Bỏ túi 7 mẹo giúp bạn tiết kiệm tiền khi mua sắm online
Mua sắm online đã là một lựa chọn phổ biến từ lâu vì tính tiện dụng cao. Trong thời điểm hiện tại, nó thậm chí còn là lựa chọn duy nhất đối với một số khu vực. Vậy, làm sao để kiểm soát chi tiêu và tiết kiệm tiền trước những cám dỗ trên các trang thương mại điện tử?
Trước kia, có thể tạm chia thế giới thành hai nhóm người: nhóm thích mua sắm trên mạng và nhóm thích ra cửa hàng để tận mắt kiểm tra sản phẩm, dùng thử, hỏi thêm thông tin và đôi khi là để… trả giá. Nhiều người cho rằng mua sắm trực tiếp sẽ dễ kiểm soát và tiết kiệm tiền hơn mua sắm online. Giờ đây, do đại dịch COVID-19, người tiêu dùng không còn nhiều lựa chọn như thế nữa. Hầu hết mọi người đều đã chuyển sang mua sắm online trên các trang thương mại điện tử.
Mua sắm online tất nhiên rất tiện lợi. Tất cả mọi thứ đều có thể tìm thấy trên mạng và sẽ được giao đến nhà bạn chỉ sau một cú click chuột. Tuy nhiên, chính vì tính tiện lợi cao cùng với việc chỉ nhìn thấy sản phẩm bằng hình ảnh (dĩ nhiên là luôn đẹp mắt) mà nhiều người dễ bị cuốn vào vòng xoáy mua sắm, đôi khi là mua lầm. Nếu không tỉnh táo, bạn rất dễ tiêu tiền vượt ngân sách, thậm chí dẫn đến nợ nần.
Dưới đây là một số mẹo có thể giúp bạn quản lý chi tiêu và tiết kiệm tiền khi mua sắm online.
Lập kế hoạch mua sắm với một danh sách sản phẩm chi tiết
Khi mua sắm online không có chủ đích, bạn có thể ngồi hàng giờ để lướt xem sản phẩm và khả năng cao sẽ bị thu hút bởi những món hàng hấp dẫn. Những suy nghĩ phổ biến như “nếu không mua bây giờ, có thể sau này sẽ không mua được nữa” hoặc “cứ mua trước đã, sau này chắc chắn sẽ có việc dùng tới” là cái bẫy tâm lý khiến bạn khó kiềm chế ham muốn mua sắm. Chính vì vậy, để tiết kiệm hầu bao, bạn cần phải có kế hoạch mua sắm cụ thể. Với một danh sách sản phẩm chi tiết, bạn chỉ cần tập trung tìm những mặt hàng trong danh sách và giảm khả năng bị phân tâm bởi những món đồ khác.
Hãy lập một danh sách các sản phẩm cần mua và sắp xếp theo mức độ ưu tiên giảm dần. Ví dụ, hiện tại bạn cần ưu tiên mua thực phẩm, đồ gia dụng, sau đó mới tới các mặt hàng giải trí như sách, đồ chơi và cuối cùng là vật dụng trang trí nhà cửa. Hoặc cũng có thể bạn đang cần mua mỹ phẩm trước rồi mới tới thực phẩm. Thứ tự ưu tiên này tùy thuộc vào nhu cầu của bạn tại thời điểm đó. Hãy nhớ, mong muốn của con người là vô hạn. Nếu tài chính không dư dả, hãy xác định khoản tiền cụ thể cho một lần mua sắm và cân đối làm sao để có thể mua được càng nhiều sản phẩm trong danh sách càng tốt. Trong trường hợp đã vượt quá mức chi tiêu cho phép trong đợt mua sắm này, bạn chỉ việc chuyển các món đồ ở cuối danh sách (nghĩa là những món đồ chưa thực sự cần thiết) sang đợt mua sắm tiếp theo.
Mua sắm với thẻ quà tặng giảm giá
Khi bạn đã xác định được số tiền mình định chi tiêu, hãy cân nhắc mua thẻ quà tặng với số tiền chính xác đó thay cho các phương thức thanh toán khác. Việc một khoản tiền cố định được thiết lập cho những mục đích mua sắm nhất định sẽ giúp hạn chế nguy cơ chi tiêu quá mức.
Bạn có thể mua thẻ quà tặng từ cửa hàng, từ các nhà cung cấp thẻ tín dụng, từ dịch vụ cung cấp thẻ quà tặng trọn gói hoặc từ các trang thương mại điện tử. Các loại thẻ quà tặng thường được phát hành để mọi người… tặng cho nhau, nhưng bạn hoàn toàn có thể sử dụng như một phương thức quản lý chi tiêu. Hơn nữa, thẻ quà tặng thường có đa dạng mệnh giá từ thấp tới cao với mức chiết khấu lên đến 10%, nếu sử dụng thông minh sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền nhất định đấy.
So sánh giá
Đối với những mặt hàng lớn như đồ gia dụng, đồ điện tử, đồ nội thất… bạn nên so sánh giá giữa các trang thương mại trước khi quyết định mua. Bạn có thể tìm kiếm nhanh trên trang Mua sắm của Google. Khi nhập tên mặt hàng muốn mua, Google sẽ đề xuất các trang thương mại điện tử uy tín với mức giá cụ thể. Ngoài ra, bạn cũng có thể tra cứu giá trên các trang web so sánh giá trực tuyến như websosanh.vn, sosanhgia.com, topgia.vn, 2momart.vn… Các trang này không chỉ cung cấp thông tin sản phẩm, mức giá mà còn cung cấp đường dẫn về trang bán hàng trực tiếp, khá tiện lợi.
Nhiều người có thói quen chỉ mua sắm trên một trang thương mại điện tử quen thuộc. Tuy nhiên, thói quen này có thể khiến bạn bỏ lỡ các cơ hội mua sắm với mức giá ưu đãi hơn. Người tiêu dùng thông minh sẽ biết cách khai thác các trang thương mại khác nhau để mua được mặt hàng mong muốn với chi phí thấp nhất. Điều này giúp họ tiết kiệm rất nhiều tiền khi mua sắm online.
Theo dõi các thương hiệu yêu thích trên phương tiện truyền thông xã hội
Nhiều thương hiệu sử dụng các kênh truyền thông xã hội như một công cụ tiếp thị để thúc đẩy việc ra mắt sản phẩm mới và bán hàng. Đừng ngần ngại nhấn “like” hoặc “follow” các thương hiệu mà bạn yêu thích trên Facebook hoặc Instagram, nếu không, có thể bạn đang bỏ lỡ một khoản tiết kiệm khổng lồ đấy. Đó là nơi mà các cửa hàng/thương hiệu thường xuyên cung cấp mã khuyến mãi hoặc quyền truy cập sớm vào chương trình giảm giá (không được công bố rộng rãi trên các trang thương mại điện tử) – đây được xem như quyền lợi dành cho những người theo dõi họ.
Các chương trình giảm giá này có thể không nằm trong đợt khuyến mãi lớn của các trang thương mại điện tử mà gắn liền với một sự kiện kỷ niệm nào đó, ví dụ như sinh nhật thương hiệu, chiến dịch công bố sản phẩm mới, ra mắt gương mặt đại diện hay các ngày lễ đặc biệt như ngày Quốc tế Son môi, ngày Quốc tế Phụ nữ… Bên cạnh “săn” được các sản phẩm mới, bạn còn có thể nhận được mã khuyến mãi lên đến 50% trong các dịp này. Quả là một khoản tiết kiệm không nhỏ, đúng không?
Tận dụng các ưu đãi của nhà cung cấp thẻ tín dụng/ví điện tử
Vào lần tới, nếu nhận được email hoặc thông báo của nhà cung cấp thẻ tín dụng, ứng dụng ngân hàng online hay ví điện tử, đừng vội xóa hay bỏ qua nó. Bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền nếu thường xuyên kiểm tra các chương trình ưu đãi liên kết với phương thức thanh toán mà mình đăng ký.
Mỗi ngân hàng/nhà cung cấp thẻ tín dụng/ví điện tử đều có các chương trình hấp dẫn nhằm giữ chân khách hàng. Ví dụ, nếu thanh toán bằng thẻ Visa, MasterCard hoặc một số ví điện tử có liên kết với các trang mua sắm như Tiki, Lazada, Shopee… bạn sẽ được giảm giá, tặng phiếu mua hàng, hoàn tiền hoặc tích điểm tùy theo chương trình liên kết. Đôi khi, các ngân hàng/ví điện tử còn liên kết với một số thương hiệu cụ thể để giảm giá khi mua hàng. Sử dụng phương thức thanh toán có mức ưu đãi cao nhất theo từng mặt hàng/kênh bán hàng sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền khi mua sắm online.
Mua cùng một nhà bán lẻ để tiết kiệm phí vận chuyển
Hiện nay, các trang thương mại điện tử mặc dù vẫn có đội ngũ shipper riêng nhưng lại tính phí vận chuyển theo từng đối tác bán hàng. Điều đó có nghĩa là, nếu như bạn mua 5 món hàng từ 5 nhà cung cấp khác nhau trên Tiki, bạn vẫn phải trả 5 khoản phí vận chuyển – trong trường hợp này, Tiki đóng vai trò như một nhà phân phối và vận chuyển trung gian.
Vì vậy, trước khi mua sắm, bạn nên chia các sản phẩm cần mua theo nhóm như: nhóm lương thực, thực phẩm; nhóm đồ gia dụng, vệ sinh nhà cửa; nhóm mỹ phẩm, chăm sóc cá nhân; nhóm đồ dùng nhà bếp… Như vậy, bạn có thể mua được nhiều sản phẩm trong một cửa hàng chuyên biệt và chỉ cần trả một lần phí vận chuyển. Ngoài ra, bạn cũng nên lọc các cửa hàng gần nơi mình ở để có được phí vận chuyển thấp nhất.
Săn sale thông minh
“Săn sale” đã trở thành thuật ngữ quen thuộc đối với các tín đồ mua sắm online. “Ngày hội siêu sale” là ngày hội diễn ra thường xuyên và được mong chờ nhất trên các trang thương mại điện tử. Có rất nhiều lý do để sale: Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán, Valentine, ngày lễ 30/4 – 1/5, ngày lễ Quốc Khánh 2/9, ngày lễ độc thân 11/11, Black Friday, Cyber Monday, Back to school, Final Clearance, Flash Sale… Chưa kể, những ngày có cặp số trùng trong tháng cũng thường được chọn làm ngày siêu sale, ví dụ như 8/8, 9/9, 10/10…
Nói chung, các chương trình giảm giá, khuyến mại thường diễn ra quanh năm với mục đích kích cầu, thúc đẩy mua sắm. Tuy nhiên, nếu “săn sale có kế hoạch”, bạn sẽ vừa thỏa mãn sở thích mua sắm, vừa tiết kiệm được tiền. Các đợt sale nhỏ lẻ hằng tháng thường tập trung vào đồ gia dụng, thực phẩm hoặc các sản phẩm không quá đắt tiền, với mức giảm không quá cao. Bạn có thể mua các mặt hàng cơ bản, nhu yếu phẩm trong những đợt sale này. Các đợt giảm giá sâu thường diễn ra vào cuối năm hoặc chuyển mùa. Bạn có thể lên kế hoạch mua quần áo cho cả năm vào dịp Black Friday, mua món đồ điện tử yêu thích vào Cyber Monday, mua mỹ phẩm vào dịp Valentine hoặc canh các đợt Final Clearance của thương hiệu mình yêu thích. Những đợt xả kho thường có mức giảm giá lên tới 90%, bạn hoàn toàn có thể tìm được những món hời nếu đợi được đến ngày này.
Bài: Đ.T
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE