Lifestyle / Bí quyết sống

Ăn đúng cách vì sức khỏe của hành tinh

Chỉ cần thay thế một chiếc burger thịt bò thông thường bằng một loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có thể giúp giảm lượng khí thải từ 85% đến 99%.

Hệ lụy môi trường từ ngành nông nghiệp và chăn nuôi

Ngày 01/12/2023, hơn 130 quốc gia đã ký vào Tuyên bố COP28 của UAE về Nông nghiệp bền vững, Hệ thống lương thực thích ứng và Hành động vì khí hậu, một tuyên bố cam kết giảm phát thải khí nhà kính từ các quá trình liên quan đến sản xuất và tiêu thụ thực phẩm. Thỏa thuận này ghi nhận một dấu mốc lịch sử trong suốt gần ba thập kỷ của các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, vì đây là lần đầu tiên, tầm quan trọng của hệ thống thực phẩm được chính thức công nhận. Sản xuất và tiêu thụ thực phẩm góp phần đáng kể vào việc phát thải khí nhà kính, chiếm khoảng 1/3 lượng phát thải toàn cầu, trong đó, 30% đến từ chăn nuôi và thủy sản.

Đối với ngành thủy sản, lượng tiêu thụ thực phẩm đã tăng gần gấp đôi so với cách đây 50 năm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến 30% vùng nước đánh bắt thương mại được phân loại là “đánh bắt quá mức”. Điều này có nghĩa là nguồn nước đánh bắt sẵn có đang cạn kiệt nhanh hơn mức có thể thay thế. Đánh bắt quá mức đi kèm với những tác động bất lợi đến môi trường, bao gồm tăng tảo trong nước, phá hủy cộng đồng ngư dân, xả rác ra đại dương cũng như tỷ lệ mất đa dạng sinh học cực kỳ cao. Trong khi đó, sản xuất thịt và sữa là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề môi trường khác, bao gồm nạn phá rừng, nguy cơ đại dịch và ô nhiễm nguồn nước.

thực phẩm ngành công nghiệp chăn nuôi

Một báo cáo của WWF năm 2020 cho thấy quy mô quần thể các loài động vật có vú, cá, chim, bò sát và lưỡng cư đã giảm trung bình 68% trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến năm 2016. Báo cáo cho rằng sự mất mát đa dạng sinh học này đến từ nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là do thay đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là chuyển đổi môi trường sống, như rừng, đồng cỏ và rừng ngập mặn, thành hệ thống nông nghiệp. Mỗi giờ, những khu rừng rộng bằng 300 sân bóng đá bị chặt hạ. Đến năm 2030, hành tinh này có thể chỉ còn 10% diện tích rừng. Ba quốc gia có mức độ phá rừng cao nhất là Brazil, Cộng hòa Dân chủ Congo và Indonesia. Nông nghiệp là nguyên nhân hàng đầu gây ra nạn phá rừng. Chỉ có bốn mặt hàng – thịt bò, đậu nành, dầu cọ và các sản phẩm từ gỗ – là nguyên nhân gây ra phần lớn nạn phá rừng nhiệt đới, nhưng chăn nuôi bò dẫn đến phá rừng nhiều gấp đôi 3 mặt hàng kia cộng lại, chưa kể đến sự tốn kém về nước, ngũ cốc và năng lượng. Trong khi đó, sản xuất đậu nành – nguyên nhân phá rừng thứ hai – lại chỉ có 20% sản lượng được dùng làm thực phẩm cho con người, còn 80% dùng làm thức ăn cho gia súc.

