Lifestyle / Bí quyết sống

5 bước biến công việc hiện tại của bạn thành công việc mơ ước?

Ralph Waldo Emerson từng chia sẻ: "Hãy mơ về những gì bạn muốn mơ và đi tới những nơi bạn muốn tới. Hãy làm những gì bạn muốn làm vì bạn chỉ có một cuộc đời, một lần cơ hội để làm những gì bạn muốn". Thật vậy, chúng ta chỉ sống có một lần, tại sao không làm những công việc khiến bạn hạnh phúc?

Đây là câu hỏi dành cho bạn: Bạn có đang làm công việc mình mơ ước không? Nếu câu trả lời là “không”, đừng buồn, vì bạn không đơn độc. Một cuộc khảo sát từ Đại học MidAmerica Nazarene cho thấy, chỉ có 25% người Mỹ nói rằng họ đang được làm công việc đúng ý mình. 75% còn lại có lẽ vẫn đang loay hoay đi tìm một “miền đất hứa”, nơi có thể khiến mỗi sáng thứ Hai cũng giống như sáng thứ Bảy. Tuy nhiên, con đường dẫn đến “miền đất hứa” ấy là một con đường đầy chông gai và thử thách. 

Thế nhưng, nghĩ khác đi một chút, có khi nào bạn đang “đứng núi này trông núi nọ” và mơ về một “miền đất hứa” không có thực? Liệu công việc bạn đang làm đã là lựa chọn phù hợp nhất? Nếu vậy, làm sao để bạn thay đổi cách nhìn đối với công việc hiện tại và khiến nó trở nên xứng đáng với mong đợi của mình hơn? 

1. Hiểu về công việc bạn muốn làm

Tiến sĩ Henry Van Dyke đã có lời khuyên rất hay dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học như sau: “Lời khuyên của tôi đối với các bạn là đừng chờ đến khi tìm được con đường tốt nhất mà cứ bước tới và làm ngay một việc gì đó. Hãy chọn con đường có nhiều khả năng dẫn tới điều bạn muốn. Bạn sẽ học được nhiều thứ từ hành động hơn là chỉ ngồi đó suy nghĩ. Và ngay cả khi phạm phải sai lầm, chỉ cần biết cách học từ đó, nó cũng có thể trở thành tài sản giá trị nhất”.

Những mô tả công việc trên các bản tin tuyển dụng hay tự mường tượng về công việc trong mơ không giúp bạn thực sự hiểu đúng về những gì mình muốn làm. Chỉ có trải nghiệm, thực hành và học hỏi ngay trong quá trình làm việc mới giúp bạn có được cái nhìn thực tế và sâu sắc về ngành nghề bạn chọn. Ngay cả khi đi đến quyết định thay đổi nghề nghiệp sau một thời gian làm việc, ít nhất bạn cũng đã nhận ra mình không yêu công việc này như mình nghĩ. 

Công việc ước mơ
Nguồn: Unsplash

Cho dù bạn đang đứng ở bất kì vị trí xuất phát nào, bạn vẫn có thể bắt đầu để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Xác định nghề nghiệp mơ ước không có nghĩa là ngay ngày mai bạn sẽ được làm chính xác công việc đó. Đó là một hành trình cần nhiều thời gian và cả sự kiên nhẫn. Điều quan trọng là bạn phải biết mình cần làm những gì để đến được nơi mình muốn đến. Tại sao bạn muốn theo đuổi sự nghiệp này? Điều gì ở vị trí đó hấp dẫn bạn? Lấy một cuốn sổ ghi chép và trả lời tất cả những câu hỏi xoay quanh công việc mơ ước, càng chi tiết càng tốt. Điều này sẽ giúp bạn xác định mình có những tố chất/tiềm năng nào và cần trau dồi những gì để có thể đạt được vị trí mong muốn. Thậm chí, bạn có thể bắt đầu thay đổi từ chính vị trí hiện tại của mình thay vì chỉ hy vọng vào một cơ hội hoàn toàn mới.  

