5 thói quen nhỏ vô tình hủy hoại sức khỏe tinh thần của bạn
Sức khỏe tinh thần là nền tảng để duy trì sự cân bằng và ổn định trong mọi khía cạnh của cuộc sống, từ mối quan hệ cá nhân đến thành công nghề nghiệp. Thế nhưng, bạn có biết những thói quen tưởng chừng vô hại lại đang âm thầm hủy hoại sức khỏe tinh thần của mình?
Đã bao giờ bạn cảm thấy thật tồi tệ và không biết làm gì để tinh thần tốt hơn, dù bạn không đối mặt với tình huống cụ thể nào khiến tâm trạng chùng xuống? Đó có thể là do bạn đang thực hiện 5 thói quen nhỏ nhưng lại âm thầm ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tinh thần và không hề hay biết. Hãy cùng ELLE điểm qua đó là gì nhé!
1. Sử dụng mạng xã hội quá mức
Dường như, mạng xã hội đã trở thành một điều không thể thiếu đối với đời sống hiện đại, bởi đây không chỉ là công cụ giải trí hay kết nối, chúng còn giúp chúng ta cập nhật thông tin và trao đổi công việc. Tuy nhiên, trầm cảm, lo lắng và căng thẳng ngày càng gia tăng được xem là một trong những hệ quả tiêu cực của chứng “nghiện” mạng xã hội.
Trong một nghiên cứu được công bố trên MDPI – một trong những nhà xuất bản lớn nhất thế giới về các bài báo khoa học truy cập mở, đã mô tả rằng việc chat liên tục với người khác mà không cảm nhận được sự hiện diện vật lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng vấn đề về sức khỏe tâm lý của người dùng mạng xã hội. Dù trò chuyện trực tuyến không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vấn đề tâm lý, nhưng chúng có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng của một cá nhân nếu việc này liên tục kéo dài. Mặc khác, thường xuyên tiếp cận vào những nội dung tiêu cực vô tình xuất hiện trên newsfeed hay hình ảnh không phù hợp trên mạng xã hội có thể dẫn đến cảm giác lo âu, ám ảnh và không hài lòng về bản thân.
Về khía cạnh sinh học, dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội nói riêng và thiết bị điện tử nói chung sẽ khiến bạn thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng xanh, gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, khiến chúng ta rơi vào trạng thái căng thẳng, bồn chồn, khó tập trung. Vì thế, để vượt qua cảm giác cô đơn khi không dùng mạng xã hội, bạn nên thiết lập và giới hạn thời gian sử dụng chúng. Đồng thời, bạn có thể tham gia các hoạt động như tập thể dục, đọc sách, câu lạc bộ, hoặc tham gia các sự kiện ngoài trời sẽ giúp bạn giảm sự phụ thuộc vào mạng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống thực tế của bản thân.
2. Thường xuyên lo lắng
Cảm xúc lo lắng khi bỗng nhiên mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn hay khi đứng trước một bước ngoặt, quyết định lớn trong đời là một điều hoàn toàn bình thường và khó tránh khỏi. Thế nhưng, bạn nên nhớ rằng nuôi dưỡng lo âu không giúp cho bạn giải quyết được vấn đề, thay vào đó, duy trì trạng thái bình tĩnh là điều bạn cần làm để tìm ra giải pháp tối ưu nhất.
Thế nhưng, không ít người lại tin rằng sự trăn trở, lo lắng ấy là cần thiết, xem lo lắng như một “hồi chuông” nhắc nhở giúp chúng ta có động lực thực hiện công việc hiệu quả hơn. Điều này sẽ khiến cho tinh thần luôn trong tình trạng áp lực, căng thẳng và mệt mỏi, về lâu dài sẽ khiến bạn kiệt quệ về sức khỏe thể chất và tinh thần. Khi đang trong trạng thái hoảng loạn, bạn nên hít thở thật sâu, giữ hơi và thở ra nhẹ nhàng như một cách trấn an bản thân, tập trung vào thực tại. Sau đó, lên kế hoạch từng bước nhỏ để bạn có thể dễ dàng vượt qua khó khăn trước mắt, tiến tới mục tiêu cần hoàn thành. Đồng thời, đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc các chuyên gia tâm lý khi cần thiết để nhớ rằng khi đối diện với bất kỳ tình huống khó khăn nào, bạn không hề đơn độc. Hãy tin tưởng vào khả năng của bản thân và nhớ rằng đó đồng thời là bài học, cơ hội để bạn học hỏi và mạnh mẽ hơn trong tương lai.
