Cùng ELLE khám phá 9 thói quen không thực sự mang lại những thay đổi tích cực cho môi trường, bạn nhé!
1. Sử dụng những sản phẩm Organic Jeans
Mặc dù quy trình sản xuất Organic Jeans được quảng bá ít tiêu thụ nước hơn sản xuất các dòng jeans khác, tuy nhiên, quá trình làm phai màu của chúng mới là vấn đề đáng được lưu tâm. Để sản xuất hàng trăm triệu sản phẩm jeans hàng năm, các công nhân nhà máy phải tiếp xúc với số lượng lớn các hóa chất độc hại trong hàng giờ hằng ngày để sản xuất những sản phẩm đẹp mắt vừa lòng thị trường. Những chất độc này có thể gây ra các căn bệnh mãn tính cho công nhân nếu tiếp xúc trong thời gian dài. Bên cạnh đó, kỹ thuật giặt đá (stone-washing) trong công nghiệp sản xuất trang phục jeans cũng gặp nhiều chỉ trích vì đây là nguyên nhân gây ra căn bệnh nhiễm bụi phổi ở công nhân.
BÀI LIÊN QUAN
9 mẹo du lịch bền vững cho một chuyến đi “xanh”
2. sản phẩm tự nhiên bền vững Không thật sự tồn tại
Chất nhuộm tự nhiên có khả năng phân hủy sinh học không đồng nghĩa quá trình sản xuất chất nhuộm an toàn với môi trường. Ví dụ, theo tiêu chuẩn HIGG INDEX (tiêu chuẩn đánh giá tác động của chuỗi cung ứng trong ngành công nghệ may mặc lên môi trường, xã hội và lao động), việc sản xuất tơ tằm có thể ảnh hưởng đến môi trường do nền công nghiệp này tiêu thụ khối lượng lớn nước để nuôi tằm. Đồng thời, việc nuôi tằm lấy tơ có khả năng tạo ra “lỗ hổng sinh thái” gây mất cân bằng đa dạng sinh học khi số lượng lớn tằm bị giết và kén của chúng được lưu lại để sử dụng. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp sản xuất vải cashmere (vải len dệt từ lông dê) cũng đối mặt với chỉ trích khi các nhà hoạt động môi trường cho rằng việc sản xuất vải cashmere thô đang đe dọa hệ sinh thái của các đàn dê. Vải cashmere được thu hoạch từ các đàn dê sống trên cao nguyên Mông Cổ và Trung Quốc. Để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của thị trường thế giới, các hộ chăn nuôi phải tăng cường số lượng dê nuôi khiến hệ sinh thái ở những khu vực chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề.
3. Không có mỹ phẩm nào thực sự “hữu cơ”
Ngành công nghiệp sản xuất mỹ phẩm hữu cơ cũng tồn tại những mặt trái ít ai biết được. Khi chủ nghĩa sống xanh phát triển, xu hướng sử dụng những sản phẩm hữu cơ lên ngôi đi kèm với những tiêu chuẩn nhân đạo như không thử nghiệm sản phẩm lên động vật (cruelty-free) được chú trọng. Thoạt nghe có vẻ mới lạ, song tiêu chuẩn đó không quá đặc biệt trong thời đại ngày nay vì từ lâu, chúng đã trở thành một trong những điều luật bắt buộc trong ngành sản xuất mỹ phẩm tại Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, thật khó để đảm bảo những sản phẩm làm đẹp có xuất xứ tự nhiên 100% và không có sự can thiệp của hóa học. Tuy nhiên, dựa vào sự phát triển của công nghệ và kỹ thuật, các nhà khoa học có thể gia giảm sự tác động của hóa chất sử dụng vào môi trường.
4. Tái chế quần áo
Tái chế – một thực trạng đáng báo động khác đang diễn ra ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường hiện nay. Thực tế, quần áo trên thị trường được sản xuất từ nhiều nguồn chất liệu, sợi vải khác nhau nên không ít trong số chúng thuộc nhóm không thể tái chế. Theo Tổ chức Người Tiêu dùng và Người sử dụng (Organization of Consumers and Users – OCU) của Tây Ban Nha, chỉ khoảng 0.1% số lượng quần áo bỏ đi có thể tái chế thành công ở quốc gia này.
Những năm gần đây, phong trào Upcycling phát triển trong cộng đồng sống xanh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Khác với phong trào tái chế recycling, upcycling là phương pháp nâng cấp những bộ trang phục cũ thành giao diện mới bằng cách cắt xén hoặc biến tấu trực tiếp nhưng vẫn giữ nguyên chất liệu ban đầu. Trong khi đó, Recycling có thể hiểu nôm na là hủy bỏ trang phục hiện thời (khi sản phẩm không còn nguyên vẹn để upcycle hay biến tấu thành bộ trang phục mới), tận dụng những chất liệu còn sót lại để sản xuất những bộ quần áo mới toanh. Cách tốt nhất để tái sử dụng quần áo cũ nhưng vẫn bảo vệ môi trường vẫn là quyên góp cho những tổ chức, cơ sở đáng tin cậy.
