Lifestyle / Bí quyết sống

6 thói quen nhỏ giúp bạn gây thiện cảm với những người xung quanh

Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng đôi lần bối rối khi bước vào căn phòng đầy ắp ánh mắt xa lạ. Ta lúc đấy như thể đóng băng vì không biết nên làm gì để phá tan bầu không khí căng thẳng ấy. Mọi chuyện sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nếu ta biết tạo sức hút cho chính mình.

Dưới đây là 6 thói quen đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu nghiệm để gây thiện cảm với đối phương vào những lần gặp mặt. 

NHIỆT TÌNH CHÀO HỎI

Trong các buổi gặp mặt, chào hỏi không đơn giản là một hành động lịch sự mà chúng còn đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ tích cực và tạo ấn tượng lâu dài. Dù bạn là người nhút nhát hay hướng nội, chỉ với một nụ cười, một cái bắt tay, hay một câu nói “Rất vui được gặp bạn!” ngay lần gặp đầu tiên có thể giúp bạn mở rộng vòng kết nối. Đối phương sẽ cảm thấy được quan tâm khi bạn hồ hởi chào hỏi họ. Cách bạn thể hiện sự nhiệt tình qua giọng điệu cũng phần nào để lại sự ấn tượng đặc biệt cho người khác. 

cô gái có thói quen mỉm cười tự tin
Ảnh: Unsplash/Sophia Richards

LẮNG NGHE ĐỒNG CẢM

Một trong những thói quen giúp bạn thu hút người khác đó là lắng nghe. Lắng và nghe không đơn giản là để âm thanh truyền vào tai rồi đi ra mà là là lắng nghe một cách tích cực và đồng cảm. Cuộc hội thoại sẽ trở nên cởi mở hơn nếu chúng ta thể hiện sự chăm chú và sử dụng cử chỉ vô ngôn tích cực. Trong khi đối phương kể về câu chuyện của họ, ta có thể gật đầu tỏ ý tán thành, bày tỏ biểu cảm phù hợp về các sự việc, không cần hỏi nhiều, chỉ hỏi để gợi mở thêm câu chuyện, tập trung vào cảm xúc người nói là dễ dàng ghi điểm trước đối phương rồi!

DUY TRÌ GIAO TIẾP BẰNG MẮT

Trong mỗi cuộc hội thoại, ánh mắt là chìa khóa phi ngôn từ để thiết lập mối quan hệ tích cực. Giao tiếp bằng mắt cho thấy bạn đang chú ý và quan tâm đến những gì đối phương đang nói. Điều này không chỉ khiến đối phương cảm thấy được quan tâm mà giúp bản thân cảm thấy tự tin hơn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc nhìn trực tiếp vào mắt đối phương khi đang nói chuyện giúp bạn trông thông minh và lịch sự hơn. Tuy nhiên, bạn nên duy trì giao tiếp bằng mắt một cách vừa phải, tránh nhìn chằm chằm vào người khác khiến họ không thoải mái.

cô gái cầm hoa lau ngồi trên thảm
Ảnh: Unsplash/Alexander Mass

SỬ DỤNG NGÔN NGỮ HÌNH THỂ MỘT CÁCH CỞI MỞ

Ngôn ngữ cơ thể được xem là yếu tố quan trọng trong việc duy trì cuộc trò chuyện hiệu quả, đồng thời tạo thiện cảm với đối phương. Thay vì khoanh tay, bắt chéo chân – những cử chỉ có thể khiến người đối diện cảm thấy bạn là người bảo thủ, khó tiếp xúc, thả lỏng tay trong lúc trò chuyện, ngồi thẳng lưng và hướng ánh mắt về phía người trò chuyện. Thỉnh thoảng, bạn có thể gật đầu nhẹ, nhoài người một chút về phía trước hoặc nghiêng nhẹ đầu, điều này tạo cho người đối diện cảm giác được lắng nghe và quan tâm một cách chân thành.  


