Tình yêu có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều thế nào?
Việc quyết định ở bên cạnh một ai đó, dù chỉ mới đính hôn hay đã dọn chung một nhà thì cả hai bên đều có những ảnh hưởng nhất định đối với lối sống của người kia, từ thói quen hằng ngày, sở thích, các mối quan hệ xung quanh và đặc biệt ở cả sức khỏe của nhau.
Tình yêu có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn? Câu trả lời là có đấy. Tất cả các sinh hoạt hàng ngày của bạn và người ấy đều mang đến những ảnh hưởng cho cả hai, tích cực lẫn tiêu cực. Dưới đây là 14 ảnh hưởng liên quan đến sức khỏe mà bạn có thể bị ảnh hưởng từ một nửa của mình. Việc hiểu rõ về nó sẽ giúp bạn cân bằng cuộc sống của mình. Bài viết này của ELLE sẽ giúp bạn nhận định rõ ràng những vấn đề tiềm năng để chuẩn bị sẵn tinh thần cho cuộc sống lứa đôi.
1. Giấc ngủ
Chúng ta đều biết giấc ngủ quan trọng như thế nào đối với bộ máy hoạt động hằng ngày của cơ thể. Một giấc ngủ đủ có thể giúp bạn tỉnh táo và làm việc hiệu quả vào sáng hôm sau. Dù bạn có thừa nhận mình là một người dễ ngủ thì việc thời gian đầu xuất hiện một người nằm cạnh mình sẽ mang đến sự thiếu thoải mái. Giáo sư tim mạch David Gruener của Hiệp hội Phẫu thuật New York giải thích: “Một giấc ngủ đủ cần phải trải qua 4 giai đoạn trong một đêm. Bạn thật sự cần ngủ sâu trong vòng 4 đến 6 tiếng đồng hồ để đạt đến giai đoạn 3 – giai đoạn rất quan trọng. Khi đó cơ thể tiết ra hormone có lợi, nhưng điều đó sẽ không xảy ra nếu đêm đó bạn thức giấc nhiều lần”.
Vậy nên nếu người ấy thường xuyên chuyển mình, có thói quen thức giấc sớm hoặc vào giường ngủ muộn, cơ thể bạn sẽ không thể hồi phục đủ sau một ngày dài được.
2. Rượu bia và chất gây nghiện
Rượu và chất gây nghiện chắc chắn là bộ đôi không thể mang đến cho bạn một lối sống lành mạnh được. Vậy nếu ‘nửa kia’ thích các thức uống có cồn và chất kích thích thì khả năng sức khỏe bạn bị ảnh hưởng là có đấy. Giáo sư Donnica Moore, chủ tịch Hội sức khỏe phụ nữ Sapphire nói rằng: “Dù bạn tự nhủ mình chỉ thưởng rượu vào dịp lễ hay cuối tuần, nhưng nếu anh ấy uống, bạn sẽ rất khó từ chối việc uống cùng”.
3. Thuốc lá
Chỉ cần một trong hai người hút thuốc lá thì người còn lại cũng bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Moore nói rằng: “Hít phải khói thuốc cũng giống như hành động hút thuốc gián tiếp vậy. Dù bạn không hút nhưng bạn đã tiếp nhận làn khói độc hại ấy vào người mình”. Do đó, đừng nghĩ rằng mình không hút thì sức khỏe không bị ảnh hưởng đâu nhé. Hãy góp ý và giúp người bạn đời của mình thay đổi thói quen xấu đó và thay bằng một thói quen khác có lợi cho sức khỏe hơn.
4. Thói quen ăn uống
Chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng thói quen ăn uống từ người khác, đó có thể là bạn bè, đồng nghiệp, gia đình… những người gần gũi và tiếp xúc với ta mỗi ngày. Ví như bạn sống chung với một ai đó đang giảm cân và kiêng các thức ăn dầu mỡ, bữa ăn của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều vì cả hai thường xuyên nấu chung, ăn chung cùng nhau.
Vì bạn phải làm việc nhiều và không có thời gian nấu nướng. Người bạn của bạn cũng không chung giờ giấc ăn uống như bạn, việc tiện nhất lúc này chính là ăn thức ăn nhanh bên ngoài. Dù bạn có luôn cho thấy lịch trình ăn kiêng được thực hiện tỉ mỉ như thế nào nhưng chỉ cần vài lần phá lệ, lịch trình ban đầu có lẽ đã bị lơi lỏng và đi chệch quỹ đạo rồi.
