Hội chứng trái tim tan vỡ và một số thông tin cần lưu ý

Đăng ngày:

Khái niệm hội chứng trái tim tan vỡ (Broken Heart Syndrome: BHS) có lẽ vẫn còn lạ lẫm với một số người. Ít ai biết rằng, những tác động về cảm xúc trong một số tình huống đều có thể khiến ta mắc phải hội chứng này với nhiều biểu hiện đặc trưng.

Hội chứng trái tim tan vỡ BHS còn được gọi là bệnh cơ tim Takotsubo. Đây là tình trạng xuất hiện khi bệnh nhân quá sa sút tinh thần do phải đối mặt với mất mát và tổn thương nặng nề nào đó, dẫn đến việc trái tim bị biến dạng và không còn đủ khả năng bơm máu cho cơ thể, gây ra đau thắt lồng ngực, khó thở hay thậm chí là cảm thấy cơ thể muốn nổ tung.

trái tim tan vỡ áo đen ngẩng đầu

Ảnh: Ekaterina Belousova/Pexels

Tuy nhiên, bạn không phải quá lo lắng vì hội chứng này tương đối lành tính và đa số có thể tự phục hồi. Ngoài ra, còn có một số biện pháp khác giúp cải thiện tình trạng bệnh. Dưới đây sẽ là những thông tin chi tiết hơn về hội chứng này.

Khái quát về hội chứng trái tim tan vỡ

Hội chứng trái tim tan vỡ không phải là nhồi máu cơ tim như nhiều người vẫn lầm tưởng. Đây là một chứng bệnh về tim mạch tạm thời, thường xuất hiện do áp lực và các cảm xúc cực đoan khiến nhịp tim mất ổn định. Các triệu chứng thường gặp gồm có hụt hơi, khó thở và thậm chí là đau tức ngực đột ngột. May mắn là tình trạng bất thường này thường sẽ có chuyển biến tốt hơn sau vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, bạn có thể sẽ cảm thấy áp lực và căng thẳng gia tăng trong thời gian xuất hiện triệu chứng.

trái tim tan vỡ cô gái trên nước

Ảnh: Svetlana🎞/Pexels

Hội chứng trái tim tan vỡ cũng thường xuất hiện ở nữ giới hơn là nam giới, đặc biệt là những người trên 50 tuổi, nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Mặc dù có thể tự hết sau thời gian ngắn nhưng bệnh cũng có thể khiến bệnh nhân tử vong trong một số trường hợp hiếm gặp có biến chứng nặng như suy tim sung huyết, tụt huyết áp…

Nguyên nhân mắc hội chứng

Nguyên nhân chính xác của hội chứng trái tim tan vỡ hiện vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Một vài nguyên nhân trực tiếp thường gặp có thể kể đến như hormone adrenaline tăng cao, tạm thời gây tổn hại đến tim. Động mạch và tĩnh mạch dẫn tới tim bị co hẹp cũng có thể gây ra đau tức ngực. Ngoài ra, cũng có một số thay đổi về thể chất khác trước hội chứng như COVID-19, gãy xương hoặc các cuộc đại phẫu. Thế nhưng, bạn không cần lo lắng quá vì triệu chứng đến từ các nguyên nhân kể trên có thể điều trị bằng các liệu pháp y học.

trái tim tan vỡ váy trắng bên cửa sổ

Ảnh: Rada Aslanov/Pexels

Mặt khác, hội chứng cũng có thể kích hoạt sau khi người bệnh trải qua một số sự kiện cảm xúc mãnh liệt như mất đi người thân yêu, biết được mình mắc bệnh nan y, mất việc, chia tay, ly hôn hoặc đôi khi chỉ đơn giản là bất ngờ quá độ hay tức tối vì các cuộc cãi vã…

Biện pháp phòng ngừa và cải thiện

Hội chứng trái tim tan vỡ thường xuất hiện ở nữ giới, những người dễ suy sụp tinh thần, căng thẳng và lo âu cực độ. Mặc dù vẫn chưa có cách thức chính xác cụ thể, nhóm bệnh nhân có nguy cơ này nên rèn luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng ngoài trời, phù hợp với độ tuổi, tham gia những bộ môn có lợi cho việc kiểm soát cảm xúc và căng thẳng trong cuộc sống như yoga, thiền… Bên cạnh đó, việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý về tim mạch cũng rất quan trọng trong phòng ngừa những chứng bệnh đi kèm liên quan.

trái tim tan vỡ maxi dang tay

Ảnh: Lucas Pezeta/Pexels

Các triệu chứng của bệnh cũng có thể được chữa bằng các liệu pháp y học, nhưng quan trọng nhất là việc điều trị hỗ trợ bằng cách thay đổi lối sống, kiểm soát để giảm tối đa căng thẳng… Song song đó, người nhà cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với việc điều trị bệnh. Hãy quan tâm nhiều hơn đến người bệnh, tránh xa những sự việc có thể gây thêm xúc động mạnh, nhắc nhở bệnh nhân nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống đủ chất và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Nhóm thực hiện

Bài: Hiểu Quân

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: psychologytoday, vinmec

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more