8 bí quyết đơn giản giúp bạn thực hành lối sống bền vững
Sống xanh – sống sạch là một khái niệm tưởng chừng như rất khó, nhưng lại có thể áp dụng ngay tại nhà và nơi làm việc với 8 bí quyết đơn giản sau đây.
Đã bao giờ bạn bắt gặp hình ảnh những chú rùa hấp hối vì nuốt nhầm náp chai hay những chú cua kẹt trong bình nước chưa? Nếu có và cũng từng xót xa thì hãy suy nghĩ về sự lãng phí mình gây ra, cũng như tác hại mà đồ nhựa mang lại cho chúng ta. Ngày nay, lối sống Zero Waste (tạm dịch: lối sống cắt giảm đến mức tối đa lượng rác thải ra) đang được mọi người áp dụng.Tuy nhiên, nếu chưa sẵn sàng với Zero Waste, hay thực hành một lối sống bền vững “nhẹ nhàng” hơn với các bí quyết sau đây.
1. Hãy ngừng ngay việc lãng phí đồ ăn
Nào, cùng tưởng tượng cảnh bạn mua 5 chiếc bánh taco và sau đó không thể nào ăn hết. Vèo, 2 chiếc bánh dư bị quăng vào thùng rác không-thương-tiếc. Đó là những gì người Mỹ làm với thức ăn của họ mỗi ngày, dẫn đến lãng phí 40% khẩu phần ăn.
Thay vào đó, hãy bảo quản thức ăn thừa của bạn và tận dụng chúng vào hôm sau. Tốt nhất, bạn nên nắm rõ khẩu phần của mình để không bao giờ phải bỏ đi đồ ăn nữa.
2. Bắt đầu dùng những thanh xà phòng
Bạn đã ngừng hẳn việc mua nước uống đóng chai rồi đúng không? Việc tiếp theo chúng ta cần giải quyết là những chai dầu gội và sữa tắm.
Hãy cố gắng tìm những thương hiệu xà phòng gội đầu và xà phòng tắm để sử dụng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý đến các loại thảo mộc thiên nhiên như bồ kết, chanh, sả để tự nấu nước gội đầu.
3. Đừng để bị lừa bởi khái niệm “tái chế”
Khi bạn ném cốc cà phê, túi nilon hay chai nhựa vào thùng rác dán nhãn “tái chế”, bạn hy vọng điều này giúp bảo vệ môi trường đúng không? Nhưng sự thật, điều này không giúp bạn có lối sống bền vững.
Quan niệm về khả năng tái chế rất khác nhau ở mỗi địa phương. Thậm chí tệ hơn, nếu bạn ném vào thùng rác một thứ không thể tái chế được, nó sẽ ảnh hưởng đến các vật khác. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta nên cắt giảm việc sử dụng những thứ có hại (reduce) đầu tiên, trước khi nghĩ đến khái niệm tái chế (recycle).
4. Bật máy rửa chén khi bạn đi ngủ
Thời gian tốt nhất để chạy máy rửa chén của bạn là đêm muộn. Khi đó, tải trọng trên lưới điện sẽ được giảm đi đáng kể. Vì thế, chỉ cần thay đổi giờ chạy máy rửa chén, bạn đã giảm thiểu được lượng carbon dioxide (CO2) rồi đấy!
5. Hãy là người lên tiếng khi văn phòng quá lạnh
Một số văn phòng thường hạ nhiệt độ xuống rất thấp trong mùa Hè. Nếu bạn ngồi trong văn phòng và có cảm giác đang bị nhốt trong chiếc tủ lạnh, hãy tự giác tăng nhiệt độ lên.
Hành động đơn giản này vừa giúp tiết kiệm năng lượng, vừa cắt giảm chi phí. Do đó, đừng ngần ngại hỏi sếp bạn nơi để điều khiển máy lạnh nhé.
6. Nghĩ về bữa trưa của bạn
Thay vì mua đồ ăn take-away đựng trong hộp nhựa, hãy mang lên văn phòng bộ đồ ăn của mình. Tô, chén hay đũa của bạn sẽ góp phần giảm thiểu rác thải nhựa đấy.
7. In tài liệu một cách tiết kiệm
Bạn có biết rằng ngoài việc tốn tài nguyên gỗ để làm ra giấy in thì mực in cũng rất có hại cho môi trường không? Do đó, hãy cẩn thận cân nhắc xem liệu việc in ấn có thực sự cần thiết không.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể rèn luyện lối sống bền vững là tận dụng giấy bằng cách in cả hai mặt giấy chứ không chỉ in một mặt.
8. Tạo một khu vực Giveaway
Nếu như khách hàng đối tác gửi tặng bạn một bó hoa làm bạn hắt hơi mãi hay bạn có quá nhiều bình nước cần cho đi? Một khu vực giveaway trong văn phòng sẽ là gợi ý tuyệt vời dành cho bạn.
Bạn và đồng nghiệp của mình có thể mang đến những món đồ dư hoặc hiếm khi sử dụng để trao đổi với nhau. Vừa tiết kiệm với những vật phẩm “cũ người mới ta”, vừa thắt chặt tình đồng nghiệp nữa, đúng không nào?
Sống xanh không phải là một nhiệm vụ “bất khả thi”, ngược lại, nó là một hành trình để bạn cảm nhận sự tuyệt diệu của thiên nhiên và tận hưởng niềm vui khi bạn có thể đóng góp một cách hữu hình công sức của mình trong nỗ lực cả thế giới “tô lại” màu xanh cho thế hệ sau.
Sống Xanh - 52 Tips Ăn Sạch, Uống Lành, Sống Bền Vững
Thực phẩm là nguồn cung cấp những dưỡng chất thiết yếu giúp cơ thể tăng trưởng, tái tạo và phát triển hoàn thiện. Khi những dưỡng chất này được cung cấp đầy đủ, các tế bào có thể hoạt động hiệu quả.
Ăn Lành Sống Mạnh - Sức Khỏe Vững Bền
Từ loài cá khơi nguồn cho cả một cuộc chiến tranh cho đến loại rau gia vị từng được coi là biểu tượng của sự căm ghét để rồi nhiều thế kỷ sau lại trở thành biểu tượng cho tình yêu, thực phẩm đã luôn là một phần không thể thiếu của văn hóa nhân loại.
The Story Of Food - Câu Chuyện Thực Phẩm
Lược dịch: Ánh Xuân
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE