Trị liệu tâm lý vượt qua cơn bão trầm cảm
Trầm cảm (stress) có vẻ như đang là căn bệnh phổ biến nhất trong xã hội hiện đại và đầy biến động như hiện nay. Đã bao nhiêu lần bạn nghe nói về “trầm cảm” từ những người xung quanh? Và đã bao nhiêu lần bạn nói về nó với chính bản thân mình?
Bạn cảm thấy bất lực khi những bất đồng quan điểm với đồng nghiệp, mâu thuẫn với sếp lớn sếp nhỏ tồn tại mệt mỏi trong một thời gian dài. Việc cãi nhau, giận hờn với chồng hoặc người yêu hết ngày này tới tháng nọ khiến tình cảm bị sứt mẻ, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm trạng hằng ngày. Căng thẳng kiếm tiền để chi trả những chi phí nợ nần do trót mua trả góp một căn hộ cao cấp khiến bạn lao đao hao tâm tổn trí. Mất việc, con ốm, hôn nhân không hòa hợp, tiền chi tiêu hàng tháng thâm hụt… tất cả những điều này đều có thể khiến bạn dễ dàng rơi vào trạng thái giận dữ, u uất hay lo âu. Bạn cảm thấy bất lực khi các hóa đơn cứ bay đến tới tấp, một ngày 24 tiếng quay cuồng với công việc mà vẫn không thấy đủ, trách nhiệm gia đình và sự nghiệp luôn đè nặng lên vai, bạn luôn gặp xui xẻo và có vẻ như cả thế giới đang quay lưng với mình. Nếu tâm trạng bất ổn này kéo dài, bạn có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và nếu không được chữa trị kịp thời, hậu quả sẽ thật khó lường.
Chúng ta ai cũng được biết rằng trầm cảm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng mức quan trọng như thế nào có lẽ ít người ý thức được. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bệnh trầm cảm cướp đi mỗi năm trung bình 850.000 mạng người, đến năm 2020 trầm cảm sẽ là căn bệnh xếp hạng 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh. Tại Việt Nam, tỉ lệ trầm cảm trong cộng đồng là 24,3% ở độ tuổi 25-55 và tăng lên 47% ở người trên 55 tuổi, con số khiến chúng ta phải giật mình.
Vậy chúng ta phải làm gì để giải phóng bản thân ra khỏi áp lực và tận hưởng niềm vui cuộc sống mỗi ngày?
Vượt qua cơn bão trầm cảm
Bạn hiểu gì về trầm cảm?
Là phụ nữ, đa phần chúng ta hay cầu toàn, ôm đồm hết mọi thứ vào người từ việc công sở cho đến những gia đình như nội trợ, chăm sóc con cái… Các chuyên gia tin rằng thói quen suy nghĩ này khiến phụ nữ dễ mắc bệnh trầm cảm hơn, cao gấp hai lần so với nam giới.
Y học chia trầm cảm làm hai loại, ngắn hạn và mãn tính. Trầm cảm ngắn hạn là sự căng thẳng diễn ra trong một thời gian ngắn với các triệu chứng như tăng nhịp tim, rối loạn giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ rất nhiều), tăng huyết áp, khó chịu, nhức đầu, căng cơ bắp, giảm trí nhớ, suy nghĩ thiếu sáng suốt và biếng ăn. Khi các triệu chứng của sự căng thẳng thần kinh tăng, cơ thể của bạn phải gồng lên và làm việc vất vả hơn để đối phó với chúng. Năng lượng theo đó cũng bị tiêu hao gấp bội dẫn đến tình trạng kiệt sức nhanh chóng, làm cơ thể mệt mỏi, suy nhược. Nếu bạn vẫn cố gắng chịu đựng trong một thời gian dài, nguy cơ mắc phải các bệnh lý tâm thần rất cao.
Trầm cảm mãn tính có thể tồn tại trong chúng ta nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Sự căng thẳng tâm lý kéo dài làm phá vỡ sự trao đổi chất đường trong máu và có thể là một yếu tố quan trọng gây ra bệnh tiểu đường. Đồng thời, trầm cảm mãn tính cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ bệnh viêm khớp dạng thấp, suy tuyến giáp và dị ứng. Nghiên cứu tiến hành năm 2006 cho thấy một mối tương quan trực tiếp giữa trầm cảm và bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác gần đây trên 58 phụ nữ mắc bệnh cũng cho biết, mức độ trầm cảm gia tăng ảnh hưởng nặng nề đến quá trình ôxy hóa, làm các tế bào lão hóa một cách nhanh chóng. Đáng lo ngại hơn cả, người mắc bệnh trầm cảm còn có xu hướng tự làm đau mình hay những người xung quanh, thậm chí có ý định tự tử.
Do đó, chữa trị dứt điểm bệnh trầm cảm có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người. Mỗi phụ nữ đều có hoàn cảnh không giống nhau, trải qua những sự kiện khác nhau để rồi cuối cùng gặp nhau ở mẫu số chung, đó là chứng trầm cảm. Tìm gặp một bác sĩ tâm lý, lạm dụng thuốc hay buông xuôi để mặc cho chứng bệnh giày vò bản thân đều là quyết định của riêng bạn. Tuy nhiên, nếu muốn mọi thứ thay đổi, bạn phải bắt đầu từ bản thân mình trước. Câu hỏi đặt ra là: Bạn có sẵn sàng?
Cuộc sống luôn đặt ra nhiều thử thách và khiến chúng ta phải đối mặt với những cơn bão lớn tưởng chừng như không đủ mạnh để vượt qua. Điều quan trọng nhất chính là ở cách chúng ta nghĩ. Suy nghĩ tiêu cực khiến bạn cứ trượt dài và đắm chìm trong những cảm xúc tồi tệ. Trầm cảm khiến bạn rơi vào trạng thái tuyệt vọng, cảm thấy vô dụng, không còn ý nghĩa hay mục đích sống. Nhưng nếu bạn không tự cứu mình, không ai có thể làm điều đó thay bạn. Đời thay đổi khi chính bản thân ta thay đổi.
Giải tỏa căng thẳng
Đôi khi, bạn căng thẳng hay lo âu bởi một việc rất nhỏ nào đó nhưng nếu cứ chịu đựng trong một thời gian dài, nó sẽ khiến bạn trở nên trầm cảm. Tuy nhiên, phản ứng thái quá với stress cũng khiến bạn rối loạn tâm lý và ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, quản lý stress cũng có nghĩa bạn phải quản lý được suy nghĩ, cảm xúc trước các vấn đề.
Biết cách giải tỏa căng thẳng sẽ giúp tinh thần của bạn luôn tươi tỉnh, minh mẫn và sáng tạo, không những cho chính bạn mà còn giúp cả những người xung quanh mình vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Tránh những căng thẳng không đáng có: Không phải lúc nào bạn cũng có thể tránh được sự căng thẳng nhưng hạn chế càng nhiều càng tốt, như hãy tập nói “Không”, bởi bạn nên biết giới hạn của bản thân, cho dù là công việc hay cuộc sống cá nhân, ôm đồm nhiều việc ngoài tầm tay sẽ khiến bạn căng thẳng và lo lắng. Bên cạnh đó, bạn có thể hạn chế tiếp xúc với những người hay gây cho bạn phiền hà hoặc không hợp dễ dẫn đến tranh cãi không đáng. Tránh đọc tin tức gây đau buồn hay hoang mang trên báo, đài, mạng xã hội cũng có thể giúp bạn bớt căng thẳng ngay lúc đó.
Thích nghi với stress: Nếu như bạn không thể khiến người khác hay một sự việc thay đổi, bản thân bạn có thể thay đổi để thích nghi với stress. Bạn có thể nhìn nhận một vấn đề thường căng thẳng ở một góc độ tích cực hơn, chẳng hạn như trong lúc kẹt xe, thay vì tỏ ra nóng vội và bực tức, hãy cho đây là cơ hội để bạn dừng lại một chút và ngắm nhìn hàng cây cổ thụ bên đường hay ngôi nhà có kiến trúc cổ… Bên cạnh đó, cầu toàn là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ dễ mắc trầm cảm như đã nói ở trên, do đó, hãy tự hạ thấp kỳ vọng của mình xuống một chút. Thay vì “hoàn hảo”, bạn cũng có thể hài lòng với “Đủ tốt rồi”.
Chấp nhận với hoàn cảnh: Có những điều diễn ra trong cuộc sống thật sự làm chúng ta đau buồn như người thân qua đời, bệnh hiểm nghèo, hôn nhân đổ vỡ… Cách duy nhất ta có thể làm là chấp nhận chúng mặc dù rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Có những thứ ta có thể điều khiển được nhưng có những thứ ngoài tầm kiểm soát.
Học từ những sai lầm có sẽ khiến bạn mạnh mẽ và tự tin hơn.
Các hình thức trị liệu tâm lý
Khi tất cả các biện pháp trên không có tác dụng đối với bạn, đừng lo ngại mà hãy tìm gặp một chuyên gia tâm lý. Bạn có thể tham khảo bạn bè hoặc báo chí để chắc chắn đó là một chuyên gia giỏi và đáng tin cậy. Bạn có thể chọn một hình thức phù hợp với mình nhất trong số vài liệu pháp phổ biến sau:
Tâm động học (psychodynamic): Tập trung trên những nguyên nhân cơ bản dẫn đến bệnh trầm cảm như gia đình, tuổi thơ hay các trải nghiệm trong trường học. Bạn có thể kết thúc sau 12 tuần trị liệu, hoặc cũng có thể nhiều năm. Những người trị liệu bằng phương pháp này tin rằng nó đã giúp họ hiểu thêm về bản thân. Thông thường, các chuyên gia tâm lý sẽ không chia sẻ kinh nghiệm về bản thân mà chỉ nói chuyện với người đến điều trị.
Nhân văn (Humanistic): Tập trung vào sự phát triển nhân cách. Chuyên gia thường sẽ rất đồng cảm và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm từ chính họ.
Nhận thức hành vi (Cognitive Behavioural): Tập trung trên những người luôn có suy nghĩ tiêu cực, bi kịch hóa vấn đề và luôn nghĩ đến điềm gở khiến họ cảm thấy đau buồn, mất phương hướng. Liệu pháp này thường ngắn hạn và có thể tập tại nhà.
Nội thi (Insight Therapy): Khi trải qua những thay đổi trong cuộc sống, đôi lúc con người sẽ thay đổi những ứng xử theo cách khác với bình thường. Một số người trở nên sống cô lập, một số người bị trầm cảm; một số tìm kiếm những quan hệ mới. Liệu pháp này giúp người đến điều trị có thể trở nên thích nghi hơn.
Phân tâm học (Psychoanalysis): Phân tâm học của Freud chú trọng giúp người bệnh bộc lộ những động cơ vô thức – Những động cơ đã dẫn đến mâu thuẫn tâm lý và hành vi kém thích nghi. Những người tìm đến trị liệu tâm lý đã không hài lòng với hành vi của họ, nhưng lại không có khả năng thay đổi được. Mục đích của trị liệu phân tâm là giúp người bệnh hiểu được những động cơ vô thức đã kiềm giữ không cho họ thay đổi.
Xem thêm:
Những câu nói hay về cuộc sống đầy ý nghĩa
Bài: Hương Tôn – Ảnh: Corbis