Tuổi 20 là độ tuổi bạn có rất nhiều điều muốn làm, nhiều nơi muốn đến nhưng vấn đề tài chính lại khiến bạn trì hoãn mọi việc. Đó chính là lý do bạn cần quản lý chi tiêu một cách hợp lý, khoa học để có thể cân bằng giữa các khoản chi bắt buộc và nhu cầu cá nhân. 6 gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn nhận ra những khoản nào là đầu tư xứng đáng và đâu là khoản bạn nên tiết kiệm.
Dành tiền để “mua” những trải nghiệm thay vì giá trị vật chất
Khi bạn không thể đáp ứng cùng lúc nhiều nhu cầu của bản thân, hãy chọn cho mình một phương án phù hợp nhất. Và những trải nghiệm mới mẻ sẽ là món “đầu tư” có lợi dành cho bạn hơn những món đồ vật chất xa xỉ. Bạn có thể vô cùng hào hứng cho chiếc túi hàng hiệu mới mua nhưng theo thời gian, sự hứng thú đó sẽ không còn nữa. Tuy nhiên, cảm giác khi được trải nghiệm điều mới mẻ lại có thể lưu giữ trong bạn đến suốt đời. Đó có thể là một môn thể thao cảm giác mạnh mà bạn chưa bao giờ thử, hoặc một khóa học nấu ăn nếu bạn là cô nàng yêu thích công việc bếp núc.
Tuổi 20, hãy đi du lịch nước ngoài ngay khi có thể
Ở tuổi 20, bạn đang trong trạng thái sức khỏe tốt nhất. Niềm hứng thú khám phá thế giới xung quanh luôn thôi thúc bạn “xách ba lô lên và đi”. Do đó, đừng đợi đến khi có đủ khả năng tài chính mới đặt vé máy bay cho một chuyến đi ngoài biên giới quốc gia. Nếu chưa đủ khả năng cho một chuyến đi dài ngày ở một đất nước xa xôi, bạn có thể lên một kế hoạch du lịch tiết kiệm, đến một quốc gia gần nơi bạn đang sinh sống. Giá trị của chuyến đi không nằm ở việc bạn ở khách sạn mấy sao, đi vé máy bay hạng sang hay không. Điều quan trọng là sau đó, bạn học được điều thú vị gì ở các nước khác. Du lịch nước ngoài là cách tốt nhất để bạn học hỏi, trải nghiệm và trưởng thành.
Đưa tiền cho cha mẹ
Mặc dù cha mẹ chưa bao giờ mong con trả lại tiền nhưng bạn có thể chủ động làm điều đó. Dù là một số tiền ít thôi nhưng nó vẫn khiến cha mẹ bạn cảm thấy hạnh phúc. Niềm vui của họ không đến từ khoản tiền bạn gửi nhiều bao nhiêu. Cha mẹ chỉ vui và tự hào khi nhìn thấy bạn chín chắn và đáng tin cậy ra sao khi đã bước sang độ tuổi 20.
Quyên góp cho một quỹ từ thiện
Bạn có thể chọn một tổ chức từ thiện nào bạn thích, sau đó quyên một khoản tiền vào đó tùy theo khả năng của mình. Hạnh phúc chỉ thực sự là hạnh phúc khi nó được sẻ chia. Có thể nó chỉ là một số tiền nhỏ bằng tiền ăn vặt của bạn nhưng với những người có hoàn cảnh khó khăn, đó là cả một món quà giá trị. Bạn sẽ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi tiền của mình có thể giúp đỡ cho nhiều người khác.
Đầu tư vào niềm đam mê hoặc công việc
Nếu bạn nghĩ việc đầu tư chỉ dành cho những người có thu nhập cao thì chắc hẳn bạn nên thay đổi suy nghĩ này. Tuổi 20, dù không có khả năng tài chính ổn định như độ tuổi khác nhưng đây là thời điểm thích hợp để bạn đầu tư cho chính mình. Đó không cần là việc gì quá to tát, bạn có thể dành tiền cho việc bạn yêu thích hoặc bất cứ điều gì giúp ích cho công việc của bạn. Ví dụ bạn muốn học một ngôn ngữ mới, đừng chần chừ mà hãy tìm ngay một khóa học phù hợp. Có thể bạn không thấy ngay lợi ích của nó nhưng sau đó, bạn sẽ thầm cảm ơn khoản đầu tư như thế này đấy.
BÀI LIÊN QUAN
Không bao giờ tiêu hết số tiền bạn đang có
Cuối cùng, bạn không nên dùng hết toàn bộ số tiền mình đang có. Mỗi khi bạn quyết định chi cho việc gì, hãy chắc chắn rằng đó là điều có ích cho bạn. Hãy mua những gì bạn thật sự “cần” và đừng quá phung phí vào những món bạn “thích”. Đó là cách giúp bạn tránh khỏi tình trạng rỗng túi và thiếu tiền phòng thân trong những lúc cấp bách.
Quy tắc tiết kiệm 50/20/30 được xem là “quy tắc vàng” dành cho mọi người, đặc biệt là những ai đang ở độ tuổi 20. Trong đó, bạn sẽ dành 50% thu nhập cho các chi phí cố định như tiền ăn, ở, đi lại và thanh toán hóa đơn. 20% là khoản bạn dành cho tiết kiệm, trả nợ hoặc chi phí dự phòng. 30% còn lại sẽ là số tiền bạn có thể dùng cho việc đi du lịch, mua sắm. Nếu có thể tuân theo quy tắc trên, bạn vừa có thể trả chi phí sinh hoạt vừa thoải mái vui chơi mà không cần lo nghĩ.
Không chỉ riêng ở độ tuổi 20 mà ở bất cứ độ tuổi nào, tiết kiệm không bao giờ là việc làm thừa thãi. Bạn sẽ không biết được tương lai sẽ xảy ra chuyện gì, do đó, một số tiền dự trữ là điều vô cùng cần thiết. Hãy là một người tiêu tiền thông minh, biết đầu tư đúng lúc và tiết kiệm đúng chỗ.
—
Xem thêm:
3 bí mật tiết kiệm thời gian tận hưởng cuộc sống
Bí quyết tiết kiệm tiền khi đi du lịch nước ngoài
Nhóm thực hiện
Thùy Dung (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Elitedaily)