Trong những tháng năm hăng hái theo đuổi đam mê và chinh phục thành công, hầu hết mọi người đều bị cuốn vào nhịp sống vội vã, bận rộn. Hòa mình vào thế giới hiện đại đang đổi thay vô cùng nhanh chóng, dường như, vài khoảnh khắc thư thái, bình lặng dành cho bản thân và gia đình cũng trở thành một điều xa xỉ. Phải chăng thời gian là thứ luôn cần được lấp đầy? Nếu vậy, tại sao ngày càng có nhiều người lựa chọn cách sống chậm lại giữa thế gian hối hả? Có phải chúng ta đang dần lãng quên ý nghĩa của sự tồn tại trong hành trình sống và trải nghiệm của chính mình?
Những khu vườn xanh mát, xinh tươi giữa lòng đô thị chật chội, sự hồi sinh của ngành âm nhạc đĩa than tưởng chừng đã quá vãng, sự thịnh hành kỳ lạ của phong cách retro trong văn hóa và lối sống… là bằng chứng sinh động chứng tỏ xu hướng tìm về cuộc sống chậm rãi, bình yên của cư dân hiện đại. Thỉnh thoảng, việc tự tay nấu nướng, chăm chú vẽ tranh, cặm cụi may vá hay đơn giản là ngắm nhìn bầu trời trong xanh cùng những áng mây phiêu lãng… cũng khiến chúng ta hạnh phúc biết bao.
Nhịp sống hiện đại đang ngày càng gấp gáp hơn. Dường như sự căng thẳng, áp lực trở thành chỉ dấu không thể thiếu của một cuộc sống ý nghĩa giữa đời sống hỗn loạn. Trong khi mọi người đang nhanh nhẹn tiến về phía trước, chúng ta sợ mình sẽ bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, chúng ta cũng cố gắng đuổi theo họ bằng tất cả nhiệt huyết và sức lực.
Ngày nay, có rất nhiều người đang phải đấu tranh với công việc mỗi ngày cùng niềm mong mỏi tha thiết về kỳ nghỉ hằng năm. Bởi đó chính là khoảng thời gian hiếm hoi giúp họ giải phóng bản thân khỏi mọi căng thẳng để thực sự thư giãn và tận hưởng cuộc sống. Khi đọc đến dòng này, nếu bạn cũng cảm thấy tương tự, rằng đây chưa phải là cuộc đời mà mình mong muốn thì có lẽ, đã đến lúc bạn cần hít thở sâu và sống chậm lại.
Tìm hiểu đôi nét về sống chậm
Bạn có biết, năm 1948, trước khi các thành phố lớn trở nên quá đông đúc và chật chội như hiện tại, Liên Hợp Quốc đã công bố thư nhàn là quyền của con người. Năm 1986, nhằm chống đối kế hoạch mở cửa của một nhà hàng McDonald tại trung tâm Rome, Carlo Petrini (một nhà báo ẩm thực người Ý) đã khởi xướng phong trào “ăn chậm”. Với triết lý bảo tồn các khía cạnh kinh tế – văn hóa – xã hội trong việc sản xuất và tiêu thụ thức ăn, phong trào này đã thu hút sự tham gia của khoảng 110.000 thành viên đến từ 83 quốc gia trên thế giới. Sau đó, các hiệp hội sống chậm lần lượt ra đời ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Đây là nơi quy tụ những cá nhân muốn thoát khỏi lối sống vật chất tiện nghi, vội vã để tìm về lối sống tự nhiên thong thả, nhẹ nhàng. Đã có thời, tại Luân Đôn (nước Anh), đi bộ và đạp xe trở thành một kiểu “thời trang” được hâm mộ và tôn sùng.
Vào năm 1999, sự ra đời của phong trào “thành phố chậm” ở nước Ý đã nâng tầm triết lý thư nhàn thành một kế hoạch hành động rộng khắp và toàn diện. “Thành phố chậm” cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau: không khí yên tĩnh, môi trường ít ô nhiễm, kiến trúc giàu tính thẩm mỹ, ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống phát triển, ẩm thực phong phú, nền kinh tế ổn định. Trong đó, điều quan trọng nhất là “thành phố chậm” phải nỗ lực giúp người dân nhận thức đúng đắn về giá trị của cuộc sống thong thả, bình an.
Cuộc sống khiêm tốn và bình lặng mang lại nhiều hạnh phúc hơn việc theo đuổi thành công không ngừng nghỉ.
– Albert Einstein
Sống chậm là một cách sống đầy tự tin và có chủ ý, chú trọng vào cảm giác hạnh phúc, hài lòng thay vì một sự nghiệp thành công. Không phải lãng phí thời gian hay làm việc chậm chạp, lề mề, sống chậm thể hiện sự trân trọng hiện tại và lòng biết ơn cuộc sống. Sống chậm là tập trung tối đa để hoàn thành mọi công việc, nhiệm vụ một cách nhanh chóng, sau đó, chủ động tận dụng thời gian rảnh rỗi để yêu thương bản thân và chăm sóc gia đình.
Sống chậm không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn dừng lại hay tách mình khỏi guồng quay năng động của cuộc sống mà là tự tạo ra những khoảng lặng lý tưởng, nạp đầy năng lượng để rồi trải nghiệm, cảm nhận, yêu thương bằng tất cả trái tim. Khi đã khám phá và nắm bắt giá trị cốt lõi của bản thân, bạn sẽ trở nên bình tâm và vững vàng hơn trước dòng đời đầy biến động, thăng trầm.
