường khác nhau là một điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, điều này lại không đồng nghĩa với việc chúng ta mất đánh những giá trị cốt lõi và theo đuổi những giá trị tạm thời chỉ để hài lòng người khác. Ví dụ, tham gia các hoạt động sau giờ làm có thể giúp bạn thân thiết, gắn kết hơn với đồng nghiệp, nhưng nếu điều này diễn ra với tần suất dày đặc, ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc của bạn, việc vạch ra ranh giới cá nhân rõ ràng và học cách nói “không” không chỉ giúp bạn bảo vệ tinh thần và năng lượng của mình, mà còn sẽ cho thấy bạn là người biết ưu tiên và quản lý thời gian hiệu quả. Việc giữ vững nguyên tắc của mình nhưng vẫn linh hoạt trong nhiều tình huống sẽ giúp bạn tạo được sự tin cậy và tôn trọng từ đồng nghiệp và cấp trên. Điều này thời cho thấy bạn là một người quy củ, biết điều chỉnh hành vi phù hợp với môi trường nhưng không đánh mất bản thân mình. Từ đó, bạn có thể xây được các mối quan hệ lành mạnh, bền vững và tạo nền tảng cho sự phát triển thuận lợi cho sự nghiệp về sau. 

Nhóm thực hiện

Bài: Anh Huy

Tham khảo: Your Tango

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more