2. Thực tế với những kỳ vọng của bản thân

Nếu bạn đang cảm thấy chán nản với công việc hiện tại, hãy dừng lại một chút để tự vấn bản thân. Lý do bạn làm công việc này là gì? Bạn nhận lương để làm việc gì? Và đâu là những điều bạn không hài lòng trong công việc? Nên nhớ rằng công việc được gọi là “công việc” vì có lý do. Ngay cả khi bạn được làm một công việc trong những tưởng tượng hoang đường nhất, vẫn sẽ luôn có điều gì đó mà bạn không muốn thực hiện. Sẽ không bao giờ có cái gọi là “công việc hoàn hảo” ở trên đời. Bất cứ ai cũng phải thỏa hiệp với một số thứ mà bản thân không thích để hoàn thành trách nhiệm, đó không phải là sự miễn cưỡng, đó gọi là “chuyên nghiệp”. Liệu bạn có đang kỳ vọng quá cao về những gì bạn muốn nhận được trong công việc, so với những gì bạn bỏ ra? Sau khi nhìn nhận thực tế và cân nhắc kỹ lưỡng, có thể bạn sẽ bớt cảm thấy bất công hay giải thích được những điều mà mình chưa hài lòng.

Ngay cả khi bạn được làm một công việc trong những tưởng tượng hoang đường nhất, vẫn sẽ luôn có điều gì đó mà bạn không muốn thực hiện.

cô gái đi tìm cảm hứng về công việc
Ảnh: Pexels/Anna Shvets

Khi nghĩ về hướng phát triển trong công việc hiện tại, bạn phải tỉnh táo và thực tế về những điều bạn có thể hoặc không thể. Cấp trên có thể cho bạn cơ hội làm trưởng nhóm của một dự án hoặc tham gia chương trình phát triển năng lực lãnh đạo của công ty. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn sẽ được thăng chức ngay trong nay mai. Kỳ vọng phải đi cùng với năng lực thực tế. Nếu bạn chưa đủ tin cậy để được giao vai trò lớn hơn, thay vì thất vọng và chán nản, hãy xem như đây là thời gian để chuẩn bị kiến thức và kỹ năng tốt hơn. Khi bạn đã sẵn sàng, cơ hội sẽ tìm đến bạn.    

3. TÂM SỰ VỚI cấp trên Về Định hướng của bản thân

Sau khi xác định được mục tiêu sự nghiệp phù hợp với năng lực của bản thân, bạn sẽ làm gì với những thông tin đó? Đã đến lúc chia sẻ những dự định tương lai với cấp trên của mình. Một trong những cái bẫy lớn nhất mà mọi người thường rơi vào là cho rằng cấp trên có thể nhận ra mong muốn của mình và sẽ cất nhắc nếu bản thân thể hiện tốt. Một khảo sát cho biết, có 82% nhân viên muốn được thảo luận về triển vọng nghề nghiệp với cấp trên từ một đến bốn lần mỗi năm, nhưng chỉ có 42% trong số đó thực hiện điều này.  

cô gái nói ve công việc với cấp trên
Ảnh: Pexels/Alexander Suhorucov

Bạn cần ý thức được quyền làm chủ tương lai của mình và đề xuất nguyện vọng về những loại nhiệm vụ mà bạn có hứng thú cũng như tin rằng mình có thể làm tốt. Hãy tiếp cận cấp trên với một tâm thế tích cực bằng cách nhấn mạnh mức độ quan tâm của bạn đối với công việc, rằng bạn muốn có nhiều cơ hội để đóng góp hơn nữa vì điều này giúp bạn khẳng định giá trị trong tập thể. Bạn cũng nên chứng minh những kết quả khả quan mà bạn đã làm được để cấp trên thấy rằng bạn đã sẵn sàng để nhận nhiều nhiệm vụ hơn. 

Cuối cùng, sau khi trình bày định hướng của bản thân, đừng quên hỏi ý kiến của cấp trên. Họ có thể đưa ra những ý tưởng hoặc thông tin mà bạn không nghĩ ra. 

