Quê ngoại tôi ở ngay sát chùa Hương. Người trong làng thường dùng một từ khá hay là “tiên sư quan trọng” để chỉ những người lúc nào cũng làm ra vẻ quan cách, lên mặt với người đời. Từ “quan trọng” thì ai cũng hiểu, còn “tiên sư” là ông tổ nghề, ông thầy… Ghép 2 từ này lại thành một cụm từ rất hay, lạ, đắt và đích đáng để dành cho những người “chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng”. Đây vừa là cụm danh từ vừa là cụm tính từ: “Anh kiếm đâu cái tiên sư quan trọng thế?” hay “Mụ ấy dạo này tiên sư quan trọng lắm!”. Chỉ 4 từ ấy thôi có lúc lại là một câu than, có khi là câu chửi đổng.
Không cứ đàn ông hay đàn bà, hễ cứ nói kiểu lên gân cái cơ chỗ trên yết hầu, cố phồng cổ ra rồi lớn giọng sang sảng, giả tạo, đều khiến tôi ghét và cảnh giác. Chả hiểu sao nữa. Những người có tật gồng cổ họng để nói chuyện ấy thì nhiều, cậu ca sĩ xinh trai, anh dẫn chương trình (tôi hay gọi là diễn viên múa) dự báo thời tiết, cô Hoa hậu (hay Á hậu) của năm nào lâu lắm rồi, vài người mới bán được mảnh đất và đáng buồn là có cả vài người bạn cũ, mới đổi đời nhờ một cú IPO hay nhờ bố ngồi ghế trên thò tay kéo lên vài bậc danh vọng… Tất nhiên thường thì không thấy họ dùng cái giọng sang sảng nhân tạo ấy với cấp trên hay với công an giao thông khi vượt đèn đỏ.
Chắc đã đọc qua tướng thanh âm, nghĩa là xem tướng qua giọng nói, nên họ thấy cần làm cho giọng nói của mình sang trọng hơn, hay quan trọng hơn cũng được, cho hợp với vị thế đẳng cấp của mình. Tiếc là do đọc không kỹ, họ không nhận ra điểm mấu chốt trong xem tướng, và trong mọi mối quan hệ xã hội, là cái Thật. Nếu không có giọng nói sang sảng trời phú thì tốt nhất hãy nói bằng giọng thật của mình. Nhiều khi thấy các bạn ấy gồng lâu quá, tôi thấy thương họ vì phải mỏi gân gồng cổ.
Không chỉ gồng cổ họng, vài người bạn tôi còn thỉnh thoảng thì thầm dự án này do anh này chị kia đỡ, hay nói thấp giọng kiểu muốn-nghe-thì-ghé-sát-vào-đây-không-cả-nước-biết-tao-giàu. Thì thầm xong kiểu gì cũng điều chỉnh volume về lại giọng gồng nhân tạo kẻ cả để các bàn nhậu xung quanh nghe thấy: “Ngày xưa mà mày đừng theo viết lách, đi cùng tao thì…” hay thẳng thắn hơn: “Ông dại lắm!” (thực ra ý chúng nó là mình ngu). Rồi lại sang sảng gồng gân cổ lớn giọng giáo huấn. Cách tốt nhất để những người bạn sang trọng và đẳng cấp ấy hài lòng là gật gù nghe, thỉnh thoảng điểm vào vài câu ngạc nhiên. Cũng thật lòng mừng cho những người bạn thành đạt, dư tiền xài đồ hiệu và vàng đeo xuống cả ngón chân. Ghé răng cắn thử vàng thật vàng dởm chắc không tiện, nên đành cứ vững tin là các bạn mình giàu hay đang thăng tiến tốt. Và nhớ đừng bao giờ dại dột đi tranh luận với người giàu hay thành công hơn mình, dù đó là bạn.
Những lúc như thế, tôi chỉ muốn mặc kệ cho bạn ngồi lại với sự sang trọng, đẳng cấp ấy, còn mình chạy ra ngoài phố để than như những người ở quê: “Tiên sư quan trọng!”.
Bài: Lê Tiến Đạt – Minh họa: Dzũng Yoko
Phái đẹp – ELLE
Nhóm thực hiện