5. “Greenwashing” – cái bẫy tiếp thị của thời trang bền vững
Dựa vào định nghĩa gốc của nhà môi trường học Jay Westerveld, “greenwashing” là hình thức tiếp thị, quảng bá các công ty sản xuất nhằm thuyết phục người tiêu dùng rằng các sản phẩm, tôn chỉ và chính sách của họ đều hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, nhưng thực chất, các sản phẩm của họ không hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí môi trường bền vững. Greenwashing đã định hướng những cuộc thảo luận tập trung vào lợi ích của nguyên liệu thô thay vì quan tâm đến những vấn đề quan trọng khác. Tuy nhiên, không phải tất cả những sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ đều thân thiện với môi trường và không phải tất cả sản phẩm đều cần tái chế hoàn toàn. Bên cạnh vấn đề nguyên liệu, người tiêu dùng còn quan tâm đến vấn đề sản xuất và quy trình vận chuyển của các công ty liệu có phù hợp với tiêu chuẩn môi trường. Hầu hết khách hàng đều quan tâm đến chất lượng sản phẩm và có thể bỏ qua vấn đề vận chuyển cũng chịu trách nhiệm khá lớn trong việc gây ô nhiễm môi trường.
6. Loại bỏ túi nilon không phải biện pháp tốt nhất
Những năm gần đây, chiến dịch thay thế túi nilon bằng túi giấy được đông đảo các quốc gia trên thế giới ủng hộ. Trung bình, sản xuất một túi giấy nhựa gây ô nhiễm gấp 3 lần so với sản xuất túi giấy, chưa kể túi giấy có thể tự phân hủy còn nilon thì không. Đây quả thực là một sự thay đổi tích cực cho môi trường. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm, chiến dịch này chưa mang lại những thay đổi lớn đến thế giới khi còn rất nhiều người vẫn sử dụng túi nilon vì sự bền bỉ của chúng trong khi túi giấy hay cốc giấy nhanh chóng bị vứt đi sau một lần sử dụng. Điều này cho thấy chúng ta vẫn chưa có một giải pháp triệt để cho thói quen này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tạo ra sự thay đổi mới bằng cách cân bằng: giảm sử dụng túi nhựa, túi nilon và và sử dụng túi giấy thường xuyên.
Xem thêm
• 6 bí quyết đơn giản giúp bạn có lối sống thân thiện với môi trường
• 8 hành động bảo vệ môi trường bạn có thể thực hiện tại nơi làm việc
• Eco-friendly hay Go Green: Hơn cả một xu hướng, đây là lối sống bền vững
7. Túi vải chưa thực sự biến bạn trở thành người yêu môi trường
Sử dụng vải bông thay thế nhựa và da không hẳn là sự lựa chọn tuyệt vời cho chủ nghĩa sống xanh. Quá trình sản xuất và vận chuyển vải vẫn gây ảnh hưởng đáng kể đến môi trường xung quanh, thậm chí ngành công nghiệp này sử dụng nhiều tài nguyên môi trường hơn ngành công nghiệp nhựa. Bên cạnh vấn đề về tài nguyên, người tiêu dùng càng mơ hồ về vị trí công xưởng, quy trình thành phẩm và quá trình vận chuyển liệu có thực sự thân thiện với môi trường?
8. Liệu chúng ta có nên “tẩy chay” vải sợi tổng hợp?
Thực tế, các nhà môi trường học vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi liệu chúng ta có nên “tẩy chay” những sản phẩm từ vải sợi tổng hợp. Mặc dù vải sợi tổng hợp nhân tạo là những sản phẩm không thể phân hủy sinh học, nhưng chúng là loại vải dễ tái chế nhất. Với những loại da thuần chay nhân tạo, các nhà sản xuất không thể cam đoan sản phẩm sử dụng hoàn toàn 100% nguyên liệu tự nhiên vì những chất tổng hợp cần thiết như acrylics vẫn cần để hoàn thiện sản phẩm. Nếu bạn thực sự muốn sử dụng da thuần chay, bạn có thể cân nhắc đến sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật tự nhiên thay vì da giả (pleather) với nguyên liệu từ nhựa hoàn toàn.
9. Những chứng nhận không chính thức
Một trong những dấu hiệu mang đến sự tin tưởng cho khách hàng khi mua sắm sản phẩm bền vững là những chứng nhận đạt tiêu chuẩn vì môi trường. Những chứng nhận ấy bao gồm nguồn gốc nguyên liệu hữu cơ, nói không với thuốc trừ sâu trong sản xuất hay những tiêu chuẩn liên quan. Tuy nhiên, những cam kết này có thể làm giả hoặc được cấp từ những tổ chức không đáng tin cậy hoặc thiếu kiến thức chuyên môn. Chỉ những cam kết được chứng nhận bởi những tổ chức chính phủ liên quan hay tiêu chuẩn quốc tế lớn như Cradle 2 Cradle (tiêu chuẩn toàn cầu về sản phẩm an toàn) mới có thể bảo đảm chất lượng sản phẩm an toàn.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Thảo
Nguồn: EL Pais