Sống chậm mang đến cơ hội tái kết nối với thế giới nội tâm để mỗi người thực sự lắng nghe tiếng nói sâu thẳm của chính mình. Nhờ đó, bạn sẽ sống yên vui, chậm rãi hơn. Việc tận hưởng tối đa từng khoảnh khắc quý giá trong cuộc sống và chú tâm nuôi dưỡng tâm hồn sẽ giúp chúng ta luôn khỏe mạnh cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Hơn nữa, phong cách sống giản dị, rời xa chủ nghĩa vật chất còn góp phần hạn chế lãng phí tiền của và bảo vệ môi trường.
8 bước thực hành sống chậm giữa cuộc sống hối hả
Giữa cuộc sống hiện đại vô vàn áp lực, sống chậm chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Lối sống này đòi hỏi rất nhiều dũng khí, sự kiên định và cả kỷ luật. Tuy nhiên, nếu sống chậm thành công, cuộc đời chúng ta có thể chứng kiến sự chuyển mình vô cùng tuyệt vời.
1. Xác định điều thực sự quan trọng đối với bản thân
Theo các chuyên gia, bạn nên bắt đầu sống chậm bằng cách tìm ra những điều quan trọng hàng đầu trong cuộc sống của mình. Đâu là thứ khiến tâm hồn bạn hân hoan, hạnh phúc? Đâu là việc bạn muốn dành toàn bộ cuộc đời để kiên trì theo đuổi? Nếu may mắn, một trong những điều này có thể thúc đẩy bạn thăng tiến trong sự nghiệp.
2. Khởi đầu nho nhỏ
Hãy bắt đầu với những thay đổi đơn giản như lập kế hoạch công việc, theo dõi chi tiêu, hạn chế mua sắm, tái chế rác thải, nấu nướng cuối tuần, tham gia các chương trình thiện nguyện… phù hợp với danh sách ưu tiên của bản thân nhé!
3. Loại bỏ yếu tố gây nhiễu
Việc dọn dẹp nhà cửa sẽ khiến tâm trí của mọi người thêm thư thái và sáng suốt. Trong quá trình sắp xếp đồ đạc, thay vì vứt bỏ những món đồ không dùng đến, chúng ta có thể quyên tặng chúng cho các tổ chức từ thiện. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại di động cùng các thiết bị công nghệ nhé! Ứng dụng giải trí không cần thiết sẽ ngốn rất nhiều thời gian của bạn đấy.
4. Làm việc thông minh hơn
Để thực hành sống chậm hiệu quả, chúng ta cần chọn lọc các nhiệm vụ ưu tiên và tập trung giải quyết chúng thật tốt. Hãy chú tâm vào những vấn đề thực sự cần thiết, quan trọng. Làm việc liên tục trong nhiều giờ không thể phản ánh đầy đủ năng lực của bạn. Điều cốt lõi ở đây chính là chất lượng và hiệu quả công việc.
5. Sống chậm trong thời khắc hiện tại
Nếu cứ tiếp tục sống gấp gáp, vội vã, chúng ta sẽ không thể dành trọn tâm tư cho cuộc sống hiện tại. Những lo lắng về tương lai cùng sự tiếc nuối quá khứ sẽ dai dẳng đeo bám tâm trí của bạn. Vì vậy, hãy nhẹ nhàng hơn với bản thân, tự dành cho mình nhiều khoảng nghỉ ngắn trong hành trình trải nghiệm cuộc sống. Khi tập trung tận hưởng sự tồn tại ý nghĩa của chính mình giữa thời khắc hiện tại, bạn sẽ cảm thấy tâm hồn cực kỳ tĩnh tại và bình yên.
6. Lắng nghe và kết nối chân thành
Ngày nay, khi công nghệ đang chiếm lĩnh mọi lĩnh vực cuộc sống, mạng xã hội bước từ thế giới ảo ra ngoài đời thực. Trong những buổi hẹn hò cà phê cùng bạn bè thân thiết, hầu hết mọi người đều khư khư chăm chú vào màn hình điện thoại. Những cuộc hội thoại, vì thế, trở nên vô cùng nhạt nhòa, rời rạc. Sống chậm khuyến khích chúng ta ngắt kết nối với Internet để lắng nghe, chia sẻ với những người thân thương bằng tất cả trái tim. Chỉ những cuộc chuyện trò cởi mở, chân thành mới có thể nâng đỡ, hàn gắn và kết nối chúng ta.
7. Gần gũi với thiên nhiên
Giữa một thế giới bộn bề lo toan, công việc, gia đình, bạn bè cùng hàng tỷ thứ nhỏ nhặt trên đời khiến mọi người dần thờ ơ, xa cách với thiên nhiên. Khi đại dịch trôi qua, hãy dành thời gian tản bộ ngắm cảnh, tập thể dục, hít thở khí trời, tận hưởng bầu không khí bình yên, dịu dàng giữa lòng thiên nhiên xanh mát. Đó chính là những phút giây chữa lành tâm hồn vô giá.
8. Tìm kiếm niềm vui trong mọi trải nghiệm
Với mục đích hướng đến những giá trị bền vững trong cuộc sống thực tại, sống chậm động viên mọi người khám phá và tận hưởng cuộc sống thường ngày từ những điều bình dị. Trong tâm thế vui vẻ, lạc quan, mọi công việc dẫu nhỏ bé như ăn uống, hít thở, rửa bát, giặt giũ… đều mang trong mình chất thơ độc đáo. Có lẽ, cuộc sống sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu mỗi người đều thấm nhuần và áp dụng phương châm sống giản đơn này.
Nhóm thực hiện
Bài: Xuân Mai Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE