Lifestyle / Bí quyết sống

Tiết kiệm tài chính và tối ưu hóa việc dọn dẹp nhà cửa với phương pháp FIFO

Người Nhật có câu: “Một căn phòng bừa bộn là hình ảnh của một tâm trí rối ren”. Không gian sống có tác động trực tiếp đến tinh thần, phản ánh sự cân bằng tâm trí và khả năng tổ chức cuộc sống của mỗi người. Khi không gian sống trở nên sạch sẽ và gọn gàng, tâm trạng và cuộc sống của bạn cũng dần trở nên tích cực hơn.

Dọn dẹp nhà cửa hẳn là một điều không dễ dàng, đặc biệt khi bạn luôn tất bật với công việc và những vấn đề khác trong cuộc sống. Sau một tuần làm việc mệt mỏi, bạn chỉ mong đến Chủ Nhật để được thư giãn hay ra ngoài gặp gỡ bạn bè thay vì dành thời gian này cho việc dọn dẹp nhà cửa. Để tối ưu hóa không gian, ELLE gợi ý bạn phương pháp FIFO giúp bạn sắp xếp không gian sống gọn gàng và ngăn nắp, việc dọn dẹp nhà cửa sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. 

Phương pháp FIFO là gì?

cô gái dọn dẹp tủ lạnh
Ảnh: Pexels/Robert Nagy

Với lịch trình bận rộn, việc tối ưu hóa thời gian dọn dẹp nhà cửa là một cách hiệu quả giúp không gian sống của bạn luôn gọn gàng mà không tạo ra cảm giác choáng ngợp. FIFO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh First In, First Out (tiếng Việt: cho vào trước, lấy ra trước). Shantae Duckworth – người sáng lập tổ chức Shantaeize Your Space (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tổ chức và sắp xếp nhà ở, được sáng lập vào năm 2021 tại Seattle, tập trung vào việc giúp khách hàng tạo ra không gian sống gọn gàng và thân thiện thông qua các dịch vụ tư vấn tổ chức không gian, bảo trì…) cho rằng, phương pháp FIFO được vận hành như sau: “Khi bạn mua bất kỳ mặt hàng mới nào, đặc biệt là liên quan đến thực phẩm hoặc đồ dùng vệ sinh, bạn cần đảm bảo rằng các sản phẩm cận ngày hết hạn được đặt ở phía trước để sử dụng trước, trước các sản phẩm có ngày hết hạn xa hơn”.

Phương pháp FIFO giúp bạn tiết kiệm tiền như thế nào?

cô gái dọn dẹp theo phương pháp FIFO
Ảnh: Pexels/Voitkevich

Chúng ta thường có thói quen mua sắm một cách vội vàng, đặc biệt vào những dịp khuyến mãi lớn. Những hình thức marketing bắt mắt, thu hút khiến bạn không thể kiềm chế bản thân mà cho quá nhiều sản phẩm vào giỏ hàng trước khi xem xét chúng có thật sự cần thiết hay không . Thói quen này có thể dẫn đến việc tích trữ quá nhiều đồ đạc mà không sử dụng hết, điều này không chỉ ảnh hưởng đến không gian sống của bạn mà còn làm tăng chi phí sinh hoạt. Khi không kiểm soát được lượng sản phẩm còn sử dụng, bạn dễ dàng quên đi những món đồ đã mua trước đó, dẫn đến việc mua sắm thêm sản phẩm mà không cần thiết. Phương pháp FIFO được đánh giá là phương pháp hữu hiệu giúp bạn giảm bớt sự xáo trộn trong không gian sống của mình. Lợi ích chính của phương pháp này là giúp bạn hạn chế việc tích trữ quá nhiều những món đồ bị lãng quên và không sử dụng, giảm thiểu sự bừa bộn đem lại không gian sống gọn gàng hơn. 

Phương pháp FIFO không chỉ được ứng dụng vào việc dọn dẹp không gian sống, nó còn được nhiều nhà quản lý trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý kho, hàng hóa… áp dụng nhằm tối ưu hóa quy trình, nâng cao năng suất công việc. Bằng cách ứng dụng phương pháp này, người quản lý tiến hành đưa các mặt hàng tồn kho vào vị trí được sắp xếp ưu tiên, xuất kho đầu tiên. Có thể hiểu, hàng hóa lưu kho sẽ được xuất một cách tuần tự từ cũ nhất đến mới nhất. Nhờ đó, các doanh nghiệp kiểm soát chất lượng hàng hóa, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu tình trạng dư thừa, tối ưu hóa không gian lưu trữ. 


