Lifestyle / Bí quyết sống

Cách trồng hoa và chăm sóc hoa cho người mới bắt đầu

Trồng hoa không chỉ giúp chúng ta thư giãn sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng mà còn đem lại một không gian sống mát mẻ, thoáng đãng, khiến cho ta cảm thấy như được hòa mình cùng với thiên nhiên.

hướng dẫn trồng hoa cho người mới bắt đầu

Trải qua nhiều đợt bùng dịch, bạn đã dần làm quen được với nhịp sống mới, biết cách cân bằng giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi, học thêm kỹ năng mới, rèn luyện cho bản thân những thói quen tốt. Khi tất cả mọi hoạt động đều gói gọn trong căn nhà của bạn, bạn lại càng muốn biến nó thành một không gian sống lý tưởng hơn, có thể là sắp xếp lại bàn học, mua vài vật dụng trang trí hoặc trồng hoa để tô điểm thêm sắc màu cho không gian làm việc.

Nếu bạn chưa từng trồng hoa hay đang tìm kiếm những cách chăm sóc chậu hoa của mình thì những gợi ý dưới đây sẽ rất hữu ích cho bạn.

hướng dẫn cách trồng hoa

1. chọn chậu trồng hoa

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại chậu với màu sắc, kích thước và kiểu dáng đa dạng cho bạn lựa chọn tùy theo phong cách cá nhân và ngân sách của mình. Hoặc nếu bạn là người yêu thích những món đồ handmade, bạn cũng có thể tự sáng tạo những chậu cây xinh xắn từ những vật liệu có sẵn trong nhà. Điều quan trọng bạn cần lưu ý khi chọn chậu cây là: kích thước chậu phải phù hợp với loại cây bạn dự định trồng và có lỗ thoát nước để tránh làm cho rễ cây bị úng nước. Mỗi loại chậu sẽ có những ưu điểm và nhược điểm riêng:

Chậu đất nung: giá cả phải chăng, thân thiện với môi trường, có khả năng thấm và thoát hơi nước tốt nên phù hợp với những loài cây ưa khô. Tuy nhiên, chậu khá dễ vỡ khi di chuyển, màu sắc còn đơn điệu.

Chậu nhựa: bền, nhẹ, thích hợp để treo tường, treo ở ban công. Nhược điểm của chậu nhựa là khó thoát nước, không thoáng khí nên phù hợp với loài cây ưa nước, ưa ẩm. Tuy nhiên, vì khả năng cách nhiệt kém, không nên để chậu nhựa ở nơi có ánh nắng trực tiếp, nắng chiều gay gắt (sẽ làm nóng bầu đất và cháy rễ) hoặc cần được che phủ vào mùa Đông ở miền Bắc, tránh để rễ cây bị lạnh.

Chậu gốm sứ: màu sắc, kiểu dáng đa dạng, giữ ẩm tốt, thích hợp trồng những loài cây ưa ẩm. Tuy nhiên, khả năng thoát nước và thoáng khí kém nên bạn sẽ khó nắm bắt được tình trạng khô ẩm của cây.

Chậu gỗ: khả năng chịu nhiệt, chịu lạnh và giữ ẩm tốt, phù hợp với những loài cây cần nhiều nước. Tuy nhiên, chậu dễ bị mục khi tiếp xúc nhiều với nước.

cách trồng hoa
Ảnh: Unsplash/ Nathalie Klippert

2. chọn đất

Công việc này cực kỳ quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Đối với cây trồng trong chậu, bạn nên sử dụng đất hữu cơ (hỗn hợp đất có chứa xơ dừa, than bùn, tro trấu, đá Vermiculite, phân hữu cơ…) đã được xử lý bằng công nghệ cao và hòa trộn với tỷ lệ thích hợp. Tránh sử dụng đất trong sân vườn vì có khả năng còn lẫn hạt cỏ dại, côn trùng và nấm bệnh gây hại cho cây.

hướng dẫn cách trồng hoa
Ảnh: Pexels/ cottonbro

3. chọn loài hoa bạn muốn trồng

Khi chọn cây, bạn hãy cân nhắc điều kiện không gian sống của mình. Đừng cố gắng trồng các loài hoa như hoa hồng (cần có đủ ánh nắng 6h/ ngày) ở nơi chỉ có ánh nắng vào sáng sớm. Bạn có thể xin lời khuyên từ bạn bè, người quen hoặc tìm hiểu trên mạng thông qua các blog làm vườn để chọn loại cây phù hợp.

Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng mỗi chậu cho một loại cây. Nếu bạn muốn trồng nhiều loại cây trong một chậu, hãy đảm bảo chúng đều cần điều kiện ánh sáng và độ ẩm tương tự nhau. Đừng trồng cây xương rồng và hoa pansy trong cùng một chậu và mong chờ chúng phát triển như nhau.

hướng dẫn trồng hoa tại nhà
Ảnh: Pexels/ ArtHouse Studio

4. chuẩn bị đất trồng trong chậu

Nếu chậu cây lớn, hãy đặt nó ở vị trí bạn muốn trước khi đổ đất vào vì chậu cây sau khi có đất sẽ rất nặng, khó di chuyển. Đặt bộ lọc cà phê hoặc mảnh gốm vỡ ở đáy chậu để ngăn đất không bị trôi ra ngoài mà vẫn có thể thoát nước.

Bạn cần làm ướt đất và trộn đều trước khi cho vào chậu. Không nên đổ đất đầy chậu vì như vậy khi tưới, cây vừa không hấp thụ được mà nước còn bị tràn ra ngoài. Thông thường, khoảng cách từ mặt đất trồng đến mép thành chậu nên khoảng 2,5 cm. Trước khi trồng, bạn hãy vỗ nhẹ mặt đất cho kín các kẽ hở trong chậu, lưu ý không nên vỗ mạnh tay.

cách trồng hoa và chăm sóc hoa
Ảnh: Pexels/ cottonbro

5. tiến hành trồng hoa

Cẩn thận nghiêng chậu và nhấc cây ra đặt vào chậu mới. Để quá trình diễn ra dễ dàng và tránh làm hại tới bộ rễ của cây, bạn có thể tưới nước vào chậu ít nhất 1 giờ trước khi di chuyển cây ra khỏi chậu. Chú ý không được kéo thân cây vì sẽ làm gãy cành nhánh. Nếu bầu cây bị kẹt, gõ xung quanh thành chậu, sau đó từ từ nhấc cây ra khỏi chậu. Nếu rễ quấn chặt vào bầu cây, hãy dùng ngón tay nới lỏng hoặc dùng con dao nhỏ cắt một ít phần rễ để giúp cây nhanh bén rễ mới và phát triển tốt hơn.

Bước tiếp theo là tiến hành trồng cây vào chậu mới. Cẩn thận thêm đất vào chậu và nhẹ nhàng dùng tay nén đất xung quanh bầu cây. Nếu bạn trồng nhiều cây trong một chậu, hãy đặt chúng cách xa nhau ít nhất 2,5 cm để bạn có thể đổ thêm đất vào ở giữa. Sau khi cây đã được cố định, bạn cần tưới nước để đảm bảo đất trong chậu được ẩm đều.

cách trồng hoa tại nhà
Ảnh: Pexels/ Gary Barnes

cách chăm sóc chậu hoa sau khi trồng

tưới nước

Vào mùa Xuân, khi thời tiết ấm áp, bạn có thể tưới nước một lần một tuần. Khi đến mùa Hè, thời tiết nóng nực sẽ làm cho nước bốc hơi nhanh hơn, vì vậy cây sẽ cần nhiều nước hơn để tiếp tục phát triển. Đối với những chậu cây nhỏ treo trên tường, bạn có thể tưới nước hai lần một ngày vào buổi sáng và buổi tối, một lần một ngày đối với những chậu cây lớn hơn. 

