Tình công vụ
(Phái đẹp – ELLE) Họ vừa là kẻ chủ mưu, vừa là nạn nhân, nhưng cả hai đều là kẻ săn mồi. Chàng và nàng biết thừa những gì mình đang làm. Và vẫn có xác suất nhỏ của những rung cảm tình yêu thật sự.
Trước tiên, tôi hết sức xin lỗi những người đứng đắn và nghiêm túc trong công việc lẫn tình cảm, vì họ mà cuộc đời này vẫn đơm nở những đóa hoa hạnh phúc.
Xã hội chúng ta chia con người làm hai dạng rất rõ: Làm việc vì thấy yêu công việc và làm việc vì phải làm, không thì lấy gì để sống. Điều đáng buồn là đa số nhân loại ở dạng thứ hai, phần ít còn lại họ hạnh phúc và thành công.
Gần hết nhân loại đến công sở trong trạng thái không quá hào hứng, tệ hơn là thấy chán, mệt, “lại phải đi làm”… và họ chỉ ngong ngóng làm cho xong, chờ đến giờ “giải thoát” khỏi cái nơi chán ngắt này. Mà Thượng đế và số phận dường như là những gã thích chơi khăm, họ khoái trá nhìn dân mình ủ rũ ở công sở xong rồi khoát tay: “Chúc mừng ngươi, hết phần 1 của ngày hôm nay. Sau đây là phần 2 – đến giờ về nhà rồi đấy!”. Khổ nỗi những kẻ chán nản trong công việc thường có đời sống hôn nhân tẻ nhạt, gia đình chẳng khác cái lồng nghĩa vụ gò bó. Cuối cùng, điều duy nhất khiến họ khuây khỏa là ăn, xem TV, chờ đến giờ đi ngủ và làm chuyện ấy… Điều tệ nhất chính là ở đây! Khoái cảm tối thượng của nhân loại không cứu rỗi nổi những kẻ chán chường, suy sụp. Phụ nữ thấy đau, bị gò ép, bị thất vọng còn đàn ông thì làm như một thủ tục, ích kỷ, vội vàng chưa nói đến những sức ép công việc nặng nề có thể khiến đàn ông bị “rối loạn” không làm tròn nghĩa vụ với vợ. Hỡi ôi, sao cái cuộc đời này nó khổ thế nhỉ?
Sự cứu rỗi của ái tình
Họ chẳng thể chạy thoát hai cái lồng: công sở và gia đình. Nhu cầu được thoải mái, được thay đổi không khí chán chường đã nhen lên từ lâu trong vô thức dù lý trí nói rằng đừng làm những gì trái với đạo đức. Họ gào lên đòi quyền “mưu cầu hạnh phúc”. Gia đình có vẻ như hết… hi vọng rồi (mong Chúa tha tội báng bổ). Con người không bao giờ chịu hiểu mọi rắc rối, khổ đau đều bắt nguồn từ mình, nên khi tháo gỡ, họ chỉ tìm giải pháp từ bên ngoài. Đó là lí do họ phải thay đổi “không khí” ở nơi làm việc.
Với những cái đầu lơ mơ, uể oải nhưng rất nhanh nhạy với chuyện buôn dưa lê, soi mói nhau… thì một chút lẳng lơ, đong đưa của nàng kế toán này hay sự hào hiệp ga lăng của anh trưởng phòng kia đúng là dòng nước cam lồ mát mẻ. Các cụ đã nói thì hiếm sai: “Cũ người mới ta”, cái lạ bao giờ chả hay, chả phấn khích hơn cái cũ, năng lượng không tự nhiên mất đi nó chỉ chuyển hóa từ nàng này sang nàng khác… Nhưng hãy nói một cách “nhân văn” hơn, họ là những kẻ đồng cảm, “cô đơn theo mùa”, tìm đến với nhau để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Đố ai đếm được có bao nhiêu gã đàn ông làm bộ rất ăn năn sau khi gây án: “Anh xin lỗi em, anh không kiềm chế được cảm xúc”.
Chuyện tình công sở thường xảy ra khi cả hai đều đã có gia đình. Họ vừa là kẻ chủ mưu, vừa là nạn nhân, nhưng ai cũng là kẻ săn mồi. Chàng và nàng biết thừa những gì mình đang làm, vừa có cảm xúc vui, hồi hộp, lại còn “được việc” nữa. Đương nhiên vẫn có xác suất nhỏ của những rung cảm tình yêu thực sự, đè bẹp lý trí và quan niệm đạo đức.