Xem thêm

6 ý tưởng bố trí giúp bạn tận dụng tối đa không gian của phòng khách

Gợi ý 6 vật dụng giúp bạn mang phong cách boho vào không gian sống

Gợi ý 8 vật dụng giúp bạn mang phong vị mùa Đông vào không gian sống


Áp dụng phương pháp FIFO vào không gian bếp

cô gái ngồi trong bếp thực hiện phương pháp FIFO
Ảnh: Unsplash/Garin Chadwick

Vấn đề lớn nhất mà hầu hết chúng ta đều mắc phải trong không gian bếp là để thực phẩm quá hạn sử dụng, không còn tươi ngon, bị ẩm mốc gây ra mùi khó chịu. Trong môi trường nóng ẩm của bếp, thực phẩm dễ dàng bị hư hỏng, đặc biệt là những loại thực phẩm gần đến hạn sử dụng hay bị héo úa, không còn đảm bảo chất lượng cũng như giá trị dinh dưỡng. Vì vậy, việc kiểm tra thường xuyên và ưu tiên sử dụng các thực phẩm cận ngày là cách hiệu quả để giữ cho không gian nhà bếp luôn sạch sẽ, an toàn, đồng thời tránh lãng phí thực phẩm . Đối với những thực phẩm cần bảo quản trong tủ lạnh, bạn nên cất giữ chúng cẩn thận bằng cách làm sạch và hạn chế tình trạng ẩm ướt. Rau củ quả sau khi mua về, bạn hãy nhặt bỏ những phần bị héo úa rồi rửa sạch, để ráo nước, có thể bọc lại bằng giấy báo hoặc túi nilon để giữ cho thực phẩm không bị mất nước, tươi lâu hơn, sau đó mới cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Bạn nên sắp xếp các loại củ, quả ở phía dưới, các loại rau xanh dễ héo úa hãy đặt phía trên để hạn chế tình trạng va đập gây dập nát. Shantae Duckworth cho biết, phương pháp FIFO là một cách tuyệt vời để bạn theo dõi tần suất sử dụng một số mặt hàng nhất định và xem xét ngày hết hạn của chúng. Việc làm này giúp bạn xác định số lượng thực phẩm cần mua, thực phẩm sử dụng thường xuyên hay chỉ là những thứ thỉnh thoảng ít sử dụng. Ngoài ra, nếu nhà bếp của bạn vẫn còn một số thực phẩm, đồ hộp gần ngày hết hạn, bạn hãy tìm kiếm những công thức nấu ăn để kết hợp tất cả những nguyên liệu ấy lại với nhau. Việc làm này giúp bạn tận dụng được những món đồ còn dư thừa đồng thời còn tạo ra những món ăn sáng tạo có hương vị mới lạ mà bạn không cần phải mua thêm những thực phẩm hay nguyên liệu mới. 

Áp dụng phương pháp FIFO vào không gian phòng tắm

Phòng tắm là không gian để bạn thư giãn, chăm sóc bản thân. Đây là nơi bạn sử dụng hằng ngày, vì thế không gian phòng tắm cần được dọn dẹp thường xuyên, định kỳ để luôn sạch sẽ và thoáng mát. Phòng tắm cũng thường là nơi chứa nhiều sản phẩm, từ sữa tắm, dầu gội, kem dưỡng da… Với tần suất sử dụng thường xuyên, bạn dễ có thói quen mua những vật dụng này với số lượng lớn để tích trữ. Để tối ưu hóa không gian và tránh lãng phí, bạn có thể áp dụng phương pháp FIFO để không gian phòng tắm trở nên gọn gàng hơn. Bằng cách sắp xếp các sản phẩm theo thứ tự, đảm bảo rằng những sản phẩm cũ sẽ được sử dụng trước, bạn có thể tiết kiệm được chi phí, giữ cho phòng tắm luôn gọn gàng và ngăn nắp. Thói quen này không chỉ giúp bảo quản tốt các sản phẩm mà còn giúp bạn dễ dàng kiểm soát lượng đồ đạc trong không gian nhỏ hẹp như phòng tắm.

không gian nhà tắm
Ảnh: Unsplash/Jonny Caspari

Bạn có thể bắt đầu bằng việc sắp xếp và phân loại các vật dụng trong phòng tắm thành từng nhóm rõ ràng. Chẳng hạn, nhóm các sản phẩm chăm sóc cá nhân gồm dầu gội, sữa tắm, kem dưỡng da riêng biệt hay nhóm các vật dụng vệ sinh gồm  giấy vệ sinh, khăn tắm, hoặc các sản phẩm tẩy rửa. Đối với những sản phẩm tẩy rửa có nồng độ hóa chất cao, hãy đảm bảo chúng được đặt ở vị trí an toàn, tránh xa tầm với của trẻ nhỏ. Bạn có thể sử dụng hộp đựng hoặc giá treo tường để giữ chúng gọn gàng và dễ tiếp cận khi cần thiết. Hãy duy trì thói quen kiểm tra hạn sử dụng của những loại sản phẩm này, vì sản phẩm tẩy rửa có hạn sử dụng khá ngắn kể từ khi bạn mở nắp. Việc kiểm tra thường xuyên giúp đảm bảo bạn luôn sử dụng những sản phẩm chất lượng, tránh lãng phí hay sử dụng các sản phẩm đã hết hạn có thể gây hại cho da hoặc sức khỏe. 

 

Nhóm thực hiện

Bài:  Hồng Nhung

Tham khảo: Real Simple

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)