Trạng thái Limerence: Khi tình yêu trở thành nỗi ám ảnh
Tình yêu là món quà quý giá tạo hóa đã ban tặng cho con người, khiến chúng ta trở nên đặc biệt giữa thế gian này. Nhưng sẽ thế nào nếu tình yêu không còn là “liều thuốc” xoa dịu và gắn kết những tâm hồn cô đơn mà trở thành nỗi ám ảnh hay niềm vọng tưởng dành cho một người?
Cảm giác chìm đắm trong tình yêu có lẽ là điều hầu hết chúng ta đều sẽ trải qua. Đặc biệt, cảm giác này càng trở nên mãnh liệt hơn vào lúc tình yêu mới chớm nở. Ta có thể không ngừng suy nghĩ hay nói về đối phương, hoặc khó lòng kiềm chế sự phấn khích và mong muốn được bên cạnh họ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tình yêu đơn thuần ban đầu trở thành sự mê đắm và niềm khao khát mãnh liệt đến mức tiêu cực? Những cảm xúc ấy có thể không thuộc về tình yêu thực sự, nó là biểu hiện của Limerence – một trạng thái tinh thần mãnh liệt khi yêu, hay nỗi ám ảnh và ham muốn viển vông đối với một người.
1. Trạng thái Limerence là gì?
Trạng thái Limerence xảy ra khi bạn vô cùng mê đắm, cuồng si một ai đó ngay cả khi họ không đáp lại tình cảm của bạn. Đây là một dạng tình cảm khó kiểm soát, khiến bạn mắc kẹt trong nỗi ám ảnh về đối phương. Thuật ngữ này lần đầu tiên được nhà tâm lý học Dorothy Tenov đặt ra vào những năm 1970 – khi bà thực hiện những cuộc phỏng vấn và phát hiện rằng trải nghiệm của một số người về tình yêu đặc biệt mãnh liệt hơn người khác. Dorothy Tenov còn nhận thấy cảm giác mãnh liệt này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai – không phân biệt giới tính, tuổi tác, văn hóa, xuất thân… Đồng thời, vì Limerence có khả năng tác động tiêu cực đến nhiều mặt trong cuộc sống, nên việc nghiên cứu các biện pháp điều trị trạng thái tâm lý này đang là một mối quan tâm phổ biến trong giới nghiên cứu nói chung và các nhà tâm lý học nói riêng.
2. Tình yêu và trạng thái Limerence: Đâu là sự khác biệt?
Tình yêu hiện diện trên thế gian này với muôn màu muôn vẻ, vì thế rất khó để cắt nghĩa tình yêu. Yêu bao gồm cảm giác muốn gắn bó và cam kết với một người, là vị tha và quan tâm đến niềm hạnh phúc, cảm xúc của người đó. Yêu còn là mong muốn đối phương được hạnh phúc và tôn trọng cảm xúc hay quyết định của họ.
Ngược lại, Limerence là trạng thái cảm xúc bắt nguồn từ sự chiếm hữu, nỗi ám ảnh, ghen tuông và ảo tưởng. Thoạt nhìn, Limerence có thể trông như tình yêu. Tuy nhiên, trạng thái này thường chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân của một người thay vì mong muốn những điều tốt đẹp cho người khác.
Những người rơi vào trạng thái Limerence còn sở hữu những kỳ vọng mãnh liệt rằng người trong mộng sẽ đáp lại tình cảm của mình. Hệ quả là họ dễ trở nên ghen tị với bất kỳ mối quan hệ nào khác của đối phương. Thậm chí, nếu bị từ chối, họ có khả năng trở nên tức giận và tìm cách trả đũa, bất chấp suy nghĩ hay cảm xúc của người kia. Vì lẽ đó, Limerence không chỉ có khả năng tác động tiêu cực đến người trải nghiệm trạng thái này, nó còn ảnh hưởng đến cả những người xung quanh họ.
3. Dấu hiệu của trạng thái Limerence
Các dấu hiệu của trạng thái Limerence thường dễ bị nhầm lẫn thành những biểu hiện của tình yêu thực sự. Tuy nhiên, khác với tình yêu, những người rơi vào trạng thái Limerence thường tốn khá nhiều thời gian, sức lực cho những suy nghĩ và khát khao không thể kiểm soát được về người trong mộng.
