10 thói quen xấu cần tránh để ngày mới hạnh phúc hơn
Buổi sáng là thời điểm quan trọng, quyết định nguồn năng lượng chung của cả ngày. Nhịp sống hiện đại bận rộn khiến chúng ta sống vội vã hơn và thường bắt đầu một ngày mới với những thói quen kém lành mạnh. Dù biết rằng chúng có hại và sẽ mang đến nguồn năng lượng tiêu cực, nhưng một khi chúng ta cứ để chúng tiếp diễn từ ngày này qua ngày khác, những thói quen này sẽ khó thay đổi, gây hại đến sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta.
Ý thức và từng bước thay đổi những thói quen không lành mạnh vào buổi sáng sẽ giúp chúng ta bắt đầu một ngày mới với tâm thế tích cực. Hãy cùng ELLE điểm qua 10 thói quen xấu dưới đây để biết bản thân cần làm gì để bắt đầu ngày mới đúng cách nhé!
1. Kiểm tra điện thoại ngay khi thức dậy
Chúng ta thường có thói quen kiểm tra điện thoại khi vừa thức dậy vì sợ sẽ bỏ lỡ bất kỳ tin tức hoặc thông báo quan trọng nào từ tối hôm qua. Thế nhưng, thói quen này không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra tin nhắn hay email quan trọng mà còn dẫn đến việc không dừng truy cập vào mạng xã hội thường ngày. Bạn sẽ tốn rất nhiều thời gian vô ích cho việc lướt web vào buổi sáng thay vì bắt đầu ngày mới ngay lập tức. Bên cạnh đó, mạng xã hội còn khiến tâm trạng chúng ta bị ảnh hưởng không nhỏ khi có thể mang lại những tin tức tiêu cực đầu ngày. Thay vì để điện thoại và mạng xã hội chi phối, bạn có thể tận dụng thời gian 10-15 phút mỗi sáng vào việc ngồi thiền và tìm kiếm sự cân bằng trước khi bắt đầu ngày mới của mình.
2. Tạm ngừng chuông báo thức
Tạm hoãn báo thức vào mỗi buổi sáng là một trong những thói quen xấu khi bắt đầu ngày mới. Thay vì rời khỏi giường khi chuông báo thức reo, bạn lại nhấn nút hoãn để kéo dài giấc ngủ thêm 5 – 10 phút. Hành động này có thể khiến bạn căng thẳng, mệt mỏi vì không có đủ thời gian chuẩn bị tinh thần cho ngày mới. Thói quen này còn khiến chất lượng giấc ngủ của bạn giảm sút do đồng hồ sinh học cá nhân không thể tìm được một khung giờ mặc định để tuân theo.
3. Bỏ bữa sáng
Sau khi thức dậy, cơ thể chúng ta rất cần được cung cấp đầy đủ năng lượng để bắt đầu ngày mới một cách hiệu quả. Vì thế, bữa sáng được xem là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, và bạn không nên bỏ bữa sáng để tăng thêm thời gian làm những việc khác đầu ngày. Nếu bạn không có thời gian chuẩn bị bữa sáng chỉn chu, bạn có thể lên kế hoạch chuẩn bị món ăn đơn giản từ ngày hôm trước hoặc tự mua đồ ăn sáng lành mạnh từ những cửa hiệu uy tín bên ngoài.
4. Không có kế hoạch làm việc cụ thể
Lên kế hoạch cụ thể cho những việc cần làm sẽ giúp bạn theo sát tiến độ làm việc một cách hiệu quả. Nhờ vào những kế hoạch chi tiết, bạn sẽ biết việc gì cần phải hoàn thành và việc nào cần được ưu tiên trong ngày. Một kế hoạch làm việc cụ thể sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian cho việc sắp xếp cũng như phân loại nhiệm vụ hợp lý, đồng thời tạo động lực giúp bạn rời giường nhanh chóng để theo đuổi những mục tiêu đã đề ra.
5. Không dọn dẹp giường
Dọn dẹp giường ngủ ngay khi thức dậy không chỉ giúp phòng ngủ trở nên gọn gàng sạch sẽ, thói quen ấy còn giúp bạn cải thiện tinh thần tốt hơn vào mỗi buổi sáng. Về mặt tâm lý, bạn sẽ thấy dễ chịu và tràn đầy năng lượng khi nhìn thấy một chiếc giường được sắp xếp ngăn nắp thay vì cảm thấy chán chường và uể oải khi nhìn thấy một chiếc giường bừa bộn. Ngoài ra, dọn dẹp giường ngủ còn giúp bạn có thêm năng lượng tích cực để bắt đầu ngày mới hiệu quả hơn khi đây là nhiệm vụ đầu tiên bạn hoàn thành trong ngày.