Phá rừng để tạo đồng cỏ cho chăn nuôi về cơ bản là thay đổi vĩnh viễn cảnh quan – những khu vực này sẽ không bao giờ còn có thể tái sinh thành rừng được nữa. Điều này khiến chúng ta mất đi các bể chứa carbon, kho chứa nước và nơi trú ẩn của các loại động thực vật, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu.

thực phẩm môi trường sống của động vật

Nông nghiệp không chỉ chiếm diện tích đất rộng lớn mà còn gây lãng phí nguồn nước ngọt. Trong khi đất trồng trọt và đồng cỏ chăn thả bao phủ 1/3 diện tích bề mặt Trái đất, chúng tiêu thụ đến 3/4 nguồn tài nguyên nước ngọt có hạn của thế giới. Chưa kể, sự phát triển của ngành chế biến thực phẩm cùng với hệ thống vận chuyển toàn cầu còn tạo ra nguồn phát thải khổng lồ, tiêu tốn nhiều năng lượng và đưa vô số bao bì nhựa ra môi trường – những vật liệu sẽ phân rã thành vi nhựa và nhựa nano, để rồi cuối cùng quay trở về với chúng ta theo chuỗi thức ăn.

Tất cả những điều này đều bắt nguồn từ một nguyên nhân: Nhu cầu ăn uống của con người.

Lợi ích của chế độ ăn từ thực vật

Giảm khí thải từ nông nghiệp là một nhiệm vụ phức tạp vì nó liên quan đến việc thay đổi tập quán canh tác, sử dụng đất và có khả năng thay đổi mô hình chế độ ăn uống. Bản chất đa dạng của hệ thống nông nghiệp trên toàn cầu khiến việc tìm ra giải pháp chung, có hiệu quả ở các khu vực và bối cảnh canh tác khác nhau trở nên khó khăn. Ví dụ, canh tác theo chiều thẳng đứng hay thịt nhân tạo từ phòng thí nghiệm đã được ca ngợi là “tương lai của nông nghiệp”. Tuy nhiên, những công nghệ này vẫn chưa khả thi trên toàn cầu bởi những giới hạn về chi phí, nguyên liệu và cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, giảm tiêu thụ thịt có thể khả thi đối với người dân ở các nước có thu nhập cao, tuy nhiên, lại không hề đơn giản với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Nhu cầu dinh dưỡng của các cá nhân khác nhau cũng phải được tính đến. Do đó, các nước phải áp dụng cách tiếp cận hỗn hợp đối với nông nghiệp, hỗ trợ phát triển các công nghệ chuyển đổi mô hình canh tác, trong khi vẫn kết hợp với phương pháp canh tác công nghệ thấp, truyền thống và dựa vào cộng đồng.

Ở cấp độ cá nhân, điều tốt nhất bạn có thể làm để ngăn chặn nạn phá rừng và các hệ lụy môi trường của ngành nông nghiệp là loại bỏ hoặc giảm lượng thịt bò, sữa và các sản phẩm từ động vật khác trong chế độ ăn uống; chuyển sang chế độ ăn giàu thực vật, ưu tiên thực phẩm địa phương, có sẵn, theo mùa. Theo Joseph Poore, chủ nhiệm của một nghiên cứu về nạn phá rừng gần đây tại Đại học Oxford, “Chế độ ăn dựa trên thực vật có lẽ là cách tốt nhất để giảm tác động của bạn đến hành tinh, không chỉ đối với khí nhà kính mà với cả tình trạng axit hóa toàn cầu, hiện tượng phú dưỡng, sử dụng đất và sử dụng nước”.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford đã phát hiện ra rằng, nếu mọi người đều ăn chế độ ăn dựa trên thực vật, việc sử dụng đất nông nghiệp trên toàn cầu có thể giảm 75%, bằng với quy mô của Mỹ, Trung Quốc, Úc và EU cộng lại. Nếu nhu cầu protein của chúng ta được đáp ứng bằng đậu nành thay vì động vật, nạn phá rừng sẽ giảm 94%. Thay vào đó, bằng cách ngừng phá rừng và tăng cường trồng lại rừng, chúng ta có thể đạt được 23% mức giảm thiểu khí hậu cần thiết cho kịch bản 2oC.

