Căng thẳng, lo âu cũng như nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần đã và đang trở nên phổ biến trong xã hội ngày nay. Trong thời đại toàn cầu hóa với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, chúng ta nhận ra rằng không chỉ những cá nhân làm việc trong lĩnh vực chính trị, kinh tế hay thể thao mới thường xuyên trải qua những trạng thái kể trên.
Thực tế, bất kỳ ai trong chúng có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu các vấn đề về căng thẳng của Mỹ (AIS), có khoảng 55% người dân tại Hoa Kỳ cho biết họ phải trải qua trạng thái căng thẳng mỗi ngày.
Nếu tình trạng căng thẳng luôn tiếp diễn và không được xử lý đúng cách, các rủi ro về sức khỏe như các bệnh về dạ dày, tim mạch… có thể xảy ra. Dù đây là một tình trạng phổ biến, chúng ta không nên bình thường hóa nó mà nên tìm cách khắc phục và cải thiện, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Từ việc hình thành một số thói quen đơn giản sau, bạn có thể dần loại bỏ sự căng thẳng khỏi cuộc sống của mình.
1. Vận động
Vận động luôn là “chìa khóa vàng” cho sức khỏe của chúng ta cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Khi vận động, cơ thể tiết ra hóc môn endorphin giúp điều tiết cảm xúc, cung cấp oxy cho não, từ đó giúp bạn tỉnh táo hơn. Vận động cũng là cách bạn thể hiện sự trân trọng đối với cơ thể của mình. . Bạn không nhất thiết phải đến phòng gym hay tập luyện một bài thể dục nào đó, vận động có thể là làm việc nhà, đi dạo, đi công viên cùng thú cưng… hoặc dành thời gian cho những thú vui như nhảy múa, trượt ván, đạp xe… Nếu bạn không phải típ người thường xuyên vận động, hãy luyện tập thói quen lành mạnh này ngay từ hôm nay. Dấu hiệu đầu tiên của việc rèn luyện thành công thói quen vận động là cảm giác bồn chồn, khó chịu nếu thiếu vận động trong ngày. Một khi đã quen với việc vận động thường xuyên, theo thời gian, bạn sẽ nhận thấy những lợi ích to lớn mà nó mang lại và tận hưởng việc vận động nhiều hơn.
BÀI LIÊN QUAN
2. Điều tiết cảm xúc của bạn
Việc biểu đạt cảm xúc của bản thân trong một phạm vi an toàn, lành mạnh có tác dụng chữa lành rất lớn. Bởi lẽ, mỗi ngày, chúng ta phải tiếp xúc với rất nhiều người trong nhiều môi trường khác nhau, phải trải qua những thăng trầm trong công việc và những mối quan hệ . Sẽ rất khó chịu nếu cứ giữ mãi những nỗi niềm, cảm xúc đó trong lòng mà không tìm cách để bày tỏ. Bạn có thể giãi bày những xúc cảm của mình bằng cách viết nhật ký, tìm gặp các chuyên gia trị liệu tâm lý hay tìm đến những người mà bạn tin tưởng như bạn bè thân thiết, người thân trong gia đình… để bày tỏ những cảm xúc và suy nghĩ của mình. Bày tỏ để điều tiết cảm xúc là cách để bạn buông bỏ những người, những sự việc và cả những giá trị không còn phù hợp và thường xuyên gây ra nhiều căng thẳng cho bạn ra khỏi cuộc sống.
3. Thiền
Phương pháp thiền có tác động khá lớn trong việc giảm thiểu tình trạng căng thẳng. Trong rất nhiều thể loại thiền khác nhau, một số kiểu thiền được cho là có hiệu quả rõ nhất trong việc điều trị trạng thái căng thẳng có thể kể đến như: breathwork (phương pháp kiểm soát cách thở), guided meditations (thiền có hướng dẫn), sound baths (phương pháp trị liệu “tắm âm thanh”), và silent meditations (thiền tĩnh lặng). Mỗi người sẽ phù hợp với những loại thiền khác nhau, vì vậy, bạn nên dành thời gian tìm hiểu và chọn cho mình phương pháp thiền phù hợp Bên cạnh đó, dù bạn chọn kiểu thiền nào đi chăng nữa, thiền định luôn là phương pháp hữu hiệu trong việc giảm thiểu tình trạng căng thẳng, quan trọng là bạn cần phải kiên trì luyện tập thường xuyên. Dù bạn thiền 20 phút hay chỉ 5 phút mỗi ngày, cơ thể bạn sẽ “phản hồi” bằng những tín hiệu tích cực nhất.