Xem thêm:
• Retail Therapy: Liệu pháp mua sắm giúp cải thiện tâm trạng
• 12 đặc điểm nổi bật của người thích ở một mình
• 8 quan niệm sai lầm về thời gian khiến bạn làm việc kém hiệu quả
6. Xem tin tức tiêu cực vào buổi sáng
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, đọc tin tức vào buổi sáng không hẳn là thói quen tốt đáng để duy trì. Tương tự việc lướt mạng xã hội, có thể bạn sẽ bắt gặp một vài tin tức tiêu cực khiến tâm trạng của bạn không vui và năng suất làm việc cũng sẽ bị ảnh hưởng.Vì thế, bạn không nên xây dựng cho mình thói quen đọc báo ngay trong buổi sáng, thay vào đó, bạn có thể cập nhật tin tức sau khi hoàn thành các nhiệm vụ nhỏ đầu ngày hoặc chỉ tập trung vào tiêu đề để cập nhật thông tin.
7. Không tập thể dục thường xuyên
Hầu hết chúng ta đều biết những lợi ích từ việc tập thể dục thường xuyên, nhưng không phải ai cũng có thể duy trì thói quen này. Để không phải bỏ cuộc giữa chừng, bạn hãy tạm quên đi những khó khăn khi tập thể dục vào sáng sớm mà chỉ nghĩ đến ích lợi về sau. Tập thể dục buổi sáng không chỉ giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất mà còn giúp chúng ta giữ dáng tốt hơn. Bạn không cần quá nhiều thời gian để thực hiện những bài tập khó nhằn, bạn chỉ cần khoảng 10-15 phút hằng ngày cho những bài tập đơn giản nhưng vẫn đủ sức đảm bảo sức khỏe và cải thiện tinh thần.
8. Lơ là việc uống nước
Cung cấp đủ nước cho buổi sáng là một trong những thói quen ít khi được chú ý. Việc cung cấp đủ nước vào buổi sáng cũng như đảm bảo lượng nước trong ngày được hấp thụ hợp lý sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất và bảo vệ đường ruột của bạn tốt hơn. Ngoài ra, uống đủ nước vào buổi sáng còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa hơi thở có mùi và nhiễm trùng bàng quang. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe và hiệu suất làm việc cho ngày mới, bạn hãy thử nuôi dưỡng thói quen uống nước vào buổi sáng như một cách để yêu thương bản thân.
9. Uống cà phê
Hầu hết chúng ta không cảm thấy xa lạ với thói quen uống cà phê để bắt đầu ngày mới, tuy nhiên đây không phải thói quen tốt để duy trì hằng ngày. Cơ thể chúng ta sản sinh nhiều cortisol (một loại hormone giảm stress trong cơ thể) vào buổi sáng từ 8 giờ đến 9 giờ hằng ngày nên việc hấp thụ caffein vào trước khung giờ này có thể khiến cơ chế hoạt động của hoocmon bị rối loạn, ảnh hưởng đến chức năng giảm thiểu căng thẳng trong cơ thể. Vì thế, thời điểm thích hợp nhất để uống một tách cà phê hiệu quả chính là vào buổi trưa hoặc sau 9h30 sáng hằng ngày. Sau khi uống cà phê, bạn đừng quên uống một cốc nước lọc giữ nước cho cơ thể nhé!
10. Ăn đồ ngọt trong bữa sáng
Dù là tín đồ của đồ ngọt, bạn cũng không nên tiêu thụ đồ ngọt quá nhiều cho bữa sáng của mình. Việc lấp đầy chiếc bụng đói bằng bánh ngọt hoặc thức ăn nhiều đường trong thời gian dài chỉ làm tăng lượng đường trong máu và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Chúng ta nên có một bữa ăn sáng lành mạnh với đầy đủ dưỡng chất cần thiết để giữ cơ thể khỏe mạnh và tránh những bệnh lý về đường ruột có thể xảy ra.
Bài: Phương Thảo
Nguồn: Lifestyle Asia