Xem thêm

• 7 thói quen hằng ngày giúp người Nhật sống thọ và hạnh phúc hơn

• 4 thói quen nhỏ giúp bạn tiết kiệm hiệu quả

• 5 thói quen nhỏ vô tình hủy hoại sức khỏe tinh thần của bạn


TÔN TRỌNG KHÔNG GIAN RIÊNG TƯ

Trò chuyện thoải mái và cởi mở giúp chúng ta dễ dàng thu hút người đối diện. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, để tránh gây mất thiện cảm, bạn nên quan sát mức độ cởi mở của đối phương để điều chỉnh hành vi phù hợp. Nếu đối phương thường lùi ra xa, ngả người về phía sau, thường khoanh tay khi trò chuyện, lúc này chúng ta nên giữ khoảng cách với họ và đừng cư xử quá vồ vập vì những cử chỉ trên là dấu hiệu cho thấy họ đang cảm thấy không thoải mái và muốn giữ đảm bảo không gian an toàn. Nếu đối phương thường nhoài người về phía trước, thể hiện những cử chỉ thân mật hoặc đứng gần với bạn khi trò chuyện, lúc này bạn có thể bày tỏ những cử chỉ cởi mở và thân mật hơn.

cô gái có thói quen khiến bản thân hạnh phúc
Ảnh: Unsplash/Alexander Mass

NHỜ NGƯỜI KHÁC GIÚP ĐỠ

Bạn có thể dễ dàng tạo thiện cảm với người khác, thậm chí biến kẻ thù thành bạn bằng cách nhờ sự giúp đỡ. Đây được gọi là hiệu ứng Benjamin Franklin. Benjamin – một học giả người Mỹ – đã phát hiện ra điều này khi ông gặp bất hòa với một thượng nghị sĩ. Khi biết đối thủ của mình là người đam mê đọc sách và sở hữu một quyển sách hiếm mà Benjamin muốn đọc, ông đã ngỏ xin mượn cuốn sách đó, đọc và trả lại kèm theo một lời nhắn bày tỏ sự cảm kích với đối phương vì đã hào phóng cho ông mượn quyển sách. Sau đó, cả hai đã trở thành bạn thân thiết. 

Vậy tại sao chúng ta thích những người nhờ vả mình? Một nghiên cứu năm 2015 có tựa đề Does a Favor Request Increase Liking Toward the Requester? (Hành vi nhờ giúp đỡ có khiến người nhờ được yêu thích hơn không?) được đăng trên The Journal of Social Psychology (Tạp chí Tâm lý Xã hội – NXB Taylor & Francis) giải thích hiệu ứng Benjamin Franklin như sau: con người luôn muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người khác và một trong những cách để làm được điều này là nhờ sự giúp đỡ. Chúng ta thích trở nên hữu dụng và từ đó, chúng ta sẽ có thiện cảm với những ai khiến chúng ta cảm thấy như vậy. Điều này đã được lưu truyền trong gen của con người.  Như nhà khảo cổ học Richard Leakey đã viết trong cuốn sách People of the Lake: “Tổ tiên của chúng ta đã học cách chia sẻ thức ăn và kỹ năng của mình trong một mạng lưới đáng trân trọng mang tính trách nhiệm”.

Những ý nghĩa đằng sau Hiệu ứng Ben Franklin rất sâu sắc và có sức ảnh hưởng lớn. Hiệu ứng Benjamin có hiệu quả khi hai người đã biết nhau, thậm chí giữa những người xa lạ, theo giáo sư Yu Niya tại Đại học Hosei, Nhật Bản: “Hiệu ứng Benjamin là một chiến lược khả thi không chỉ giúp duy trì, củng cố mối quan hệ hiện tại mà còn được áp dụng để xây dựng mối quan hệ mới”. 

Vì vậy, bạn có thể thử áp dụng hiệu ứng này để gây thiện cảm với những người xung quanh nhé.

Nhóm thực hiện

Bài: Bích Trâm

Tham khảo: TIME, 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)