Trong giao tiếp, sự im lặng có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy tình huống. Đôi khi, việc im lặng là hình thức ngầm thể hiện sự đồng tình, hoặc là cách chấm dứt cuộc hội thoại để tránh gây mâu thuẫn giữa đôi bên. Học cách im lặng đúng lúc sẽ giúp bạn giao tiếp tinh tế, đồng thời giúp bạn thể hiện sự tôn trọng với đối phương và chính mình. Hãy cùng ELLE khám phá 5 tình huống bạn nên giữ im lặng để hạn chế gặp rắc rối.
1. Khi bạn đang trải qua những cảm xúc tiêu cực
Khi khả năng phán đoán bị ảnh hưởng bởi cảm xúc tiêu cực, lời nói của bạn thường thiếu khách quan, dễ gây tổn thương làm rạn nứt mối quan hệ. Chẳng hạn, vào những lúc nóng giận, bạn rất dễ nói ra những lời khó nghe và có xu hướng muốn bộc lộ tất cả những suy nghĩ, hành động với người đối diện như một cách thỏa mãn cảm xúc tiêu cực. Khi cảm xúc được ổn định, bạn nhận ra những gì mình đã nói không hoàn toàn đúng, lúc này, việc sửa chữa hậu quả có thể trở nên vô cùng khó khăn. Vào những lúc cảm thấy giận dữ, buồn bã… im lặng là cách cho bạn thời gian để bình tĩnh, tránh nói những lời có thể làm tổn thương người khác. Trong lúc tranh cãi quyết liệt, bạn có thể yêu cầu đối phương tạm dừng cuộc trò chuyện và quay lại giải quyết vấn đề khi cảm xúc đã dần ổn định.
Khi đã cân bằng cảm xúc và sắp xếp suy nghĩ một cách logic, lời nói của bạn sẽ mang tính xây dựng hơn, từ đó vấn đề cũng sẽ phần nào được giải quyết dễ dàng hơn. Giữ im lặng không phải là trốn tránh, mà là cách để bạn bảo vệ chính mình và những người xung quanh khỏi những hệ quả tiêu cực do sự phán đoán thiếu chính xác gây ra.
2. Bạn đang bị xúc phạm
Dù ở bất cứ độ tuổi nào, chúng ta khó tránh khỏi việc phải đối mặt với lời nói khiếm nhã, thiếu tế nhị hoặc những lời châm chọc, khiêu khích. Trong những tình huống như vậy, im lặng chính là một cách đáp trả đầy khôn ngoan và hiệu quả. Thái độ im lặng của bạn sẽ là một câu trả lời mạnh mẽ, đầy sự uy nghiêm, nhưng cũng vừa đủ mềm mỏng để không làm đối phương mất mặt.
Im lặng là cách để bạn có thời gian bình tâm, tránh việc phản ứng, hành động vội vàng, mất kiểm soát làm xấu hình ảnh của bản thân. Đôi khi, đôi phương buông những lời lẽ xúc phạm chỉ vì muốn kích động bạn hoặc muốn bạn phải chống trả thật quyết liệt nhằm giảm danh dự của bạn. Vì vậy, im lặng và phớt lờ trong những trường hợp này cũng là cách để khiến đối phương thất vọng và nhận ra sự vô ích trong việc cố gắng hạ thấp uy tín của bạn. Bạn có thể bắt đầu bằng việc phớt lờ những lời nói của họ, hướng sự tập trung của bản thân vào một hành động nào đó như sử dụng điện thoại, đeo tai nghe… Im lặng cho bạn không gian để suy nghĩ và chuẩn bị một cách phản hồi phù hợp, nếu cần. Bằng cách này, bạn có thể tránh việc bị cuốn vào vòng xoáy tiêu cực, bảo vệ danh dự và hình ảnh của mình một cách tinh tế.