Tưới nước cho đến khi bạn nhìn thấy nước chảy ra từ những cái lỗ dưới đáy chậu, đó là dấu hiệu cho thấy toàn bộ đất trong chậu đã được làm ẩm. Bạn cần lưu ý tưới nước lên mặt đất, không nên tưới lên tán lá hay hoa bởi nước đọng trên lá có thể dẫn đến nấm mốc và đôi khi xuất hiện những đốm bị cháy xém trên lá cây.

Đừng lo lắng nếu cây của bạn trông héo úa ở những thời điểm nóng nhất trong ngày. Đây là cơ chế tự bảo vệ của cây để tránh bị mất nước ở vùng rễ. Chỉ cần bề mặt đất còn ẩm, bạn không cần phải tưới thêm nước.

Đừng để chậu cây ngập trong nước vì điều này có thể khiến rễ cây bị thối và chết. Nếu bạn dùng đĩa hứng nước, hãy đổ nước ở trong đĩa sau khi bạn tưới cây và sau khi trời mưa.

hướng dẫn trồng hoa
Ảnh: Pexels/ cottonbro

bón phân

Cây trồng trong chậu cần bón phân nhiều hơn cây trên mặt đất vì càng tưới nhiều nước, các chất dinh dưỡng sẽ càng nhanh bị trôi khỏi đất. Chính vì vậy, bạn cần theo dõi thời gian để bón phân định kỳ cho chậu cây của mình. Cách bón phân thông thường là hòa tan phân bón trong bình tưới theo tỷ lệ và hướng dẫn của nhà sản xuất. Nếu bạn không có nhiều thời gian chăm sóc cây trồng, bạn có thể sử dụng loại phân tan chậm, có chứa các chất dinh dưỡng được phân giải từ từ.

cắt tỉa

Để kích thích quá trình sinh trưởng và nở hoa của cây, bạn có thể cắt bớt những cành lá nhỏ, cành già, loại bỏ mầm thừa, ngắt những bông hoa tàn. Điều này không chỉ giúp cây phát triển tốt hơn nhờ hấp thụ đủ chất dinh dưỡng cần thiết mà chậu hoa của bạn sẽ trông đẹp mắt, gọn gàng hơn.

hướng dẫn trồng hoa cho người mới bắt đầu
Ảnh: Pexels/Gary Barnes

một số mẹo giữ cho cây của bạn luôn khỏe mạnh và phát triển tốt

  • Ngắt bỏ những bông hoa bị héo úa. Điều này sẽ giúp cho chậu hoa của bạn trông sạch sẽ và gọn gàng, kích thích sự phát triển của những bông hoa mới.
  • Cắt bỏ cuống lá của những chiếc lá bị úa vàng.
  • Đặt chậu cây ở nơi thoáng đãng, có đủ ánh sáng mặt trời.
  • Không đặt cây gần ống dẫn khí hoặc bếp vì dễ gây cháy cây hoặc cây sẽ nhanh bị mất nước.
  • Giữ đất luôn ẩm. Bạn có thể dùng ngón tay ấn xuống đất khoảng 3-5 cm để biết được đất ẩm hay khô.
  • Sử dụng phân bón chuyên dùng cho cây trồng trong nhà để giữ cho cây khỏe mạnh, tránh mầm mống sâu bệnh.
trồng hoa tại nhà
Ảnh: Unsplash/ Micheile Henderson

Sở hữu những chậu hoa xinh xắn không chỉ khiến cho ngôi nhà của bạn trở nên ấm cúng, đẹp mắt hơn mà còn giúp bạn cảm thấy thư giãn, thoải mái hơn trong những ngày làm việc tại nhà.

Nhóm thực hiện

Bài: Hải Linh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: realsimple, mygardenlife

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)