Xem thêm
• 8 sự thay đổi về mặt tinh thần mà bạn nên áp dụng để thành công hơn trong cuộc sống
• Những kiểu người tri kỷ chúng ta có thể gặp trong đời
• 7 lời khuyên để duy trì tình bạn bền lâu khi đã trưởng thành
4. Hạn chế lượng caffeine tiêu thụ
Nhiều người duy trì thói quen uống cà phê vào buổi sáng hoặc buổi tối để giúp họ tỉnh táo hơn khi học tập và làm việc. Dù thế, tiêu thụ một lượng lớn caffeine vô tình làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng của bạn. Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), lượng caffeine khuyên dùng cho người trưởng thành là 400 mg mỗi ngày, tương đương bốn tách cà phê (960 ml).
Tuy nhiên, việc cắt giảm lượng caffeine tiêu thụ một cách đột ngột sẽ gây ra tình trạng uể oải, khó chịu do cơ thể chưa thể thích ứng kịp với sự thay đổi. Một cách để cắt giảm dần cũng như cân bằng lượng caffeine đó là dùng xen kẽ cà phê, trà xanh và matcha (trà xanh Nhật) mỗi ngày. Một mẹo khác là bạn có thể thêm nước dừa vào cà phê để hạn chế tác dụng khử nước của nó. Ngoài ra, bạn không nên uống cà phê khi bụng đói hoặc sau 3 giờ chiều.
Bạn nên lưu ý lượng caffeine mình tiêu thụ hằng ngày để giảm thiểu tình trạng căng thẳng nói riêng cũng như cải thiện sức khỏe nói chung.
5. Ngủ đủ giấc
Bạn có biết, bí quyết để có làn da bóng khỏe như Jennifer Lopez và Jennifer Aniston là uống nhiều nước và ngủ đủ giấc? Theo Sleep Foundation (một trang thông tin uy tín hàng đầu về giấc ngủ dựa trên các thông tin y tế đã được kiểm chứng cùng các thử nghiệm chuyên sâu của Mỹ), một người trưởng thành độ tuổi từ 18 đến 64 tuổi nên ngủ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm. Giấc ngủ có tác động lớn đến mọi cơ quan trong cơ thể, từ não bộ, khả năng nhận thức đến nguồn năng lượng mỗi ngày của chúng ta. Nếu ngủ không đủ giấc hoặc ngủ không ngon vào ban đêm, bạn sẽ dễ trở nên cáu bẳn vào ban ngày. Tình trạng ngủ không đủ giấc kéo dài có thể gây tác động tiêu cực đến cơ thể, từ đó khiến tình trạng căng thẳng ngày càng trầm trọng hơn.
BÀI LIÊN QUAN
6. Bổ sung vitamin B12
Sự căng thẳng và mệt mỏi có mối liên quan mật thiết đến sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Thông thường, khó ai có thể đảm bảo cân bằng đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết từ tự nhiên trong các bữa ăn hằng ngày. Do đó, thực phẩm chức năng ra đời như một “công cụ” hỗ trợ đắc lực cho cơ thể.
Trong những chất dinh dưỡng cần thiết đó, vitamin B12 đóng vai trò là một “bộ sạc” cho cơ thể khi năng cung cấp nhiều năng lượng, tăng cường sự tỉnh táo và tập trung.
Đối với những người ăn chay, trong các loại thực phẩm của họ chứa rất ít hàm lượng vitamin B12. Vì vậy, việc bổ sung vitamin B12 thông qua thực phẩm chức năng là vô cùng cần thiết.
Ngày nay, bạn hoàn toàn có thể dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm thực phẩm chức năng trên thị trường. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm hóa dược nào cho cơ thể, bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ để tránh những tác dụng không mong muốn.
Nhóm thực hiện
Bài: Vy Dương Thảo
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: The Everygirl