3. Lạm dụng cafein
Thưởng thức một ly cà phê mỗi sáng để khởi đầu ngày mới hiệu quả là thói quen được nhiều người ưa chuộng, thậm chí là không thể sống thiếu. Thế nhưng, nếu dung nạp quá nhiều cafein, điều này sẽ khiến cơ thể tràn ngập hormone cortisol, nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ và năng suất làm việc. Ngoài ra, cafein còn kích thích hệ thần kinh, làm tăng nhịp tim và huyết áp, có thể dẫn đến cảm giác hồi hộp, lo lắng, thậm chí có nguy cơ gây ra huyết áp mãn tính cho người lạm dụng.
Để cải thiện, bạn nên thường xuyên tập thể dục, ngủ đủ giấc và sắp xếp thời gian sinh hoạt hợp lý để tái tạo và “kích hoạt” nguồn năng lượng tự nhiên của bản thân, tránh phát sinh nhu cầu cần nạp thêm cafein vào cơ thể. Đồng thời, chế độ ăn uống cân đối và lành mạnh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tinh thần và thể chất. Việc thay đổi những thói quen nhỏ này sẽ giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống một cách toàn diện và bền vững.
Xem thêm
• 10 trải nghiệm cuộc sống bạn nên thực hiện trước tuổi 40 để không cảm thấy nuối tiếc
• 6 cách giúp bạn thiết lập ranh giới lành mạnh với cha mẹ
• 7 dấu hiệu chứng tỏ bạn là người được vũ trụ lựa chọn để mang lại sự tích cực cho cuộc sống
4. Xem TV, chơi game quá mức
Thường xuyên theo dõi những chương trình truyền hình hấp dẫn, những video giải trí hài hước hay nhập vai vào những tựa game kịch tính dễ khiến chúng ta rơi vào trạng thái mệt mỏi vì não bộ liên tục bị kích thích. Thói quen này đồng thời dễ khiến chúng ta chìm đắm vào thế giới trong chiếc màn hình, gây ra tình trạng giảm tập trung, chú ý vào cuộc sống thật. Đây được xem là thói quen tạo nên “dopamine rẻ tiền” – một thuật ngữ ám chỉ những nguồn kích thích dễ dàng và nhanh chóng để thỏa mãn tâm lý tức thời. Những nguồn kích thích này thường không đòi hỏi nhiều công sức, thời gian hay nỗ lực để đạt được, nhưng có thể gây ra sự lệ thuộc và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người dùng.
Để đạt được niềm vui và kích thích não bộ sản sinh dopamine lành mạnh, bền vững hơn, bạn nên tập trung vào những hoạt động mang lại giá trị dài hạn như học hỏi kỹ năng mới, cải thiện sức khỏe bằng hoạt động thể chất, xây dựng mối quan hệ xã hội lành mạnh, đặt ra mục tiêu cá nhân và bền bỉ theo đuổi chúng.
5. Ăn uống vô tội vạ
“You are what you eat” (bạn là những gì bạn ăn). Đây là câu nói phổ biến tại các nước phương Tây nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của chế độ ăn uống đối với sức khỏe và trạng thái tổng thể của con người. Cụ thể hơn, những gì bạn dung nạp vào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể, sức khỏe và tinh thần bạn.
Một trong những sai lầm phổ biến của chúng ta là xem việc ăn uống như một thói quen để giải tỏa căng thẳng tinh thần. Có thể thức ăn nhanh và đồ ngọt hóa học sẽ khiến tâm trạng của bạn dịu căng thẳng ngay lập tức, nhưng nó đồng thời khiến cho chỉ số đường huyết tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực sâu sắc đến sức khỏe về lâu dài.
Thay vào đó, hãy điều chỉnh thói quen ăn uống. Ăn nhiều rau, thịt, cá và những chất giàu dinh dưỡng không chỉ giúp giảm tình trạng sương mù não (một dạng rối loạn chức năng nhận thức bao gồm các triệu chứng như kém tập trung, suy giảm trí nhớ, khó tìm đúng từ ngữ, tinh thần mệt mỏi…), mà còn giúp bạn lấy lại động lực học tập và làm việc hiệu quả. Duy trì thói quen sử dụng những thực phẩm giàu dinh dưỡng, lành mạnh, bạn sẽ cảm thấy cơ thể và tâm trí nhẹ nhàng hơn, sức khỏe cũng sẽ được cải thiện.
Bài: Khánh Hà
Tham khảo: Your Tango.