Lifestyle / Bí quyết sống

Giải mã tình yêu qua lăng kính khoa học

Liệu tình yêu có chỉ đơn giản là cảm xúc từ con tim hay là quá trình hợp tác, vận hành của những thành tố sinh lý đầy tính hệ thống?

Từ cổ chí kim, tình yêu luôn là đề tài hấp dẫn xuất hiện xuyên suốt trên các văn đàn. Nhắc đến tình yêu, người ta nói về sự bay bổng, lãng mạn và những xúc cảm mãnh liệt. Thế nhưng, các nhà khoa học cũng đã thực hiện nhiều nghiên cứu để lý giải phần cảm xúc có tên gọi “yêu” này bằng những “mổ xẻ” của tâm thần học và sinh học.

Trạng thái “cuồng si” khi yêu của bạn đến từ đâu?

Hai người hôn nhau
Khi yêu, người ta “đóng đinh” cảm xúc ấy vào tim hay não? Ảnh: Unplash

Khi đang trong giai đoạn mặn nồng, những người yêu nhau luôn bị “ám ảnh” bởi đối phương. Ngập tràn trong suy nghĩ, hành động của bạn là sự hiện diện của khuôn mặt, dáng hình hay giọng nói của người mình yêu. Từ đó, cảm giác hưng phấn, thích thú khiến bạn không khỏi thôi thúc bản thân nghĩ về họ và đôi lúc cười thầm trong vô thức.

Lý giải trong một buổi nói chuyện chuyên đề vào năm 2014, nhà nhân học người Mỹ Helen Fisher đã chia sẻ về một thí nghiệm đột phá khi Fisher cùng các đồng sự của mình ở đại học Stony Brook, New York tiến hành điều tra trên 37 trường hợp. Bà đưa những người đang yêu vào máy chụp cộng hưởng từ (MRI). Kết quả quét sóng não cho thấy khi nhìn vào người mình yêu sẽ làm kích thích hoạt động ở những vùng não chứa nhiều dopamine, một loại hormone “hạnh phúc” ở não làm người ta lâng lâng vui sướng và “mê đắm” nó.

Cảm giác hưng phấn trên (hoặc cũng có thể là căng thẳng) làm tăng nồng độ hormone cortisol – chất được sản sinh để phản ứng lại với trạng thái căng thẳng khiến tim đập nhanh, bao tử cồn cào và lòng bàn tay nhễ nhại mồ hôi. Sự kết hợp của bộ đôi oxytocin – chất làm tăng cảm giác của sự gắn bó, và vasopressin – loại chất được cho là liên quan đến vấn đề về niềm tin, sự đồng cảm… là sức mạnh giúp tăng độ gắn kết của tình yêu và giúp chúng duy trì sức sống lâu dài.

Cớ gì khi yêu người ta lại trở nên “dại khờ”?

Nhà soạn kịch lừng danh Shakespeare đã viết thế này: “Love is merely a madness” (Tình yêu chỉ là một sự điên dại). Có lẽ nhiều người cho rằng đấy là người làm nghệ thuật phóng tác để tăng tính hấp dẫn cho các tác phẩm của mình nhưng không hẳn vậy, gần đây, khoa học đã chứng minh rằng lý lẽ trên không hề vô căn cứ bằng nhiều phương pháp thực nghiệm.

Donatella Marazziti, một giáo sư tâm thần học của Đại học Pisa, đã tiếp cận câu hỏi này sau khi có kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng những người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) có nồng độ serotonin trung bình trong não thấp hơn trong máu. Khi suy giảm serotonin, con người dẫn đến buồn chán, giảm sự ham muốn, mất tập trung và dễ cáu giận. Từ những biểu hiện ấy, bà tự hỏi rằng, liệu sự mất cân bằng tương tự có thể là nền tảng cho những hành động bất thường khi yêu?

cô gái chơi đàn
“Love is merely a madness” – Tình yêu chỉ là một sự điên dại. Ảnh: Unplash

Để tiến hành khảo sát, bà tuyển chọn hai nhóm đối tượng, một là những người mắc OCD và hai là 20 người đã bắt đầu một mối quan hệ yêu đương trong vòng 6 tháng trước (những người này cũng phải được xác định là chưa quan hệ tình dục cũng như dành ít nhất 4 giờ một ngày nghĩ về đối tượng của mình). Kết quả thực nghiệm chứng minh cả hai nhóm người bị OCD lẫn nhóm người đang yêu đều có mức serotonin thấp hơn đáng kể. Nhà nghiên cứu kết luận “trạng thái đang yêu theo nghĩa đen dẫn đến hành vi không được bình thường”.