Các sản phẩm thay thế sữa làm từ thực vật đang trở thành mặt hàng quen thuộc trong danh sách mua sắm của người tiêu dùng. Từ đậu nành, yến mạch cho đến dừa, gạo và sữa hạnh nhân… có vô vàn lựa chọn bổ dưỡng, thơm ngon mà không gây hại cho môi trường. Những tiến bộ trong công nghệ, đặc biệt là các sản phẩm thay thế thịt và các sản phẩm “thịt” nhân tạo, mang lại cơ hội cho người tiêu dùng thưởng thức các sản phẩm giống thịt mà không gây tác động có hại cho các khu rừng nhiệt đới gắn liền với sản xuất thịt truyền thống. Trong số các thực phẩm giàu protein như các loại đậu và nấm, nguyên liệu phổ biến nhất được sử dụng để sản xuất sản phẩm thay thế thịt là đậu nành. Các chế phẩm từ đậu nành như đậu phụ và tempeh thường được tìm thấy trong thịt có nguồn gốc thực vật vì kết cấu đặc biệt giống thịt của chúng. Kể từ những năm 1950, sản lượng đậu nành toàn cầu đã tăng gấp 15 lần, trong đó Mỹ, Brazil và Argentina chiếm gần 80% sản lượng đậu nành toàn cầu. Mặc dù tác động bất lợi của việc trồng đậu nành đối với môi trường thường là trung tâm của các cuộc tranh luận sôi nổi, sự thật là gần 90% đậu nành trên thế giới được dùng làm thức ăn cho động vật chăn nuôi, trong khi chỉ 6% được chế biến thành các sản phẩm tiêu dùng cho con người. Rõ ràng, nếu có thể thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, giảm hoạt động chăn nuôi, chúng ta có thể thu hẹp diện tích trồng đậu nành trong khi vẫn đảm bảo nguồn cung cho con người.

thực phẩm chế độ ăn thực vật

Báo cáo đánh giá lần thứ sáu của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã đưa ra một thông điệp rõ ràng: chúng ta có thể ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu chỉ bằng cách chuyển từ thịt truyền thống sang thịt có nguồn gốc thực vật hoặc thịt nhân tạo, vì dữ liệu cho thấy sự khác biệt đáng kể về dấu chân môi trường của chúng. Theo Viện Thực phẩm Tốt (GFI), gà được làm từ thực vật thải ra lượng khí thải nhà kính ít hơn 86% so với gà thông thường. Thịt bò nhân tạo và làm từ thực vật tạo ra lượng khí thải ít hơn 99% và 92% so với thịt bò truyền thống. Đối với thịt lợn, phiên bản làm từ thực vật giúp tiết kiệm tới 92% lượng khí thải trong khi phiên bản nhân tạo có tác động chỉ bằng một nửa so với thịt lợn thông thường.

Nếu như ăn chay vì tôn giáo và ăn chay vì sức khỏe có những quy tắc nghiêm ngặt phải tuân theo thì ăn chay vì môi trường – hay chế độ ăn giàu thực vật – lại linh hoạt, cởi mở và dễ thực hiện đối với tất cả mọi người. Việc cần làm đơn giản chỉ là tăng lượng thực phẩm từ thực vật trong chế độ ăn như rau củ quả, các loại đậu, hạt, ngũ cốc… và giảm dần lượng thịt. Thậm chí, bạn không cần phải giảm thịt hoàn toàn, hãy cứ lắng nghe nhu cầu của cơ thể. Tuy nhiên, điều cần làm là ưu tiên thực phẩm thuận tự nhiên, lựa chọn thực phẩm địa phương – tránh nhập khẩu, ăn theo mùa, ăn thực phẩm tươi sống, hạn chế thực phẩm đóng gói và thực phẩm chế biến sẵn… Một chế độ ăn có ý thức không chỉ mang lại những giá trị bất ngờ về mặt sức khỏe cho chính bản thân bạn mà còn góp phần nuôi dưỡng một hành tinh khỏe mạnh hơn.

Nhóm thực hiện

Bài: Đông Quân

Ảnh: Tư liệu, Bếp thực dưỡng

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)