5. Lây nhiểm khuẩn
Sống chung với nhau, việc lây truyền các bệnh qua đường không khí như cảm cúm, đau mắt đỏ, viêm họng hay những bệnh lây lan qua đường tình dục rất dễ xảy ra. Trước kia, nếu phát hiện một nửa của mình mắc bệnh lây qua đường tình dục, bạn có thể sẽ hoài nghi họ không chung thủy. Nhưng thực tế điều đó là thiếu chính xác.
Giáo sư Moore cho biết: “Một trong những bệnh lây nhiễm đang được nhắc đến gần đây là HPV. Nó khá phổ biến và thống kê có đến hơn 80% người Mỹ trưởng thành nhiễm HPV ở độ tuổi 20. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phương pháp xét nghiệm trên đàn ông nên chúng tôi thường chỉ khuyến khích phụ nữ trên 30 thực hiện để biết mình có nhiễm hay không, vì bạn vẫn có khả năng nhiễm HPV khi đang chung sống một chồng một vợ dù đã hơn 10 năm, 20 năm”.
6. Bệnh tâm lý
Nếu người ấy đang gặp vấn đề về tinh thần, họ sẽ thường xuyên mệt mỏi và cáu gắt, dễ sinh ra những cuộc cãi nhau không đáng có giữa hai người. Điều này vô tình tạo thêm stress dù cả hai chẳng ai muốn. Những giấc ngủ khi ấy sẽ chẳng ngon, những bữa ăn cũng không còn đầm ấm. Bạn nên hiểu rằng chỉ với sự giúp đỡ của mình cũng chẳng thể làm một nửa của bạn khỏe lại ngay được. Việc có ích nhất lúc này chính là khuyên họ tìm đến một bác sĩ chuyên khoa để thực hiện những liệu pháp tinh thần chữa dứt điểm căn bệnh.
7. Luyện tập thể dục
Cứ cho là bạn và người ấy không tập thể dục buổi sáng cùng nhau, nhưng nếu họ là người không thích dậy sớm và bị làm phiền vào buổi sáng thì thói quen tập luyện thể thao của bạn ít nhiều cũng bị thay đổi. Ví dụ như khi bạn luôn là người thức dậy sớm hơn, việc ngồi dậy và ra khỏi giường cũng có thể làm ‘bạn cùng giường’ thức giấc. Và như chúng ta đã nói ở trên, một giấc ngủ bị đánh thức nhiều lần sẽ không thể giúp cơ thể chúng ta hồi phục tốt được.
8. Sự quan tâm và động viên
Là vợ chồng với nhau, khi người kia ốm đau hay bệnh tật, chúng ta đều có trách nhiệm luôn kề bên và giúp đỡ người mình yêu vượt qua nó. Nếu nó liên quan đến cơ thể như gãy tay, trật chân,… bạn dường như phải kề cận và giúp anh thay đồ, đi lại. Nếu đó là bệnh liên quan đến thần kinh thì cần nhiều hơn những lời động viên, hỏi han ân cần, giúp họ lấy lại tinh thần. Nhưng còn bạn, sức khỏe bạn chắc chắn bị ảnh hưởng vì phải luôn trong trạng thái sẵn sàng hỗ trợ người chồng, người vợ của mình trong cơn ốm đau. Đó vừa là tình thương, cũng vừa là áp lực trách nhiệm có thể khiến bạn bị stress nhiều hơn trong cuộc sống.
9. Mang thai
Có con là niềm mong đợi của rất nhiều cặp vợ chồng sau khi cưới. Khi mang thai, mọi người đều biết người phụ nữ sẽ phải mang nặng đẻ đau, cả cân nặng, vóc dáng, tính tình của họ của dễ thay đổi. Nhưng đâu phải những ông chồng sẽ chẳng chịu ảnh hưởng gì.
Giáo sư Moore cho biết: “Nhiều quý ông đã nói họ tăng cân theo vợ mình. Khi cô ấy ăn nhiều hơn, họ cũng buộc phải ăn nhiều hơn. Một vài người còn thường xuyên lo lắng về tương lai sau khi đứa con ra đời như ‘mình sẽ nuôi con thế nào đây?’ và stress về rất nhiều thứ”.