BÀI LIÊN QUAN
3. Im lặng trong khi người khác đang nói
Ai trong chúng ta cũng đều mong muốn được lắng nghe và thấu hiểu, đặc biệt khi bạn đang giãi bày tâm tư hay những vấn đề khó khăn. Giá trị của sự im lặng không chỉ dừng lại ở việc nhường lời mà còn là cách thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu với câu chuyện của người khác. Khi bạn thực sự lắng nghe một ai đó, không chen ngang, không cướp lời hay để tâm trí lơ đãng, bạn đã tạo nên cuộc trò chuyện có ý nghĩa, đối phương cũng cảm nhận họ là người có giá trị, bạn tôn trọng câu chuyện và cảm xúc của họ. Im lặng để lắng nghe còn là một nghệ thuật giao tiếp tinh tế, khi bạn đặt bản thân vào vị trí người nghe cuộc trò chuyện trở nên có ý nghĩa hơn. Lắng nghe chủ động chính là một nét đẹp tinh tế, một dấu hiệu của sự văn minh trong cách cư xử, tạo không gian giao tiếp gần gũi và nhân văn hơn.
Xem thêm
•[Review phim] “The Trunk”: Câu chuyện về tình yêu, tự do và sự giải phóng
•8 hành động tinh tế giúp bạn tăng sức hút
•Khám phá những sự thật thú vị về 7 vòng hào quang của mỗi người
4. Khi lời nói có khả năng làm tổn thương người khác
Trước khi phát ngôn, bạn hãy tự hỏi: “Liệu điều mình sắp nói có làm tổn thương ai đó hoặc khiến mối quan hệ rạn nứt không?”. Sự cân nhắc này sẽ giúp bạn hạn chế gây tổn thương không đáng có và duy trì sự hòa hợp trong giao tiếp. Trong những cuộc tranh luận nảy lửa, khi cảm xúc đang bùng nổ, người khôn ngoan sẽ hiểu rằng im lặng là lựa chọn tốt nhất. Im lặng không phải là hành động yếu đuối hay nhu nhược, mà đây là cách để bạn giữ lại sự tỉnh táo, ngăn những lời lẽ gay gắt thốt ra trong cơn bốc đồng. Đó là lúc bạn kiềm chế mong muốn chiến thắng bằng mọi giá, để tránh làm tổn thương người khác cũng như chính mình. Hoặc đôi khi, bạn nghĩ rằng một câu bông đùa trong một cuộc trò chuyện thân mật tưởng chừng vô hại, nhưng lại có thể tác động sâu sắc đến tâm trạng của người đối diện mà có thể họ không biểu hiện điều này ra bên ngoài. Hơn nữa, nếu một lời nói đùa chỉ mang lại niềm vui cho bạn mà khiến người khác tổn thương, thì đó chỉ là hành động vô nghĩa.
BÀI LIÊN QUAN
5. Thiếu bằng chứng để đưa ra kết luận
Trong bất kỳ cuộc thảo luận nào, tính xác thực của thông tin đóng vai trò quan trọng để lời nói của bạn trở nên thuyết phục hơn, những lập luận thiếu căn cứ dẫn đến hiểu lầm và gây hoang mang hoặc thậm chí làm tổn hại đến danh dự của người khác. Khi bạn không chắc chắn những thông tin mình sắp truyền đạt, im lặng chính là lựa chọn khôn ngoan để bảo vệ bạn khỏi những hậu quả không mong muốn mà còn thể hiện sự tôn trọng dành cho những người xung quanh. Mục đích của giao tiếp là việc trao đổi nguồn thông tin từ nhiều góc độ khác nhau, mỗi cá nhân đều mong muốn qua việc tiếp xúc với người khác mà có thông tin chính xác, đáng tin cậy. Nhận ra ý nghĩa này của việc giao tiếp, bạn hãy xem xét cân nhắc kỹ lưỡng tính chuẩn xác của những thông tin mà mình chia sẻ.
Một lời nói vô căn cứ, một tin đồn sai lệch có thể làm ảnh hưởng đến danh dự của ai đó, khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, nếu sự việc chưa đủ bằng chứng để kết luận, thay vì vội vàng phát ngôn, bạn có thể dành thời gian để tìm hiểu, xác minh và chỉ chia sẻ khi đã có đủ thông tin chính xác. Việc im lặng đúng lúc khi thông tin giao tiếp chưa rõ ràng còn giúp xây dựng hình ảnh là người chín chắn và có trách nhiệm. Những người xung quanh sẽ đánh giá cao và tin tưởng bạn hơn khi họ thấy rằng bạn luôn cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lên tiếng. Điều này không chỉ giúp bạn nâng cao uy tín cá nhân mà còn góp phần tạo nên những cuộc trò chuyện chất lượng, mang tính xây dựng.
Nhóm thực hiện
Bài: Hồng Nhung
Tham khảo: Theminds Journal.