Chuyện tình công sở
Chuyện sếp nam ưng mắt cô nhân viên này, nuốt nước bọt trước vòng ba của cô nhân viên kia là chuyện quá thường. Thú vui của phái mạnh là chinh phục. Nếu quan tâm, ga lăng, chi đẹp, đánh vào điểm yếu tâm lý của nàng thì quá nửa các chàng đạt được mục đích. Hơn nữa dù sao, suy đi nghĩ lại nàng cũng thấy chẳng hại gì, kể cũng thinh thích nữa. Nếu chàng chỉ là gã phàm ăn háo sắc không biết hưởng thụ, thì chơi bẩn, dùng quyền lực, dọa nạt… để chiếm đoạt, ăn thịt “con thỏ” ngon lành kia. Ở nhiều nơi, công sở không khác gì cấm cung của một ông sếp nào đó, các cô nhân viên ra sức làm đẹp, “va quệt cường độ cao”, gây chú ý với sếp, tranh thủ tình cảm của sếp. Những cuộc tình công sở chóng vánh diễn ra, chẳng ai ràng buộc ai, mọi người đều thỏa mãn nhu cầu và tự hiểu đây chỉ là một cuộc phiêu lưu tình ái. Họ đối xử tốt với nhau, tâm sự chuyện đời với nhau, đôi khi “giao hữu” với nhau trong tình thân ái. Chỉ khổ những con thỏ non ngờ nghệch cứ nghĩ mình là nhất trong mắt chàng, ai dè một ngày đẹp trời mới phát hiện hoàng tử bí ẩn của lòng mình cũng đã “như vậy” với gần hết chị em trong công ty rồi.
Tình công sở ở một góc độ nào đó có thể nói 50% phụ nữ bị gạt và lợi dụng, đương nhiên phần còn lại thì “lòng vả cũng như lòng sung”, nàng cũng ranh ma quỷ quyệt biết “buôn may bán đắt” lắm chứ chẳng chơi. Phụ nữ dù sao cũng không thể dễ dãi như đàn ông – những gã sống theo câu châm ngôn “mình có mất gì đâu”. Họ có đủ thứ để giữ gìn, thế nên ít khi nào họ sẵn sàng ngả vào lòng gã nào đấy không phải chồng mình. Tội lỗi lắm chứ, tòa án lương tâm dằn vặt thì đến khổ. Tuy nhiên những nàng này nếu có nhan sắc lại là miếng mồi hấp dẫn nhất, kích thích nhất đối với menu tình công sở.
Chúng ta hãy tin rằng trên đời này luôn tồn tại những người đẹp không tham tiền. Ôi lạy Chúa, thế thì làm sao nàng “vào bẫy”? Tình yêu ư? Nàng đã có chồng. Những chàng không siêu tinh tế, siêu lãng mạn và thủ đoạn thì đừng hòng cưa đổ được. Ấy thế nhưng những chàng bình bình, không quá cao không quá thấp lại đầy rẫy cơ hội.
Tôi xin tiết lộ với các bạn nữ một bí mật. Những người phụ nữ không tham tiền, còn độc thân, yêu mù quáng một người đàn ông đã có vợ con đều chỉ vì dính một chiêu “tất sát” duy nhất: “Cuộc sống của anh nặng nề lắm. Anh không hạnh phúc, anh lạc lõng giữa gia đình của mình, vợ anh không hiểu những tâm sự, những đam mê của anh…”. Túm lại là vợ anh ấy “chặt thịt, làm cá và trả giá”, rồi chuyện chăn gối… chán ngắt, khiến anh ấy buồn, thấy cuộc đời chẳng còn gì vui nữa. May mà còn có em để anh tâm sự, chia sẻ… Chiêu bài này rất dễ hạ gục chị em, những phụ nữ luôn nghĩ rằng nhờ có mình mà anh ấy tìm lại niềm vui sống, chỉ có mình mới làm anh ấy hạnh phúc. Các chàng này lúc đầu đều rất đứng đắn, lại ân cần, lãng mạn, đàn ca sáo nhị văn thơ chụp ảnh nhoay nhoáy… và đến thời cơ thích hợp mới hạ thủ rồi… xin lỗi. Những cuộc tình công sở kiểu này đầy rẫy, và chỉ tội cho phụ nữ khi quá yêu muốn vứt bỏ tất cả để đến với chàng thì chàng chạy mất dép. Những chàng này còn lâu mới bỏ vợ, họ chỉ đang đóng một vở kịch mới lâm ly sung sướng để thay đổi không khí mà thôi.
Muôn mặt tình công sở, vui có, buồn có, thảm thương có nhưng đa phần đều kết thúc trong đau khổ, mất mát, để lại nhiều vết thương tâm lý chưa kể đến những ảnh hưởng về uy tín lẫn công việc. Một số đôi biết dừng đúng lúc, biết chùi mép khéo vẫn quay về với gia đình và thở phào: “May mà…”. Tình cảm không phải cuộc chơi, những kẻ đùa giỡn với tình ái dù vì bất cứ lí do “chính đáng” nào cũng nhanh chóng trả giá đắt. Dừng lại trước khi quá muộn là điều không phải ai cũng nhận ra. Đang vui mà!
Bài: Thiên Ca
Phái đẹp – ELLE