Một nghiên cứu độc lập chỉ ra rằng con người khi yêu có các hoạt động thấp hơn ở vùng vỏ não – khu vực não bộ quan trọng về lý trí và phán đoán – mỗi khi họ nghĩ về người mình yêu. Các nhà khoa học đã suy đoán một lý do đột phá cho trường hợp này có thể được gọi là thuyết “beer goggles”: hiệu ứng khiến người đối diện bạn trở nên quyến rũ và hấp dẫn hơn so với bình thường, hay xảy ra khi nồng độ cồn trong máu tăng lên.

Bắt đầu những hành vi mà trước đó chưa từng làm, trở thành con người “mới” theo những hướng chưa từng nghĩ đến… là “phép màu” mà tình yêu mang đến cho những người đang tận hưởng nó. “Điên” khi yêu không phải là mất đi lý trí mà chính lý trí hóa ra cũng “bắt tay” khiến cái điên ấy được hợp lý hóa.

Liệu lý trí có hoàn toàn chủ động trong tình yêu?

Khoa học đã chỉ ra rằng não bộ và trái tim có quan hệ mật thiết với nhau. Trong trường hợp não bộ chúng ta tiếp nhận được mối nguy hại từ bên ngoài hoặc khi phát hiện ra đối tượng mà mình đang say nắng xuất hiện thì tim ta đập một cách loạn xạ. Thế nhưng, các nhà khoa học cũng đã có những minh chứng cho câu nói “hãy lắng nghe con tim” khi kết luận rằng phản hồi từ trái tim đến não bộ cũng tác động đến cảm xúc của chúng ta.

Một nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Sarah Garfinkel của Đại học Sussex chứng minh rằng, kích thích tim mạch có thể làm tăng cảm giác sợ hãi và lo lắng. Trong nghiên cứu này, những người tham gia được yêu cầu để nhận diện hình ảnh đâu là đáng sợ, đâu là vô hại khi được theo dõi nhịp tim.

Garfinkel nhận ra rằng khi trái tim của chúng ta co bóp, làm việc hiệu quả nhất sẽ có phản ứng nhanh đối với các hình ảnh đáng sợ hơn là khi nó thư giãn với nhịp độ đều đặn. Nghiên cứu này chỉ ra rằng tín hiệu điện tử từ các mạch máu xung quanh tim gửi phản hồi tới vùng não có liên quan đến quá trình cảm xúc, ảnh hưởng đến mức độ mà chúng ta cảm nhận một sự vật, hiện tượng.

Hoạt động của cơ thể là sự phản hồi qua lại giữa con tim và não bộ và tình yêu cũng vậy. Một trong những yếu tố quyết định cho một mối quan hệ lãng mạn được khoa học chỉ ra là các cặp đôi khi yêu nhau thường có xu hướng đồng điệu trong nhịp tim và hơi thở.

Sức hấp dẫn của mùi hương cơ thể sao lại khiến tình yêu thăng hoa?

cô gái ngồi trước gương
Pheromone – “mùi hương hấp dẫn bạn tình”. Ảnh: Unsplash

Trong tự nhiên, các loài côn trùng đánh dấu, xác định và phân loại cũng như quyết định tập tính sinh hoạt bầy đàn bằng một chất gọi là pheromone. Pheromone đầu tiên được tìm ra vào những năm 1950, là một chất có tên gọi bombykol mà tằm cái sinh ra để thu hút con đực. Ở con người cũng có pheromone, hay còn được biết đến là hormone xã hội (social hormone), nó là những ký hiệu hóa học được dùng để giao tiếp và định hình hành vi của người khác.

Người ta thường nói “Đàn ông yêu bằng mắt, đàn bà yêu bằng tai” nhưng điểm chung là cả hai phái đều bị thu hút và ấn tượng với một mê lực gọi là pheromone – mùi hương hấp dẫn bạn tình – mà thường là độc nhất vô nhị trên từng cá thể riêng biệt. Mùi hương này sẽ dẫn dắt cảm xúc, ít nhất là ban đầu, của người khác phái về sức hấp dẫn của bạn. Điển hình là các nhà sản xuất nước hoa đã không bỏ lỡ đặc tính này mà vận dụng để cho ra đời các mẫu sản phẩm thu hút với quảng cáo đặc trưng là mùi hương có thể “mê hoặc” và kích thích sự chú ý của người khác.

