Là một phụ nữ mũm mĩm, duyên dáng, pha trộn một cách tài tình giữa ăn chơi, dễ dãi với đảm đang, tháo vát, Z bao giờ cũng đến cơ quan sớm nhất, cùng lúc với chị làm tạp vụ, pha sẵn ấm trà cho cánh đàn ông, bình nhân trần ủ cho cánh phụ nữ, thay hoa mới cho phòng… Cứ 8 giờ sáng, mọi người đến đã thấy Z ngồi ở sofa thong dong đọc báo, trong cái gạt tàn trước mặt là đầu lọc điếu thuốc cô vừa hút xong, để hờ hững mà phô bày khéo léo. Ngày nào vắng Z, cả phòng thiếu sinh khí. Những buổi trưa, buổi chiều có cô bao giờ cũng trôi qua nhẹ nhõm, việc gì cũng xong, xen kẽ là những cuộc ăn vặt do cô tổ chức mà phòng ban nào cũng có thể tham dự.
Z lại xinh, mắt long lanh.
Z có thể gọi là hoàn hảo, trừ những dịp đi chơi của cơ quan hay đám cưới, đám tiệc. Vào đúng những lúc người ta tưởng có thể tranh thủ sự tự do của Z nhất, cùng cô lên rừng xuống biển hoặc uống rượu thâu đêm thì cô dắt theo… đứa con trai. Đó là một thằng bé bốn tuổi, im lìm lìm, lúc nào cũng một tay bám áo mẹ. Nó không đòi hỏi gì cả, chỉ chốc chốc lại thì thầm vào tai mẹ, và Z mắt long lanh “thông ngôn” lại với mọi người, “Bim đòi đi đái/rửa chân/uống nước/ra kia chơi.”. Cuộc vui thế là chốc chốc phải dừng lại để Z thực hiện “thiên chức mẹ”. Nhưng thế còn đỡ, có khi Z dắt theo cả đứa lớn 8 tuổi. Thằng bé ngồi nghe như nuốt từng lời các chú, và các chú nói đùa gì cũng khó, vì trẻ con thời này nó hiểu rất nhanh, nhất là chuyện bậy, mà các chú thì chỉ biết nói chuyện bậy.
Rất nhiều phụ nữ giống Z. Tất cả đều mắc một trong hai (hoặc cả hai) quan niệm sai lầm, đó là: Ai cũng sẽ thấy con mình ngộ nghĩnh. Ai cũng sẽ thấy mình nữ tính khi mình chăm sóc con.
Sai lầm đầu là một sai lầm đáng yêu và có biết cũng khó mà sửa (Các bà mẹ vốn u mê mà!). Chưa kể là trong một số trường hợp bất khả kháng đành phải dẫn con theo như nhà không có ai trông chẳng hạn. Nhưng sai lầm thứ hai là một sai lầm đáng ghét, vì đó là sai lầm của một diễn viên: muốn trình diễn màn mẫu tử để người khác thấy mình đủ đầy, viên mãn, là nữ tính, là chu toàn; có khi là để các ông không có con trai trong cơ quan phải nhỏ dãi, để các “mụ” không con trai phải lồng lộn, hay để các cô đồng nghiệp muộn chồng, chưa con phải tức vì ganh.
Nhưng trẻ con luôn luôn là một đạo cụ tồi (chẳng phải chúng ta vẫn hay bị “chúng nó” làm cho mất mặt trước đám đông sao?). Dù “diễn viên mẹ” có duyên dáng và khéo xử đến mấy cũng khó mà chống đỡ kịp trước những phản ứng bất ngờ và quá thẳng thắn của chúng. Mỗi đứa trẻ là một quả bom nổ chậm trong cuộc vui của đám người lớn. Chúng làm người xung quanh căng thẳng vì không theo một nguyên tắc hành xử nào cả, sẵn sàng đưa ra những nhận xét mà người lớn không ai lại nói ra trắng phớ với nhau! Cái sự căng thẳng ấy khiến cho cuộc vui mất vui, dưới mắt người ngoài đứa trẻ bớt đáng yêu và người mẹ thành đáng ghét, hết cả hấp dẫn. “Mẫu tử thì về nhà mà mẫu tử!”. Mang theo một đứa trẻ thực ra cũng gây chán ngán như vác theo một cụ già. Ai nấy phải tỏ ra dễ thương một cách bất đắc dĩ, không lại mang tiếng là thô lỗ. Nhưng việc trẻ con làm phiền thì ghét trẻ con thôi, sao lại khiến người mẹ thành bớt hấp dẫn?
Nhà văn và nhà nữ quyền Betty Friedan từng nói: “Khi thôi uốn mình theo cái hình ảnh mà xã hội gọi là nữ tính, người ta cuối cùng mới được sung sướng sống đời đàn bà”. Nhiều phụ nữ lại cũng hay lầm, cứ tưởng nữ tính thể hiện rõ nhất là lúc mặc áo dài, cắm hoa, hay dịu dàng tỉa cà rốt; cũng như nhiều nam giới cũng cứ lầm, tưởng nam tính là đi khuỳnh khuỳnh, tay gồng căng, uống rượu, nói năng vẻ bất cần. Cho nên những anh chàng dịu dàng, ít nói cuối cùng lại hay thắng cuộc, cũng như lắm cô “mặt rỗ” nhưng tế nhị, chu đáo trong những việc không tên lại có lắm chàng theo.
Nữ tính có lẽ là thứ phải rất tự nhiên, phải như “không”, nhẹ nhõm. Nó là một thứ Trời cho, có muốn cũng không được (và nếu Trời không cho thì các chị em cứ vui sống với nam tính mà mình có, đã sao nào!) Chừng nào còn gồng mình diễn những màn đan áo cho con trong cuộc nhậu, hay điện thoại nựng nịu con trước đám đông, chừng ấy người phụ nữ vẫn còn phải “diễn”, và đã diễn thì không còn tự nhiên, uyển chuyển. Chưa kể là khi dồn hết sự chăm sóc vào cho “đạo cụ-con” thì “diễn viên-mẹ” đã chẳng còn quan tâm, chú ý đến người ngoài. Mà đàn ông thì ích kỷ lắm, trừ phi bạn là người mà anh ta đang theo đuổi đến mụ mị cả người, còn không thì bạn chỉ được nhìn là nữ tính khi bạn ân cần, chăm sóc đến anh ta!
Cuối cùng, về mặt tế nhị rất người-với-người, ai đã có con cái rồi thì rất không nên phô trương cái khả năng đẻ con, nuôi con của mình ra, việc ấy có thể làm một số người kém may mắn hơn tủi thân. Và khi người ta đã tủi thân rồi, người ta sẽ chỉ thấy con bạn là quỷ con và bạn là “ác phụ”!
-“Nữ tính có lẽ là thứ phải rất tự nhiên, phải như “không” và nhẹ nhõm. Nó là một thứ trời cho, có muốn cũng không được”-
Bài: T.T – Ảnh: Tée Le – Chụp tại khách sạn Moevenpick
Phái đẹp – ELLE
Nhóm thực hiện