Những cô vợ đang mang thai tâm trang rất hay thay đổi, người chồng trong giai đoạn này luôn phải dịu dàng và bên cạnh vợ, stress nhưng tỏ ra không stress để có thể giúp vợ mình vượt qua những cơn ốm nghén khó chiều.
10. Stress
Stress là điều mà chắc chắn chẳng ai muốn có nhưng vẫn sẽ đến lúc họ phải đối mặt với nó sau khi kết hôn. Bạn sẽ lo lắng nhiều hơn về thu nhập tài chính như tiền nhà, tiền điện, các chi phí sinh hoạt sẽ bị đôn thêm nếu gia đình có thêm thành viên mới. Mỗi khi stress, cơ thể sẽ tiết ra cortisol, thành phần chống lại sự tăng trưởng hormone. Nó góp phần làm tăng lượng đường trong máu khiến người ta dễ rơi vào trạng thái nóng giận và có những hành động thiếu suy nghĩ. Về lâu dài, lượng đường trong máu tăng gây ra rất nhiều căn bệnh nguy hiểm cho sức khỏe bạn. Chính vì vậy, hãy học cách cân bằng cuộc sống, luôn lạc quan và giải quyết mọi việc từng chút một.
11. Mãn kinh
Tiền mãn kinh là điều sẽ không thể tránh khỏi đối với phụ nữ. Moore cho biết: “Có khoảng 2/3 phụ nữ bị các triệu chứng tiền mãn kinh làm cho khó chịu”. Tuy nhiên nam giới cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều.
“Bạn sẽ khiến cho các ông chồng muốn phát điên vì tính tình ‘nắng mưa’ của mình”, Moore nói thêm. “Phụ nữ trong giai đoạn này rất thường hay đổ mồ hôi lúc ngủ và đôi khi bạn phải thức dậy và thay ra giường trong đêm”. Chính điều này đánh thức giấc ngủ của người kia và làm họ thấy phiền phức nếu tình trạng kéo dài.
12. Tình dục
Tình dục luôn là một trong những hoạt động không thể thiếu trong tình yêu và hôn nhân. Những vấn đề liên quan đến tình dục đều có ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc của cả vợ lẫn chồng. Vài ví dụ được nói đến chính là giai đoạn tiền mãn kinh khiến tâm trạng người phụ nữ thất thường hay sau khi sinh con, phụ nữ thường phải đối mặt với triệu chứng bị khô âm đạo.
Theo Moore, khô âm đạo có thể gây ra sự đau đớn khi quan hệ và khiến cả hai bên đều không thoải mái. Không chỉ vậy, việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp đều chứa những thành phần có ảnh hưởng tiêu cực đối với ham muốn tình dục, có thể làm bạn khó đạt được khoái cảm như xưa.
13. Vấn đề về đường tiết niệu
Nếu bạn nhịn tiểu nhiều lần vì đang mải mê trò chuyện với bạn bè, đi ngoài đường, nhảy, khiêu vũ, quan hệ tình dục… bạn sẽ vô tình tạo thói quen không tốt cho bản thân. Bóng đái lẫn phần cơ vùng bụng dưới lúc này phải chịu áp lực lớn hơn so với khi bình thường. Lâu dần thói quen ấy sẽ mang đến những vấn đề sức khỏe không tốt cho đường tiết niệu, cần phải kiêng cữ các hoạt động chạy, nhảy, quan hệ tình dục và người bạn đời của bạn sẽ khá buồn khi phải thực hiện các hoạt động cả hai yêu thích một mình.
14. Chấn thương chỉnh hình
Giống như các vấn đề về đường tiết niệu, các vấn đề về chấn thương chỉnh hình có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các cặp vợ chồng. Moore chia sẻ: “Những người có vấn đề về chỉnh hình, đặc biệt là những người có vấn đề về lưng, thường không muốn đi du lịch bởi vì việc ngồi lâu trong xe khiến họ không thoải mái”.
Tương tự, bất kỳ hoạt động nào như đi xem phim, chương trình truyền hình, các sự kiện thể thao,… đều có thể bị hủy hết nếu hông, chân, hoặc lưng của bạn bị đau sau khi ngồi trong một thời gian dài. Cả hai vợ chồng sẽ không thể thực hiện chung những hoạt động ngày xưa mà cả hai rất thích.
Aimee NG (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Theo The List/ Ảnh: Sưu tầm)