Trauma Dumping: Khi việc tâm sự nỗi lòng trở nên độc hại
Cuộc đời tràn ngập những niềm vui nhưng cũng không thiếu đi những nỗi buồn. Những quyển sách self-help đều khuyên chúng ta nên tâm sự với những người mình tin tưởng khi gặp những vấn đề tiêu cực để cảm thấy nhẹ lòng hơn. Điều này hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, đôi lúc, khi bạn tâm sự với người khác về những cảm xúc tiêu cực của mình quá mức, bạn đang vô tình làm tổn thương người khác mà chính bạn cũng không nhận ra.
Hầu hết mọi người đều không có khả năng tự xoa dịu những cảm xúc tiêu cực của bản thân và chữa lành cho chính mình. Vì thế, ai cũng có nhu cầu được người khác lắng nghe, chia sẻ và cảm thông. Tuy nhiên, khi bạn tâm sự về những phiền muộn của mình quá nhiều và khiến người nghe trở nên khổ sở vì phải “chịu đựng” cùng san sẻ những cảm xúc của bạn, bạn đã vô thức thực hiện hành vi “trauma dumping” lên người khác. Đây là một khái niệm tâm lý học và là một buzzword (từ ngữ chuyên ngành được sử dụng một cách thời thượng) phổ biến trên mạng xã hội quốc tế.
Thế nhưng, đừng vì vậy mà e dè khi muốn tâm sự cùng những người thân yêu và cũng đừng tự trách bản thân vì đôi lúc mất kiểm soát trong việc chia sẻ cảm xúc của mình. Dưới đây là những điều bạn cần biết về trauma dumping để bạn có thể học cách chia sẻ cảm xúc một cách hiệu quả, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến người khác.
Trauma dumping là gì?
Trauma dumping là thuật ngữ chỉ một cuộc trò chuyện một chiều gây mệt mỏi, khi bạn “xả” những nỗi buồn, nỗi uất giận, phẫn nộ và lo lắng của mình một cách quá đà lên người nghe mà không cho họ chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để tiếp nhận. Bạn xem mình là nạn nhân và liên tục lặp đi lặp lại những điều phiền muộn của mình. Điều này vô tình khiến những cảm xúc tiêu cực của bạn trở thành gánh nặng cho người khác và đến một lúc nào đó, họ sẽ xa lánh bạn như một điều hiển nhiên.
Trauma dumping là dấu hiệu “cờ đỏ” cảnh báo mối quan hệ của bạn với những người thân yêu đang dần trở nên độc hại. Bởi không phải ai cũng có đủ khả năng để gánh chịu những tổn thương của người khác trong khi cuộc sống của chính họ cũng đầy căng thẳng và áp lực. Theo bác sĩ tâm lý Judith Orloff, nhiều người cảm thấy lo lắng, bất lực và thậm chí trầm cảm sau một cuộc trò chuyện chứa đầy cảm xúc tiêu cực.
Làm thế nào để biết bạn có đang thực hiện hành vi “trauma dumping”?
Không thể phủ nhận, những mối quan hệ trở nên gắn kết hơn nhờ những cuộc tâm sự, trò chuyện chân thành và không có gì sai khi chia sẻ những nỗi lo lắng hay sự đau khổ của bản thân với những người mà mình tin tưởng. Tuy nhiên, những kết nối về mặt cảm xúc chỉ thật sự có ích khi cả hai bên đều có thể nhìn ra những mặt tích cực bên trong những nỗi buồn.
Nhiều người nhầm lẫn giữa việc “trút bỏ” nỗi lòng lên người khác với việc chia sẻ cảm xúc thông thường (emotional venting). Việc chia sẻ cảm xúc đơn giản chỉ là than phiền đôi chút về một ngày tồi tệ của bản thân trong cuộc trò chuyện và rồi chuyển sang một đề tài khác thì những người thực hiện hành vi “trauma dumping” có xu hướng:
- Lặp lại nhiều lần những câu chuyện giống nhau và mong muốn nhận được lòng thương cảm từ ai đó mà không tự tìm cách vượt qua khó khăn.
- Không để người khác trình bày ý kiến hoặc quan điểm của họ về vấn đề mình đang gặp phải.
- Tạo mối quan hệ một chiều khi mà chỉ có họ trút muộn phiền và rất hiếm khi nghe người còn lại chia sẻ.
- Không chủ động quan tâm đến cảm xúc của người khác.
Mạng xã hội đã khiến cho trauma dumping trở nên phổ biến hơn. Ở không gian ảo, mọi người dễ dàng chia sẻ những cảm xúc tiêu cực của mình qua các bài đăng trên trang cá nhân hay những video trên TikTok. Điều này gây ra những phản ứng không mấy dễ chịu với những ai dễ bị tổn thương và nhạy cảm.
Nếu bạn đã và đang thực hiện những điều trên, bạn đang vô thức thực hiện hành vi trauma dumping lên những người thân yêu của mình.