4. Đặt ra mục tiêu mới để tìm lại tình yêu với công việc

Có lẽ bạn sẽ thấy tâm trí mình thường xuyên nghĩ về công việc mơ ước, đơn giản vì nó khác với thói quen và trách nhiệm hàng ngày của bạn. Chính vì vậy, tiếp cận những mục tiêu mới sẽ giúp bạn khôi phục cảm giác hào hứng và mong đợi những trải nghiệm tiềm năng. Tuy nhiên, cứ mỗi khi bạn bắt đầu một công việc mới (thậm chí là công việc mơ ước) một thời gian, chắc chắn bạn sẽ gặp lại cảm giác bế tắc hoặc trì trệ. Có 84% người được hỏi trong một cuộc khảo sát cho biết, họ đang cảm thấy bị mắc kẹt trong vị trí hiện tại của mình. Điều này cho thấy rằng, đổi việc thường xuyên không phải là một cách giải quyết triệt để. 

Có lẽ bạn sẽ thấy tâm trí mình thường xuyên nghĩ về công việc mơ ước, đơn giản vì nó khác với thói quen và trách nhiệm hàng ngày của bạn.

cô gái tìm mục tiêu cho công việc
Ảnh: Pexels/Gustavo Fring

Bạn có thể tìm lại nhiệt huyết bằng cách đặt ra mục tiêu tiếp theo trong một mốc thời gian cụ thể. Bạn có muốn học thêm một kỹ năng mới? Bạn muốn bao lâu thì được thăng chức? Bạn có định khởi động một dự án lớn? Dù là bất cứ điều gì, hãy biến nó thành một mục tiêu chắc chắn bằng cách vạch ra kế hoạch cụ thể, khả thi và đặt ra ngày kết thúc mục tiêu. Tạo ra một điều lớn lao hơn để hướng tới sẽ giúp bạn có động lực và phấn chấn mỗi khi nghĩ về công việc.  

5. Lập một danh sách về những điều tích cực trong công việc

Thật dễ dàng để bị cuốn vào những điều chúng ta không thích về công việc hiện tại, điều này lý giải vì sao 13% người lao động lại chủ động rời bỏ công việc của họ (trong cảm giác bất bình, đau khổ). Để tránh rơi vào vòng xoáy này, hãy lập một danh sách liệt kê tất cả những điều mà bạn cảm thấy thích hoặc đánh giá cao về công việc của mình.   

Đồng nghiệp của bạn có phải là những người tốt nhất mà bạn hy vọng được làm việc cùng không? Các tùy chọn làm việc tại nhà và lịch trình linh hoạt của công ty có giúp bạn có thêm không gian và thời gian để theo đuổi những đam mê khác? Chế độ tiền thưởng trong ngày lễ như thế nào? Phòng ăn của công ty có loại cà phê mà bạn yêu thích? Bất kể là lớn hay nhỏ, hãy ghi lại những điều tích cực đáng yêu về công việc và đặt nó ở nơi dễ nhìn thấy. Đó sẽ là lời nhắc nhở tuyệt vời mỗi khi bạn cảm thấy bất mãn hoặc chưa suy nghĩ thấu suốt về những khó khăn trước mắt. Rốt cuộc, không phải lúc nào cỏ bên đồi cũng xanh hơn.  

cô gái đặt lại mục tiêu về công việc
Ảnh: Pexels/Anthony Shkraba

Hãy nhớ rằng, không có đường cao tốc nào dẫn đến nghề nghiệp mơ ước, trừ khi bạn thực sự, thực sự may mắn. Tuy nhiên, thay đổi từng bước nhỏ để cải thiện công việc hiện tại có thể đưa bạn đi đúng hướng, và, như một phần thưởng, khiến cho cuộc sống văn phòng hàng ngày của bạn trở nên thú vị hơn rất nhiều.

Biết đâu, công việc mơ ước đã nằm trong tầm tay của bạn rồi, chỉ là bạn chưa nhận ra thôi. 

Nhóm thực hiện

Bài: Đ.T

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Theeverygirl

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)