Vì sao càng yêu thì càng dễ hận?

Lòng thù hận là thứ gì đó thô thiển và mang tính chất phá hủy, đôi khi, là thứ duy nhất còn mạnh mẽ hơn cả tình yêu. Không hiếm để bắt gặp nhiều trường hợp khi cặp đôi chia tay, họ không những không thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp ở mức bình thường mà còn chuyển hướng sang căm ghét người cũ sâu đậm. Điều gì đã làm nên thứ tưởng chừng nghịch lý ấy?

Robert Sternberg, một giáo sư phát triển con người tại Đại học Cornell và là tác giả của cuốn Psychology of Hatred (tạm dịch: Tâm lý của Thù hận) đã dành một phần trong sự nghiệp của mình để nghiên cứu về cảm xúc phức tạp này và đã chắt lọc được 3 yếu tố cơ bản, hình thành nên thuyết tam giác thù hận.

Cặp đôi đấu lưng trên cao
Yêu càng đậm, hận càng sâu. Ảnh: Unplash

Theo Stern, các yếu tố chính là niềm đam mê, sự ghê tởm và sự khinh miệt. Sự kết hợp khác biệt của 3 yếu tố làm tăng các dạng thức của lòng thù hận – lạnh lùng và tính toán, âm ỉ và ghê tởm, mong muốn một sự hủy diệt hoàn toàn đối tượng.

Khi các nhà tâm lý học khảo sát gần 600 người, họ phát hiện rằng chúng ta gần như ghét bỏ ai đó chúng ta quen biết và thường xuyên bởi vì họ phản bội ta theo một cách nào đó. Và vì lẽ thường tình là “yêu nhau lắm thì cắn nhau đau”.

Lúc bắt đầu tìm hiểu, người ta có thể trở nên thích thú với những tính cách khác lạ và đôi khi là trái ngược của nhau. Những khác biệt ấy khiến đối phương hứng khởi và tò mò tìm hiểu nhưng theo thời gian, sự khác biệt quá lớn và bền bỉ khiến cả hai mất đi sự phấn khích ban đầu và xoay chuyển hẳn sang căm ghét những điều đối lập của người cũ.

Khi bạn biết đó là “nửa kia” của mình?

Có những người chỉ đơn giản là “biết”, họ nhận định trực giác là thứ giúp mình nhận diện. Nhưng đối với những người tìm kiếm một phương pháp có chứng thực, các nhà toán học đã đưa ra chiến lược hẹn hò một cách khoa học.

cặp vợ chồng chụp ảnh cưới
“Mr. Right” của đời mình được nhận biết như thế nào? Ảnh: Unsplash

Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu người bạn cần hẹn hò trước khi biết rằng mình đã gặp được một sự lựa chọn tốt? Cái ngưỡng ma thuật hóa ra là 37%.  Để có cơ hội tốt nhất chọn ra người phù hợp, bạn nên hẹn hò và từ chối 37% những đối tượng đầu tiên tìm hiểu của đời mình. Sau đó, theo luật đơn giản nhất là lựa chọn người kế tiếp, người tốt hơn bất cứ người nào bạn từng hẹn hò trước đó. Để ứng dụng điều này vào thực tế, bạn sẽ phải quyết định cho bản thân đâu là số lượng đối tượng tối đa của đời mình, yếu tố nào khiến người đó là đối tượng của mình chứ không phải đơn thuần là người qua đường.

Ví dụ, tổng tối đa của bạn là 10 người, khoa học bảo rằng hãy từ chối 4 người đầu tiên. Bạn biết đấy, tất nhiên là cách tiếp cận này không phải không mạo hiểm. Nếu định mệnh khiến bạn gặp phải đối tượng đầu tiên là người tốt nhất, bạn sẽ không bao giờ gặp được ai đó phù hợp hơn và rồi lại kết thúc trong cô độc. Chưa kể, trong thực tế, bạn có thể là người bị “đá” trước.

Thế nên, yêu một cách khoa học không phải lúc nào cũng chuẩn mực và hiệu quả nhất. Mỗi đời người là một biến số khác nhau. Khoa học nghiên cứu trên cái đã qua, tuy nhiên, cuộc sống của bạn lại đang là hiện tại và tương lai. Hãy khéo léo vận dụng khoa học vào trong tình yêu và biết đâu đấy, bạn sẽ có thể trải nghiệm những cung bậc cảm xúc đầy lý tính trong tình yêu.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Diễm Ái Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: The Guardian
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)