Làm gì để chia sẻ cảm xúc một cách lành mạnh?
Mặc dù trải lòng về những muộn phiền của mình với người khác là điều cần thiết, nhưng đừng xem việc người khác lắng nghe mình là lẽ đương nhiên.. Đây là một trong những lý do dẫn đến hiện tượng trauma dumping, gây ra những trải nghiệm tiêu cực cho cả hai phía. Vì vậy, bạn không nên biến bạn bè, người thân và những người xung quanh bạn trở thành những nhà trị liệu tâm lý bất đắc dĩ.
Nhận ra cảm xúc của bản thân cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của người khác
Hành vi trauma dumping cho thấy sự thiếu tinh tế trong việc quan tâm đến cảm xúc và tâm trạng của người nghe. Bất cứ ai trong chúng ta đều có những vấn đề, những khổ đau riêng trong cuộc sống. Do đó, bạn nên đảm bảo những người bạn muốn tâm sự đang trong trạng thái thoải mái để sẵn sàng tiếp nhận câu chuyện của bạn. Một cuộc trò chuyện cần phải được phối hợp từ hai phía và đôi khi bạn nên chú ý hơn đến cảm xúc của người đối diện. Vì vậy, hãy bắt đầu cuộc hội thoại bằng câu hỏi: “Tôi đang cảm thấy không ổn, bạn có thể lắng nghe tôi lúc này không?”
Chia sẻ để lắng nghe
Khi tâm trí của bạn bị bao phủ bởi những cảm xúc tiêu cực, bạn chỉ muốn trút hết nỗi lòng của mình ra mà không quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, ý nghĩa của việc giao tiếp nằm ở những phản hồi mà bạn nhận được từ đối phương. Bạn nên tạo những khoảng nghỉ trong cuộc trò chuyện để người đối diện có thể kịp tiếp nhận thông tin, suy nghĩ và đưa ra bình luận. Đồng thời, hãy cho bản thân cơ hội lắng nghe lời khuyên từ người khác thay vì thao thao bất tuyệt về những vấn đề của bản thân.
Viết ra những vấn đề của bản thân
Khi đối mặt với khó khăn, bạn cũng có thể tìm lời giải từ chính bản thân mình. Hãy viết những suy nghĩ của mình lên giấy, đây là một trong những cách an toàn để giãi bày cảm xúc tiêu cực mà không gây ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Bên cạnh đó, nhờ viết những vấn đề của mình ra giấy, bạn có thể nhìn thấy chúng một cách rõ nét hơn để tìm ra hướng đi cho mình. Lúc đó, bạn đã giải quyết được 50% vấn đề rồi đấy.
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia
Nếu những lời khuyên trên không giúp bạn vượt qua tình trạng trauma dumping, bạn nên tìm sự hỗ trợ tinh thần từ những bác sĩ tâm lý. Họ sẽ hướng dẫn bạn cách điều tiết cảm xúc và chỉ cho bạn cách chia sẻ cảm xúc một cách hiệu quả với người khác. Sự hỗ trợ từ chuyên gia có thể giúp bạn chữa lành một cách tích cực hơn.
Xem thêm
• Sự tích cực độc hại: Ảnh hưởng và cách phòng tránh
• 10 dấu hiệu cho thấy bạn đang ở trong mối quan hệ lành mạnh
• 8 nhu cầu cảm xúc trong một mối quan hệ lành mạnh
Làm thế nào nếu đối phương thực hiện hành vi “trauma dumping”?
Mặc dù tất cả chúng ta đều cố gắng trở thành những người bạn tốt, sẵn sàng lắng nghe những tâm sự của bạn bè khi họ cần tìm kiếm sự an ủi. Thế nhưng, đôi lúc, bạn cũng nên đặt ra những ranh giới cần thiết để bảo vệ sức khỏe tinh thần và năng lượng của bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực khi người bạn của mình liên tục than vãn không ngừng về các vấn đề của họ.
Khi tâm trạng của bản thân không được ổn định, bạn nên để người bạn của mình biết rằng bạn không có khả năng chia sẻ những lo lắng của họ vào thời điểm đó. Thay vào đó, bạn nên cho họ một khung thời gian cụ thể mà bạn cảm thấy ổn định hơn về mặt tinh thần để có thể thoải mái lắng nghe họ, chẳng hạn như bạn có thể đề nghị một cuộc gọi mười phút, một cuộc trò chuyện trong lúc dùng bữa trưa vào tuần tới… để hai bên dễ dàng tâm sự hơn.
Nếu bạn cảm thấy họ dần trở nên kích động, hãy giúp họ giữ bình tĩnh và hướng họ đến những suy nghĩ tích cực cũng như hỗ trợ họ tìm cách giải quyết.
Điều tốt nhất bạn có thể làm là khuyến khích người đó tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nguồn uy tín khác như bác sĩ tâm lý hoặc một nhà trị liệu.
Bài: Xuân Yến
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Image