Một số dấu hiệu phổ biến khác của tình trạng mê đắm không kiểm soát là liên tục lạc trong “mê cung” suy nghĩ về đối phương, hoặc có xu hướng lý tưởng hóa người ấy và cho rằng họ thật hoàn hảo. Mặt khác, Limerence còn khiến một người luôn mang trong mình nỗi sợ hãi bị từ chối và tâm trạng của họ dễ bị dao động, phụ thuộc vào đối phương. Họ có xu hướng trở nên lúng túng, nhút nhát và vụng về khi ở bên người ấy; hoặc dành quá nhiều thời gian để chải chuốt và làm đẹp chỉ để thu hút được ánh nhìn của người trong mộng.
4. Các giai đoạn của trạng thái Limerence
Theo Dorothy Tenov, trạng thái Limerence thường có 5 giai đoạn, bao gồm: Pre-Limerence (tiền Limerence), Pre-Reciprocity (tạm dịch: tiền tương hỗ), Reciprocity (tương hỗ), Gradual Dissolution (phai nhạt cảm xúc) và Post-Limerence (hậu Limerence).
Ở giai đoạn thứ nhất, bạn luôn khao khát yêu và được yêu. Khi đó, nếu một người xuất hiện và khiến bạn rung động, họ sẽ trở thành đối tượng Limerence (Limerence object) của bạn. Giai đoạn tiếp theo – giai đoạn tiền tương hỗ, bạn bắt đầu tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy họ có cùng cảm giác rung động với bạn, đồng thời lại liên tục lo sợ bị từ chối.
Trong trường hợp người ấy từ chối tình cảm, trạng thái Limerence của bạn sẽ kết thúc trước khi bước vào giai đoạn tương hỗ. Ngược lại, cả hai sẽ tiến vào một mối quan hệ yêu đương tốt đẹp nếu họ “bật đèn xanh”. Khi chuyện tình yêu dần đi vào quỹ đạo, cảm giác Limerence sẽ dần giảm đi một cách tự nhiên. Dorothy Tenov gọi đây là giai đoạn phai nhạt cảm xúc.
Khi rơi vào giai đoạn phai nhạt cảm xúc cả hai đôi khi sẽ tự hỏi rằng tại sao cảm giác say đắm, mãnh liệt ban đầu lại biến mất. Đây là một trạng thái bình thường trong tình yêu, vậy nên khi bạn và nửa kia thực hành giao tiếp cởi mở với nhau, cả hai sẽ tiến đến giai đoạn cuối cùng – giai đoạn hậu Limerence, nơi mối quan hệ trở nên bền chặt và lành mạnh hơn.
Mặt khác, với một số cặp đôi, sự phai nhạt trong cảm xúc có thể dẫn đến tranh cãi, đổ lỗi, hoặc thậm chí là nguy cơ tan vỡ. Trong nhiều trường hợp, người trải nghiệm Limerence trước đó sẽ một lần nữa quay lại vòng lặp Limerence ban đầu.
Xem thêm
• 16 dấu hiệu cho thấy “phản ứng hóa học” hoàn hảo giữa bạn và người ấy
• 10 dấu hiệu chứng minh chuyện tình cảm của bạn đang phát triển theo chiều hướng tích cực
• 10 bí quyết giúp nửa kia cảm thấy được yêu thương
5. Làm thế nào để vượt qua trạng thái Limerence?
Cảm giác Limerence có thể dao động từ nhẹ đến nặng. Vì vậy, mức độ ảnh hưởng của nó đến cuộc sống của mỗi người sẽ khác nhau, đòi hỏi những giải pháp đa dạng. Sau đây là một số lời khuyên hữu ích giúp bạn vượt qua trạng thái Limerence.
Thực hành tự nhận thức
Tự nhận thức suy nghĩ và hành vi của bản thân là một trong những bước đầu tiên hướng bạn đến sự thay đổi tích cực. Lý do là khi bạn thấu suốt điều gì đang xảy ra bên trong mình, bạn có thể tìm hiểu nguyên nhân gây ra chúng và can thiệp kịp thời, hiệu quả.
Khi bạn phát hiện bản thân có những suy nghĩ ám ảnh về một người, hãy cố gắng tập quan sát, nhìn nhận chúng như thể bạn là một người ngoài cuộc. Đừng vội phán xét bản thân nếu bạn nhận thức được mình đang rơi vào trạng thái này, tìm cách thấu hiểu và chấp nhận chính mình là điều kiện quan trọng để bạn có thể vượt qua các “cơn bão” cảm xúc đang tấn công dồn dập. Bằng cách này, bạn đang từng bước loại bỏ những suy nghĩ hay hành vi ám ảnh, cuồng si về người trong mộng và thay thế chúng bằng những điều tích cực hơn.
Tìm hiểu kiểu gắn bó của bản thân
Theo tâm lý học, từ giai đoạn đầu đời cho đến khi trưởng thành, mỗi chúng ta đều sẽ hình thành những kiểu gắn bó (attachment style) khác nhau. Các nhà tâm lý học cho rằng có bốn kiểu gắn bó cơ bản, gồm: An toàn (Secure), lo âu (Anxious – Preoccupied), né tránh (Dismissive – Avoidant), và lo âu – né tránh (Anxious – Avoidant).
Trạng thái Limerence và kiểu gắn bó lo âu – né tránh có liên quan mật thiết với nhau. Trên thực tế, Limerence có thể là kết quả của phong cách gắn bó lo âu – né tránh. Theo quan điểm này, trạng thái Limerence không phải do người khác gây ra, đó là kết quả của việc một số nhu cầu không được đáp ứng từ thời thơ ấu. Vì vậy, để vượt qua cảm giác Limerence, bạn nên xác định kiểu gắn bó của mình và ảnh hưởng của nó đến bản thân và các mối quan hệ. Sau đó, bạn có thể tìm kiếm những phương pháp khắc phục nỗi sợ hãi, lo âu vô thức đã tồn tại trong tiềm thức và phát triển kiểu gắn bó an toàn, tích cực hơn.
Tái cấu trúc nhận thức
Tái cấu trúc nhận thức (Cognitive restructuring) là việc chuyển đổi những suy nghĩ và niềm tin tiêu cực sang những gì lành mạnh, mang tính xây dựng hơn. Việc thực hành tái cấu trúc nhận thức là một trong số các giải pháp hiệu quả giúp bạn vượt qua trạng thái Limerence. Bởi lẽ, trạng thái này xuất phát từ những niềm tin không có cơ sở hay những vọng tưởng, rằng bạn cần một ai đó để cảm thấy hạnh phúc và trọn vẹn.
Đôi khi, những niềm tin này có thể nằm sâu trong tiềm thức, khiến công cuộc khám phá gặp đôi chút khó khăn. Nhưng đừng vội nản lòng vì việc xác định được chúng sẽ giúp quá trình tái cấu trúc nhận thức của bạn diễn ra thuận lợi hơn. Bạn nên tìm đến những chuyên gia uy tín trong lĩnh vực để thực hiện liệu pháp này. Đồng thời, bạn nên tự thực hiện một số thói quen tích cực để thay đổi nhận thức, như viết nhật ký hoặc những lời khẳng định tích cực. Ngoài ra, hãy cho bản thân một cơ hội trải nghiệm những điều bạn luôn sợ hãi. Việc này không chỉ giúp bạn vượt qua những nỗi sợ, nó còn góp phần xây dựng, củng cố khả năng phục hồi và sự tự tin của bạn.
Nâng cao giá trị bản thân
Những người rơi vào trạng thái Limerence có xu hướng đặt giá trị bản thân vào tình yêu và quyết định của người khác. Nói cách khác, họ dễ cảm thấy không trọn vẹn hoặc trống rỗng vì không nhận được thứ tương xứng với mong chờ của bản thân. Đồng thời, họ thường có suy nghĩ rằng nỗi cô đơn hay buồn chán sẽ biến mất nếu họ tìm được một người yêu mình trọn vẹn và đắm say.
Song, việc đánh giá giá trị bản thân dựa trên những yếu bên ngoài lại khá mong manh và bất định. Thay vào đó, việc học cách thay đổi suy nghĩ trên và tin rằng giá trị của bạn không nằm ở tình yêu xuất phát từ người khác, sự chú ý từ bên ngoài… có thể giúp bạn làm chủ được vận mệnh của mình, không cần phụ thuộc vào bất kỳ ai để cảm thấy hạnh phúc. Để đạt được điều này, bạn có thể viết, lắng nghe hoặc đọc to những lời khẳng định tích cực, lập danh sách những điểm mạnh hay những điều bạn tự hào về bản thân. Đặc biệt, đừng quên trân trọng và đối xử nhẹ nhàng với chính mình, bạn nhé!
Tập trung chăm sóc và yêu thương chính mình
Việc dành toàn bộ thời gian và sức lực để nghĩ về một người có thể xuất phát từ nhu cầu muốn né tránh những vấn đề hay nỗi sợ từ thẳm sâu trong tâm hồn bạn. Song, thay vì tập trung suy nghĩ vào người khác, tại sao bạn không thử xem bản thân như một đối tượng Limerence của mình? Bằng cách này, bạn sẽ dần học được cách ưu tiên bản thân, từ đó chủ động dành nhiều tình yêu, thời gian, năng lượng hơn cho sự an lạc và niềm vui trong cuộc sống của chính mình.
Bài: Khiết Minh
Tham khảo: The Attachment Project; Mind Body Green